Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Đồng thời, triết lý phương thức đôi thường được vận dụng bởi những người sẽ không thể thành công nếu không hoàn thành những việc được coi là hời hợt. Chẳng hạn, Jung cần tiến hành khám lâm sàng để kiếm tiền thanh toán các hóa đơn và ngồi uống cà phê ở Zurich để kích thích tư duy. Cách tiếp cận chuyển đổi giữa hai phương thức sẽ thích hợp để phục vụ tốt cả hai nhu cầu này.

Nhằm tìm hiểu thêm một ví dụ hiện đại hơn về triết lý phương thức đôi trong thực tiễn, chúng ta có thể quay lại trường hợp của Adam Grant – Giáo sư trường Kinh doanh Wharton – người luôn cân nhắc cẩn thận thói quen làm việc mà tôi đã giới thiệu lần đầu trong Phần 1. Như bạn đã biết, lịch trình của Grant trong suốt thời kỳ được đề bạt lên giáo sư nhanh chóng tại Wharton là một ví dụ điển hình về nghiên cứu tình huống phương thức đôi. Xét theo quy mô năm học, ông thu xếp các khóa dạy của mình dồn vào một học kỳ để có thể tập trung làm việc sâu ở kỳ còn lại. Trong những kỳ làm việc sâu, ông đã áp dụng cách tiếp cận phương thức đôi hằng tuần. Có thể là một hoặc hai lần mỗi tháng, ông sẽ dành hai đến bốn ngày để thực hiện triết lý hà khắc. Grant sẽ đóng cửa phòng, cài đặt thư trả lời tự động trên e-mail, và say sưa nghiên cứu mà không hề bị ai làm phiền. Ngoài thời gian chuyên sâu này, Grant vẫn được biết đến là người rất cởi mở và dễ gần. Cuốn sách bán chạy nhất năm 2013 của ông có tựa đề Give and Take, trong đó khuyến khích việc sử dụng thời gian và sự chú ý mà không mong nhận được sự hồi đáp là một chiến lược quan trọng cho việc thăng tiến trong sự nghiệp.

Những người theo triết lý phương thức đôi khi làm việc sâu rất ngưỡng mộ năng suất làm việc của những người theo triết lý hà khắc, nhưng họ cũng tôn trọng giá trị mà mình nhận được từ các hành vi hời hợt trong công việc. Có lẽ trở ngại lớn nhất khi triển khai triết lý này là ngay cả thời gian làm việc sâu ngắn ngủi cũng đòi hỏi sự linh hoạt mà nhiều người vẫn lo rằng họ bị thiếu hụt trong công việc hiện tại. Nếu mới một giờ không kiểm tra hộp thư đã khiến bạn cảm thấy không yên, thì hẳn ý tưởng biến mất trong một ngày hoặc lâu hơn có vẻ sẽ không khả thi. Nhưng tôi ngờ rằng phương pháp làm việc theo phương thức đôi lại phù hợp với nhiều loại hình công việc hơn so với bạn nghĩ. Ví dụ như trước đó tôi đã mô tả nghiên cứu của Giáo sư Leslie Perlow thuộc trường Kinh doanh Harvard. Trong nghiên cứu này, một nhóm chuyên gia tư vấn quản lý đã được yêu cầu mỗi tuần làm việc phải có một ngày ngắt toàn bộ kết nối. Các chuyên gia e ngại rằng khách hàng sẽ tìm họ ráo riết nhưng hóa ra, khách hàng lại chẳng hề bận tâm. Cũng giống như trường hợp của Jung, Grant và Perlow, mọi người thường tôn trọng quyền ngắt liên lạc của bạn nếu những khoảng thời gian này được xác định rõ ràng và được thông báo cẩn thận, miễn sao ngoài những lúc đó, họ vẫn dễ dàng liên lạc với bạn là được.

Triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu

Hồi mới ra mắt chương trình Seinfeld, Jerry Seinfeld vẫn duy trì công việc của một diễn viên hài kịch với lịch trình biểu diễn bận rộn. Lúc đó, nhà văn kiêm diễn viên hài Brad Isaac, người vẫn đang biểu diễn tại các đêm giao lưu văn nghệ[30], đã tình cờ gặp Seinfeld tại một câu lạc bộ trong lúc chờ lên sân khấu. Isaac giải thích trong một bài báo rằng: “Tôi đã nhận ra cơ hội. Tôi hỏi Seinfeld xem ông ấy có lời khuyên nào dành cho một nhà soạn hài kịch trẻ tuổi không. Những gì ông ấy chia sẻ đã giúp ích cho tôi trong suốt cuộc đời.”

Những lời khuyên Seinfeld dành cho Isaac bắt nguồn từ những điều hết sức bình thường, “cách để trở thành một nhà soạn hài kịch giỏi hơn là viết nên những câu chuyện cười hay hơn” và rằng cách để tạo ra những câu chuyện cười hay hơn là phải viết hằng ngày. Seinfeld đã mô tả một kỹ thuật đặc biệt mà ông từng sử dụng để duy trì nghi thức này. Ông treo một tờ lịch trên tường. Ngày nào viết được truyện cười, ông sẽ đánh một dấu X đỏ lên vị trí của ngày đó trên tờ lịch. Seinfeld nói: “Sau vài ngày, anh sẽ có một chuỗi dài. Anh chỉ cần duy trì điều đó để chuỗi [dấu X] ngày một dài hơn. Anh sẽ thích nhìn thấy chuỗi này, đặc biệt là khi anh đã thực hiện đều đặn được vài tuần. Tiếp theo, nhiệm vụ duy nhất của anh là không phá vỡ chuỗi đó.”

Phương pháp chuỗi này (như cách một số người vẫn gọi) đã sớm trở thành mục tiêu của giới nhà văn và những người đam mê thể dục thể hình – những người cần phát triển khả năng liên tục để thực hiện những việc khó khăn. Xét về mặt mục đích, phương pháp này chính là ví dụ cụ thể về cách tiếp cận khái quát để đạt được sự chuyên sâu trong cuộc sống: triết lý nhịp nhàng. Theo triết lý này, cách dễ nhất để bắt đầu các buổi làm việc sâu là biến chúng trở thành một thói quen đơn giản. Nói cách khác, mục tiêu của chúng ta chính là tạo ra sự nhịp nhàng cho công việc này để bạn không cần phải tiêu tốn năng lượng vào việc quyết định xem có nên làm việc sâu hay không và khi nào thì nên làm. Phương pháp chuỗi là một ví dụ hay về triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu vì nó kết hợp kỹ thuật lập kế hoạch đơn giản (làm việc mỗi ngày) với cách nhắc nhở bản thân làm việc khá dễ dàng: Những dấu X đỏ lớn trên tờ lịch.

Một phương pháp phổ biến khác để thực hiện triết lý nhịp nhàng là thay thế sự hỗ trợ trực quan của phương pháp chuỗi bằng một loạt mốc thời gian cần thiết để làm việc sâu hằng ngày. Các phương pháp này có điểm chung là việc duy trì các chỉ số trực quan về tiến độ công việc có thể giúp hạn chế rào cản đối với làm việc sâu, loại bỏ kể cả các quyết định lên kế hoạch đơn giản nhất, chẳng hạn như thực hiện vào lúc nào trong ngày.

Hãy xem ví dụ về Brian Chappell, vị tiến sĩ luôn bận rộn mà tôi đã giới thiệu trong phần đầu. Chappell đã áp dụng triết lý nhịp nhàng khi lập kế hoạch làm việc sâu ngoài mức cần thiết. Trong thời gian tập trung viết luận án, anh đã được mời làm việc toàn thời gian tại trung tâm trong khuôn viên trường mà anh từng theo học. Xét về mặt công việc, đây quả là một cơ hội tốt và Chappell đã vui vẻ nhận việc. Nhưng xét về mặt học thuật, một công việc toàn thời gian, đặc biệt là khi anh đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng, sẽ khiến Chappell thật khó có thể tập trung đủ sâu để viết luận án.

Chappell bắt đầu bằng cách cố gắng ép bản thân phải tập trung sâu. Anh đưa ra nghi thức: Làm việc sâu cần được tiến hành trong khoảng thời gian 90 phút (vì anh nhận ra rằng sẽ khá mất thời gian để đi vào trạng thái tập trung) và cố gắng sắp xếp khoảng thời gian này sao cho phù hợp với kế hoạch của mình. Không có gì phải bất ngờ khi chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Trong một chương trình khởi động luận án mà Chappell tham dự năm ngoái, anh đã có thể viết được một chương hoàn chỉnh chỉ trong một tuần làm việc sâu nghiêm túc. Sau khi nhận công việc toàn thời gian, anh đã viết được thêm một chương nữa trong năm đầu tiên làm việc.

Chính quá trình viết trong năm đó đã thúc đẩy Chappell tiến hành phương pháp nhịp nhàng. Anh đề ra nguyên tắc phải tỉnh dậy và bắt đầu làm việc vào lúc 5 giờ 30 phút mỗi sáng. Sau đó, anh làm việc đến 7 giờ 30 phút, ăn sáng và đi làm để hoàn thành nghĩa vụ trong ngày. Sau khi trải qua giai đoạn đầu của quá trình, anh nhanh chóng đẩy thời gian thức dậy lên 4 giờ 45 phút để tăng cường tập trung sâu hơn vào buổi sáng.

Khi tôi phỏng vấn Chappell để lấy tư liệu viết cuốn sách này, anh đã mô tả phương pháp tiếp cận nhịp nhàng của mình khi lập kế hoạch làm việc sâu là “năng suất cao và không cảm thấy tội lỗi”. Anh đặt lộ trình viết bốn đến năm trang báo cáo mỗi ngày và có thể phác thảo các chương của luận án với tốc độ hai hoặc ba tuần một chương: Một năng suất phi thường đối với một người làm việc toàn thời gian. Anh kết luận: “Ai nói rằng tôi không thể sung sức như vậy? Tại sao không phải là tôi chứ?”

Triết lý nhịp nhàng mang đến sự tương phản thú vị so với triết lý phương thức đôi. Những người theo triết lý nhịp nhàng có thể không đạt được mức độ tư duy sâu mạnh mẽ nhất mà những người theo triết lý phương phức đôi thường tìm kiếm trong những lần tập trung suốt ngày dài. Tuy nhiên, đổi lại thì cách tiếp cận này lại hiệu quả hơn với bản chất con người. Bằng cách hỗ trợ làm việc sâu thông qua những thói quen vững chắc, thứ hẳn bạn ít nhiều cũng có thể hoàn thành được thường xuyên, thì lịch trình theo triết lý nhịp nhàng thường giúp bạn có thêm nhiều giờ chuyên sâu mỗi năm.

Bạn có thể tự lựa chọn giữa phương thức nhịp nhàng và phương thức đôi khi gặp các vấn đề trong việc lập kế hoạch. Nếu là Carl Jung và đang tham gia một cuộc tranh luận về tri thức với những người ủng hộ Sigmund Freud, có thể bạn sẽ không khó nhận ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm thời gian nhằm tập trung vào những ý tưởng của mình. Mặt khác, nếu bạn đang viết một đề tài khoa học mà không gặp áp lực với việc hoàn thành nó, thì bản chất thói quen của triết lý nhịp nhàng có thể là thứ cần thiết để duy trì tiến độ.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, đó không chỉ là vấn đề tự kiểm soát mang tính thiên kiến của họ đối với triết lý nhịp nhàng, mà còn là thực tế rằng một số công việc sẽ không cho phép bạn vắng mặt trong vài ngày khi cần tập trung sâu. (Đối với nhiều ông chủ, bạn có thể thoải mái tự do tập trung bao lâu tùy ý… miễn sao vẫn phản hồi kịp thời các e-mail của sếp.) Đây có thể là lý do lớn nhất lý giải tại sao triết lý nhịp nhàng lại là một trong những triết lý phổ biến nhất của những người vừa làm việc sâu vừa làm công việc văn phòng tiêu chuẩn.

Tác giả: