Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Trong Rapt, Gallagher đã tiến hành nghiên cứu khảo sát nhằm bổ trợ cho hiểu biết này về tâm trí. Ví dụ, bà trích lời của nhà tâm lý Barbara Fredrickson thuộc Đại học North Carolina, nhà nghiên cứu chuyên đánh giá nhận thức về cảm xúc. Nghiên cứu của Fredrickson cho thấy, sau khi trải qua một sự cố tồi tệ hay mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, bạn thường chọn tập trung vào những thứ có thể tạo thành đòn bẩy đáng kể nhằm thúc đẩy thái độ của chính mình. Những lựa chọn đơn giản này có thể mang lại “nút khôi phục” cho cảm xúc của bạn. Bà đưa ra ví dụ về cặp đôi thường cãi cọ về chuyện phân chia việc nhà không công bằng. Bà gợi ý: “Thay vì tiếp tục chăm chăm chú ý tới sự ích kỷ và lười biếng của đối phương, bạn có thể tập trung vào sự thật rằng ít ra xung đột âm ỉ này cũng đã được phát tiết, đó là bước đầu để giải quyết vấn đề và tiến tới cải thiện tâm trạng.” Điều này có vẻ giống lời hô hào đơn giản hãy nhìn vào mặt tích cực, nhưng Fredrickson thấy rằng, việc sử dụng khéo léo những “đòn bẩy” cảm xúc này có thể tạo ra kết quả khả quan đáng kể sau những sự kiện tiêu cực.

Các nhà khoa học có thể quan sát tác động rồi đánh giá chúng dựa trên quan điểm thần kinh học. Nhà tâm lý thuộc Đại học Stanford, Laura Carstensen, là một ví dụ. Bà đã sử dụng máy quét fMRI để nghiên cứu hành vi của não bộ lên các đối tượng được biểu hiện dưới dạng ảnh ảo tích cực và tiêu cực, và khám phá ra rằng, ở những người trẻ, hạch hạnh nhân của họ (trung tâm của cảm xúc) được đốt cháy bằng hoạt động ở cả hai loại ảnh ảo; trong khi ở những người lớn tuổi, hạch hạnh nhân chỉ được đốt cháy nhờ những hình ảnh tích cực. Carstensen đưa ra giả thuyết rằng, những đối tượng lớn tuổi đã rèn luyện lớp vỏ não trước trán để nó có thể ức chế hạch hạnh nhân khi có tác động tiêu cực. Những người này không hạnh phúc hơn vì điều kiện sống của họ tốt hơn những người trẻ; mà là do họ đã tổ chức lại não bộ để bỏ qua sự tiêu cực và tận hưởng sự tích cực. Nhờ khéo léo quản lý sự chú ý của bản thân, họ đã cải thiện thế giới của mình mà không cần thay đổi bất kỳ điều gì cụ thể.

Giờ thì chúng ta có thể quay lại và sử dụng lý thuyết quan trọng của Gallagher để hiểu rõ hơn về vai trò của làm việc sâu trong quá trình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Lý thuyết này nói rằng thế giới chính là kết quả được vun đắp từ những gì bạn chú ý, vì vậy, hãy thử nghĩ xem thế giới tinh thần của bạn sẽ ra sao khi bạn luôn cố gắng, nỗ lực hết mình. Làm việc sâu luôn có sức hấp dẫn và tầm quan trọng cố hữu – cho dù bạn là Ric Furrer đang rèn thanh gươm hay một lập trình viên máy tính đang tối ưu hóa một thuật toán. Do đó, lý thuyết của Gallagher dự đoán rằng nếu bạn dành đủ thời gian cho làm việc sâu, bạn sẽ biết rằng thế giới rất giàu ý nghĩa và quan trọng.

Tuy nhiên, còn có một lợi ích tiềm ẩn khác cũng không kém phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sự tập trung suốt một ngày làm việc: Sự tập trung sẽ chặn đứng sự hời hợt và ngăn không cho bạn để tâm đến những điều nhỏ nhặt và không vui – những thứ luôn đeo bám và không ngừng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. (Nhà tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi, người mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong phần tiếp theo, đã nhận ra điều này khi ông nhấn mạnh lợi ích của việc rèn luyện “tập trung cao độ tới mức bạn không còn chú ý đến bất kỳ điều gì không liên quan hay lo lắng về vấn đề nào khác”.)

Để giúp bạn hiểu rõ nhận xét này hơn, tôi sẽ lấy bản thân làm ví dụ. Hãy xem xét năm e-mail cuối cùng tôi đã gửi trước khi bắt đầu viết bản thảo đầu tiên của chương này. Dưới đây là những chủ đề của e-mail và tóm tắt nội dung của chúng:

  • Trả lời: KHẨN CẤP: Xác nhận Đăng ký Thương hiệu calnewport. E-mail này là lời phản bác một trò lừa đảo tầm thường: Một công ty đang cố gắng lừa các chủ sở hữu trang web đăng ký tên miền của họ ở Trung Quốc. Tôi rất bực mình khi phải nhận thư rác liên tục, vì thế, tôi đã hơi mất bình tĩnh và trả lời họ (dĩ nhiên, đây là việc thật vô nghĩa) rằng chiêu lừa đảo này sẽ thuyết phục hơn nếu họ viết đúng chính tả từ “trang web”.
  • Trả lời: S R. E-mail này là cuộc trò chuyện với một thành viên trong gia đình về một bài báo mà ông đã thấy trên tờ Wall Street Journal.
  • Trả lời: Lời khuyên quan trọng. E-mail này là cuộc trò chuyện về chiến lược đầu tư hưu trí tối ưu.
  • Trả lời: Chuyển tiếp: Study Hacks[24]. E-mail này là cuộc trao đổi về thời gian gặp gỡ một người bạn sẽ ghé thăm thành phố nơi tôi ở. Chúng tôi phải trao đổi qua lại nhiều lần để chốt thời gian vì lịch trình của anh ấy rất bận rộn.
  • Trả lời: Tò mò chút thôi! E-mail “tám chuyện” giữa tôi và đồng nghiệp về một số vấn đề tranh chấp khó chịu nơi công sở (những vấn đề thường xuyên và quá quen thuộc trong các lĩnh vực học thuật).

Những e-mail này đã cho chúng ta thấy một nghiên cứu tình huống điển hình về những mối quan tâm hời hợt làm phân tán sự chú ý của bạn trong môi trường làm việc tri thức. Một số vấn đề được trình bày trong các e-mail mẫu này khá vô hại, chẳng hạn như thảo luận về một bài báo thú vị. Nhưng một số e-mail lại có vẻ hơi căng thẳng và nghiêm trọng, chẳng hạn như cuộc trò chuyện về chiến lược tiết kiệm khi về hưu (đây là loại trò chuyện luôn kết thúc theo kiểu: Anh làm thế là không hay đâu). Còn một số tình huống khác lại khiến bạn chán nản, thất vọng, như cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn trong một lịch trình bận rộn. Và một số e-mail lại rất tiêu cực, chẳng hạn như phản ứng giận dữ với kẻ lừa đảo hoặc những cuộc thảo luận phiền phức về tranh chấp nơi công sở.

Nhiều người lao động trí óc dành hầu hết thời gian làm việc để tương tác, phản ứng với những mối quan tâm hời hợt này. Ngay cả khi họ được yêu cầu hoàn thành một việc đòi hỏi sự chú ý cao độ thì thói quen thường xuyên kiểm tra hộp thư đến cũng cho thấy chúng vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của họ. Gallagher đã chỉ ra rằng đây là cách sử dụng thời gian mỗi ngày vô cùng ngu ngốc, khiến tầm nhìn về quá trình làm việc bị sự căng thẳng, kích thích, thất vọng và tầm thường chi phối. Nói cách khác, cả thế giới sẽ được thu bé lại trong hộp thư đến của bạn, mà đó lại không phải là một nơi dễ sống.

Nếu cứ để cho sự chú ý trôi dạt trong chốn bồng lai của sự hời hợt, ngay cả khi các đồng nghiệp của bạn đều là thiên tài cũng như phản ứng của bạn luôn lạc quan và tích cực, bạn vẫn có nguy cơ rơi vào một cái bẫy thần kinh khác mà Gallagher đã chỉ ra: “Năm năm nghiên cứu về sự chú ý đã giúp tôi xác nhận một số sự thật không dễ chấp nhận [trong đó, có khái niệm] “nhàn cư vi bất thiện”… Khi bạn mất tập trung, hoặc quá nhàn rỗi, tâm trí của bạn có xu hướng làm những điều sai trái thay vì những điều đúng đắn.” Một ngày làm việc xoay quanh sự tập trung hời hợt có thể là một ngày lộn xộn và mệt mỏi, ngay cả khi hầu hết những điều hời hợt thu hút sự chú ý của bạn có vẻ vô hại, hoặc thậm chí là vui vẻ.

Những phát hiện này cho thấy một ý nghĩa rất rõ ràng. Trong công việc (và đặc biệt là những công việc có liên quan đến tri thức), để tăng thời gian tập trung cao độ, bạn cần tận dụng bộ máy phức tạp trong não bộ của con người, theo cách mà một vài nguyên nhân có liên quan đến thần kinh khác nhau sẽ tối đa hóa ý nghĩa và sự hài lòng trong công việc của bạn. Gallagher đã kết luận trong cuốn sách của bà rằng: “Sau khi vượt qua những trải nghiệm khó khăn [với căn bệnh ung thư]…, tôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho phần đời còn lại. Tôi thận trọng chọn mục tiêu… rồi dành toàn bộ sự chú ý cho những điều đó. Tóm lại, tôi sẽ sống một cuộc sống thật tập trung, bởi đó là cuộc sống tuyệt nhất.” Tốt hơn hết là chúng ta hãy nghe theo lời khuyên đó.

Lập luận dựa trên quan điểm tâm lý học về chiều sâu

Lập luận thứ hai về lý do tại sao chiều sâu lại tạo ra ý nghĩa xuất phát từ công việc của một trong những nhà tâm lý nổi tiếng nhất (và cũng sở hữu cái tên khó đọc nhất) thế giới, Mihaly Csikszentmihalyi. Vào đầu những năm 1980, Csikszentmihalyi làm việc cùng Reed Larson, một đồng nghiệp trẻ tuổi tại Đại học Chicago, để tìm ra một kỹ thuật mới nhằm thấu hiểu mức độ ảnh hưởng của tâm lý học đối với các hành vi thường ngày. Vào thời điểm đó, rất khó để đo lường chính xác tác động tâm lý của các hoạt động khác nhau. Nếu bạn đưa ai đó vào phòng thí nghiệm và yêu cầu người đó nhớ lại cảm giác của mình tại một thời điểm cụ thể cách đó nhiều giờ, họ sẽ không thể nhớ lại. Nhưng nếu bạn trao cho họ một cuốn nhật ký và yêu cầu họ ghi lại cảm xúc trong suốt cả ngày, có vẻ họ sẽ không thể theo dõi tất cả sự việc được – đơn giản là vì có quá nhiều việc xảy ra.

Csikszentmihalyi và Larson đã tạo ra bước đột phá trong việc tận dụng công nghệ mới (ở thời điểm đó) để đưa ra câu hỏi về sự việc ngay khi nó xảy xa. Cụ thể hơn, họ đã trang bị máy nhắn tin cho các đối tượng thử nghiệm. Những chiếc máy nhắn tin này sẽ kêu bíp bíp trong khoảng thời gian được chọn ngẫu nhiên (còn ở thời điểm hiện tại, các ứng dụng điện thoại thông minh giữ vai trò này). Khi tiếng bíp ngừng kêu, các đối tượng sẽ ghi lại những gì họ đang làm và cảm nhận của họ tại đúng thời điểm đó. Trong một số trường hợp, họ sẽ được cấp một cuốn sổ để ghi lại những thông tin này, trong khi những người khác sẽ được cấp điện thoại để gọi và trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Vì máy nhắn tin thỉnh thoảng mới kêu nhưng lại rất khó để lờ đi, nên các đối tượng có khả năng sẽ tuân theo quy trình thử nghiệm. Nhờ phản hồi về hoạt động được ghi lại vào đúng thời điểm đang diễn ra, nên các câu trả lời sẽ chính xác hơn. Csikszentmihalyi và Larson gọi phương pháp này là lấy mẫu kinh nghiệm (Experience Sampling Method – ESM). ESM mang lại cái nhìn sâu sắc chưa từng có về cách chúng ta thực sự cảm nhận nhịp đập của cuộc sống hằng ngày.

Tác giả: