Làm việc tập trung: Làm ra làm chơi ra chơi – Cal Newport

Quyết định nên tăng cường sự tập trung hay thúc đẩy sự bất ngờ may mắn đã chỉ ra rằng làm việc sâu (nỗ lực cá nhân) không hề phù hợp với việc tạo ra những tầm nhìn sáng tạo (nỗ lực mang tính hợp tác). Tuy nhiên, kết luận này vẫn còn thiếu sót. Tôi cho rằng nó được đưa ra dựa trên sự hiểu biết thiếu tường tận về lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Để củng cố luận điểm này, hãy xem xét nguồn gốc của quan điểm đặc biệt về những thứ thúc đẩy đột phá.

Lý thuyết này xuất phát từ nhiều nguồn còn đang gây tranh cãi và nhờ may mắn, tôi tình cờ biết đến một trong những nguồn nổi tiếng hơn cả. Trong suốt bảy năm ở MIT, tôi đã làm việc tại Tòa nhà số 20 nổi tiếng của Viện. Tòa nhà tọa lạc ở ngã tư giao cắt giữa phố Main và phố Vassar phía đông Cambridge, rồi cuối cùng bị phá hủy vào năm 1998. Nơi đây từng được dùng làm hầm trú ẩn tạm thời trong Thế chiến II, nhằm tránh sự lan tràn phóng xạ từ Phòng thí nghiệm Bức xạ của Viện. Theo một bài viết trên tờ New Yorker năm 2012, tòa nhà ban đầu được xem là một thất bại: “Hệ thống thông gió rất kém còn hành lang thì tối tăm. Các bức tường mỏng vẹt cùng mái nhà thủng lỗ chỗ khiến tòa nhà mùa hè thì oi bức, còn mùa đông thì lạnh lẽo.”

Tuy nhiên, sau chiến tranh, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đổ tới Cambridge. MIT cần có thêm không gian, vì vậy thay vì ngay lập tức phá hủy Tòa nhà số 20 như họ đã hứa với chính quyền địa phương (do việc cấp phép không nghiêm ngặt), họ tiếp tục sử dụng nó làm không gian mở rộng. Điều này đã làm nảy sinh sự bất cập giữa các khoa khác nhau, từ Khoa Khoa học Hạt nhân đến Khoa Ngôn ngữ học rồi Khoa Điện tử đều dùng chung tòa nhà thấp kế bên các tòa nhà đã được bí mật cho thuê làm cửa hàng máy móc và cơ sở sửa chữa đàn piano… Do tòa nhà được xây dựng với chi phí thấp, nên các nhóm có thể thoải mái sắp xếp lại không gian nếu cần. Tường và sàn có thể được dịch chuyển và gắn thiết bị vào dầm. Khi kể lại câu chuyện Jerrold Zacharias đã tạo ra chiếc đồng hồ nguyên tử đầu tiên ra sao, bài báo trên tờ New Yorker kể trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ hai tầng khỏi phòng thí nghiệm của Tòa nhà số 20 để Zacharias có thể lắp đặt xi-lanh ba tầng cần thiết cho thiết bị thử nghiệm của mình.

Tương truyền tại MIT, người ta tin rằng kết nối ngẫu nhiên giữa những nguyên tắc khác nhau tập hợp trong một tòa nhà lớn có thể tái cấu trúc sẽ mang lại cơ hội cũng như tinh thần sáng tạo để nhanh chóng tạo ra những thành quả đột phá, đổi mới với các chủ đề đa dạng như ngữ pháp của Chomsky, ra-đa điều hướng của Loran và trò chơi điện tử. Tất cả chúng đều được sáng tạo trong vài thập niên phát triển thời hậu chiến tranh. Cuối cùng, khi tòa nhà bị phá hủy để nhường chỗ cho Trung tâm Stata do Frank Gehry thiết kế trị giá 300 triệu đô-la (tôi thường dành thời gian ở đây), mất mát ấy thật đáng tiếc. Để tưởng nhớ “cung điện bằng gỗ dán”, thiết kế nội thất của Trung tâm Stata gồm toàn các ván gỗ chưa được gia công hoàn chỉnh và những mảng bê-tông còn đang xây dang dở.

Trong khi Tòa nhà số 20 được xây dựng gấp rút, người ta cũng theo đuổi tính sáng tạo bất ngờ này theo cách có hệ thống hơn ở một nơi khác cách đó hơn 300km về phía Tây Nam đồi Murray, New Jersey. Chính tại đây, Mervin Kelly, Giám đốc Bell Labs, đã chỉ đạo xây dựng một ngôi nhà mới làm phòng thí nghiệm nhằm khuyến khích sự tương tác khi bố trí nhiều nhà khoa học và kỹ sư ngồi chung một khu làm việc. Kelly đã bác bỏ hướng tiếp cận theo phong cách đại học tiêu chuẩn thể hiện qua việc bố trí các phòng ban khác nhau trong các tòa nhà khác nhau. Ông cho gộp chung các không gian thành một cấu trúc liền kề với những hành lang nối dài – một số hành lang dài đến nỗi khi đứng ở đầu này, bạn sẽ không nhìn thấy điểm cuối của đầu kia. Thư ký của Bell Labs, Jon Gertner, đã nhận xét về thiết kế này như sau: “Nếu đi hết chiều dài của hội trường, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều người quen, nhiều vấn đề, nhiều trò vui và ý tưởng, mọi thứ hầu như đều khả thi. Một nhà vật lý trên đường tới nhà ăn ăn trưa chẳng khác nào một thỏi nam châm lăn qua đống sắt vụn vậy.”

Chiến lược này, kết hợp với quá trình tuyển dụng mạnh mẽ những bộ óc ưu việt hàng đầu thế giới của Kelly đã tạo ra sự đổi mới tập trung nhất trong lịch sử nền văn minh hiện đại. Nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, cùng với các thành tựu khác, phòng thí nghiệm đã tạo ra: pin năng lượng mặt trời đầu tiên, la-ze, vệ tinh truyền thông, hệ thống thông tin di động và mạng cáp quang. Đồng thời, các nhà lý luận đã xây dựng cả lý thuyết thông tin và lý thuyết mã hóa, các nhà thiên văn học đã giành giải Nobel với học thuyết Big Bang và quan trọng hơn hết, các nhà vật lý đã phát minh ra tranzito.

Nói cách khác, những dẫn chứng lịch sử có vẻ đã chứng minh được tính đúng đắn của lý thuyết sáng tạo bất ngờ. Chúng ta có thể tự tin tranh luận rằng tranzito cần Bell Labs và nó có khả năng kéo các nhà vật lý bán dẫn, các nhà học thuyết lượng tử và các nhà triết học thực nghiệm đẳng cấp thế giới đến một tòa nhà, nơi họ có thể gặp gỡ và học hỏi chuyên môn lẫn nhau. Đây có lẽ không phải là phát minh của riêng một nhà khoa học có tư duy sâu trong bối cảnh học thuật tương tự như tòa tháp đá của Carl Jung.

Nhưng ở đây, chúng ta cần nhiều hơn thế để hiểu rõ điều gì đã thực sự tạo ra sự đổi mới ở những nơi như Tòa nhà số 20 và Bell Labs. Để làm được điều đó, hãy quay trở lại với trải nghiệm của chính tôi tại MIT. Khi đến đây với vai trò nghiên cứu sinh vào mùa thu năm 2004, tôi thuộc lứa học viên đầu tiên được đặt chân đến Trung tâm Stata, nơi thay thế cho Tòa nhà số 20 cũ. Vì trung tâm mới thành lập, nên học viên mới đã được đưa đi tham quan các khu chức năng của nó. Chúng tôi biết Frank Gehry đã sắp xếp các văn phòng xung quanh không gian chung và áp dụng cầu thang mở giữa các tầng liền kề nhằm thúc đẩy những cuộc gặp tình cờ từng phát huy hiệu quả với thế hệ đi trước. Nhưng những gì thực sự gây ấn tượng với tôi lúc đó là một điểm đặc trưng không nằm trong chủ ý của Gehry nhưng gần đây đã được khoa bổ sung: Các miếng đệm đặc biệt được lắp vào khung cửa văn phòng để tăng cường khả năng cách âm. Các giáo sư tại MIT – một số là những nhà cải cách công nghệ hàng đầu thế giới – không muốn làm gì trong không gian làm việc kiểu văn phòng mở như thế này. Thay vào đó, họ cần điểm đặc trưng có thể tạo điều kiện để họ làm việc riêng tư.

Các văn phòng cách âm này được kết nối với các khu vực chung lớn, tạo ra kiến trúc mới lạ theo mô hình trục bánh xe-và-nan hoa, hữu ích với cả cuộc gặp gỡ bất ngờ và tư duy sâu tách biệt. Đó là một thiết kế dàn trải, nơi chúng tôi có thể tìm được nhà tư tưởng độc lập, tách biệt với nguồn cảm hứng mà vẫn không bị phân tâm, và ở một thái cực khác là các nhà tư tưởng hoàn toàn hợp tác trong không gian mở, tuôn trào cảm hứng nhưng hoàn toàn có thể tập trung tư duy sâu khi cần thiết.[33]

Hãy quay lại với Tòa nhà số 20 và Bell Labs, chúng ta sẽ thấy đây là kiểu kiến trúc được triển khai hiệu quả. Không có tòa nhà nào trông giống như thiết kế văn phòng có không gian mở hiện đại. Thay vào đó, chúng được xây dựng theo bố cục chuẩn của các văn phòng riêng được kết nối bằng hành lang chung. Kỹ thuật sáng tạo thú vị ở chỗ các tòa văn phòng đều dùng chung một không gian nối dài – buộc các nhà nghiên cứu phải tương tác bất cứ khi nào họ cần di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.

Do đó, chúng ta có thể bác bỏ khái niệm cho rằng văn phòng mở đã phá hoại sự chuyên sâu nhưng không làm mất đi sự đổi mới của sáng tạo bất ngờ. Vấn đề là chúng ta phải duy trì được cả hai yếu tố này theo cách sắp xếp trục bánh xe-và-nan hoa: Thể hiện ý tưởng trên “trục” thường xuyên, nhưng vẫn duy trì “nan hoa” để làm việc sâu khi có vấn đề cần giải quyết.

Tuy nhiên, làm việc một mình không hẳn lúc nào cũng là chiến lược tốt nhất. Ví dụ, hãy xem xét phát minh đã được đề cập trước đó về (điểm-tiếp-xúc) tranzito tại Bell Labs. Đột phá này là thành quả to lớn của một nhóm đông đảo các nhà nghiên cứu, tất cả đều có chuyên môn riêng cùng liên kết với nhau để hình thành nhóm nghiên cứu vật lý bán dẫn – phát minh ra một vật dụng thay thế ống chân không nhỏ hơn và chắc chắn hơn. Những cuộc trao đổi nhóm chính là điều kiện tiên quyết để hình thành nên tranzito: Một ví dụ rõ ràng về tính hữu ích của hành vi theo kiểu “nan hoa”.

Khi nhóm nghiên cứu thiết lập nền tảng tri thức cho yếu tố này, thì quá trình đổi mới đã chuyển sang một nan hoa. Tuy nhiên, điều khiến quá trình đổi mới đặc biệt này trở nên thú vị là ngay cả khi đã chuyển sang chế độ “nan hoa”, nó vẫn mang tính hợp tác. Có hai nhà nghiên cứu tách biệt – nhà triết học thực nghiệm Walter Brattain và nhà lý thuyết lượng tử John Bardeen. Vào năm 1947, chỉ trong một tháng, họ đã tạo ra một loạt các đột phá dẫn đến tranzito bán dẫn thành công đầu tiên.

Brattain và Bardeen đã làm việc cùng nhau suốt thời gian này trong một phòng thí nghiệm nhỏ, kề vai sát cánh, cùng hỗ trợ nhau tiến bộ hơn và đưa ra những thiết kế hiệu quả hơn. Họ chủ yếu làm việc sâu – nhưng là một loại chuyên sâu chúng ta chưa từng gặp. Brattain sẽ tập trung cao độ tạo ra thiết kế thử nghiệm có thể tận dụng những hiểu biết về học thuyết mới nhất của Bardeen; sau đó, Bardeen sẽ tập trung cao độ để rút ra kết luận từ các thử nghiệm mới nhất của Brattain, cố gắng mở rộng khung lý thuyết của mình sao cho phù hợp với các quan sát. Sự tương trợ qua lại này thể hiện một hình thức hợp tác làm việc sâu (thường phổ biến trong môi trường học thuật) thúc đẩy những gì mà tôi gọi là hiệu ứng bảng trắng. Đối với một số loại vấn đề, trao đổi bảng trắng có thể thúc đẩy bạn tập trung sâu hơn khi làm việc một mình. Sự xuất hiện của một bên khác đang đợi sáng kiến mới từ bạn – có thể là ai đó có mặt trong phòng hay thực sự muốn hợp tác với bạn – có thể hạn chế bản năng tự nhiên muốn trốn tránh làm việc sâu của bạn.

Tác giả: