Ác quỷ Nam Kinh – Mo Hayder

Chương 23

Tôi không tài nào ngủ được. Bức ảnh trong tập tài liệu của Sử Trùng Minh ám ảnh tôi, làm tôi trằn trọc suốt đêm, khiến tôi tự hỏi tôi sẽ sẵn sàng tiến xa tới đâu để thỏa mãn ông. Và nếu không phải “việc tô điểm tội ác” của mụ Y Tá thì lại đến lượt những ý nghĩ về Jason quấy rầy tôi, khiến cả người tôi có cảm giác như bị điện giật, không tài nào ngủ yên được. Thỉnh thoảng, vào những lúc anh ta tình cờ xuất hiện ở những nơi tôi ít chờ đợi nhất, như trong hành lang bên ngoài phòng tôi hay ở quầy bar khi tôi đến lấy cốc sạch, lặng lẽ quan sát tôi bằng đôi mắt điềm tĩnh của anh ta, tôi lại tự nhủ rằng anh ta đang tìm cách khiêu khích tôi, đang dàn dựng một điệu vũ đôi để tiêu khiển, nhảy múa xung quanh tôi trong bóng tối của ngôi nhà, hàng đêm lướt trong hành lang như một anh hề đeo mặt nạ. Nhưng cũng có những lúc, nhất là khi anh ta nhìn tôi khi chúng tôi đi bộ từ câu lạc bộ về nhà, thì tôi có cảm giác là anh ta đang cố gắng nhìn thấu tôi, cố gắng nhìn thấy những thứ đằng sau quần áo của tôi. Bụng tôi lại quặn lên một cảm giác khó tả, tôi phải siết chặt đai lưng, dựng cổ áo khoác lên, khoanh tay và rảo bước nhanh hơn, để anh ta rớt lại phía sau và chỉ có tập trung nghĩ đến những lời châm chọc của hai chị em sinh đôi.

Căn nhà dường như ngày càng trở nên hiu quạnh. Một sáng nọ, vài hôm sau khi tôi đến gặp Sử Trùng Minh, tôi thức dậy khá sớm và nằm trên giường lắng nghe sự yên tĩnh của ngôi nhà, cảm nhận một cách sâu sắc các căn phòng đang uể oải vươn mình xung quanh tôi, những tấm gỗ trên sàn cọt kẹt, những góc nhà không ai lau dọn, đầy ắp những bí ẩn và có lẽ cả những cái chết bất ngờ. Những căn phòng khóa kín chưa một ai dám bước vào. Những người khác vẫn đang ngủ và đột nhiên tôi cảm thấy không thể chịu đựng sự im lặng này thêm được nữa. Tôi trở dậy dùng bữa sáng với cà phê đặc và món vịt hầm lê kiểu Trung Quốc, thay một chiếc đầm bằng vải lanh rồi thu gom đống giấy tờ và những quyển sách bằng chữ kanji của mình, và mang tất cả xuống vườn.

Trời hôm nay ấm áp và yên tĩnh hơn thường lệ – gần như tiết trời mùa hè. Một trong những buổi sáng mùa thu trong vắt, trong vắt đến độ chỉ sợ thả tay ra là mọi thứ sẽ bị cuốn lên trời và biến mất mãi mãi. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra bầu trời Nhật Bản lại xanh trong đến thế. Những chiếc ghế xếp vẫn nằm tại nơi hai chị em người Nga đã ngồi tán chuyện hồi mùa hè, xung quanh rải rác những đầu mẩu thuốc lá. Tôi đặt sách vở xuống một chiếc ghế rồi quay sang nhìn xung quanh. Bên cạnh ao sen là dấu vết còn lại của một đường mòn cũ – những phiến đá lát trang trí xếp dọc lối đi, chạy ngoằn ngoèo dưới các bụi cây dẫn về phía dãy phòng bị khóa kín. Tôi bước dọc theo con đường, hai tay dang ra như đi trên cầu thăng bằng. Con đường dẫn tôi đi quanh hồ, đi qua chiếc đèn đá và chiếc ghế đá bước tới khu vực mà Sử Trùng Minh có vẻ ấn tượng sâu sắc. Tôi đến bên rìa bụi cây và dừng lại, nhìn xuống dưới chân.

Con đường xuyên qua đám cây cối, nhưng tôi dừng lại trên một phiến đá lát đường, nằm ngay giữa nó là một hòn đá màu trắng to bằng nắm tay, được buộc lại bằng những sợi rơm đã mục. Trong vườn của người Nhật mọi thứ đều được mã hóa và có những quy tắc riêng, một hòn đá đặt trên một phiến đá lót đường là dấu hiệu rõ ràng cho khách khứa: Không được tiến thêm. Đây là khu vực cấm. Tôi đứng nhìn chăm chăm vào đó một lúc, tò mò không biết khu vực này có gì bí mật. Mặt trời đã khuất sau một đám mây, và tôi xoa tay, bất chợt cảm thấy lạnh. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn phá vỡ luật lệ ở một nơi không phải là nhà bạn? Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước qua viên đá đó.

Tôi dừng lại, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Một con chim nhỏ bay vụt lên cành cây, ngoài ra, cả khu vườn vẫn tĩnh lặng. Chú chim đậu trên cành, dường như đang quan sát tôi, và tôi cũng nhìn lại. Rồi, nhận ra cái nhìn chằm chằm của nó, tôi quay người và tiếp tục đi xuyên qua đám rễ và bóng cây, tiến về phía những căn phòng bị khóa kín cho đến khi tôi nhận ra mình đang đứng cạnh một bức tường nơi tôi có thể nhìn xuyên suốt chiều dài của ngôi nhà đến những ô cửa sổ bị niêm phong, cây leo chằng chịt. Tôi bước qua một cành cây gẫy và lại gần một tấm lưới bảo vệ, gí mũi vào đó. Tôi có thể ngửi thấy mùi bụi và mùi ẩm mốc trong các căn phòng bị khóa kín. Mọi người nói rằng khu tầng trệt này bị ngập nước và rất nguy hiểm. Jason có nói là khoảng mấy tháng trước, anh ta đã từng tới đây. Chỉ toàn là rác rưởi và những thứ mà anh ta không muốn lại gần. Hệ thống ống nước bị phá hủy trong các trận động đất nên một số phòng đã biến thành hồ nước ngầm.

Tôi quay trở lại phía bên kia khu vườn và nghĩ tới những lời của Sử Trùng Minh: Tương lai của nó đang chờ được khám phá. Tương lai của nó đang chờ được khám phá. Tôi có một cảm giác vô cùng kỳ quái. Cảm giác rằng tương lai của khu vườn này đã quy tụ tại khu vực tôi đang đứng, khu vực xung quanh chiếc đèn đá.

Chương 24

史 Nam Kinh, ngày 14 tháng Mười hai năm 1937

Sự thật được truyền đi từ đài phát thanh. Không phải tin tốt. Hôm qua, sau vụ nổ ở cổng thành Trung Sơn, quân đội Thiên hoàng Nhật Bản tràn vào thành phố qua hai lỗ hổng trên tường thành. Tôi đã may mắn chạy trốn đúng lúc. Suốt buổi chiều, họ tiến vào thành cùng với xe tăng, súng bắn đạn trái phá và súng phun lửa. Đến đêm thì họ đã chiếm giữ được tất cả các tòa nhà chính phủ ở Nam Kinh.

Khi nghe tin này, cả tôi và Thu Kim đều im lặng một lúc lâu. Cuối cùng tôi đứng dậy tắt đài và đặt tay lên vai cô ấy.

“Đừng lo. Mọi chuyện sẽ nhanh chóng kết thúc trước khi con…” Tôi lưỡng lự, cúi nhìn mái tóc đen dày và đường ngôi mảnh mai màu trắng trên đầu cô ấy. “Mọi chuyện sẽ kết thúc trước khi mặt trăng nhỏ của chúng ta chào đời. Chúng ta có đủ thức ăn và nước cho hơn nửa tháng và bên cạnh đó…” tôi lấy hơi, cố gắng để giọng nói có vẻ tự tin và bình tĩnh, “người Nhật là những người văn minh. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ lại có thể an toàn ra phố.”

“Tương lai của chúng ta chính là quá khứ của chúng ta và quá khứ của chúng ta là tương lai của chúng ta,” cô ấy thì thầm. “Chúng ta biết rõ cái gì sẽ xảy ra…”

Chúng tôi biết rõ cái gì sẽ xảy ra ư?

Có thể cô ấy đúng. Có thể chân lý đã có ở bên trong chúng ta từ khi chào đời. Có thể trong nhiều năm, chúng ta cứ bơi xa dần khỏi những thứ mà chúng ta đã biết rõ và chỉ có tuổi già và cái chết mới cho phép chúng ta quay trở lại, trở lại với những gì thuần khiết, những gì không thay đổi bởi quy luật sinh tồn. Nếu cô ấy đúng thì sao? Nếu đúng là mọi chuyện đều đã được định sẵn, số phận của chúng ta, tình yêu của chúng ta và con cái của chúng ta nữa? Nếu đúng là tất cả đã ở bên trong chúng ta ngay từ ngày đầu tiên? Nếu đúng vậy thì tôi cũng đã biết cái gì sẽ xảy ra ở Nam Kinh. Tôi chỉ cần chạm vào câu trả lời…

史 Nam Kinh, nửa đêm ngày 15 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười ba tháng Mười một âm lịch)

Ha! Nhìn hai chúng tôi lúc này xem. Chỉ một ngày ngắn ngủi mà tất cả sự tự tin của tôi đã tan như bong bóng xà phòng. Thu Kim, thầy chiêm tinh của tôi đã không nhìn thấy trước được điều này. Thức ăn đã biến mất. Khoảng một giờ sáng nay chúng tôi nghe thấy tiếng động ở phía sân trước. Khi tôi lò dò ra cửa xem thì thấy hai cậu bé quần áo rách rưới đang kéo các tải kê và tảng thịt khô qua tường.

Chúng ném một sợi dây thừng qua tường và đang trèo lên. Tôi hét lên và chạy xuống dưới nhà, tóm lấy một thanh sắt và gầm lên giận dữ, nhưng đến khi tôi mở được chốt cửa và lao ra ngoài phố thì chúng đã biến mất tăm.

“Chuyện gì vậy?” Thu Kim xuất hiện trên ngưỡng cửa với chiếc váy ngủ dài, tóc xõa xuống vai và tay cầm một ngọn đèn dầu. “Trùng Minh, có chuyện gì thế?”

“Suỵt, đưa cho tôi cái áo khoác rồi đi vào trong và khóa cửa lại. Đừng mở ra cho đến khi tôi quay lại.”

Tôi luồn lách giữa những ngôi nhà bỏ hoang và những khu đất trống trước khi tới khu phố nhà ông Lưu. Trong căn hẻm ông đang sống, gia đình ông là gia đình duy nhất trụ lại, và khi rẽ vào đó thì tôi nhìn thấy cả ba người nhà ông đang quanh quẩn dưới ánh trăng. Vợ ông Lưu đang khóc còn cậu con trai thì đứng ở đầu hẻm nhìn trân trân ra ngoài phố, người run lên vì tức giận. Cậu ta đang cầm một chiếc càng xe bằng gỗ như thể sẵn sàng tấn công ai đó. Tôi biết ngay là họ cũng vừa lâm vào cảnh ngộ như mình.

Họ mời tôi vào nhà. Ông Lưu và tôi châm một ống tẩu và ngồi bên cạnh lò than đang cháy để giữ ấm, cánh cửa ra ngõ lúc này để mở vì cậu con trai vẫn khăng khăng đòi ngồi canh cách đó vài bước trong một tư thế hết sức thoải mái, đầu gối gần chạm vai như thể cậu vừa mọc ra hai cái cánh. Cái càng xe nằm dưới chân cậu trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến. Mắt cậu căng ra, giận dữ như mắt cọp, quan sát đường phố.

“Chúng ta nên rời thành phố từ lâu mới phải.” Bà Lưu nói một cách cay đắng rồi bỏ đi chỗ khác. “Ở đây chúng ta sẽ chết hết mất thôi.”

Tôi nhìn bà ấy bỏ đi và một lúc sau thì nghe thấy tiếng khóc thổn thức ở phòng trong. Tôi nhìn ông Lưu một cách ngượng ngùng nhưng ông vẫn ngồi, không hề có biểu hiện gì, chỉ nhìn ra cửa về phía đằng xa, lên phía trên các mái nhà, nơi một cột khói xám đang bốc lên trời và che khuất các vì sao.

“Ông nghĩ gì?” Cuối cùng ông nói mà vẫn không quay sang nhìn tôi. “Chúng tôi chỉ có đủ thức ăn cho hai ngày, sau đó chúng tôi sẽ chết đói. Ông có cho là chúng ta nên ra ngoài xem sao không?”

Tôi lắc đầu. “Không nên,” tôi nói khẽ, nhìn ánh đỏ rực lên dưới đám khói đang cuồn cuộn. “Thành phố đã thất thủ. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có thể an toàn ra khỏi nhà, có thể hai ngày hoặc sớm hơn. Họ sẽ sớm thông báo là chúng ta có thể an toàn ra ngoài.”

“Vậy chúng ta nên đợi tới lúc đó chăng?”

“Đúng, tôi nghĩ là chúng ta nên đợi. Sẽ không lâu đâu.”

史 Nam Kinh ngày 17 tháng Mười hai năm 1937

Đã hai ngày chúng tôi không ăn gì. Tôi lo lắng không hiểu Thu Kim có thể chịu đựng như thế trong bao lâu. Các bản tin trên đài có nhắc đến những nỗ lực nhằm thiết lập một Ủy ban Tự quản của thành phố, thông báo chẳng bao lâu nữa chúng tôi có thể đi lại một cách tự do và hội Chữ Thập Đỏ sẽ phân phát gạo cứu đói trên đường Thượng Hải. Thế nhưng trên thực tế vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào. Chúng tôi quét dồn chỗ gạo rơi vãi trong vụ trộm rồi nấu cùng với số dưa góp còn lại trong bếp mà Thu Kim đã tình cờ tích trữ, nhưng cũng chỉ đủ ăn trong hai bữa. Vợ ông Lưu lo lắng cho Thu Kim nên đã san sẻ cho chúng tôi một ít thức ăn mà họ còn. Nhưng bây giờ mọi thứ đều đã hết nhẵn. Thu Kim không than vãn nửa lời nhưng tôi rất lo lắng cho đứa bé trong bụng cô ấy. Thỉnh thoảng, khi đêm gần tàn, tôi chợt có những cảm giác kỳ lạ như có cái gì đó ở bên trong Thu Kim, cái gì đó không rõ ràng, giống như một linh hồn, đang vươn ra và tôi không thể không nghĩ đến mặt trăng nhỏ bé của chúng tôi đang muốn vươn ra ngoài trong cơn đói.

Tác giả: