Ác quỷ Nam Kinh – Mo Hayder

Chương 3

Tôi đi lang thang hàng tiếng đồng hồ ở Tokyo, vẫn còn choáng ngợp bởi những tòa nhà chọc trời sừng sững như những vách núi làm bằng kính, những biển quảng cáo rượu và thuốc lá, khắp nơi vang lên những tiếng nói như tiếng người máy khiến tôi liên tưởng tới những ngôi nhà bí mật trên bầu trời. Tôi cứ đi quanh quẩn, không phương hướng, lúc nào cũng chỉ chăm chăm tránh không va vào các nhân viên công sở vừa tan ca, những người đi xe đạp và các em học sinh bé xíu trong bộ đồng phục sạch sẽ chỉnh tề và những chiếc cặp sách bằng da bóng lộn sau lưng như bộ cánh của con cánh cam. Tôi không biết là mình đã đi bao xa và mình đang đi về đâu. Tôi chỉ dừng lại khi ánh hoàng hôn trên phố đã tắt, khi mồ hôi thấm ướt áo, khi chiếc quai túi lằn một vết trên vai và chân tôi phỏng rộp vì chai. Tôi đang đứng trong sân của một ngôi đền dưới những cây tùng và gỗ thích, giữa bóng những cây hoa trà đang tàn. Nơi này rất lạnh và yên tĩnh, ngoại trừ thi thoảng, những cơn gió nhẹ thổi qua, khẽ lay động hàng trăm tấm bùa bình an treo đầy trên cành cây. Và rồi tôi nhìn thấy, xếp hàng như những bóng ma dưới tán cây là hàng hàng lớp lớp những pho tượng đá hài nhi. Hàng trăm bức tượng hài nhi với những chiếc mũ đỏ đan bằng tay.

Tôi ngồi phịch xuống một chiếc ghế đá và nhìn chúng chăm chăm. Lũ nhỏ đứng thành hàng thẳng tắp, tay ôm những con gấu bông hay những chiếc chong chóng nhỏ, có bé còn đeo cả yếm dãi. Chúng như đang nhìn về phía tôi, từng hàng, từng hàng những bức tượng đá trẻ con với gương mặt buồn bã, trống rỗng. Những đứa trẻ này cùng với vẻ biểu cảm của chúng có thể làm người ta bật khóc, nên tôi đứng dậy đi tìm một chiếc ghế khác để khỏi phải nhìn thấy chúng. Tôi cởi giày và tháo tất ra. Hai bàn chân trần trở nên thoải mái hơn trong không khí mát mẻ. Tôi duỗi chân ra phía trước và ngọ nguậy các ngón chân. Ở phía cổng ra vào của điện thờ có một chum nước. Nó được dành cho những người đi lễ rửa tay tẩy uế, nhưng tôi đến đó và lấy một chiếc gáo tre múc ít nước dội xuống chân. Nước mát lạnh và trong vắt, tôi liền vốc nước vào lòng bàn tay đưa lên miệng uống. Khi tôi quay trở lại chiếc ghế đá thì lũ trẻ dường như vừa mới di chuyển. Có vẻ như chúng vừa đồng loạt lùi lại một bước, như thể sửng sốt trước hành động thất lễ của tôi ở chốn linh thiêng này. Tôi lại nhìn chúng trong giây lát. Rồi tôi quay trở lại chiếc ghế, lấy ra một túi bánh quy và bắt đầu nhai lạo xạo.

Tôi không có nơi nào để đi. Trời đêm ấm áp và công viên nơi tôi ngồi rất yên tĩnh, ánh đèn đỏ trắng của Tháp Tokyo nhấp nháy trên đầu tôi. Khi ánh mặt trời vừa tắt thì những bóng đèn điện lại lóe sáng trên các cành cây và những người vô gia cư bắt đầu xuất hiện trên những chiếc ghế xung quanh tôi. Những người lang thang này dù hoàn cảnh khác nhau nhưng có vẻ như đều mang bữa tối đạm bạc theo mình với những chiếc đũa gỗ, một số người còn đựng thức ăn trong những hộp cơm bằng sơn mài. Tôi vừa gặm nhấm gói bánh quy vừa quan sát họ từ chỗ ngồi của mình. Họ ăn cơm của họ và cũng nhìn tôi.

Một người đàn ông trong số đó mang theo một đống bìa các tông và đặt xuống gần cổng đền rồi ngồi lên trên. Ông ta gần như không mặc gì ngoài một chiếc quần bẩn thỉu, vàng ố, cạp quần cáu ghét. Ông ta nhìn tôi rất lâu rồi phá ra cười, trông giống như một ông Phật tí hon vừa lăn trong hồ bóng. Tôi không cười. Tôi ngồi trên ghế, im lặng nhìn ông ta. Ông ta khiến tôi nhớ tới một bức ảnh trong quyển sách giáo khoa tiếng Nhật của tôi, chụp một người đàn ông sắp chết đói ở Tokyo sau chiến tranh. Đó là năm đầu tiên khi tướng MacArthur bắt đầu thiết lập các ủy ban quân quản trên đất Nhật, người Nhật sống bằng những thứ thực phẩm như cuộng rau bí, lá trà, hạt giống, vỏ lạc, mùn cưa và quả sồi. Người người chết đói trên đường phố. Người đàn ông trong ảnh có một mảnh vải trải ra trước mặt trên bày hai cái thìa con xấu xí. Khi tôi còn bé, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi hai chiếc thìa này. Chúng không có gì đặc biệt, không phải là những chiếc thìa bằng bạc hay được chạm khắc cầu kỳ, chúng chỉ là hai chiếc thìa hết sức bình thường. Nhưng có lẽ nó là thứ duy nhất mà ông ta có, và ông ta cần có thức ăn tới mức ông ta tin rằng ông ta có thể bán nó cho một người có mọi thứ trên đời nhưng chỉ còn thiếu hai chiếc thìa con bình thường của ông ta.

Người ta gọi đó là sự tồn tại kiểu măng tre, hay một cuộc đời giống như củ hành, mỗi lớp vỏ được bóc ra lại làm ta chảy nước mắt nhiều hơn. Và dù cho ta có may mắn kiếm được thức ăn thì cũng không dám mang về nhà vì bệnh kiết lị sinh sôi nảy nở từ những lớp bùn đặc quánh trên đường phố có thể bám vào đó để theo về gia đình ta. Những đứa trẻ vừa đến từ Mãn Châu, đứng bơ vơ trên các cầu cảng, cổ đeo những hộp gỗ trắng đựng tro cốt của người thân.

Có lẽ đó là cái giá cho sự thiếu hiểu biết, tôi nghĩ và nhìn người hành khất ăn mặc rách rưới kia. Có lẽ nước Nhật đã phải trả giá cho sự bàng quan đối với những gì họ đã làm ở Nam Kinh. Bởi vì, sự thiếu hiểu biết, như tôi đã được nghe nhắc nhở quá nhiều lần, không phải là một cách bào chữa cho tội ác.

Những người vô gia cư đã bỏ đi khi tôi thức dậy vào buổi sáng hôm sau. Thay vào chỗ họ là một người đàn ông phương Tây trạc tuổi tôi, chân dang rộng đang ngồi chống cằm nhìn tôi chăm chú. Anh ta mặc một chiếc áo phông bạc màu có in dòng chữ Big Daddy Blake/Killtime Mix và một sợi dây đeo cổ bằng da có mặt dây chuyền giống như một chiếc răng cá mập. Mắt cá chân của anh ta để trần và rám nắng, anh ta đang nhìn tôi cười như thể tôi là một sinh vật ngộ nghĩnh nhất mà anh ta từng thấy. “Này,” anh ta nói và giơ tay ra chào tôi. “Trông cô thoải mái thật. Giấc ngủ thiên thần.”

Tôi vội vàng đứng dậy khiến chiếc túi xách rơi xuống đất. Tôi lôi chiếc áo len ra và quàng vào người, vừa lấy tay gỡ tóc vừa liếm mấy ngón tay rồi vội vã đưa lên quệt mắt, lau miệng. Tôi biết là anh ta vẫn đang mỉm cười và nhìn tôi với cái kiểu mọi người vẫn thường nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

“Này, cô có nghe tôi nói gì không đấy?” Anh ta đứng dậy và tiến lại gần tôi, bóng anh ta đổ dài trên chiếc túi xách của tôi. “Tôi nói, cô có nghe thấy tôi không? Cô có biết nói tiếng Anh không?” Anh ta nói với một giọng tiếng Anh rất lạ, không biết là giọng Anh, Mỹ hay Úc, có thể là cả ba, như thể anh ta đến từ một bãi biển nào đó. “Cô-có-biết-nói-tiếng-Anh-không?”

Tôi gật đầu.

“À thì ra cô cũng nói được tiếng Anh?”

Tôi lại gật đầu.

Anh ta ngồi xuống bên tôi và chìa tay ra ngay dưới mắt tôi khiến tôi không thể không nhìn. “Vậy thì xin chào, tôi là Jason.”

Tôi nhìn chằm chằm vào tay anh ta.

“Tôi nói xin chào, tôi nói tôi là Jason.”

Tôi bắt tay anh ta một cách vội vàng rồi ngồi nép sang một bên vì không muốn chạm vào người anh ta và dò dẫm tìm chiếc túi dưới gầm ghế. Giống hệt như ở trường đại học, tụi con trai luôn trêu tôi vì lúc nào tôi cũng thủ thế, lúc nào tôi cũng có cảm giác như sắp rơi xuống một cái hố. Tôi tìm thấy đôi giày và bắt đầu đi vào chân.

“Giày của cô đấy à?” Anh ta hỏi. “Cô định đi chúng thật à?”

Tôi không trả lời. Đúng là đôi giày đã quá lỗi mốt. Một đôi giày màu đen buộc dây, cứng nhắc, đế dày cộp, đúng là không phù hợp cho một ngày nóng nực ở Tokyo.

“Cô lúc nào cũng cư xử một cách thô lỗ vậy sao?”

Tôi kéo giày lên và bắt đầu buộc dây giày, siết chặt hơn bình thường, khiến ngón tay tôi trắng bệch ra và những vết chai ở mắt cá chân cọ vào lớp da giày thô cứng.

“Được đấy,” anh ta nói vẻ hài lòng. “Cô đúng là một người lập dị.”

Có cái gì đấy trong cách nói của anh ta khiến tôi dừng tay lại và quay sang nhìn anh ta chằm chặp. Những tia nắng len lỏi qua hàng cây phía sau lưng anh ta và tôi cảm thấy có phần bị ấn tượng với mái tóc sẫm màu cắt ngắn với một chút bò liếm ở sau gáy và tai. Tôi không muốn thú nhận nhưng đúng là có những lúc, tôi không thể nghĩ đến bất cứ cái gì khác ngoài chuyện tình dục.

“Đúng vậy, cô đúng là một kẻ lập dị. Không phải sao? Lập dị một cách duyên dáng. Một cách rất Anh. Có phải cô là người Anh không?”

“Tôi…” Phía sau lưng anh ta những đứa trẻ bằng đá vẫn đứng yên trong hàng, những tia nắng đầu tiên xuyên qua đám lá cây, rọi lên những giọt sương đêm đọng trên vai và trên mũ. Xa xa những tòa nhà chọc trời tĩnh lặng đang phản chiếu hình ảnh của một Tokyo mỏng mảnh và thanh khiết như một hồ nước trong hang núi.

“Tôi không…” Tôi yếu ớt nói. “Tôi không biết ngủ ở đâu nữa.”

“Cô không có khách sạn à?”

“Không.”

“Thế cô vừa mới tới đây à?”

“Vâng.”

Anh ta cười phá lên. “Ở chỗ tôi có một phòng đấy. Đúng hơn là khoảng một trăm phòng.”

“Ở chỗ của anh?”

“Đúng vậy. Nhà của tôi. Cô cũng có thể thuê một phòng ở đó.”

“Nhưng tôi không có tiền.”

“Ái chà, tệ thật! Chúng ta đang ở Tokyo. Đừng nghe lời các nhà kinh tế học, ở đây vẫn có các xe tải chở đầy tiền. Cô chỉ cần mở mắt ra là thấy. Góc phố nào cũng có các hộp đêm.” Các cô gái ở trường đại học vẫn thường mơ tưởng đến chuyện làm việc trong các hộp đêm ở Tokyo. Họ nói đi nói lại về số tiền kếch sù mà họ kiếm được cũng như những món quà tặng đắt tiền của khách hàng. Những lúc đó, tôi thường ngồi thu lại một góc và nghĩ rằng bạn phải hết sức duyên dáng để có đủ tự tin làm việc đó.

“Tôi làm phục vụ bàn ở một trong những hộp đêm đó. Tôi có thể giới thiệu cô với Mama-san nếu cô muốn.”

Mặt tôi bắt đầu đỏ bừng. Anh ta không thể hình dung được cảm giác của tôi về viễn cảnh làm việc trong một hộp đêm. Tôi quay đi và buộc nốt dây giày rồi đứng dậy vuốt lại quần áo cho phẳng.

“Nghiêm túc đấy. Kiếm bộn tiền. Suy thoái kinh tế chưa chạm đến các hộp đêm. Và Mama-san thì rất thích những kẻ lập dị.”

Tôi không trả lời. Tôi kéo khóa áo len, tròng chiếc túi qua đầu để quai túi vắt chéo trước ngực rồi vụng về nói: “Xin lỗi. Tôi phải đi.” Tôi bỏ đi, hai tay khoanh lại. Một cơn gió nhẹ khẽ thổi qua làm quay tít những chiếc chong chóng trên tay các em bé. Trên đầu tôi, ánh nắng lấp lánh trên những tòa nhà chọc trời.

Anh ta bắt kịp tôi ở cổng công viên. “Này,” anh ta gọi. Tôi không dừng lại nên anh ta bước đi song song cạnh tôi, cười toe toét. “Này, cô gái kỳ dị. Đây là địa chỉ của tôi.” Anh ta chìa tay ra và tôi dừng lại nhìn. Anh ta cầm một mẩu bìa xé từ bao thuốc lá có địa chỉ và số điện thoại ghi bằng bút bi. “Cầm lấy. Cô sẽ vui khi ở với chúng tôi.”

Tôi nhìn xuống tờ địa chỉ.

“Cầm lấy nào.”

Tác giả: