Ác quỷ Nam Kinh – Mo Hayder

“Chúng đến đây rồi,” cô ấy hỏi khi thấy vẻ mặt tôi, khi nhận ra tôi đã đứt hết hơi. “Đúng không?”

Tôi không trả lời. Tôi bước vào trong nhà, cẩn thận khóa trái cửa và kiểm tra lại tất cả các chốt cửa và ổ khóa. Rồi khi hơi thở đã điều hòa trở lại, tôi đi lên gác, ngồi xuống chiếc giường đơn trong thư phòng, giữa đống sách tiếng Nhật ngổn ngang, kéo chăn trùm lên chân.

Và, vậy là – tôi có thể viết gì đây? Chỉ viết về những gì vừa mới xảy ra. Một cách thành thật. Vào buổi chiều khô lạnh này, một buổi chiều lẽ ra rất đẹp trời, họ đã chiếm được Nam Kinh dễ như trẻ con thò tay bắt chuồn chuồn. Tôi sợ phải nhìn ra ngoài cửa sổ – cờ Nhật chắc hẳn đang tung bay khắp thành phố.

史 Nam Kinh, buổi sáng ngày 14 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười hai tháng Mười một âm lịch)

Đêm trước tuyết rơi, nhưng sáng nay, bên ngoài cổng thành, núi Tử Kim, ngọn Tử Kim hùng vĩ, không có màu trắng mà đỏ rực trong lửa. Lửa bọc lấy mọi vật trong màu máu, hắt lên trời một vầng hào quang đáng sợ. Thu Kim đứng rất lâu bên cửa sổ nhìn về hướng đó, hơi lạnh từ ngoài ùa vào khiến ngôi nhà gần như đóng băng, và tôi có thể nhìn thấy hơi thở của mình đang phả ra.

“Thấy chưa?” Cô ấy nói và quay lại nhìn tôi. Tóc cô ấy buông xõa sau lưng, ánh mắt chiến thắng sáng lên những tia màu đỏ. “Tử Kim đang bốc cháy, có đúng như em đã nói không?”

“Thu Kim,” tôi nói. “Tránh xa cái cửa sổ ra. Nó không an toàn đâu.”

Cô ấy nghe theo, nhưng vẫn lần lữa. Cô ấy đóng cửa sổ vào rồi ngồi im trong một góc, khư khư ôm trong lòng hai chiếc bài vị tổ tiên mà cô ấy mang theo từ Phồn Dương, má đỏ ửng vì lạnh.

Gần như cả sáng nay tôi ngồi cạnh bàn với ấm trà cứ nguội dần, các chốt cửa đều đã đóng. Đêm hôm qua chúng tôi ngủ rất ít, cả hai vợ chồng đi ngủ mà vẫn mặc nguyên quần áo và không cởi giày phòng trường hợp phải chạy trốn. Thỉnh thoảng, tôi hoặc Thu Kim lại chồm dậy nhìn ra phía cửa sổ cài then kín mít, nhưng không ai nói gì nhiều. Lúc này, mặc dù giữa ban ngày nhưng trong nhà chúng tôi vẫn tối tăm, cửa giả đều đóng im ỉm. Cứ nửa tiếng chúng tôi lại bật đài lên. Các bản tin không đồng nhất, một mớ hổ lốn không thể tưởng tượng được trộn lẫn thông tin sai lệch với thông tin tuyên truyền. Ai mà biết được đâu mới là sự thật? Chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán chuyện gì đang diễn ra. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng xe tăng lăn ầm ầm trên đường Trung Sơn và tiếng súng nổ lẹt đẹt nhưng mọi thứ đều như đang xảy ra ở nơi xa xôi nào đó, phần lớn thời gian thành phố chìm trong yên lặng đến mức có những khi tâm trí tôi để ở đâu đâu, và trong một giây phút ngắn ngủi, tôi quên mất là chúng tôi đang ở trong cảnh bị chiếm đóng.

Vào khoảng bảy giờ tối chúng tôi nghe thấy tiếng gì đó như một vụ tấn công bằng súng cối, và trong một thoáng, ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau. Rồi những tiếng nổ từ xa vẳng lại, một chuỗi bất ngờ một – hai – ba – bốn, rồi sự im lặng được lập lại. Mười phút sau trong con hẻm vang lên những tiếng ồn ào ma quái. Tôi ra phía cửa hậu ghé mắt qua tấm lá chắn và nhìn thấy một con dê sổng chuồng đang hốt hoảng chạy lung tung trong khu đất phía sau nhà, nhảy dựng lên húc vào cây cối và những ngôi nhà mái tôn. Chân nó giẫm lên đống quả lựu rụng khiến màu lựu đỏ loang trên tuyết giống như màu máu. Không ai đuổi theo để bắt con dê, có lẽ chủ nó đã đi sơ tán, và phải mất gần hai mươi phút, nó mới tìm được đường ra phố lớn và căn hẻm lại trở về với sự tĩnh lặng vốn có.

Chương 22

Kể từ đêm hôm đó, Jason bắt đầu quan sát tôi. Anh ta bắt đầu có thói quen nhìn tôi chòng chọc, khi chúng tôi từ hộp đêm trở về nhà, khi tôi nấu nướng hay khi cả nhà ngồi xem tivi trong phòng khách. Thỉnh thoảng khi quay ra châm thuốc cho khách thì tôi lại phát hiện anh ta đứng cách đó có vài bước, và nhìn tôi như thể anh ta đang vui thích một cách kín đáo trước tất cả những gì tôi làm. Tôi vừa cảm thấy sợ hãi vừa phấn khích. Chưa từng có ai nhìn tôi như thế và tôi không tưởng tượng nổi mình sẽ làm gì nếu anh ta lại gần. Tôi tìm cách tránh xa anh ta.

Thu đến. Cái nóng hầm hập như rang với mùi kim loại bị hun đốt và mùi cống rãnh của Tokyo đã phải nhường bước cho một Nhật Bản mát mẻ và ảm đạm hơn, một Nhật Bản hẳn đã chờ cơ hội lộ diện từ bấy lâu nay. Bầu trời quang đãng sau khi giũ bỏ được lớp sương mù mùa hè, những cây gỗ thích lá đỏ rụng đầy đường và đâu đó thoang thoảng mùi khói như mùi nấu nướng ở Tokyo thời hậu chiến. Đứng trong hành lang, tôi có thể thò tay ra hái những trái hồng chín đỏ ngoài vườn. Trong vườn, đàn muỗi đã kéo nhau đi hết. Sự ra đi của chúng khiến Svetlana thấy buồn – cô ấy nói rằng giờ đây, chúng đã bỏ lại chúng tôi trong sự suy tàn tột độ.

Fuyuki vẫn chưa tới câu lạc bộ. Sử Trùng Minh thì vẫn kín miệng và cố chấp khiến tôi đôi khi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được xem bộ phim đó. Một ngày khi tôi không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi đi tàu tới Akasaka, tìm một trạm điện thoại công cộng và gọi điện cho Fuyuki. Mụ Y Tá, tôi chắc đó là mụ ta, trả lời điện thoại với một giọng đàn bà: “Moshi moshi.” Chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi sợ đứng cả tim, ống nghe vẫn lủng lẳng bên tai, nhưng mọi can đảm đều tan biến. “Moshi moshi?” mụ ta nhắc lại nhưng tôi đã thay đổi ý định. Tôi dập máy và bỏ đi thật nhanh. Có lẽ Sử Trùng Minh đã đúng khi nói tôi không bao giờ có khả năng dệt lá dâu thành lụa.

Tôi tìm đến hiệu sách Kinokuniya ở Shinjuku và mua tất cả những ấn phẩm nói về các chế phẩm thuốc thay thế, từ điển Trung Nhật và một tuyển tập các bài viết về yakuza. Những ngày sau đó, trong khi chờ đợi Fuyuki tới hộp đêm thì tôi khóa mình lại trong phòng và đọc về y học cổ truyền Trung Hoa cho đến khi tôi biết khá nhiều về các phương pháp châm cứu của Biển Thước, về những thí nghiệm đầu tiên về giải phẫu và gây mê của Hoa Đà, cũng như các phương pháp luyện khí công của ông, như “ngũ cầm hỉ” bắt chước động tác của năm loại thú rừng như cọp, nai, khỉ, gấu và chim. Tôi cũng có thể nhớ bảng phân loại các lá thuốc theo sách của Thần Nông. Tôi còn đọc về cao hổ cốt, mật gấu và mai rùa. Tôi tìm đến một cửa hàng Nhật dược ở Kabuizawa và lấy về mấy mẫu thuốc thử miễn phí làm từ dầu lươn và mật gấu. Tôi cũng tìm đọc tất cả những gì liên quan đến sự tái sinh cũng như sự thoái hóa sức khỏe. Chìa khóa cho sự trường sinh. Công cuộc tìm kiếm sự trường sinh bất tử đã được khơi mào ngay từ thuở sơ khai của loài người dưới nhiều dạng khác nhau. Người ta nói rằng, ngay cả đậu phụ cũng được phát minh ra bởi một vị hoàng đế Trung Quốc trên con đường tìm kiếm đông dược trường sinh.

Nhưng Sử Trùng Minh có nhắc tới một cái gì đó mà chưa ai biết đến, một cái gì đó vô cùng bí mật.

Một hôm tôi dùng tất cả số màu còn lại vẽ một người đàn ông đứng giữa những tòa nhà đổ nát mà tôi vẽ trên tường lần trước. Ông ta có khuôn mặt của một nghệ sĩ nhạc kịch kabuki, nhưng lại mặc một chiếc áo sơ mi Hawaii và sau lưng ông ta là một chiếc ôtô của Mỹ, một kiểu ôtô mà các tay anh chị ưa chuộng. Rải rác dưới chân ông là các lọ thuốc, một thiết bị tinh chế và một nồi chưng cất thuốc. Một loại thuốc rất quý và bất hợp pháp, một loại thuốc mà không ai dám nhắc tới.

“Rất đẹp đúng không,” Sử Trùng Minh nói.

Tôi nhìn ra khuôn viên trường đại học phía bên ngoài cửa sổ phòng ông ta. Cây cối đã chuyển sang sắc vàng và đỏ, đám rêu mọc trên mái cung thể thao chuyển sang màu xanh tím giống như những trái mận chín và thỉnh thoảng ở phía cổng lại xuất hiện một bóng người mặc đồng phục và đeo mặt nạ của môn kiếm đạo kendo. Những tiếng la hét từ võ đường vang khắp nơi khiến đám quạ trên cây đập cánh xào xạc. Nó đã rất đẹp. Tôi không hiểu tại sao mình không thể tách rời nó ra khỏi bối cảnh chung của thành phố. Nó bị bao vây giữa một thành phố hiện đại của một nước Nhật khát khao quyền lực. Khi thấy tôi không rời mắt khỏi cửa sổ, Sử Trùng Minh phá lên cười.

“Vậy ra, cô cũng nằm trong số những người không thể tha thứ được.”

Tôi quay lại nhìn thẳng vào ông ta. “Tha thứ?”

“Tha thứ cho nước Nhật vì những gì họ đã làm ở Trung Quốc.”

Những lời của một giáo sư sử học người Mỹ gốc Trung mà tôi học tại trường đại học lại vang lên. “Người Nhật tàn bạo ngoài sức tưởng tượng. Họ đã nâng tội ác lên thành một môn nghệ thuật. Liệu một lời xin lỗi chính thức có đủ để chúng ta tha thứ cho họ?

“Tại sao ông lại hỏi thế, ông đã tha thứ cho họ sao?”

Ông gật đầu.

“Làm sao ông có thể tha thứ được?”

Sử Trùng Minh nhắm mắt lại, một nụ cười nở trên gương mặt. Ông im lặng một lúc lâu đến mức nếu không nhìn thấy ông vặn vẹo hai bàn tay thì tôi đã cho rằng ông ngủ gật. “Làm sao à?” Cuối cùng ông lên tiếng. “Nghe giống như một việc bất khả thi. Nhưng tôi đã mất rất nhiều, rất nhiều năm nghĩ về chuyện đó. Một thời gian dài tôi không thể ra khỏi đất nước mình, không thể ra khỏi nhà mình. Cho đến khi bị ném đá trên đường phố, bị diễu đi khắp thị trấn với những tấm biển tuyên truyền trên lưng.” Nói đến đây ông xòe bàn tay ra và đặt nó lên ngực. Tôi nghĩ ngay đến những bức ảnh về cách mạng văn hóa với hàng trăm người đàn ông bị Hồng Vệ binh săn đuổi, dồn lại một chỗ, tròng quanh cổ các áp phích cổ động với các biểu ngữ như Thành phần phản cách mạng hay Trí thức tạo phản. “Cô sẽ không có được những phương tiện để hiểu được bản chất của con người cho đến khi trải qua tất cả những chuyện đó. Tôi mất một thời gian dài nhưng rồi cũng hiểu được một điều hết sức giản đơn. Tôi đã hiểu được sự thiếu hiểu biết. Tôi càng suy ngẫm về nó thì càng hiểu ra rằng hành vi của họ đơn giản chỉ là sự thiếu hiểu biết. Đúng là có những người lính ở Nam Kinh, một vài người, thực sự độc ác. Tôi không tranh cãi điều này. Nhưng còn những người khác? Tội lỗi lớn nhất của họ là sự thiếu hiểu biết. Chỉ đơn giản thế thôi.”

Tác giả: