Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Angie thắc mắc hỏi:

– Nhưng làm thế nào người ta có thể tìm lại niềm vui đã mất đó?

Ông Kris thong thả trả lời:

– Muốn sống thoải mái, trước hết con người phải khỏe mạnh thông qua việc vận động và nghỉ ngơi đúng nghĩa đầy đủ. Nhiều người trẻ phung phí sức khỏe qua những cuộc vui trác táng mà không biết hậu quả tai hại của nó là gì. Khi khỏe mạnh thật sự vừa về tinh thần và thể xác thì ta mới nhìn mọi sự với những khía cạnh đẹp nhất, đúng với những gì bản chất vốn có của nó. Còn khi mệt mỏi, lo toan, căng thẳng đau ốm bệnh tật thì không thể cảm nhận được một luồng gió mát, một tiếng chim hót, một cánh hoa tươi, sự rung động của những chiếc lá lay động trong làn gió nhẹ, âm thanh của một giai điệu bản nhạc hay. Những người trẻ bây giờ làm việc, ăn và ngủ ngay trên bàn làm việc chứ đâu biết tìm sự thoải mái khi nghe bài nhạc yêu thích, đi dạo trong công viên để đầu óc được thư giãn. Họ nói là cần tập trung tìm sự sáng tạo trong công việc nhưng họ đâu có nhận thức được rằng chính sự thoải mái tinh thần mới làm cho bộ óc của họ trở nên lạc quan và sáng tạo hơn.

Angie vẫn thắc mắc:

– Ông nói vậy, chứ tôi thấy nhiều người trẻ bây giờ vẫn tập thể thao đấy chứ, như chạy bộ, tập gym chẳng hạn.

Ông Kris mỉm cười trả lời:

– Họ chạy hay tập gym nhưng đầu óc vẫn bận rộn với đủ thứ việc. Có khi họ vừa chạy vừa tập vừa nghe nhạc hay theo dõi tin tức qua chiếc tivi ở đó hay iPhone. Đó chỉ là vận động thể xác thôi chứ không phải là nghỉ ngơi, thư giãn. Việc chăm sóc sức khỏe thể chất phải đi đôi với nâng cao sức khỏe nội tâm và tránh nuôi dưỡng các cảm xúc tiêu cực. Khi họ quan tâm chú ý đến từng hành động, từng hơi thở của mình thì họ sẽ vui vẻ, lạc quan hơn. Nếu họ tự đặt cho mình một thông lệ là mỗi ngày chờ đón một niềm vui bất ngờ xuất hiện thì họ sẽ cảm nhận được niềm vui đó. Nếu họ biết tự nói với mình rằng thật may mắn khi được hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng sớm, hay thật sung sướng khi được giẫm chân lên những chiếc lá khô vàng hay mặt cỏ còn đẫm sương mai, thì họ sẽ tìm được ngay những nguồn vui bất ngờ. Nhờ có cảm nhận tích cực về cuộc sống mà họ mới có đủ sức đương đầu với những khó khăn và vượt qua những trở ngại.

Angie hỏi thêm:

– Nếu thế thì việc tập Yoga hữu ích như thế nào? Hôm qua chúng ta đã nói về Yoga và hình như ông cũng biết về môn này?

Ông Kris gật đầu nói:

– Tôi cũng biết chút ít về Yoga. Thật ra Yoga là một môn khoa học đã có từ ngàn xưa giúp con người hợp nhất với Thượng Đế. Nhưng ngày nay tinh hoa và triết lý của Yoga cổ xưa đã mất dần, chỉ còn lại một số phương pháp tập luyện mà thôi. Hiện nay người ta chỉ biết đến Yoga như là môn thể thao để thư giãn cơ thể. Thí dụ như môn Yoga thông dụng và phổ biến nhất là Hatha Yoga, chú trọng đến các tư thế (asana) để phục hồi những bắp thịt không hoạt động đúng cách. Nếu biết hít thở đều đặn trong khi tập Yoga, người ta có thể phục hồi sức khỏe và thư giãn thân tâm.

Angie hỏi thêm:

– Nếu thế thì Yoga cổ xưa dạy thế nào?

Ông Kris trả lời:

– Theo truyền thống được viết trong kinh Veda thì có ba môn phái hay ba con đường Yoga, là Karma Yoga (con đường hành động), Jhana Yoga (con đường minh triết) và Bhakti Yoga (con đường sùng tín). Khởi đầu là ba con đường khác nhau nhưng cuối cùng chúng hợp làm một vì tất cả chỉ là những phương tiện mà thôi. Phương tiện có thể khác nhau nhưng mục đích vẫn là một, trở về hợp nhất với Thượng Đế.

Theo quan niệm của Ấn giáo thì vạn vật đều trở về với nguồn cội. Từ ngàn xưa, trong mọi hoàn cảnh, dù dưới tên gọi này hay tên gọi khác, dưới hình tướng này hay hình tướng khác, dù vô tình hay hữu ý, vạn vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng mà chúng phát xuất ra. Chúng ta có thể thấy biển cả tìm về nguồn qua những con sóng trập trùng. Ngọn gió tìm về nguồn khi nó thổi qua mặt đất. Cũng như thế, cây cối trong rừng trổ mầm đơm hoa và các sinh vật lần mò từng bước một. Con người cũng như thế, họ quay về cội qua nhiều hình thức, có khi thanh cao đẹp đẽ nhưng cũng có khi điên cuồng sai lạc.

Khoa học ngày nay gọi sự tìm kiếm này là tiến hóa, hay là sự chuyển hóa để trở nên tốt hơn, rồi tiến đến chỗ tuyệt hảo. Tại sao lại như thế? Vì tất cả mọi vật đều phát xuất từ một nguồn gốc thiêng liêng và phải trở về với nguồn gốc đó – “vạn vật đồng nhất thể”. Ấn giáo và một số tôn giáo gọi nguồn gốc này bằng danh từ “Thượng Đế”. Phật giáo gọi là “Phật tánh”, và khoa học gọi là “năng lượng uyên nguyên” (primal energy).

Theo quan niệm của khoa học, năng lượng này có trong tất cả mọi vật. Từ giọt nước đại dương đến các loại kim thạch, từ thảo mộc đến loài cầm thú hay con người. Nó nằm ở bên trong, ẩn dưới một bức màn hư ảo, hình thức của yếu tố vô minh bên ngoài nên sự tìm kiếm đúng đắn là “quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài. Sự sai lầm của con người là họ thường tìm kiếm ở bên ngoài”, do đó, “ắt sẽ đến lúc họ cảm thấy đau khổ, lạc lõng và mất phương hướng”. Lúc đầu, con người đi tìm một cách bản năng vô ý thức, hướng đến sự sung sướng, thỏa mãn tham vọng ích kỷ cá nhân, do đó họ sẽ phải học bài học về sự đau khổ ắt sẽ phải đến. Sau khi học được bài học xương máu đắt giá này, họ bắt đầu hiểu và ngộ ra hơn – tùy người – cuộc tìm kiếm sẽ trở nên có ý thức hơn, họ biết nhận định rõ mục đích của mình và sử dụng kinh nghiệm đã khắc ghi, đã học hỏi được để tiến về mục đích.

Có nhiều cách giải thích về con đường này tùy theo phong tục, tập quán, và điều kiện địa dư, theo đó sinh ra nhiều tôn giáo khác nhau. Nếu biết cởi bỏ các thành kiến hay các giáo điều chật hẹp của tôn giáo, ta có thể thấy tất cả mọi vật đều tìm về nguồn sống thiêng liêng này.

Angie lên tiếng:

– Tôi vẫn chưa hiểu rõ, xin ông nói thêm về truyền thống Yoga theo quan niệm của Ấn giáo.

Ông Kris trả lời:

– Nếu quan sát kỹ, bà sẽ thấy con người dù sống ở nơi nào cũng đều đang trên lộ trình quay về với cội nguồn thiêng liêng ấy. Con đường này kéo dài qua nhiều kiếp sống, gọi là luân hồi. Người ta chết đi và đầu thai trong kiếp sống khác. Trong mỗi kiếp, họ phải học một số bài học để trở nên tốt đẹp hơn. Có người sớm học được ngay, song cũng có người không chịu học hoặc không học được, do đó họ phải học đi học lại nhiều lần. Đây là một hành trình gian nan kéo dài qua rất nhiều kiếp sống, vì có rất nhiều ảo tưởng gây ra bởi khí lực vô minh gọi là guna.

Khí lực đầu tiên là sự bất động (tamas), nó sai khiến con người không làm gì cả. Bà có thể thấy nhiều người lười biếng, thẫn thờ không muốn làm gì hết. Lúc nào họ cũng chìm trong trạng thái bất động, u mê. Họ sống một cách thụ động, không mục đích, không ý thức mà chỉ biết ăn hay ngủ và chỉ muốn yên thân trong hoàn cảnh đó. Đây là những người có mức tiến hóa rất thấp hay tiến bộ rất chậm nên phải mất thời gian rất lâu để học hỏi. Cũng có những người đã đi được rất xa nhưng lại quay ngược trở về vạch xuất phát chỉ vì họ bị ảnh hưởng bởi các dược chất như bia rượu hay ma túy, nghĩa là bản thân họ ham muốn sự bất động. Họ chưa biết tận hưởng niềm vui từ sự khai ngộ hay sự thỏa nguyện ước vọng tâm linh, do đó họ còn phải trải qua một thời gian rất lâu trong nhiều kiếp nữa để học hỏi.

Karma Yoga cổ xưa khuyến khích con người hoạt động thay vì bất động. Trên con đường này, con người sẽ đối mặt với rất nhiều ham muốn hay dục vọng để thúc giục họ hoạt động thông qua một khí lực khác, ngược lại với sự bất động.

Khí lực này là sự hoạt động (rajas), nó tạo ra những ham muốn, dục vọng để thúc đẩy con người hành động. Với lòng ham muốn, con người lại hoạt động quá mức. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến họ lao vào nhiều hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Những người này sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, họ thu thập, vơ vét, gom góp tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng với những thứ vật chất đó. Thật ra đó chỉ là lòng ham muốn, sự ích kỷ, chịu ảnh hưởng bởi khí lực rajas vô minh mà thôi.

Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng nhất mà họ phải học là sự đau khổ. Tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua bài học về sự đau khổ. Do đó mới có một quy luật gọi là luật Nhân quả. Mọi hành động gây ra đều có phản lực dội lại, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Hiện nay đa số nhân loại đều đang đi trên con đường này. Vì họ chưa tìm được niềm hạnh phúc thật sự bên trong nên họ phải tìm vui qua sự sở hữu, chiếm đoạt tài sản vật chất bên ngoài, bởi thế mới có sự bóc lột và chiến tranh. Qua các biến cố này, con người mới thấm thía đau khổ là gì, nhưng để học được bài học, họ còn phải trải qua rất nhiều kiếp nữa vì đây là một bài học rất khó tiếp thu trọn vẹn.

Angie tiếp tục nhờ ông Kris giải thích thêm:

– Nhưng ai đã đặt ra luật lệ này chứ? Và các yếu tố này xuất phát từ đâu?

Ông Kris vẫn vui vẻ trả lời:

– Không ai đặt ra luật lệ này cả vì đó là những quy luật của vũ trụ. Nó hiện hữu và chi phối vạn vật trong vũ trụ. Giống như bà hỏi ai đã làm trái đất này quay chung quanh một quỹ đạo hay ai đã làm cho mặt trời chiếu sáng thì không ai có thể trả lời được, vì đó là luật vũ trụ. Vì không thể giải thích nên một số người đã tạo ra tên gọi “Thượng Đế” ám chỉ một cá nhân nào đó ngồi trên cao tạo ra luật pháp. Thật ra “Thượng Đế” chỉ là một danh từ để nói về các quy luật của vũ trụ mà thôi.

Tác giả: