Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Một hôm, trong lúc tôi đang làm việc thì Angie bước vào:

– Em và Connie vừa đi xem triển lãm về Ai Cập tại viện bảo tàng New York. Từ khi nghe ông Kris nói, em để ý và nhận thấy các món trang sức của vua chúa Ai Cập đều gắn những viên ngọc như thế. Các lăng tẩm cũng đều được sơn phết bằng màu sắc của các loại ngọc. Nếu những viên ngọc có công dụng cho sức khỏe thì em cũng muốn mua một chiếc vòng đeo tay có gắn bảy viên ngọc như thế. Anh nghĩ sao? Anh có muốn đi mua với em không?

Tôi là người thực sự không thích đi mua sắm. Mọi vật dụng cần thiết, từ quần áo, giày dép đến các thứ khác đều có Angie lo liệu, nhưng không hiểu sao hôm đó tôi lại nhận lời. Khu phố Kim Cương (Diamond District) nằm trên đường 47 và đường số 5 là nơi tập trung rất nhiều cửa hàng trang sức. Tại đây có đủ mọi loại hàng từ vàng bạc, kim cương, đến các loại ngọc quý, đủ thứ, đủ cỡ lớn nhỏ. Gần như du khách nào đến New York cũng phải thăm khu này. Chúng tôi ghé qua những cửa hàng nổi tiếng như Tiffany, Bvlgari, Cartier, Van Cleef v.v… Bất cứ nơi nào Angie cũng vui vẻ nói chuyện với nhân viên bán hàng và ngỏ ý muốn xem những chiếc vòng có gắn ngọc quý. Vì biết chúng tôi, nên chủ tiệm nào cũng mời vợ chồng tôi vào phòng riêng chỉ dành cho khách quý và mang ra các món trang sức đặc biệt và hiếm cho chúng tôi lựa chọn.

Trong khi Angie xem những chiếc vòng đeo tay, tôi vẩn vơ nhìn quanh và thấy trên tường có treo bức ảnh một chiếc nhẫn hình con bọ hung gắn hồng ngọc. Tôi nhận ra ngay đó là chiếc nhẫn mà ông Kris thường đeo.

Tôi hỏi người bán hàng:

– Đó là nhẫn gì vậy?

Người bán hàng trả lời:

– Đó là chiếc nhẫn của các Pharaoh thời xưa.

Tôi hỏi thêm:

– Tôi có thể xem chiếc nhẫn đó được không?

Người bạn hàng bật cười:

– Đó chỉ là bức ảnh để trang trí thôi, chiếc nhẫn này là một cổ vật hiện được trưng bày trong viện bảo tàng ở Luân Đôn.

Không hiểu sao tôi cảm thấy chiếc nhẫn đó vô cùng thân thuộc. Tôi bèn đề nghị:

– Liệu các ông có thể chế tác một chiếc nhẫn giống như thế không?

Người bán hàng ngạc nhiên:

– Đó là chiếc nhẫn cổ xưa chứ ngày nay đâu ai đeo kiểu nhẫn như thế nữa đâu.

Thấy tôi nhìn chăm chăm chiếc nhẫn đó, Angie nói ngay:

– Nếu tôi đặt làm một chiếc nhẫn y hệt như thế thì các ông có làm được không?

Người bán hàng trả lời:

– Công ty của chúng tôi có thể chế tác bất cứ kiểu trang sức nào mà quý khách muốn. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên chúng tôi phải liên hệ với thợ kim hoàn để lấy ý kiến đã.

Angie gật đầu:

– Đây là địa chỉ của chúng tôi. Tôi muốn đặt làm một chiếc nhẫn y hệt như bức hình kia. Ông hãy liên hệ với thợ kim hoàn và cho tôi biết giá cả và thời gian thế nào nhé.

Ra khỏi tiệm, Angie tò mò hỏi:

– Anh thích chiếc nhẫn đó lắm à? Nhưng anh có bao giờ đeo nhẫn đâu?

Tôi gật đầu:

– Không hiểu sao anh lại có cảm giác thích nó ngay từ lúc mới nhìn thấy.

Angie mừng rỡ nói:

– Hay quá, thế là em mua được cho anh món mà anh ưa thích rồi, chứ từ trước đến nay anh có bao giờ để ý đến những thứ này đâu.

Tuy nhiên, khi về đến văn phòng, tôi bận việc quá nên quên hẳn việc đi mua sắm với Angie. Khoảng ba tuần sau, trong lúc tôi đang làm việc thì cô thư ký bước vào cho biết có một người thợ kim hoàn muốn gặp tôi. Đó là một ông lão Do Thái nhỏ bé đeo cặp kính dày cộm. Ông tự giới thiệu:

– Tôi là thợ kim hoàn chuyên về trang sức cổ xưa của Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ. Tôi được biết ông muốn có một chiếc nhẫn hình con bọ hung theo kiểu Ai Cập. Tôi được hãng điều đến để làm việc với ông.

Trước khi đo ngón tay để làm nhẫn, ông lão hỏi:

– Ông muốn đeo chiếc nhẫn này ở ngón nào?

Không hiểu sao tôi trả lời ngay mà không cần suy nghĩ:

– Tôi muốn đeo nó vào ngón tay trỏ.

Ông lão giật mình:

– Tại sao lại là ngón trỏ, người ta chỉ đeo nhẫn vào ngón giữa hay ngón áp út, thường gọi là ngón nhẫn thôi. Chỉ có các bậc Pharaoh ngày xưa mới đeo nhẫn vào ngón trỏ.

Ông lão trầm ngâm, rồi lên tiếng:

– Chiếc nhẫn trên ngón tay trỏ tượng trưng cho uy quyền của Pharaoh. Một khi Pharaoh đưa ngón tay trỏ đeo nhẫn ra lệnh thì đó là quyền năng cao nhất và mọi người phải tuyệt đối tuân theo.

Tôi ngạc nhiên vô cùng:

– Làm sao ông biết những điều đó?

Ông lão bật cười:

– Tôi là thợ kim hoàn chuyên về trang sức thời cổ. Dĩ nhiên tôi phải nghiên cứu để hiểu rõ các loại trang sức cũng như ý nghĩa xuất xứ của nó. Đây là loại nhẫn của các Pharaoh Ai Cập, ngày xưa được coi như là vương ấn của triều đình. Tuy bên ngoài nhẫn giống nhau nhưng mỗi Pharaoh lại cho khắc những dòng chữ trên đó tùy theo ý nguyện của họ. Nếu không phải là thợ có chuyên môn sâu thì không mấy ai biết được điều này.

Tôi tò mò hỏi tiếp:

– Vậy chiếc nhẫn trưng bày tại viện bảo tàng Luân Đôn là của ai? Và trên đó khắc chữ gì?

Ông lão mỉm cười:

– Đó là chiếc nhẫn của một Pharaoh thuộc vào thời đại cuối của triều đại các vua chúa Ai Cập, trước khi Ai Cập bị người Assyria xâm lăng vào khoảng hơn sáu trăm năm mươi năm trước Công nguyên. Chiếc nhẫn đó khắc dòng chữ “Xin thần Thái Dương Amun Ra[3] che chở cho tôi”. Phía trong có hình chim ưng Horus, tượng trưng cho công lý.

Tôi ngạc nhiên trước kiến thức của người thợ kim hoàn:

– Ông còn biết gì về chiếc nhẫn đó nữa?

Ông lão Do Thái tiếp tục:

– Chiếc nhẫn đó có khảm một viên hồng ngọc. Hồng ngọc tượng trưng cho đức tin, do đó tôi nghĩ vị Pharaoh này phải là người có đức tin tôn giáo mãnh liệt. Mỗi khi lên ngôi, các Pharaoh đều cho giáo sĩ làm nghi thức đặc biệt truyền bùa chú vào đồ trang sức để bảo vệ cho họ. Hiện nay, chiếc nhẫn này được trưng bày trong viện bảo tàng ở Luân Đôn nên không có điều gì nguy hiểm.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao lại nguy hiểm?

Ông lão trả lời:

– Khi Pharaoh qua đời, các vật dụng, trang sức được chôn theo họ. Vì thế các lăng tẩm này thường bị các tay trộm đến đào, khai quật để lấy đồ quý. Nhiều người sưu tầm đồ cổ mua những thứ này mà không biết đến mối nguy hiểm của chúng. Hầu hết các đồ vật chôn theo vua chúa đều được yểm bùa để bảo vệ, hay những xác ướp đã được các giáo sĩ giam giữ một số sinh vật cõi âm vào để giữ mồ. Do đó, người mua đồ cổ thường bị hại bởi các động lực, năng lượng vô hình này. Nếu họ không chết thì cũng tán gia bại sản và con cháu họ cũng khó sống yên ổn. Dĩ nhiên, ngày nay không ai tin vào những chuyện như thế. Một số người cho rằng đó chỉ là những chuyện hoang đường nhằm mục đích dọa nạt mọi người, không cho họ bén mảng đến những nơi chôn cất đó thôi. Tuy nhiên, chắc ông cũng biết đã có nhiều nhà khảo cổ chết bất đắc kỳ tử. Một số triệu phú thích sưu tầm đồ cổ của vua chúa thời xưa cũng gặp phải các tai nạn thương tâm bất ngờ.

Ông lão Do Thái thấy vẻ mặt nghi ngờ của tôi nên nói tiếp:

– Chắc ông cũng biết về ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun hay “King Tut”. Đây là ngôi mộ tồn tại trong suốt mấy ngàn năm, còn nguyên vẹn, không bị trộm. Năm 1923, nhà khảo cổ Howard Carter và Lord Carnarvon đã tìm ra ngôi mộ này. Sau khi đào mồ, Lord Carnarvon đã chết bất đắc kỳ tử vì một lý do hết sức mơ hồ. Người phụ tá của ông trong việc đào mồ, George Gould cũng chết vì tai nạn vài ngày sau đó. Trong số bốn mươi người hiện diện lúc khai quật mộ “King Tut”, hai mươi lăm người cũng chết trong vòng ba tháng. Nhiều người cho rằng ngôi mộ có rải thuốc độc nhưng cho đến nay không ai tìm được bằng chứng nào cho thấy có độc trong ngôi mộ.

Tôi bật cười:

– Phải chăng đó chỉ là tin đồn được báo chí phóng đại lên mà thôi.

Người thợ kim hoàn lắc đầu:

– Chúng tôi làm nghề này đã lâu nên biết rõ mọi việc hơn người khác. Đối với chúng tôi, các cổ vật, trang sức lấy được trong mồ mả, nơi thờ phượng là điều cấm kỵ, không ai dám đụng vào.

Thấy tôi vẫn lắc đầu có vẻ không tin, ông lão nói tiếp:

– Một trong những món trang sức nổi tiếng là viên kim cương “Hy vọng” (Hope) màu xanh được lưu giữ trong viện bảo tàng Smithsonian tại Washington D.C. Nó có xuất xứ từ viên kim cương rất lớn được gắn vào trán của một vị thần trong một ngôi đền cổ tại Ấn Độ. Trong thời nội chiến giữa các tiểu vương, một vị chỉ huy nhóm loạn quân đã gỡ viên kim cương đó xuống để bán. Chỉ vài hôm sau, ông này chết bất ngờ, rồi viên kim cương đó được bí mật mang về châu Âu bởi một lái buôn trang sức người Pháp tên Jean Tavernier.

Theo tài liệu, Tavernier bán viên kim cương này cho triều đình Pháp để gắn lên vương miện của vua Louis thứ mười bốn và được gọi là viên ngọc xanh của nước Pháp (Le Bleu de France). Sau khi bán viên kim cương này được ít lâu, Tavernier hộc máu chết trong xưởng làm trang sức của ông ta tại Paris. Sau khi đội vương miện trong lễ đăng quang, vua Louis thứ mười bốn cũng bị bệnh, da thịt ung thối và chết vì nhiễm độc. Không những thế, những đứa con của ông vua này cũng chết thê thảm. Người chết đuối, kẻ chết cháy, kẻ chết vì ngã ngựa lúc đi săn, chỉ có một người duy nhất sống sót.

Vương miện được truyền qua tay vua Louis thứ mười sáu. Ông này cho tháo viên kim cương đó ra để làm vòng đeo cổ cho nữ hoàng Marie Antoinette. Chắc ông cũng biết chỉ vài năm sau, cả hai đều chết thê thảm trên máy chém trong cuộc Cách mạng Pháp 1792. Tài sản triều đình được phân chia cho những người lãnh đạo cuộc cách mạng. Theo tài liệu của các thợ kim hoàn thời đó thì viên kim cương được mang qua Anh và lọt vào tay một thợ kim hoàn nổi tiếng là Wilhelm Fals. Tài liệu ghi rõ ông này cắt nó ra thành bốn viên kim cương nhỏ hơn để cho dễ bán vì mấy ai có khả năng mua được một viên kim cương nặng hàng trăm carat như thế. Ít lâu sau, Wilhelm Fals bị chính con trai mình giết để cướp gia tài. Cậu con bị kết án và cũng chết trong nhà ngục. Chuyện gì đã xảy ra cho bốn viên kim cương này không thấy ai lưu truyền nhắc đến trong suốt một thời gian dài.

Tác giả: