Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Tôi lầm lũi bước ra khỏi căn nhà của người y sĩ già nhưng không về cung điện ngay mà đi thẳng qua đền thờ Thái Dương. Satt ngạc nhiên khi thấy tôi đến vào giờ này.

Tôi khơi chuyện:

– Này Satt, theo ông thì tình hình Ai Cập hiện nay ra sao?

Satt nhìn kỹ y phục lạ lùng của tôi, giật mình lo sợ:

– Tại sao Pharaoh lại hỏi như thế? Ngài biết rõ mọi việc hơn chúng tôi mà.

Tôi xẵng giọng:

– Nhưng ta muốn ông trả lời một cách rõ ràng.

Satt quan sát tôi một cách cẩn thận rồi mới trả lời:

– Từ khi lên ngôi Pharaoh, ngài đã làm nhiều việc lớn. Cải tạo xã hội, dẹp phản loạn, trừng trị những kẻ bất tuân luật pháp, mang lại sự thịnh vượng cho dân chúng xứ này. Không những thế, ngài đã cho xây cất nhiều đền thờ ở khắp nơi. Công lao của ngài ít Pharaoh nào sánh được.

Tôi gần như quát lên:

– Đó không phải là điều mà ta đang muốn hỏi!

Satt thực sự bối rối, chăm chú nhìn tôi:

– Phải chăng ngài muốn hỏi đến việc xây cất lăng tẩm cho ngài? Triều đình đã cho xây cất một ngôi mộ vĩ đại để sau khi chết, ngài sẽ có một cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau. Các nghi thức ướp xác đều đã được chuẩn bị đầy đủ.

Tôi không kìm được nữa quát to:

– Ta biết việc này, đó không phải là điều ta muốn hỏi.

Satt rụt rè:

– Phải chăng các cung nữ không làm ngài vui lòng? Triều đình đã cho tuyển rất nhiều cung nữ xinh đẹp từ khắp nơi trong vương quốc. Nếu ngài muốn, chúng tôi có thể tuyển cung nữ từ các xứ khác để phục vụ cho ngài nữa.

Tôi giận dữ thực sự:

– Không hề! Ta không muốn nhiều cung nữ, bọn chúng chỉ toàn là đồ ăn hại.

Satt run sợ:

– Phải chăng ngài muốn thay đổi hoàng hậu. Nếu Nedjem không làm ngài hài lòng, triều đình có thể tìm một hoàng hậu khác thay thế.

Không thể chịu đựng được nữa, tôi hét lớn:

– Không! Hãy cho ta biết! Các ngươi đã thu được bao nhiêu phẩm vật qua các nghi thức tôn giáo? Triều đình đã chu cấp cho các ngươi rất nhiều vàng bạc, châu báu, cho xây rất nhiều đền thờ, mà tại sao lại còn thu nhiều phẩm vật tiền bạc của dân chúng như vậy nữa?

Satt giật mình run lẩy bẩy, câu nói bất ngờ của tôi đã làm cho hắn thực sự hoảng hốt. Tôi tiếp tục:

– Ta muốn xem xét lại việc xây cất các đền thờ. Ngươi hãy cho gọi ngay đám quan trông coi việc này vào cung cho ta xét xử.

Satt lấy lại bình tĩnh, chăm chú nhìn tôi, hiển nhiên hắn đang tính toán một điều gì đó, và nếu mọi việc không thuận lợi cho đám giáo sĩ, biết đâu hắn sẽ trở mặt. Bỗng nhiên Satt cúi đầu:

– Xin tuân lệnh Pharaoh, tôi sẽ điều tra mọi sự theo ý ngài.

Tôi gật đầu bước ra khỏi đền thờ thần Thái Dương nhưng biết Satt vẫn đang quan sát tôi từ phía sau. Chắc chắn đầu óc mưu mô lanh lợi của hắn đang nảy ra nhiều nghi vấn về thái độ hôm nay của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng sắp đặt ngay một kế hoạch đối phó nếu đám giáo sĩ này trở mặt. Khi vào cung, tôi gọi ngay toán thám tử riêng và ra lệnh:

– Các ngươi hãy điều tra ngay xem các giáo sĩ đã thu gom tiền bạc như thế nào và công trình xây cất tốn kém bao nhiêu? Ta muốn xem xét rõ mọi sự chi tiêu ngân quỹ.

Chỉ vài hôm sau, những thám tử này đã mang đến cho tôi một báo cáo đầy đủ. Tôi giật mình khi thấy ngân quỹ triều đình đã phải chi một khoản rất lớn vào việc xây cất lăng tẩm cho tôi và hoàng hậu Nedjem. Nhưng ngân quỹ xây cất đền thờ của các giáo sĩ còn nhiều hơn thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm đền thờ to lớn, nguy nga được xây cất, tu bổ dọc theo bờ sông Nile, trong đó hàng ngàn giáo sĩ và gia đình của họ sống sung sướng với hàng chục ngàn nô lệ được đem tới để hầu hạ. Thảo nào bao nhiêu vàng bạc, châu báu, ngọc ngà thu thập được từ trước đến nay trong ngân quỹ triều đình gần như đã cạn sạch. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao một số quan lại trong triều yêu cầu cho tăng thuế gấp đôi và các tướng lĩnh đòi mở rộng bờ cõi, xâm lăng những quốc gia lân cận.

Tôi lập tức cho gọi Satt vào và quăng tấm giấy chỉ thảo[6] ghi rõ những con số thu chi vào mặt hắn. Satt nhìn kỹ, đứng sững người một lúc, rồi thưa:

– Tôi sẽ xem lại những việc này, chắc là có sự nhầm lẫn nào đây.

Tôi quát lớn:

– Ta đã xem xét rất kỹ, làm sao có sự nhầm lẫn cho được. Ngươi hãy giải thích việc này cho ta, về việc xây cất quá lớn như thế này. Kẻ nào làm không đúng sẽ bị ném vào hầm sư tử ngay.

Satt run rẩy từ đầu tới chân, lắp bắp nói không ra tiếng:

– Xin Pharaoh cho tôi vài hôm nữa để điều tra mọi việc.

Tôi quát lớn:

– Ngươi phải cho ta biết sự thực, bởi ta cần phải biết rõ mọi việc trước khi ban hành những biện pháp mới.

Sau khi Satt lui ra, tôi gọi ngay một thám tử thân tín vào:

– Ngươi hãy theo dõi Satt cẩn thận, nếu hắn có âm mưu gì thì cho ta biết ngay. Ta không muốn nuôi ong tay áo.

Một buổi chiều nọ, mặt trời vừa lặn nhưng còn một chút ánh sáng loang loáng trên mặt nước sông Nile. Tôi đứng trong vườn thượng uyển nhìn ra dòng sông và cảm thấy trong lòng đột ngột dâng lên một nỗi cô độc khôn tả. Nếu lúc đó có ai hỏi tôi điều gì làm cho người ta sợ nhất thì chắc chắn tôi sẽ trả lời rằng đó là sự cô đơn. Dĩ nhiên không ai có thể hiểu tại sao một Pharaoh sống trong cung vàng điện ngọc, chung quanh đầy những cung nữ xinh đẹp lại có cảm giác cô đơn. Không ai có thể hiểu cô đơn là như thế nào khi họ chưa lên đến tột đỉnh của danh vọng. Những người như tôi không có ai để tâm sự, không có ai để chia sẻ. Ở địa vị tối cao này ai cũng sống trong sợ hãi. Pharaoh nào cũng sợ bị phản bội. Pharaoh nào cũng sợ phải trải lòng với người khác. Pharaoh nào cũng sợ, vì họ có những điều không thể giãi bày. Tất cả những người đã thành công, đã thành danh, đã giàu sang tột đỉnh, đều sống trong lo âu, sợ hãi vì đó là những địa vị uy quyền nhất nhưng cũng cô đơn nhất. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những cung nữ xinh đẹp. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng công việc triều chính bận rộn. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những trò vui vì ngay giữa đám đông ồn ào náo nhiệt – nỗi cô đơn vẫn theo đuổi họ đến cùng.

Tôi thẫn thờ nhìn đàn chim đang bay ở cuối chân trời, rồi như có một cái gì đó thúc đẩy, tôi khoác vội chiếc áo choàng cũ, kéo chiếc khăn lên che mặt, rồi một mình bước ra khỏi cung điện. Tôi vội vã bước đi theo con đường mà cách đây mấy hôm tôi đã đi qua. Tôi tìm đến nhà của người y sĩ vì ông là người mà tôi có thể nói chuyện tự nhiên, không phải lo sợ gì hết. Dĩ nhiên ông ta không biết tôi là ai. Là một người hay nói, ông dám nói ra những điều mà có lẽ không một ai tại Ai Cập dám thốt lên trước mặt một Pharaoh quyền uy như tôi. Tôi cũng muốn gặp lại người con gái mang nét hiền hậu, dịu dàng rất giống mẹ tôi khi xưa.

Vừa bước vào, tôi thấy người y sĩ già đang cặm cụi bào chế những vị thuốc bằng rễ cây nhưng không thấy Cihone ở đâu hết. Tôi lên tiếng chào:

– Chắc ông còn nhớ, cách đây mấy hôm tôi đến đây và chúng ta đã có cuộc nói chuyện rất thú vị với nhau.

Ông lão ngước mắt nhìn tôi, vầng trán nheo lại – có lẽ không phải để nhớ – mà là ngạc nhiên về sự trở lại của tôi thì hơn:

– Tôi nhớ rồi, hôm đó cậu hỏi tôi về Cihone và chúng ta nói chuyện khá lâu với nhau.

Tôi vui mừng:

– Phải rồi, ông nói rằng Cihone có thể chữa bệnh cho trẻ con bằng tình thương.

Ông lão nhìn kỹ gương mặt tôi, rồi ngập ngừng cảnh giác:

– Hôm đó tôi nói năng lung tung nhiều chuyện, mong cậu đừng để ý đến những chuyện đó nữa.

Tôi bật cười gạt đi:

– Không sao, tôi rất thích câu chuyện ông nói nên muốn nghe ông nói tiếp.

Ông lão lại nhìn tôi, ngập ngừng muốn nói nhưng lại im lặng nên tôi bắt chuyện:

– Là y sĩ, tại sao ông không hành nghề trong khu chợ đông đúc mà lại chọn một nơi vắng vẻ như thế này?

Ông lão nói:

– Thế cậu là ai mà lại muốn biết về những điều này? Muốn hành nghề tại những nơi đó thì phải đóng thuế. Phần lớn bệnh nhân của tôi đều nghèo, không mấy ai có tiền để trả nên tôi cũng không đủ tiền để đóng thuế cho Pharaoh.

Tuy tức giận vì câu nói phạm thượng nhưng tôi kìm lại, không trả lời câu hỏi đầu của ông mà hỏi tiếp:

– Ông nghĩ rằng tiền thuế quá cao hay sao?

Ông lão gật đầu:

– Càng ngày thuế càng cao nên những người như tôi phải dọn đến nơi thật xa, hẻo lánh như thế này. Đa số người dân tại đây đều làm việc trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh và đền thờ cho các giáo sĩ, tiền lương đã ít mà còn bị bóc lột, đánh đập liên tục nữa.

Ông lão chỉ vào nồi thuốc đang sôi trên bếp lò:

– Hôm nay mọi người phải ra sông Nile để di chuyển pho tượng Pharaoh vào lăng tẩm của ngài. Đó là một pho tượng khổng lồ được tạc từ hầm đá cách đây rất xa. Công trình chuyên chở từ đó về đây đã khiến cho bao nhiêu người thiệt mạng và không ít người gãy tay, què chân nên hôm nay tôi phải bào chế những vị thuốc băng bó các vết thương cho họ.

Tôi đứng im không nói gì. Dĩ nhiên tôi biết pho tượng này, đây là một công trình vĩ đại vì nó sẽ đứng sừng sững trước lăng tẩm của tôi. Nó tượng trưng cho tôi, một Pharaoh đã mang lại thịnh vượng cho Ai Cập qua những chiến công hiển hách. Chính tôi đã ra lệnh tạc pho tượng này vì nó sẽ tồn tại mãi với thời gian. Biết bao thế hệ tương lai sẽ biết đến công lao của tôi và tên tuổi của tôi sẽ được ghi khắc vào lịch sử, trên những bức bích họa khắp các đền thờ tại Ai Cập. Ngoài ra, tôi đã chuẩn bị trước cho cái chết của mình nên đã cho xây cất một ngôi mộ vĩ đại nhất cùng với rất nhiều vàng bạc châu báu để tôi tiếp tục có một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Công lao của tôi sẽ được thần Osiris phán xét, mà theo các giáo sĩ, vì đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật nên tôi sẽ được hưởng một đời sống tốt đẹp vĩnh hằng ở cõi giới của các thần linh.

Tác giả: