Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Ông lão y sĩ tiếp tục nói:

– Tóm lại, chỉ có Pharaoh và các quan lớn trong triều mới được hưởng mọi sự tốt đẹp sau khi chết, còn những người dân nghèo như chúng tôi chỉ biết nai lưng phục vụ chứ mong gì có được một cuộc sống tốt hơn, ngay ở kiếp này.

Câu nói của ông lão làm tôi vừa cảm thấy bẽ bàng vừa khó chịu, tự ái vì từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ mình làm tốt cho tất cả và chưa hề có ai dám nói những điều trái tai đến thế. Sự độc đoán cố hữu của một Pharaoh lại sắp sửa bùng lên…

Ngay lúc đó, có tiếng bước chân bên ngoài và cô gái Cihone ở đâu bước vào. Tôi ngước mắt và bất ngờ nhìn thấy gương mặt dịu dàng, phúc hậu cùng đôi mắt sáng, thiện cảm của người con gái tôi đã để ý mà đêm hôm trước tôi chưa có dịp nhìn rõ mặt. Tôi như quên ngay cảm giác tự ái vài giây trước và như bị hút vào đôi mắt đó. Tôi bất chợt nở một nụ cười thân thiện với cô – nhưng ngay sau đó, tôi sa sầm mặt lại và nụ cười tắt trên môi khi nhìn thấy một thanh niên vóc dáng vạm vỡ theo chân cô gái bước vào. Sự xuất hiện của chàng trai dường như làm tôi không vui và tự nhiên như trước. Cả hai cũng ngạc nhiên khi thấy người khách lạ là tôi ở trong nhà.

Ông lão giới thiệu:

– Đây là người tối hôm trước đã ghé qua nhà mình.

Cihone mỉm cười cất giọng nhẹ nhàng:

– Phải rồi, cha có kể rằng có một người lạ ghé vào hỏi thăm về con. Người đó là anh đây ạ?

Tự nhiên tôi cảm thấy ngượng nghịu không biết phải xử sự như thế nào vì sự hiện diện của người thanh niên kia, nên nói vắn tắt:

– Tôi nghe cha cô nói cô có thể chữa bệnh mà không cần dùng thuốc men hay các nghi lễ cầu xin gì hết.

Cihone đôn hậu lắc đầu, vẫn giọng nói dịu dàng đó:

– Tôi nào có biết chữa bệnh gì đâu. Tôi chỉ biết bế và yêu thương những đứa bé mà cha tôi nhờ tôi trông nom thôi.

Tôi quan tâm ngay:

– Nhưng hẳn là cô cũng cầu nguyện thần Thái Dương ban phúc lành cho những đứa bé đó chứ?

Cihone trả lời ngạc nhiên:

– Tôi chưa từng hiểu biết gì về việc cầu nguyện.

Người thanh niên đến lúc đó mới xen vào:

– Cầu nguyện là công việc của các giáo sĩ. Là người dân thường, chúng tôi làm gì có thời giờ để làm việc đó.

Tôi ngạc nhiên:

– Vậy anh làm gì mà không có thời giờ?

Người thanh niên đáp:

– Tôi làm việc suốt ngày trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh. Về đến nhà là mệt lử, quá kiệt sức rồi.

Cihone góp thêm lời:

– Việc xây cất lăng tẩm khó nhọc lắm, phải làm từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Buổi tối còn phải làm thêm cho công trình xây mộ của các quan lớn nữa.

Ông lão y sĩ xen vào:

– Hai đứa đang muốn kiếm ít vốn để dành, rồi mới kết hôn. Phải có tiền trang trải nợ nần và để mua phẩm vật dâng cúng cho các giáo sĩ mới làm lễ thành hôn được.

Câu nói vô tình của ông lão làm tôi tự nhiên thấy đau nhói trong lồng ngực như bị một ngọn giáo đâm vào. Người thanh niên không để ý đến cảm xúc của tôi, tò mò hỏi:

– Anh ở đâu đến, tôi chưa thấy anh ở xóm này bao giờ cả?

Tôi buộc phải nói dối, lên tiếng:

– Tôi ở trong một đoàn thương buôn mới ghé qua nơi đây.

Người thanh niên ngạc nhiên:

– Các đoàn thương buôn thường làm việc ở ngoài chợ chứ đâu có ai mon men đến cái xóm nghèo như thế này. Chúng tôi đâu có gì để buôn bán hay trao đổi đâu.

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng cảm thấy khó chịu về thái độ của người thanh niên này:

– Đêm hôm trước tôi đi lạc, vô tình đã ghé qua đây và có dịp nói chuyện khá lâu với ông lão y sĩ.

Cihone quay lại nhìn cha, chợt lộ vẻ lo lắng:

– Cha tôi hay nói lung tung, tôi đã dặn đi dặn lại là không nên nói nhiều vì có thể rước họa vào thân.

Ông lão chậm rãi ôn tồn:

– Ta nói có gì sai đâu mà phải cẩn thận chứ.

Cihone cẩn thận thưa:

– Nhưng cha nên nói ít đi một chút, vì nói hết những điều cha nghĩ không khéo có thể gây hiểu lầm và cả nguy hiểm nữa cha ạ. Ở vương quốc này, không phải ai cũng muốn nhìn, biết rõ sự thật như chúng ta đâu. Nhất là…

Ông lão liền nói to át đi, giọng kiên quyết:

– Ta thực sự không có sợ gì hết! Nếu nói đúng sự thật thì có gì phải sợ nào. Đã sợ thì không nói – Đã nói thì không sợ.

Cihone cầm lấy tay ông khẩn khoản:

– Dân thường mạt hạng như mình thì có muốn cũng đâu thể làm thay đổi được điều gì đâu, nên nói nhiều cũng chỉ vô ích mà thôi cha ạ.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Cô đang muốn nói đến việc thay đổi những điều gì?

Người thanh niên xen vào trả lời thay:

– Cha tôi hay nói về việc xây cất các lăng tẩm, đền thờ to lớn, quá tốn kém mà không mang lại ích lợi gì cho dân cả. Nhưng các giáo sĩ và Pharaoh đã muốn làm thì không ai dám cản cả. Chắc chắn Pharaoh không quan tâm đến nguời dân mới làm như thế nhiều năm rồi.

Tôi giật mình vì việc chỉ trích chuyện xây cất lăng tẩm, đền thờ là điều rất cấm kỵ, đụng chạm đến uy quyền của Pharaoh. Trong lịch sử Ai Cập, hầu như mọi Pharaoh đều có những công trình xây cất hết sức vĩ đại, như các kim tự tháp, lăng tẩm và đền thờ các thần linh, vì đó là những gì Pharaoh để lại cho đời sau biết đến công lao tên tuổi của họ.

Ông lão lên tiếng:

– Ai sợ Pharaoh chứ ta không sợ. Pharaoh nào cũng thế, chỉ biết đến quyền lợi của mình, chỉ lo xây dựng mồ mả cho thật to, thật tốn kém để đảm bảo một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia chứ có nghĩ gì đến nỗi bất hạnh của người dân phải còng lưng xây cất đâu. Pharaoh hiện giờ còn tệ hơn nữa, không những lo xây cất mồ mả vĩ đại cho mình mà còn bắt phải xây thật nhiều đền thờ Thái Dương cho bọn giáo sĩ và quyến thuộc của chúng hưởng thụ nữa.

Cihone vội vã lấy tay bịt mồm ông lão lại:

– Cha cẩn thận! Đừng nói nữa cha ơi…

Ông lão thủng thẳng nói chậm, rõ từng lời:

– Việc gì mà phải sợ thế, làm người phải biết can đảm nói lên sự thật chứ. Thế chẳng lẽ con định cho cha đến lúc chết mới được nói lên sự thật à?

Chàng trai có vẻ xúc động thật sự sau câu nói của ông lão:

– Thôi, cha đã muốn nói thì cứ nói. Con ủng hộ cha can đảm nói lên sự thật! Nếu không biết đợi đến khi nào nữa? Cha đã già rồi, không cần quá sợ hãi như trước nữa!

Cihone nhìn chàng trai rồi quay lại nhìn cha, nhỏ nhẹ:

– Giờ cha không nên nói gì nữa. Hôm nay có người lạ ở đây.

Câu nói của Cihone khiến mọi người đều giật mình quay về thực tại, im lặng quay qua nhìn tôi như dò xét.

Hai chữ “can đảm” có một mãnh lực kỳ lạ khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu. Khi tôi và mẹ tôi sống trong cung điện, tôi thích trèo lên một bức tường thấp, rồi nhảy xuống lòng mẹ để bà ôm lấy tôi. Hôm đó, mẹ tôi khoanh tay lại bảo: “Con hãy nhảy xuống một mình đi, con lớn rồi“. Tôi lo sợ: “Bức tường cao quá mẹ ơi“. Mẹ tôi mỉm cười: “Này Akhon, con hãy nhìn xem, bức tường này chỉ cao hơn con một chút thôi, con có thể nhảy xuống nhưng hãy khôn khéo nhảy bằng hai chân – đừng nhảy bằng cặp mắt”. Ý bà muốn nói là khi nhìn bằng mắt, người ta dễ sợ hãi và không dám nhảy. Mẹ tôi nói thêm: “Con đã lớn rồi, phải biết tự chủ và vượt qua những khó khăn. Con phải can đảm lên! Đừng có quá sợ hãi khi cần can đảm”.

Tự nhiên trong tôi trào lên một cảm xúc. Tôi nhìn mọi người, rồi lên tiếng trấn an:

– Mọi người yên tâm, tôi hiểu chuyện và sẽ giữ im lặng không nói cho ai biết đâu. Mà ông đang nói đúng mà.

Tuy nhiên, tất cả vẫn nhìn tôi với thái độ lo ngại, không ai nói thêm gì nữa. Bầu không khí nặng nề bao trùm lên căn nhà khiến tôi hiểu cuộc gặp gỡ đến lúc phải kết thúc, dù tôi muốn nói chuyện tiếp với Cihone vẫn phải từ biệt quay về.

Tôi trở về cung điện trong trạng thái khó chịu, bực bội. Không hiểu sao những câu nói vô tình nhưng thành thật của những người dân này lại có một sức mạnh đánh thẳng vào đầu óc kiêu căng ngạo mạn của tôi, làm xáo động trái tim tôi.

Tôi nhớ đến giọng nói cùng cách ứng xử dịu dàng của người con gái thuần hậu kia và tự nhiên cảm thấy trong lòng thật sự cay đắng. Vì sao một vị Pharaoh oai hùng, quyền uy lại có cái cảm giác hụt hẫng, xấu hổ trước một người con gái xuất thân quá đỗi bình thường như thế được? Làm sao một Pharaoh cao quý sống giữa đám cung nữ xinh đẹp lại có cảm giác chạnh lòng khi chứng kiến sự yêu thương, đồng điệu giữa khó nghèo của người con gái trẻ chân quê kia với một gã trai làng như thế? Phải chăng chính sự thu xếp của thần linh đã để cho người con gái đó phải thuộc về người khác chăng? Dĩ nhiên tôi chỉ cần vung tay ra là sẽ đạt được điều tôi muốn ngay – nhưng không hiểu sao tôi biết mình không thể làm như thế với người con gái này được. Chưa bao giờ tôi thấy mình lại bất lực đến thế. Ai đã đặt tôi vào hoàn cảnh trớ trêu lạ lùng như bây giờ? Ai có thể trả lời những điều tôi đang muốn hỏi? Nếu mọi việc đều là ý muốn của thần linh thì tại sao họ lại ác thế? Từ ngày lên ngôi Pharaoh, tôi đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật cho thần linh thì tại sao họ lại đặt tôi vào tình cảnh trớ trêu này? Phải chăng đó là sự thử thách về đức tin của tôi đối với chư thần hay là một cái gì đó khác nữa chăng? Những câu hỏi này đã xâm chiếm dọc ngang tâm trí tôi suốt đêm hôm đó, nó giống như một mũi tên sắc nhọn đâm vào tim, giày vò, nhức nhối, đau đớn chưa từng có.

Sáng hôm sau, tôi thấy trong người rất khó chịu, bực bội nên ra lệnh cho kẻ tùy tùng thắng ngựa cho tôi đi ra ngoài cung. Tôi không muốn quân sĩ đi theo nên ra lệnh cho họ quay trở lại, rồi một mình một ngựa tiến thẳng ra sa mạc. Mặt trời bắt đầu lên cao, ánh nắng tỏa lan trên những cồn cát trập trùng trải dài trong sa mạc khiến tôi cảm thấy như có một sức sống kỳ diệu đang bao trùm lên vạn vật.

Tác giả: