Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Qua thời gian, luồng sinh lực với kinh nghiệm thâu thập được sẽ tiến hóa lên mức cao hơn. Thí dụ như thay vì một tổ ong với cả chục ngàn con ong thì nó sẽ là một tổ chuột với vài chục con chuột. Chuột sinh ra có nỗi sợ hãi đối với con người và những kẻ thù của loài chuột (như mèo hay chồn, cáo) do kinh nghiệm từ những kiếp sống trước được mang sang kiếp này. Ngay từ lúc mới sinh ra, chuột con đã biết rằng nó phải tránh xa loài người hay loài mèo bằng mọi giá nhờ nguồn kinh nghiệm chung của loài chuột. Nó biết rằng phải sinh hoạt vào ban đêm lúc loài người ngủ say thay vì ban ngày. Tuy nhiên, loài mèo thì khôn hơn và có thể bắt chuột vào mọi lúc. Một số con chuột bị mèo ăn thịt nhưng có những con chuột khôn ngoan thoát được móng vuốt của loài mèo. Khi chúng chết đi thì kinh nghiệm này trở về “nguồn kinh nghiệm” chung của loài chuột, những con chuột sinh sau sẽ khôn hơn và biết nhiều mánh khóe hơn để tránh loài mèo.

Khi dòng sinh lực của sự tiến hóa tiếp tục lên đến loài thú thì sự thay đổi diễn ra nhiều hơn vì một số thú rừng bắt đầu khôn ngoan hơn qua kinh nghiệm chung. Những thú rừng sống theo bầy vẫn chia sẻ kinh nghiệm chung của chúng, nhưng các loại thú rừng sống riêng rẽ thì bắt đầu tiến đến mức “cá nhân hóa” và bắt đầu phát triển trí khôn riêng mặc dù chúng vẫn có chung một nguồn kinh nghiệm của loài đó. Thú rừng sống theo quy luật tự nhiên “mạnh thì sống”, và đặc điểm chính của chúng là sự sinh tồn. Con yếu sẽ là thức ăn cho con mạnh, và nỗi sợ hãi về sự sinh tồn được chia sẻ trong kinh nghiệm chung của loài thú ấy. Hầu như tất cả loài thú đều sợ chết, dù đó là cái chết tự nhiên hay bị con khác ăn thịt. Trong tự nhiên, cá lớn nuốt cá bé, thú mạnh ăn thú yếu, vì đó là bản năng sinh tồn, ăn để mà sống. Do đó, việc tìm thức ăn đối với mỗi con thú trở thành chức năng không thể thiếu. Khi không có thức ăn ở nơi sinh sống, chúng phải đi tìm vùng sinh sống mới, học được cách thích nghi với đời sống mới và đó là bài học quan trọng mà chúng cần học.

Một số loài thú như lừa, ngựa, trâu bò, chó mèo bị loài người bắt và nuôi nên học hỏi thêm được những kinh nghiệm thích nghi mới. Chúng biết rằng khi tuân theo mệnh lệnh của con người làm một số công việc thì sẽ được ăn uống và chăm sóc. Từ đó, nỗi sợ đối với loài người giảm dần và khi chúng chết, những kinh nghiệm này trở về nguồn kinh nghiệm chung, rồi con cháu của những thú vật ấy ngày càng được thuần hóa và có thể sống chung với loài người một cách tự nhiên. Theo thời gian, những con thú ấy bắt đầu học nhiều và có những kinh nghiệm riêng, rồi tiến hóa thành những cá tính độc lập biết nghĩ và học nhiều hơn nữa.

Tới giai đoạn này thì sinh lực đã được “cá nhân hóa” có thể thoát kiếp thú chuyển thành người. Việc con thú phải trải qua thời gian bao lâu trước khi chuyển hóa thành người còn tùy thuộc vào những người mà loài thú này gần gũi. Nếu những con thú này được đối xử tốt, thương yêu, chúng sẽ thấm nhuần được bài học thương yêu. Nhờ có tình thương mà chúng phát triển được sự thông minh và mau chóng chuyển sang kiếp người. Nhưng nếu loài thú này bị đối xử khắc nghiệt, bị đánh đập tàn nhẫn thì nỗi sợ hãi đã mất đi phần nào trong những kiếp trước sẽ trở lại, và con vật phải trải qua nhiều kiếp nữa mới có thể thoát kiếp thú thành người.

Trong các bài học thì tình thương yêu là bài học quan trọng nhất để tiến hóa và thanh lọc các yếu tố ô trược. Tình thương không phải chỉ dành riêng cho loài người mà bao trùm muôn loài trên thế gian. Tình thương xóa bỏ nỗi sợ hãi, vì nếu không có sự thông cảm và thương yêu, loài thú không thể chuyển kiếp thành người được.

Ông Kris ngừng lại nhìn chúng tôi, rồi nhấn mạnh:

– Đây là chìa khóa then chốt của minh triết Karma Yoga. Tình thương là bước đầu cho việc phát triển trí thông minh. Trí thông minh đúng cách là bước đầu cho việc phát triển trí tuệ, và trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất để thanh lọc những yếu tố ô trược để quay về với cội nguồn thiêng liêng. Nếu quan sát, ta có thể thấy những người thông minh thường là những người có tình thương bao la. Bây giờ, chúng ta hãy xét đến loài thú gần gũi với loài người nhất. Chó, mèo là hai loài gần gũi với loài người nhất. Thông thường loài chó thương chủ vô điều kiện và sẵn sàng làm mọi sự theo lệnh của người chủ. Nhờ biết thương yêu nên loài chó học rất nhanh và chúng ta có thể kết luận rằng chó là loài vật dễ dạy nhất vì chúng khôn ngoan, thông minh nhất.

Ngay trong lúc nguy hiểm hay khẩn cấp, nó quên hẳn bản năng sinh tồn và hy sinh thân mình để cứu chủ. Nếu con vật đã tiến đến mức phát triển lòng hy sinh vào lúc nguy cấp xảy ra, nó sẽ mau chóng học hỏi để chuyển kiếp thành người. Dĩ nhiên loài chó không nhất thiết phải hy sinh mới thoát kiếp thú thành người. Khi con chó đã học tất cả những bài học nó cần phải biết trong thế giới loài vật, và khi nỗi sợ hãi đối với loài người được loại bỏ, thì nó được chuyển sang một kiếp sống mới để học nhiều hơn.

Sự khác biệt chính giữa người và thú là óc lý luận, cùng sự tự do ý chí. Nhờ óc lý luận, con người có khả năng phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu và họ có thể đưa ra quyết định cho hành động của mình. Trong khi đó, vì chưa phát triển óc lý luận này, thú vật chỉ biết tuân theo bản năng sinh tồn hay kinh nghiệm chung mà thôi.

Angie sốt sắng hỏi:

– Nếu thế thì tất cả loài thú đều phải chuyển kiếp thành chó mèo mới có hy vọng làm người hay sao?

Ông Kris lắc đầu:

– Không hẳn thế, thú rừng cũng có thể thành người, nhưng mang thân xác của những con người man rợ, thấp kém. Đa số được sinh ra trong những bộ lạc sống sơ khai. Nhiều người còn mang nhiều thú tính dã man hay những kẻ trì độn, lười biếng, ngu si, không biết làm gì vì chưa phát triển được trí thông minh. Trong những kiếp đầu tiên mang thân xác con người, những người này vẫn sống thiên về bản năng như loài vật, họ tham lam, hung dữ, chưa biết kiểm soát hành động vì chưa biết gì về những quy luật tác động trong thế giới loài người.

Luật quan trọng đầu tiên áp dụng trong thế giới loài người là luật Luân hồi. Luật này nói rằng khi sinh lực chuyển hóa thành cá nhân riêng biệt, nó sẽ phải tái sinh nhiều lần qua những kiếp sống khác nhau để học tất cả những bài học có thể học được. Từ đó, nó sẽ biết cách thanh lọc các yếu tố ô nhiễm qua kinh nghiệm của những kiếp sống.

Luật quan trọng thứ hai tác động đến con người là luật Nhân quả. Theo luật này thì mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ con người đều sinh ra kết quả tương ứng rõ rệt, và kết quả này phải được giải quyết ít lâu sau đó hay qua nhiều kiếp sống để học hỏi, rút kinh nghiệm. Luật này rất đơn giản vì “gieo nhân nào, gặt quả đó”. Hành động nào của ta gây đau khổ cho người khác thì ta phải trả giá bằng sự đau khổ do hành động tương tự của người khác gây cho ta, hoặc trong kiếp này hay kiếp sau.

Khi vừa chuyển kiếp thành người thì hành động hay tư tưởng, lời nói của con người thường bị ảnh hưởng bởi loài thú trong kiếp trước nên ít nhiều mang tính tham lam, ích kỷ, độc ác. Họ sẽ gặp nhiều đau khổ do chính tư tưởng, hành động và lời nói của họ gây ra. Trong hàng trăm kiếp đầu tiên làm người, những người này tích lũy rất nhiều nhân xấu vì chưa học được bài học mà họ cần phải học. Tuy họ gặp đau khổ nhưng chưa biết cách giải quyết ra sao. Phần lớn chưa tiến bộ hay học hỏi gì mà sống theo những thú tính của loài vật, có bản năng chiếm đoạt, giành giật, cướp bóc bất cứ thứ gì của người khác. Bản năng thú tính của họ sẽ thúc giục họ dùng sức mạnh để giành cho được cái mà họ muốn.

Trong khoảng hàng trăm kiếp sống đầu tiên, những người này tạo nhiều nhân xấu hơn là nhân tốt và cứ liên miên tái sinh trong vòng luân hồi. Lúc làm người, khi làm thú vật để học hỏi thêm. Nhiều người quan niệm luân hồi hay tiến hóa nghĩa là tiến lên những kiếp sống, hoàn cảnh tốt đẹp hơn, điều đó không đúng. Luân hồi nghĩa là đi lên hay đi xuống trong một cái vòng luẩn quẩn. Có khi làm người, có khi làm thú vật, có khi còn xuống thấp hơn thành các loại ma quỷ không nơi nương tựa, lang thang không định hướng, đầu óc ngu si, vất vưởng trong một thời gian rất dài.

Angie hỏi:

– Nhưng họ đã làm gì mà phải gặp hoàn cảnh đó?

Ông Kris mỉm cười:

– Bất cứ một hành động nào cũng tạo ra một nhân và đã có nhân thì phải có quả. Đó là quy luật của vũ trụ. Bất cứ hành động nào cũng tạo ra một phản hồi tương ứng. Nếu bà ném một vật lên không trung thì vật đó phải rơi xuống vì sức hút của trái đất. Cái lực ném lên và lực rơi xuống đều tương đương như nhau. Nếu bà ném một viên đá xuống một mặt hồ phẳng lặng sẽ gây nước bắn ra tung tóe. Nếu đời nay con người gây ra một số nhân xấu, rồi đời sau lại gây thêm một số nhân xấu nữa và cứ như thế thì số nhân xấu gây ra càng ngày càng chồng chất. Theo luật Nhân quả, khi quả chín thì việc phải đến sẽ đến. Vì sao con người sau khi chết hóa thành ma quỷ? Vì bị bao nhiêu nhân xấu tạo thành quả xấu bủa vây cho nên họ phải thành loài ma quỷ. Những người có tính tàn nhẫn, hiếu sát, thích đánh đập hay giết hại sinh vật thì thường chịu đựng bệnh tật đau đớn, khổ sở, khó có thể sống lâu được. Nếu họ tước đoạt sinh mạng của sinh vật khác khiến chúng không được sống lâu hơn, thì số mạng của người đó cũng không thể lâu dài và thường chết yểu. Những người trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người khác thì kiếp sau thường tái sinh vào những nơi bần cùng nghèo khổ. Điều này cũng dễ hiểu vì chiếm đoạt tài sản của người khác, khiến cho người ta lâm vào cảnh túng thiếu thì trước sau kẻ chiếm đoạt cũng gặp phải cảnh nghèo nàn cơ cực. Vì thiếu hiểu biết cho nên con người tập nhiễm những điều xấu, lâu dần trở thành thói quen ác độc, kết quả là họ phải hứng chịu vô số hoàn cảnh khổ sở, bệnh tật, có nói ra cũng không thể hết được.

Tác giả: