Nghe ông Kris nói, lòng tôi xúc động lạ thường, cho đến lúc này tôi không còn nghi ngờ gì nữa mà hoàn toàn tin tưởng rằng có quy luật Luân hồi và Nhân quả.
Ông Kris chăm chú nhìn tôi một cách tinh quái rồi lên tiếng:
– Hình như ông đang thắc mắc về một người con gái và không biết mối tình này sẽ kết thúc như thế nào phải không?
Tôi giật mình, tự hỏi làm sao ông ấy lại biết việc đó. Như đọc được tư tưởng của tôi, ông Kris mỉm cười:
– Tôi có thể biết ông đang nghĩ gì.
Tôi cố tình nói lảng đi:
– Thật ra tôi đang thắc mắc về tôn giáo thờ thần Thái Dương Amun Ra vì tôi vừa có một trải nghiệm lạ lùng khi hồi tưởng về tiền kiếp tại Ai Cập.
Ông Kris giải thích:
– Thần Thái Dương Ra chỉ là một quan niệm cổ xưa đề cập đến sự sáng tạo vũ trụ. Nó bắt nguồn từ nền tôn giáo cổ tại Atlantis, rồi truyền qua Ai Cập do những người tránh nạn đại hồng thủy đến định cư nơi đây. Lúc đầu nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực như thiên văn, y học, toán học, kiến trúc, âm nhạc v.v… nhưng theo thời gian, một số lĩnh vực khoa học bị thất truyền. Người Ai Cập chỉ biết đến thần Thái Dương Ra như là đấng sáng tạo, cũng như ngày nay chúng ta sử dụng từ “Thượng Đế” mà thôi. Tôn giáo Ai Cập lúc đó thờ rất nhiều thần linh như thần sông, thần núi, thần đất, thần sa mạc và các vị thần bản địa. Các giáo sĩ ở thành Thebes thờ Amun, một vị thần bản địa, nhưng khi ảnh hưởng của phe nhóm này mạnh lên, được các Pharaoh nể phục, họ thay đổi tên vị thần này thành Amun Ra, đề cao vị này lên thành một thần linh tối cao để mọi người Ai Cập phải tôn thờ, nhờ thế họ bành trướng thế lực của giới giáo sĩ. Từ đó, xứ này mất đi những tinh hoa của thời đại trước mà đi vào con đường tôn giáo sùng tín, rồi dần dần trở nên mê tín chứ không còn là một nền khoa học như trước.
Ông Kris tiếp tục giải thích:
– Vào thời cổ đại, Ai Cập là một vùng đất trù phú chạy dọc theo sông Nile với những cánh đồng mênh mông, ao hồ đầy tôm cá, người dân xứ này sống hiền hòa và chịu ảnh hưởng của tôn giáo thờ thần Thái Dương, bắt nguồn từ châu Atlantis. Các vua chúa Ai Cập thời cổ đại đều xuất thân từ Atlantis nên có kiến thức về các động lực thiên nhiên ẩn tàng trong vũ trụ và biết cách kiểm soát các năng lượng xuất phát từ các tinh tú để đón nhận những vũ trụ tuyến cho các nghi thức đặc biệt. Do đó, nếu nghiên cứu kỹ, người ta sẽ thấy kim tự tháp được xây cất theo đúng vị trí nhất định để đón nhận năng lượng vũ trụ tuyến chứ không phải là lăng mộ vua chúa như các nhà khảo cổ thường nói đâu.
Tôi ngạc nhiên:
– Nhưng tôi nghe nói đó là nơi an táng thi hài các Pharaoh thời cổ xưa.
Ông Kris lắc đầu:
– Đó là một sự hiểu lầm tai hại. Vì hiện nay không ai biết rõ kim tự tháp được xây cất cho mục đích gì nên tất cả đều chỉ là giả thuyết mà thôi. Khi một nhà khảo cổ suy đoán rằng đó là mồ mả của Pharaoh, và rồi những nhà khảo cổ khác cũng nói theo, thì dư luận cũng đồng ý như vậy mà không đòi hỏi thêm bất kỳ bằng chứng gì nữa.
Ông Kris giải thích:
– Nếu quan sát kỹ, người ta có thể thấy có sự khác biệt giữa lăng mộ các vua chúa trong thung lũng mộ vua và các kim tự tháp. Các lăng mộ bao giờ cũng có các hình vẽ, điêu khắc trên vách đá để ghi nhớ, ca ngợi công lao của các vị vua đó, cùng các bùa chú, nghi thức tôn giáo, các hình ảnh người chết được phán xét bởi thần Osiris ở cõi âm v.v… Ngoài ra, các quan tài còn có nhiều lớp ván quách chồng lên nhau và rất nhiều đồ đạc, của cải, vàng bạc châu báu chôn theo. Hàng trăm ngôi mộ tại thung lũng mộ vua đều được thiết trí giống nhau như thế. Trong khi đó, tất cả vách đá trong kim tự tháp hoàn toàn trống trơn, tuyệt nhiên không có một hình vẽ hay dấu hiệu gì cả. Đã có ai hỏi tại sao lại có sự khác biệt như thế chưa?
Tôn giáo Ai Cập chủ trương trong lăng mộ phải ghi rõ các biểu tượng với bùa phép, thần chú, và cuốn Tử Thư[7] để đưa hồn người chết về cõi giới bên kia thì tại sao trong các kim tự tháp lại không hề có hình ảnh hay bất kỳ chữ viết nào? Tại sao người ta đã bỏ công ra xây dựng một công trình to lớn, vĩ đại mà bên trong lại trống trơn, chẳng có gì hết, không một hình ảnh, không một dấu tích, không một chữ viết? Như vậy nó đã được xây lên vì mục đích gì khác chứ không thể là lăng mộ được.
Hiện nay, các nhà khảo cổ cho rằng kim tự tháp vĩ đại được xây tại vùng Giza là mồ mả của các Pharaoh mang tên Khufu, Khafre và Menkaure, nhưng có ai từng tìm thấy xác ướp của những ông vua này ở đó đâu? Lịch sử Ai Cập cũng không ghi chép gì về triều đại của những ông vua này mặc dù từ ngàn xưa người Ai Cập đã biết chép sử, ghi nhận chiến công của vua chúa trong các đền thờ hay lăng tẩm. Nếu những ông vua này đã cho xây những công trình vĩ đại như thế thì hẳn họ phải là những vị vua đặc biệt, nhưng tại sao không một sách vở, tài liệu hay văn tự nào nói đến họ mà chỉ có vài giai thoại rời rạc? Đã ai biết đặt câu hỏi tại sao lại như thế không?
Phần lớn các tài liệu cổ về Ai Cập đều ghi rõ các công trình kiến trúc ở thung lũng mộ vua, trong đó có cả tên của những kiến trúc sư, giáo sĩ phụ trách công việc đó mà không tìm thấy một tài liệu nào đề cập đến quá trình xây dựng những kim tự tháp hay nó đã được hoàn thành như thế nào? Tại sao lại có sự thiếu sót như thế chứ?
Kim tự tháp vùng Giza được xây bằng những tảng đá khổng lồ, chồng khít lên nhau một cách tuyệt hảo, không sai lệch một li. Mỗi tảng đá nặng cả trăm tấn, thì làm sao người ta có thể khuân hàng ngàn tảng đá vĩ đại như vậy chồng lên cao thế được? Dù có hàng trăm ngàn nô lệ kéo những tảng đá này lên cũng không thể nào làm được như thế chỉ với sức người. Ngày nay, với máy móc hiện đại nhất, con người cũng không làm nổi việc đó huống chi là mấy ngàn năm trước? Vậy thì ai đã xây cất những kim tự tháp này và sử dụng những kỹ thuật gì?
Những tảng đá xây kim tự tháp được đục tách ra từ những rặng núi cách xa đó hàng trăm dặm, làm sao người ta có thể vận chuyển hàng ngàn tảng đá khổng lồ này đến giữa sa mạc vùng Giza trong khi người Ai Cập vào thời đại đó chưa biết sử dụng bánh xe lăn hay cần trục? Phải chăng người xưa đã sử dụng kỹ thuật nào đó thuộc một nền văn minh khác mà ngày nay không ai còn biết đến?
Ông Kris ngừng lại nhìn tôi, mỉm cười nói thêm:
– Hiện nay, trong các khu rừng rậm tại châu Phi và Nam Mỹ, còn có vô số kim tự tháp, tương tự như ở Ai Cập, mới được khám phá. Các bộ lạc sống ở vùng đó đều nói đó là đền thờ của tổ tiên họ, nơi thực hành các nghi thức tôn giáo chứ có ai nói đó là mồ mả chôn cất vua chúa đâu. Tại sao các nhà khảo cổ tin rằng kim tự tháp Ai Cập là lăng tẩm của vua chúa trong khi kim tự tháp Nam Mỹ chỉ là nơi chốn thờ phụng? Đã có ai biết hỏi tại sao lại có sự khác biệt như thế không?
Ông hãy nghĩ xem, những bộ lạc bán khai, sống trong những túp lều cất bằng cây lá, không hề biết gì về kiến trúc hay toán học, thì làm sao tổ tiên của họ lại có thể xây cất những kim tự tháp bằng những tảng đá khổng lồ như thế? Trừ phi là những kiến thức này xuất phát từ một nền văn minh từng hưng thịnh hay một chủng người nào đó mà nay đã biến mất trên bề mặt địa cầu.
Như ông đã biết, để tránh nạn đại hồng thủy, người Atlantis đã đóng thuyền đi định cư khắp thế giới và mang nền tôn giáo của họ theo. Nếu để ý thì ông sẽ thấy tất cả nơi nào có kim tự tháp đều tôn thờ thần Thái Dương, hay biểu tượng mặt trời. Tại sao ở những nơi xa xôi vạn dặm mà người dân nơi đó không thờ thần linh nào khác mà đều tôn thờ thần Mặt trời nếu nó không xuất phát từ một nguồn gốc chung?
Nghe ông Kris trình bày kỹ như thế, tôi mới nhận thấy quả là có những khác biệt rõ ràng trong các giả thuyết của các nhà khảo cổ mà ngày nay đa số mọi người đều tin chứ không kiểm chứng xem các giả thuyết đó đúng hay sai. Có lẽ chỉ khi nào người ta có thể đi ngược dòng thời gian, trở lại quá khứ, thì mới có thể hiểu rõ ý nghĩa tồn tại của các kim tự tháp này.
Tôi thắc mắc:
– Khi trước tôi nhớ lại kiếp sống tại Atlantis, còn bây giờ lại trải nghiệm một kiếp sống khác nữa ở Ai Cập. Thời gian ở Atlantis xảy ra khoảng hơn mười hai ngàn năm trước Công nguyên, rồi đến Ai Cập khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên, vậy thì chuyện gì xảy ra giữa hai kiếp sống đó? Liệu tôi còn sống ở những đâu nữa không?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi nghiêm nghị hỏi:
– Ông có thực sự muốn biết chuyện đó không? Liệu ông có can đảm chấp nhận sự thật không?
Tôi ngạc nhiên:
– Tại sao lại không? Nếu con người chết đi rồi tái sinh vào một kiếp sống khác thì thời gian ở giữa hai kiếp sống kéo dài bao lâu?
Ông Kris ngần ngại nhìn tôi, rồi giải thích:
– Này ông bạn, khi trước chúng ta đã nói về luật Luân hồi. Con người sinh ra rồi chết đi, chết rồi tái sinh trở lại, quanh quẩn mãi trong vòng Luân hồi – nhưng không phải ai cũng tái sinh trở lại thành người đâu. Tùy theo những nguyên nhân phức tạp mà có khi tái sinh thành loài vật, loài ma quỷ, hay các sinh vật khác nữa. Ông nên biết cõi giới chúng ta đang sống không phải là cõi giới duy nhất, còn có những cõi giới của các sinh vật khác mà chúng ta không nhìn thấy đó thôi. Ta có thể gọi đó là những chiều không gian khác nhau hay thế giới vô hình cũng được vì các giác quan hiện nay của chúng ta không thể cảm nhận được hết tất cả những thế giới này. Tuy nhiên, không nhìn thấy được không có nghĩa là chúng không đang tồn tại cùng với chúng ta.