Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

– Từ ngàn xưa, các bậc hiền triết đã biết quan sát tự nhiên nên cách nhìn của họ không dựa trên những lý thuyết trừu tượng hay dữ kiện khoa học như ngày nay. Có một cuốn sách cổ của Do Thái là cuốn Siphra Dzeniouta, được coi là cuốn sách lâu đời nhất, đã đề cập đến tài liệu kia với chú thích rằng “Trích dẫn trong sách cổ của tiền nhân”. Nếu thế thì tài liệu này phải được viết từ xưa lắm vì các học giả Do Thái, nổi tiếng là cẩn thận và tỉ mỉ, cũng không thể truy cứu ra lai lịch của nó. Tài liệu này gồm có những phương trình toán học thể hiện những sự thay đổi trong vũ trụ với những vòng xoáy và công thức mà các nhà nghiên cứu ngày nay vẫn còn nhức óc tìm cách lý giải vì nó quá phức tạp.

Theo tài liệu này thì mọi sự trên thế giới đều thay đổi theo vòng xoáy chứ không phải theo đường thẳng từ thấp lên cao, như các nhà khoa học ngày nay chủ trương. Mỗi vòng là một chu kỳ bao gồm bốn giai đoạn là Thành, Trụ, Hoại, Diệt trước khi chuyển qua một chu kỳ khác. Quan niệm về chu kỳ thật ra đã được người Ấn Độ và Trung Hoa đề cập đến trong các sách vở của họ từ lâu rồi, nhưng họ không đi vào chi tiết và sử dụng phương trình toán học như tài liệu cổ xưa kia.

Theo tài liệu này thì mỗi chu kỳ đều có những nền văn minh xuất hiện, phát triển, suy tàn, rồi biến mất, nhường chỗ cho nền văn minh khác ở chu kỳ sau. Do đó, chúng ta có thể suy nghiệm rằng biết đâu từ xưa đã có những nền văn minh của những giống người có thể mang hình thể khác chúng ta, với sự hiểu biết khác chúng ta, đã có mặt trên trái đất này, và sau khi phát triển, đã suy tàn và biến mất khi chu kỳ của họ đi vào giai đoạn Hoại và Diệt.

Hiện nay, dĩ nhiên không ai tin khi trước đã có những giống người thời cổ, khác với chủng loại của chúng ta, hay những nền văn minh cổ với sự hiểu biết khác hẳn chúng ta. Càng ngày càng có nhiều khám phá về nguồn gốc của con người. Khi các nhà địa chất tìm thấy những khí cụ bằng đá thô sơ thì họ kết luận rằng nếu đi lùi xa hơn thời kỳ đồ đá, thì nhân loại lúc đó chỉ là những người man rợ, không khác gì loài thú. Do đó, khi Charles Darwin đưa ra giả thuyết con người bắt đầu từ một giống vượn rồi tiến hóa thành người, quan niệm này đã được các nhà khoa học thế kỷ mười chín và hai mươi chấp nhận ngay, rằng nền văn minh của chúng ta ngày nay là kết quả của sự tiến hóa từ thấp lên cao, từ man rợ đến văn minh, rằng ngày nay chúng ta đang ở trên tột đỉnh qua các khám phá và phát minh của khoa học thực nghiệm.

Tôi bật cười:

– Tuy thế nhưng nói rằng từ xưa đã có những giống người khác hẳn chúng ta trên quả đất này thì thật khó tin.

Ông Kris thong thả nói tiếp:

– Khi xưa, có một truyền thuyết phổ biến trong giới học giả Hy Lạp được triết gia Plato ghi nhận trong cuốn Phaedrus đó là: “Con người đã từng, và sẽ trở thành, những sinh vật có cánh, sống trong cảnh trời với các thần linh. Thật ra họ vốn là thần linh, vì để rơi mất cánh mà phải sống dưới trần làm người. Đến khi nào tìm lại được đôi cánh thì họ sẽ bay về quê hương của họ”.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Triết gia Plato đã viết như thế sao? Tôi chưa từng đọc cuốn Phaedrus, nhưng biết đâu đó chỉ là một ẩn dụ, đề cập đến một vấn đề gì đó?

Ông Kris gật đầu đồng ý:

– Dĩ nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy con người khi xưa đã từng có cánh và bay lượn trong không gian. Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong kim tự tháp ở Nam Mỹ một tài liệu cổ tên là Popol Vuh, trong đó ghi nhận nguồn gốc của nhân loại như sau:

“Khi xưa, con người không có hình thể rõ ràng như ngày nay mà chỉ là những thực thể thanh nhẹ, sống trong thế giới gần với các thần linh. Họ có khả năng lý luận sâu sắc và liên lạc với nhau bằng tư tưởng. Những thực thể này sở hữu một thứ nhãn quan gần như là vô hạn, có thể nhìn thấy tất cả mọi sự. Thế giới của họ toàn là những chủng loại vô hình, tốt cũng như xấu, cao cũng như thấp. Sống trong cảnh giới thanh cao, nhìn thấy được những thế giới khác nên một số người tò mò tìm đến thế giới này rồi bị ô trược. Khi thân thể của họ bị những yếu tố vật chất nặng trược bám vào, họ không thể quay trở về cõi giới thanh nhẹ được nữa mà bắt buộc phải ở lại đây. Để sống trong thế giới ô trược này, họ phải tạo ra những ‘bộ áo’ bằng vật chất để che chắn bảo vệ cho các giác quan tinh nhạy của họ. ‘Bộ áo’ vật chất này đã tạo cho họ một hình thể, giúp họ thích nghi với đời sống mới. Vì được cấu tạo bởi yếu tố vật chất nên nó cản trở các giác quan của họ, khiến các giác quan không còn tinh nhạy nữa. Dần dần, ‘bộ áo’ này trở thành một rào cản ngăn cách họ với thế giới thanh cao kia. Do không thể liên lạc với nhau bằng tư tưởng được nữa, nên họ phải tạo ra ngôn ngữ để biểu lộ ra tư tưởng của mình. Dĩ nhiên ngôn ngữ chỉ là một phương tiện giới hạn trung gian chứ nó không thể diễn tả hết những hiểu biết thật sự. Theo thời gian, kiến thức của họ dần dần bị hạn chế bởi ngôn ngữ mà họ sử dụng. Khi tinh hoa của sự hiểu biết mất đi thì con người trở nên sa đọa, các tư tưởng thanh cao bị thay thế bởi các tư tưởng thấp hèn, các giác quan siêu việt của linh hồn bị thay thế bởi các giác quan thấp mọn của thể xác vật chất. Cuối cùng, con cháu của họ chỉ biết sống thụ động, không còn biết gì về nguồn gốc thiêng liêng hay khả năng siêu việt khi xưa nữa. Tuy nhiên, một số rất ít nhớ được đôi chút về nguồn gốc qua những câu chuyện truyền khẩu hoặc sở hữu một vài kiến thức đặc biệt nhờ biết kiểm soát thể xác, tu dưỡng tinh thần, nên họ có thể giao cảm với cõi thiêng liêng, do đó thấy được những biến cố trong tương lai. Họ là các nhà tiên tri, hay pháp sư thuở trước.”

– Nghe ông giải thích một cách chi tiết như thế, tôi nghĩ có lẽ ông cũng tin rằng mọi sự đều thay đổi theo quan niệm chu kỳ?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi điềm tĩnh trả lời:

– Nếu giải thích theo lý luận khoa học hiện nay, rằng con người bắt nguồn từ loài cấp thấp, tiến hóa thành người, đi từ thấp lên cao, theo một đường thẳng và cứ tiếp tục thay đổi mãi thì quan niệm chu kỳ này không thể chấp nhận được. Nhưng nếu giải thích theo quan niệm của người xưa với những vòng xoáy, mỗi vòng là một chu kỳ khác nhau, tiếp diễn không ngừng, qua bốn giai đoạn Thành – Trụ – Hoại – Diệt, thì điều này rất có lý và có thể chấp nhận được.

Tôi hỏi dồn:

– Nhưng nếu đã có những nền văn minh như thế thì tại sao tất cả lại biến mất nhanh chóng như vậy?

Ông Kris kiên nhẫn trả lời:

– Theo vật lý học, nếu ta ném một vật lên không trung thì sức ném lúc đầu phải mạnh, nhưng dần dần giảm bớt khi lên cao, rồi chuyển hướng rơi xuống với một lực ngược lại, lúc đầu chậm, sau gia tăng mạnh lên. Cũng như thế, giai đoạn Thành và Trụ mất rất nhiều công sức nhưng khi bước vào giai đoạn Hoại và Diệt thì thường diễn ra rất nhanh. Nền văn minh nào cũng mất nhiều thời gian xây dựng mới tạo được, nhưng khi suy hoại thì biến cố này diễn ra nhanh vô cùng.

Thí dụ như, con người đã trải qua biết bao nhiêu thế kỷ mới có được nền văn minh như hiện tại, nhưng nếu xảy ra một trận đại chiến, với vũ khí nguyên tử phá tan tất cả, mọi sinh vật đều chết hết thì sao? Nếu tất cả những gì thuộc nền văn minh hiện thời đều tiêu tan hết thì đến chu kỳ sau còn ai biết gì về thời đại này nữa?

Ông Kris nhìn tôi đầy hàm ý, rồi nói:

– Tương tự như thế, nếu có trận động đất lớn xảy ra khắp thế giới, chôn vùi tất cả lục địa xuống lòng đại dương, thì đâu còn di tích nào nữa. Chuyện này đã xảy ra đối với Atlantis, ông không nhớ sao?

Tôi hỏi thêm:

– Nếu thế vào chu kỳ sau, tất cả phải bắt đầu từ con số không hay sao?

Ông Kris gật đầu:

– Đúng thế, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu vì mỗi chu kỳ đều có những bài học và giá trị riêng, chỉ hữu ích cho con người vào thời đại đó thôi. Như tôi đã nói, cuộc sống là một ngôi trường và con người phải học những bài học cần thiết. Có người học nhanh, có người học chậm, do đó họ phải trải qua nhiều kiếp sống trong chu kỳ đó để học những bài học cần thiết.

Tôi hiểu nhưng vẫn thắc mắc:

– Thế rút cục người ta phải học những gì?

Ông Kris thong thả giải thích:

– Nói một cách tổng quát thì có những bài học mà toàn thể nhân loại phải học để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo. Nói một cách hẹp hơn thì mỗi cá nhân cũng có những bài học riêng mà họ cần học tùy theo tâm nguyện và hoàn cảnh của người đó. Thí dụ như trong kiếp sống của ông tại Atlantis, trước khi qua đời, ông đã hối hận về hành động của ông cũng như đã có tình thương đối với Kor. Do đó, qua sự sắp đặt của luật Nhân quả, ông sẽ gặp lại cô này để trả nợ cho hành động ông đã gây ra và tiếp tục học bài học này trong những kiếp sau vì đó là ý nguyện của ông. Tất cả mọi người khi từ trần đều có những tư tưởng riêng, như yêu thương, giận hờn, thù hận, hay hối tiếc… và những điều này sẽ trở thành những yếu tố dẫn dắt họ vào kiếp sau.

– Vậy trong chu kỳ này, nhân loại đã học được gì hay chưa?

– Có nhiều thứ mà người ta cần phải học để thích ứng với những sự thay đổi trong mỗi chu kỳ. Nếu quan sát thì hiện nay có bao nhiêu là kiến thức từ những nền văn minh cổ, bao nhiêu là bài học lịch sử qua các thời đại, nhưng đã mấy ai tiếp thu được hết thảy những bài học ấy? Do đó, chúng ta cần phải khơi gợi lại một số bài học cần thiết. Nếu không, chúng ta sẽ phải học đi học lại những bài học này.

– Theo ông thì bài học nào cần phải được khơi gợi lại?

– Mỗi kiến thức, mỗi kinh nghiệm, đều mang đến ích lợi cho mọi người để thay đổi. Hiện nay chúng ta cần gạt bỏ thành kiến và sự tự cao tự đại của nền khoa học thực nghiệm để tìm về những môn học cổ xưa, những bài học lịch sử, vì hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải khôi phục lại những giá trị này.

Tác giả: