Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Tôi giận đến tức cả ngực nhưng không muốn để lộ thân thế của mình. Bình thường thì chỉ một ngón tay giơ lên, ông già này có thể bị ném vào hầm sư tử ngay. Tôi quay ra nhìn người con gái vẫn đang ôm đứa trẻ.

Ông lão vô tình nói:

– Cihone đóng vai người mẹ săn sóc cho đứa trẻ bệnh tật vì thiếu sự âu yếm, nâng niu. Người mẹ chính là tình thương và chắc chắn không gì tổn hại trẻ con bằng việc thiếu đi tình thương của người mẹ.

Câu nói của ông lão làm tôi nghĩ đến người mẹ quá cố của mình. Mẹ tôi chết trong cung điện một cách mờ ám khi tôi mới lên bốn tuổi. Tôi không biết gì nhiều về bà, chỉ biết rằng bà là một trong số những phụ nữ bị bắt trong khi Pharaoh hành quân ở biên giới. Sau khi sinh ra tôi, chắc chắn mẹ tôi đã phải tranh đấu để che chở cho tôi ở một nơi đầy rẫy những tranh chấp, ghen tuông, với những âm mưu thâm độc. Trong cung điện của Pharaoh có nhiều cung phi, người nào cũng muốn mình được sủng ái và con mình trở thành thái tử nối ngôi Pharaoh. Vì ghen tức, các cung phi khác đã tìm cách hãm hại mẹ tôi. Tôi không bao giờ quên điều này nên khi lên ngôi Pharaoh, tôi đã hạ lệnh cho ném tất cả phi tần, cung nữ, quan lại hầu cận trong cung vào hầm sư tử. Tôi đã nghe tiếng kêu la thảm thiết của những kẻ này khi chúng bị lũ sư tử đói xé xác và cảm thấy thực sự sung sướng vì đã trả xong mối hận năm xưa.

Tôi hỏi:

– Phải chăng Cihone đã là một người mẹ?

Ông lão lắc đầu:

– Không, Cihone trước là một bé gái vô thừa nhận, bị vứt ở góc chợ. Vợ chồng tôi thấy tội nên mang về nuôi. Từ nhỏ, Cihone đã giúp chúng tôi săn sóc bệnh nhân nhưng tôi nhận ra nó có tài săn sóc trẻ con vì những đứa trẻ bị bệnh khi được nó quan tâm, không đứa nào phải chết cả.

Tôi ngạc nhiên:

– Như thế Cihone giờ cũng không có mẹ à?

Ông lão bật cười:

– Cihone không có cha mẹ ruột nhưng chúng tôi chăm nuôi từ nhỏ nên tôi xem Cihone như là con ruột. Là y sĩ, tôi thấy rõ sự thiếu tình thương của người mẹ không những làm chậm sự phát triển của con trẻ mà còn sinh ra nhiều vấn đề bệnh tật. Những đứa trẻ dễ mắc bệnh, chậm lớn thường là do thiếu sự chăm sóc yêu thương mà ra.

Ông lão ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp:

– Cậu hãy nghĩ xem, nếu việc thiếu tình thương gây hại như thế thì những đứa trẻ không có cha mẹ sẽ ra sao? Chúng sẽ lớn lên một cách bất bình thường. Chúng sẽ phải chống chọi, phấn đấu đơn độc, một mình đối phó với hoàn cảnh không may của chúng và bộc phát những cá tính khác thường. Khi lớn lên, dù có đời sống khá giả, nhưng chúng cũng dễ mắc bệnh thần kinh như là hậu quả của những biến cố khi còn nhỏ. Nếu không may, với cuộc sống nghèo đói, chúng dễ trở thành những kẻ phạm tội trong xã hội.

Ông lão tiếp tục nói:

– Cậu có biết tại sao như thế không? Tại vì mỗi đứa trẻ đều hành động tùy theo lối cư xử của cha mẹ hay xã hội dành cho chúng. Tùy theo việc đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ như thế nào, được thương yêu hay bị đánh đập mà cuộc đời đối với nó trở nên đáng ghét hay đáng sống. Khi mới được sinh ra, đứa trẻ nào cũng có khả năng yêu thương vì nó được sinh ra qua tình yêu thương của cha mẹ. Nếu nó được sống trong yêu thương, nó sẽ biết thương yêu. Trái lại, nếu không được thế thì khả năng thương yêu của nó sẽ mất đi và nó chỉ biết sống một cách vô ý thức. Làm sao nó có thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương? Làm sao nó có thể yêu ai được khi nó không hề được ai yêu? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi khổ đau của người khác khi khả năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? Do đó, mối quan hệ giữa nó và những người chung quanh sẽ trở nên hời hợt, và bị giới hạn trong những điều rất nhỏ, không thể vươn tầm mắt ra xa hay bay bổng lên cao được. Đầu óc của những đứa trẻ này sẽ chỉ giới hạn trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những thói tham lam, ích kỷ chứ không thể nào làm những việc lớn được. Là y sĩ, tôi đã chữa cho nhiều người, quan sát nhiều điều, và thấy rõ rằng phần lớn những kẻ hung ác, tham lam, tàn nhẫn đều là những kẻ vốn dĩ bị thiếu tình thương.

Tôi cố nén cơn giận ập tới vì câu nói vô tình của ông lão đã đụng chạm đến thân thế của mình, rồi lên tiếng bào chữa:

– Nhưng hiện nay Ai Cập đã thay đổi, Pharaoh đã ổn định mọi việc trong nước, đời sống dân chúng sung túc hơn trước và không còn ai lo sợ nạn ngoại xâm nữa.

Ông lão bật cười:

– Dĩ nhiên không ai còn lo sợ người Nubia xâm lăng nhưng việc xây cất đền thờ Thái Dương quá mức khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, đã làm khánh kiệt nguồn lực quốc gia. Hầu như mọi gia đình đều bận rộn làm việc trong những công trình xây cất vĩ đại này để làm vui lòng Pharaoh nhưng đó chỉ là sự huy hoàng hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ có mấy ai thấy được sự suy kiệt tiềm tàng ngân khố ở bên trong đâu. Các công trình xây cất này chỉ có lợi cho nhóm giáo sĩ và quyền lực của họ chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân hết.

Tôi giận run lên vì câu nói hỗn xược xúc phạm đến tôi nhiều như vậy, nhưng ông lão vẫn vô tình nói tiếp:

– Cậu nghĩ xem, tương lai Ai Cập sẽ ra sao khi mọi gia đình đều bận rộn làm công việc xây cất lăng tẩm, để rồi những đứa trẻ này lớn lên không được săn sóc, dạy dỗ và thiếu tình thương? Tương lai của chúng sẽ ra sao khi chúng lớn lên với những thói hư tật xấu, chỉ biết tham lam, tranh giành hay chiếm đoạt? Nếu không được dạy dỗ giáo dục từ nhỏ thì làm sao những đứa trẻ này có thể biết được những gì mà thế hệ trước đã khổ công dựng xây?

Nghe ông lão nói, tuy vô cùng tức giận nhưng tôi cũng giật mình phát hiện điều mà trước giờ tôi không hề nghĩ đến.

– Hiện nay hầu hết các gia đình đều phải đi xây cất đền đài cho giáo sĩ và Pharaoh. Đâu mấy ai có thể săn sóc con cái trừ việc cho chúng ăn uống. Trẻ con lớn lên không được dạy dỗ cẩn thận dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu. Trẻ nhỏ không được săn sóc, âu yếm nên bị bệnh rất nhiều. Bệnh tật còn có thể chữa, chứ tính tình hay thái độ của chúng đối với cuộc sống trở nên tiêu cực, xấu xa thì làm sao sửa đổi được?

Tôi cố nén giận, hỏi thêm:

– Vậy thì ông thường làm gì với những đứa trẻ này?

Ông lão trả lời:

– Đối với những đứa trẻ mắc bệnh được gửi đến đây cho tôi săn sóc, ngoài việc chữa trị, tôi còn dạy cho chúng biết yêu thương. Ngay cả những đứa trẻ hung hăng được gửi đến đây, chúng tôi không trừng phạt chúng mà chỉ đối xử dịu dàng với chúng để khơi gợi lại tiềm năng thương yêu đã bị che lấp của chúng.

Ông lão thở dài:

– Thật ra đối với người lớn cũng thế. Thay vì trừng trị bằng cách ném vào hầm sư tử hay đày đi vùng biên giới để xây cất lăng mộ cho các quan triều, lẽ ra Pharaoh phải cho họ cơ hội để thay đổi, để tập thương yêu, vì tình thương là một loại năng lực sáng tạo có thể làm chuyển hóa, có thể chữa lành mọi bệnh tật, có thể thay đổi tất cả mọi thứ. Với tình thương, người trao yêu thương và kẻ được thương yêu đều trở nên sung sướng. Tình thương là một thứ ai cũng có thể cho đi mà không bao giờ sợ phung phí. Một khi xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, nó sẽ có năng lực xây dựng, gắn kết mạnh mẽ, có thể khắc phục mọi sự. Một xã hội được xây dựng dựa trên sự oán ghét, hận thù thì khó mà tồn tại vì nó sẽ phá hủy tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, hiện nay đã mấy người biết thương yêu hay tha thứ như thế?

Lời nói sau cùng này của ông lão làm tôi giận điên lên vì nó chỉ đích danh đến hành động tàn ác của tôi khi lên ngôi Pharaoh. Nếu như vào lúc khác, tôi đã cho xử tử ngay kẻ hỗn xược này. Nhưng lúc đó tôi đã ý thức được hoàn cảnh và kiểm soát được cơn giận. Tôi quay qua nhìn người con gái đang vỗ về đứa bé đang đứng ở phía xa. Cô ta có một nét gì đó đặc biệt mà tôi không lý giải được khiến tôi phải chú ý. Tuy cô không quá xinh đẹp nhưng đường nét thôn nữ thanh mảnh trong bộ quần áo giản dị, dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ leo lét, toàn thân cô vẫn toát ra một vẻ thánh thiện của một người mẹ hiền, duyên dáng quyến rũ của một cô gái trẻ. Cô gái không chú ý đến tôi mà chỉ ôm đứa bé trong vòng tay một cách trìu mến.

Ngay lúc đó, tôi hồi tưởng lại một cảm giác xa xưa, khi còn nhỏ tôi cũng được mẹ âu yếm như thế. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác được nằm trong lòng mẹ và bà cũng nâng niu tôi y hệt như vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy sung sướng một cách lạ lùng về cái gọi là tình thương mà ông lão vừa nói. Tôi nghĩ đến thân phận của mình, mất mẹ từ nhỏ, bị đối xử một cách khắt khe, tàn nhẫn nhưng nhờ ý chí cương quyết, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành một Pharaoh uy quyền tột đỉnh, song tôi chưa biết gì về tình thương cho đến lúc này. Tôi chưa hề thương ai hay yêu ai, và cũng chưa hề được ai yêu thương. Tất cả những cung nữ xinh đẹp chỉ biết làm vui lòng tôi vì đó là bổn phận của họ, không hề có tình yêu. Hoàng hậu Nedjem cũng chỉ đóng một vai trò mờ nhạt trong cuộc hôn nhân được thu xếp này. Thật ra tôi chưa hề yêu ai và cũng chưa hề được ai yêu. Đó là một sự thật không chối cãi được. Tôi nhìn lại người con gái kia, cô có nét gì đó dịu dàng rất giống mẹ tôi khi xưa. Tự nhiên tôi thấy mình mỉm cười với người con gái đó nhưng cô vẫn mải mê âu yếm đứa bé, không để ý gì đến người khách lạ đang chăm chú nhìn cô.

Tác giả: