Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Nguyên nhân thứ hai là việc sử dụng ngôn ngữ. Từ ngàn xưa, người Ai Cập đã có một loại chữ viết bình dân. Phần lớn các văn kiện, tài liệu, giao dịch đều sử dụng loại chữ này. Tuy nhiên, các giáo sĩ lại sử dụng một loại chữ đặc biệt riêng gọi là chữ tượng hình trong tài liệu tôn giáo vì có những chi tiết ẩn mật, sâu kín, không thể nói ra bằng lời được. Đây là loại chữ đặc biệt dành cho những đạo đồ nghiên cứu thâm sâu trao đổi với nhau. Ngày nay, người ta còn tìm được những ám tự này trong cuốn Y ThưTử Thư. Vì đa số các giáo sĩ chuyển hướng theo tà giáo, không chịu tu học, nghiên cứu nữa nên các sách vở của nền tôn giáo cổ, viết bằng ám tự, dần dần thất truyền, theo thời gian không còn ai có thể đọc được nữa.

Nguyên nhân thứ ba là khi các Pharaoh bị ảnh hưởng bởi tà giáo, sử dụng bùa chú, phép thuật để liên lạc với các sinh vật cõi âm. Họ được dạy rằng nếu biết ướp xác và thực hành một số nghi thức cúng lễ, họ sẽ sống mãi và trở nên bất tử ở cõi giới bên kia. Do đó, họ cho xây cất các lăng tẩm vĩ đại để lưu giữ xác thân mà không biết rằng xác thân của họ trở thành một nơi cho ảnh hưởng cõi âm phát tác. Tin tưởng rằng con người có thể trở nên bất tử nên việc xây cất lăng tẩm đã trở thành tham vọng chính yếu của các vua chúa Ai Cập. Theo thời gian, việc xây cất trở thành một kỹ nghệ chính với hàng chục ngàn thợ thuyền, nô lệ chuyên xây cất mồ mả, làm suy kiệt tiềm lực quốc gia. Để có tiền xây cất mồ mả hoành tráng, các Pharaoh xâm lăng các nước quanh vùng, chiếm đoạt tài nguyên, vàng bạc và nô lệ. Từ đó, Pharaoh nào cũng gây chiến, đánh dẹp các nước quanh đó, gây thù chuốc oán khắp nơi.

Trải qua nhiều triều đại vua chúa, trải qua bao thăng trầm biến đổi, nền văn minh Ai Cập dần dần suy tàn. Khi nhân lực suy kiệt vì các công trình xây cất, khi vua chúa chỉ mong được bất tử ở thế giới bên kia, khi quan lại tham nhũng đục khoét tài sản quốc gia, khi mọi người chỉ sống ích kỷ thì xã hội rối loạn, dân chúng lầm than, khổ cực, và Ai Cập trở thành miếng mồi ngon cho các nước quanh đó. Trải qua mấy ngàn năm, người dân Ai Cập phải sống dưới ách đô hộ của người Nubia, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Ottoman, và gần đây hơn là người Anh, người Pháp. Hậu quả của việc này là văn hóa Ai Cập hoàn toàn biến mất, ngay cả chữ viết bình dân cũng bị thất truyền huống chi là chữ tượng hình. Do đó, không ai còn biết đến văn hóa, lịch sử hay các dòng chữ ghi khắc trong cổ mộ, hoặc trên thạch trụ trong các đền thờ nữa. Giờ đây, phần lớn người dân Ai Cập không mấy ai biết được nguồn gốc cao đẹp, nền văn hóa huy hoàng hay lịch sử oai hùng của mình nữa, mà họ chỉ đồng hóa mình với nền văn hóa của xứ Ả Rập.

Tôi im lặng nghe, nhưng trong lòng trào dâng một nỗi buồn khôn tả. Những lời giáo sư Baader nói rất trùng hợp với trải nghiệm về tiền kiếp tại Ai Cập của tôi.

Giáo sư Baader nói tiếp:

– Vào năm 1801, Hoàng đế Napoleon đem binh chinh phục Ai Cập. Một nhóm binh sĩ xây cất pháo đài dọc bờ sông Nile đã tìm được một bia đá có khắc ba loại chữ: chữ tượng hình (ám tự), chữ bình dân và chữ Hy Lạp. Đó là sắc lệnh từ các tu sĩ Memphis đề cao công đức của Pharaoh Ptolemy đời thứ năm. Vì nó được khắc bằng ba loại chữ khác nhau cho nên các học giả người Âu liền đối chiếu theo đó mà truy dần ra bộ chữ tượng hình Ai Cập. Jean Champollion, học giả kiêm sử gia nổi tiếng của Pháp, đã được Hoàng đế Napoleon chỉ thị phải nghiên cứu bộ chữ này để tìm hiểu những gì được ghi khắc trên các thạch trụ. Nhờ thế ông đã soạn lại toàn bộ chữ tượng hình đã bị thất truyền từ mấy ngàn năm nay. Công trình này đã vén mở tấm màn huyền bí vẫn bao trùm lên nền văn minh Ai Cập từ hàng ngàn năm qua.

Champollion tiếp tục công việc phiên dịch các tài liệu cổ của Ai Cập, nhất là bộ sách của thánh sư Thoth còn được ghi trên các bia đá và thạch trụ. Là người thận trọng, ông đã lưu ý những học giả đời sau rằng chữ tượng hình là một ngành khoa học thiêng liêng, người ta chỉ có thể hiểu được một phần nào ý nghĩa thông thường, dựa theo sự suy đoán về bộ chữ cái mà thôi. Muốn quán triệt sâu xa những diệu nghĩa huyền bí, người ta phải có kiến thức về tâm linh, một thứ kiến thức siêu việt cao hơn bình diện tri thức thông thường. Do đó, ông kết luận rằng người ta chỉ nên coi những bản dịch ám tự như là một sự suy đoán, chữ đâu nghĩa đó chứ không thể xác định ý nghĩa thật sự của nó được.

Tôi tiếp tục hỏi:

– Tôi vô cùng thán phục công trình nghiên cứu của ông về Ai Cập với những chứng tích lịch sử. Ngoài ra, ông còn biết gì thêm về nền văn minh này nữa không?

Giáo sư Baader nhiệt tình chia sẻ thêm:

– Từ ngàn xưa, Ai Cập vẫn được coi là trung tâm văn hóa lớn nhất ở miền cận Đông và là nơi tụ họp của rất nhiều thánh nhân, hiền triết. Sử gia Ennemoser đã ghi nhận các hiền triết Hy Lạp như Thales, Herodotus, Orphee, Parmenides, Enedoples và Pythagoras đều từng qua Ai Cập học hỏi. Họ học hỏi với ai và ở đâu thì không thấy nói. Có thể họ vào đền thờ để thụ giáo với các giáo sĩ như sử gia Herodotus đã viết trong cuốn sách của ông. Nhưng cũng có thể họ tìm đến các ốc đảo hoang vu để học hỏi với các bậc đạo gia uyên bác – như Pythagoras đã nói với các học trò về thời gian ông sống ở sa mạc Ai Cập. Những đạo gia này là ai? Không ai biết và không sách vở nào ghi chép rõ, nhưng nếu là bậc thầy của các hiền triết như Pythagoras, Thales hay Orphee thì chắc hẳn họ phải là bậc đại tôn sư, đại hiền triết. Câu hỏi là tại sao lại không thấy tài liệu nào ghi nhận. Phải chăng những bậc vĩ nhân này khiêm tốn, không màng danh lợi trần thế nên đã không chịu tiết lộ danh tánh của mình?

Tôi thắc mắc:

– Tại sao những người ẩn tu ngoài sa mạc ấy không để lại dấu tích gì?

Giáo sư Baader trả lời:

– Theo nghiên cứu của tôi thì từ xưa đã có những bất đồng ý kiến giữa các giáo sĩ về phương pháp tu luyện. Truyền thống tâm linh nào cũng chia làm hai phần: công truyềnbí truyền. Đối với các đạo gia hay giáo sĩ tu tập theo phương pháp bí truyền thì tự biết mình là điều chính yếu. Một khi đã ý thức về mình, về nguồn gốc thiêng liêng của mình, thì mọi sự sẽ tự nhiên được giải đáp. Do đó, trước khi tìm cách giải thích các hiện tượng ngoại giới, các quy luật vũ trụ, trước khi thu nhận học trò hay giảng dạy điều gì, họ quay vào bên trong để tìm hiểu chính mình qua các phương pháp tu tập nội quán. Do đó, đa số tìm đến những nơi thâm sâu, hoang vắng để tu tập chứ không mấy ai sống trong các đền thờ ồn ào, phức tạp.

Với các giáo sĩ tu tập theo giáo lý công truyền thì các kiến thức về quy luật tự nhiên là công cụ tốt để sử dụng cho mục đích cá nhân nào đó. Thay vì quay vào bên trong, họ lại hướng ra bên ngoài để nghiên cứu và biến các kiến thức này thành một thứ khoa học, sử dụng các năng lực trong tự nhiên, từ đó họ có các quyền năng thần thông. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết về bản thân, nên họ để cho các động lực như tham lam, sân hận, kiêu căng lung lạc, dần dần đi vào con đường sử dụng tà thuật. Nhờ có kiến thức về các động lực tiềm ẩn trong tự nhiên, có thể kêu gọi và sai khiến những sinh vật cõi âm, họ tự coi mình là đấng cao cả, đại diện cho thần linh nào đó. Thay vì hướng dẫn mọi người thì họ chỉ giảng dạy những gì có lợi cho họ hay phe phái của họ. Thay vì giúp con người học hỏi để tiến bộ thì họ lại vận dụng kiến thức vào những điều mang tính ích kỷ, tham lam, đánh lạc hướng mọi người với những lời hứa hẹn hòng bảo vệ quyền lợi của cá nhân. Thay vì giúp con người thoát ra khỏi các ước lệ, ràng buộc của các thành kiến hẹp hòi qua việc tự biết mình, thì họ lại biến các quy luật tự nhiên thành một thứ luật pháp khắt khe đầy những áp chế, đe dọa. Dưới sự hướng dẫn của họ, đấng Thái Dương Ra không còn là đấng sáng tạo ban ánh sáng để xua tan màn đêm u tối nữa mà đã hóa thành một hung thần, dễ nổi giận, sẵn sàng trừng phạt những ai làm trái ý Ngài. Đó là lý do mà nền văn minh tôn giáo cổ dần dần bị thất truyền.

Các giáo sĩ chân chính không chịu được hình thức áp chế tư tưởng bèn rút vào sa mạc hoang vu để ẩn tu, không màng đến thế sự. Trong khi đó, giáo sĩ tà giáo, những thầy phù thủy, những kẻ sử dụng bùa chú trở nên mỗi ngày một nhiều. Họ cấu kết với các Pharaoh tham lam, hung ác để sinh ra các hình thức tín ngưỡng mới tôn thờ vô số thần linh mà họ đã tạo ra, do đó tôn giáo Ai Cập trở thành một thứ tôn giáo đa thần.

Tôi hỏi thêm:

– Ông đã dựa vào đâu mà kết luận như thế?

Giáo sư Baader trả lời, giọng điềm tĩnh:

– Tôi dựa vào các tài liệu tìm được trong mộ của Pharaoh Ramses II, trong đó có sắc lệnh ghi rằng ông vua này đã ra lệnh thiêu hủy tất cả các bộ sách viết về các quy luật tự nhiên của đạo gia Denarath và tất cả những gì đề cập đến nền tôn giáo thời cổ. Sau khi Moses giải phóng dân Do Thái, Pharaoh Ramses đã cho đốt tất cả các sách vở huyền môn và giết những giáo sĩ tu học theo nền tôn giáo cổ. Đây là bằng chứng rõ rệt cho thấy sự tranh chấp giữa hai quan niệm bí truyền và công truyền.

Giáo sư Baader dừng lại một lúc, rồi nói tiếp:

– Theo nghiên cứu của tôi về các tài liệu cổ, sở dĩ Do Thái giáo có được một số tinh hoa là nhờ công trình của Thái hậu Batria, mẹ nuôi của nhà tiên tri Moses. Thái hậu Batria là đạo đồ huyền môn đã được truyền dạy các tinh hoa của nền tôn giáo cổ. Chính nhờ sự giáo dục của bà mà dân Do Thái mới có được một nhà tiên tri, một giáo chủ xuất sắc như Moses. Thánh Kinh ghi rõ: “Khi còn trẻ, Moses được huấn luyện theo truyền thống minh triết thâm sâu của Ai Cập”. Câu này ngụ ý rằng tinh hoa của nền tôn giáo thời cổ đã được trao cho Moses. Một đoạn trong Thánh Kinh đã ghi: “Khi thụ giáo nền minh triết này, Moses phủ kín mặt bằng một tấm vải che”. Một số nhà khảo cổ và giáo sĩ ngày nay cho rằng ông đã che mặt khi học hỏi các giáo lý này. Nhưng câu này không có ý nghĩa gì hết vì trong Thánh Kinh đâu nói gì đến việc đi học phải che mặt đâu. Theo tôi thì câu này ngụ ý rằng một tấm màn bí mật đã phủ lên những điều Moses được chỉ dạy vì chỉ những tinh hoa mật truyền mới cần phải che giấu. Điều này có nghĩa là Moses được học những giáo lý mật truyền.

Tác giả: