Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Này ông bạn, ông đang cho rằng sự phát triển của khoa học là hữu ích, nhưng ông có biết rằng ngay lúc này, trong những phòng thí nghiệm bí mật tại một số quốc gia, rất nhiều nhà khoa học vô đạo đức đang nghiên cứu và tạo ra những con quái vật bằng phương pháp ghép các yếu tố di truyền sinh học của con người vào loài vật, hay đang ngày đêm cấy ghép lai tạo nên những loài vi rút biến thể độc hại cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng loài người? Điều kinh khủng gì sẽ xảy ra nếu những loài vi rút đáng sợ này vô tình bị sổng chuồng khỏi các phòng thí nghiệm? Chắc hẳn ông còn nhớ kiếp trước tại Atlantis, chuyện này đã xảy ra tại xứ Og rồi. Ông có biết rằng những người thuở trước đang trở lại để tiếp tục công việc họ đã làm trong quá khứ không? Họ tạo ra những con quái vật phục vụ cho những mục đích phá hoại hết sức ghê gớm mà hiện nay không mấy ai biết. Phải chăng thói quen quá khứ không dễ gì xóa bỏ? Phải chăng lòng ham muốn cùng với kiến thức từ quá khứ đã làm cho họ đánh mất cả lương tri? Trong tương lai rất gần, ông sẽ thấy con người không còn là con người nữa mà đã trở thành một giống nửa người nửa thú. Có lẽ ông không tin được điều này nhưng chỉ một thời gian không xa, ông sẽ thấy những loài sinh vật dị dạng và khác thường này làm những việc mà ngày nay chưa ai dám nghĩ đến. Ngay cả ngày nay, biết bao người đang sống một cách vô cảm, họ không nhìn thấy sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Họ sống vô ý thức, bị thôi thúc bởi sự tham lam quyền lợi và quyền lực. Chính những người này sẽ xây dựng những phòng thí nghiệm, những cơ sở thương mại với những kiến thức ma quái thời cổ để tạo ra những con quái vật vô tri giác phục vụ cho mục đích riêng của họ.

Hiện nay, khoa học công nghệ đã phát triển với tốc độ quá nhanh, không còn ai có thể kiểm soát nổi. Ông sẽ thấy tất cả những sản phẩm công nghệ ngày nay sẽ hoàn toàn thay đổi trong thời gian sắp tới vì những phát minh ra đời mỗi ngày một nhiều. Không một chính quyền nào, luật pháp nào có thể thay đổi nhanh chóng để bắt kịp những đổi thay công nghệ ngày nay. Ông sẽ thấy rất nhiều công ty lớn sẽ bị thay thế bởi những công ty nhỏ nhưng có những phát minh mới, sản phẩm mới và kiến thức mới. Cả thế giới sẽ bị đảo lộn bởi những sự thay đổi bất ngờ không thể tưởng tượng được. Chỉ ít lâu nữa thôi, con người sẽ bị biến dạng do cấy ghép những bộ phận và máy móc vào trong thân thể của họ để họ có những khả năng đặc biệt. Dĩ nhiên, hiện giờ ông không tin điều này có thể xảy ra, nhưng nếu ông nhìn lại khoảng năm chục năm trước, khi ai đó nói rằng người ta có thể nói chuyện với nhau bằng điện thoại không dây hay xe hơi tự lái thì có ai tin không? Giờ thì điều này không còn lạ nữa.

Tại sao hôm nay tôi lại đề cập đến những giá trị cổ xưa và những bài học lịch sử mà chúng ta cần phải học? Vì đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những tiến bộ khoa học và các lợi ích về vật chất. Không phải tất cả đều hữu ích cho nhân loại trong lúc này và cho tương lai. Tôi không phủ nhận giá trị hay ích lợi của các sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay nhưng tất cả chưa hoàn toàn phục vụ cho con người vì chúng được tạo ra bởi những người chưa có đủ sự hiểu biết về hậu quả của việc họ làm.

Nhiều nhà khoa học chế tạo ra các loại vũ khí tối tân có thể giết hàng trăm, hàng ngàn người, nhưng họ phủ nhận trách nhiệm và lý luận rằng vũ khí là vật vô tri, không thể giết người mà chỉ có con người mới sử dụng nó để giết nhau mà thôi. Tương tự như thế, nhiều người đưa ra những luận cứ để bào chữa cho hậu quả của những học thuyết vô nhân tính đã gây ra chiến tranh thù hận giữa các quốc gia, gây thương tổn cho hàng triệu người nhưng vẫn nói rằng họ không có trách nhiệm gì cả. Không ai biết về luật Nhân quả. Tuy họ có trí thông minh nhưng họ chưa đủ sự hiểu biết chân chính để hiểu hậu quả của việc mình làm. Do đó, chúng ta phải khôi phục lại những kinh nghiệm của người xưa, học lại những bài học lịch sử, đừng để cho nó tiếp diễn nữa. Khi con người biết hành động với lương tâm và đạo đức thì bất cứ việc làm gì của họ cũng đều tốt đẹp.

Ông Kris im lặng một lúc như suy nghĩ, rồi nói tiếp:

– Trong giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh lan rộng, thiên tai xảy ra mỗi ngày một khốc liệt (như núi lửa, sóng thần, động đất, lụt lội, hạn hán), tiếp đến là sâu bọ phá hoại mùa màng gây ra nạn đói khắp nơi, rồi các đại dịch bệnh cũng theo chu kỳ bùng phát, lúc đầu chỉ ở vài nơi nhưng sau sẽ lan ra khắp thế giới và mỗi ngày một trầm trọng, ghê gớm hơn trước.

Khi trước, tôi đã nói cho ông biết về nền văn minh Atlantis, con người lúc đó sống bằng bản năng nên tham lam, ích kỷ và có dục tính rất mạnh. Đa số mọi người lúc đó thường ngẫu phối, không phân biệt nam hay nữ, ngay cả với giống nửa người nửa thú. Một số người như thế hiện nay đã trở lại thế giới này. Họ tiếp tục thói quen từ trước nên những việc giao phối loạn luân tiếp tục diễn ra, sinh ra nhiều thứ bệnh quái lạ. Một số bệnh có thể tìm được thuốc chữa, nhưng sẽ có những thứ bệnh vô phương cứu chữa và đến lúc đó khoa học cũng phải bó tay. Nguyên nhân chính là lòng tham lam sinh ra sự luyến ái bệnh hoạn, không phân biệt và không thuận với luật tự nhiên. Những dịch bệnh ghê gớm hiện nay chỉ là sự cảnh cáo về các mối hiểm họa lớn hơn sắp xảy ra nhưng có mấy ai để ý đến. Nếu nó chưa xảy ra cho chính họ hay gia đình của họ thì họ không quan tâm. Chính vì thái độ vô cảm này mà dịch bệnh tiếp tục phát sinh, truyền đi khắp nơi, mỗi ngày một mạnh. Chẳng hạn như, bệnh sốt xuất huyết Ebola đã bùng phát tại Guinea, Sierra Leone và Liberia, rồi lan ra nhiều nước châu Phi. Gần đây ông có thể thấy những căn bệnh viêm phổi chết người tái phát ở nhiều nơi và có nguy cơ lan rộng khắp thế giới. Một ngày nào đó, những dịch bệnh này sẽ tàn phá vượt qua mọi sự tưởng tượng và lúc đó thì đã quá muộn.

Đây không phải là điều gì mới lạ vì từ xưa đã có những bệnh truyền nhiễm như dịch hạch, lao phổi, đậu mùa v.v… Những căn bệnh này đã giết chết hàng triệu người nhưng trong tương lai, sẽ có những căn bệnh ghê gớm hơn có thể tiêu diệt phần lớn dân chúng thế giới. Tại sao lại như thế? Vì dịch bệnh cũng do chính con người gây ra. Khi con người tàn sát, giết hại loài vật thì những con thú này phản ứng như thế nào? Hiển nhiên chúng không thể chống trả lại bằng cơ thể của loài thú, nhưng chúng có thể trở thành hàng triệu con vi trùng hay vi rút gây ra dịch bệnh, khi đó con người không thể phản ứng gì được. Hiển nhiên, nếu con người ăn thịt loài vật, thì sau đó loài vật sẽ ăn thịt lại con người. Khi con người tìm sự khoái lạc qua việc giết hại thú rừng và ăn thịt chúng, thì những con vi trùng, vi rút cũng sẽ tàn phá thân thể con người. Và cái vòng thù oán này sẽ tiếp tục, không bao giờ chấm dứt.

Nếu ông hiểu được luật Chu kỳ và Nhân quả thì ông sẽ thấy mọi sự thay đổi, chuyển hóa không ngừng. Cái gì đi đến cực điểm cũng sẽ thay đổi. Tốt đến cực điểm có thể trở thành xấu. Ác đến cực điểm cũng có thể hóa thiện. Một người nghèo đến cùng cực có thể trở nên giàu có, trong khi người giàu đến cực điểm cũng có thể trở thành trắng tay. Khi mới sinh ra, chúng ta chỉ là một đứa bé, rồi chúng ta lớn lên, trưởng thành, già nua và chết. Ðó là chu kỳ của Thành – Hoại luân chuyển trên thế gian này. Ðó là sự biến đổi tự nhiên, liên tục theo luật Chu kỳ. Đó chính là tiến trình biến đổi và chuyển hóa của vũ trụ mà không mấy ai để ý đến. Điều quan trọng nhất trong thời đại này là đừng quên tất cả chúng ta đều là người chứ không phải là loài vật. Chúng ta phải sống có ý nghĩa, có mục đích. Bài học mà chúng ta cần phải học là hiểu rõ luật Nhân quả và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.

Và một khi con người tự tâm có ý thức thay đổi làm việc tốt, phát tâm tích đức, tạo phúc cũng có thể tác động giảm, tiêu trừ bớt nghiệp quả. Tác động tương hỗ bù trừ này được luật Nhân quả của vũ trụ xét trên nhiều yếu tố chứ không đơn thuần như phép cộng trừ nhân chia.

* * *

Trong những lần trò chuyện với ông Thomas, tôi nhận ra ông luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần bài học rất cần ghi nhớ về Luật Nhân quả và Luân hồi. Đối với tôi, và có lẽ với hầu hết người châu Á, đây không phải là điều mới lạ. Nhiều người đã biết câu nói nổi tiếng “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả“. Nhưng giữa biết và thấu hiểu có một khoảng cách rất xa. Từ biết, hiểu rồi trở thành niềm tin thực sự còn tùy thuộc vào độ trải nghiệm thực tế và căn duyên của mỗi người. Nhưng, ở trên đời có nhiều chuyện xin “đừng đợi thấy mới tin”…

Tôi nhớ rõ ông Thomas đã chia sẻ một suy nghĩ sâu sắc, rất đáng suy ngẫm:

“Vào lúc này, khi anh và tôi đang nói chuyện về luật Luân hồi và Nhân quả tại căn nhà ở Colorado, thì quanh đây mấy chục dặm, có hàng ngàn người đang sống, đã mấy ai biết về những quy luật này? Nếu nhìn rộng ra cả tiểu bang này, với vài triệu người, đã mấy ai biết về luật Luân hồi hay Nhân quả? Nếu anh quan sát cả nước Mỹ, trên ba trăm triệu người, đã mấy ai biết gì về những quy luật vũ trụ này chưa? Và anh hãy nhìn khắp thế giới hơn bảy tỷ người, có bao người đang hành động độc ác, vô nhân tính? Có những quốc gia đang đối xử với người khác tàn độc như thế nào? Có bao nhiêu cái chết thương tâm và cuộc sống bi đát của nhiều con người vô tội đã và đang diễn ra? Hãy thử nghĩ nếu tất cả đều chịu học hỏi và hiểu rõ về Nhân quả, biết rõ một khi ‘gieo nhân gì sẽ gặt quả đó’ thì có ai dám hành động như thế không?

Thường thì con người, khi hành động, ít ai nghĩ đến hậu quả, nhưng một khi hậu quả xảy đến thì họ nghĩ gì, làm gì? Họ oán hận, trách trời, trách đất, trách những người chung quanh hay ai đó đã gây ra những hậu quả đó? Có mấy ai biết chiêm nghiệm, tự trách và thay đổi chính mình không? Đó là động lực để tôi chia sẻ với anh những câu chuyện chưa từng kể với ai này – dù có những điều thiên cơ bất khả lộ – và chấp thuận để anh chia sẻ những trải nghiệm, bài học vô tiền khoáng hậu này với các bạn của anh, có thể viết thành một cuốn sách để cho nhiều người trên thế giới cùng chiêm nghiệm – giữa lúc trái đất đang có nhiều tai ương, biến động từng ngày. Tôi mong chúng ta – những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người.

Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên. Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.

Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương”.

Tôi quyết định viết cuốn sách này bằng tiếng Việt – ngôn ngữ đồng bào, đất nước thân thương trong tim tôi.

Chú thích

[1] Phi hành gia Edgar Mitchell khởi xướng việc nghiên cứu về sự tương quan giữa con người và vũ trụ để tìm hiểu về những sự kiện không thể giải thích, khuyến khích việc xây dựng mối liên hệ giữa khoa học và trải nghiệm nội tâm trong viện nghiên cứu do chính ông cùng một số người bạn lập ra tại Palo Alto, California, nhưng ông đã bị một làn sóng dư luận khắt khe chỉ trích. Ông qua đời vào năm 2016.

[2] Dạng sống cơ bản nhất của vũ trụ, là những dạng vật chất rắn cơ bản, được liên kết từ các phân tử và hoàn toàn chưa có tri giác.

[3] Thần Thái Dương (Ra) là vị thần tối cao trong văn hóa Ai Cập cổ đại, đại diện cho ánh sáng và sự sinh trưởng. Amun vốn là thần bảo hộ của thành phố Thebes. Ai Cập được đề cập trong cuốn sách này rơi vào thời kỳ Tân Vương Quốc. Để củng cố vị trí của thần Amun, triều đình đã tôn vị trí thần Amun lên sánh ngang với thần Ra và kết hợp hai vị thần này thành thần Amun Ra.

[4] Isis: Nữ thần của tình mẹ, phép thuật và sự sinh sản. Bà là một trong chín vị thần tối cao nhất của chư thần Ai Cập cổ đại (bộ chín vĩ đại của Heliopolis).

[5] Bệnh thời khí là bệnh phát sinh theo thời tiết khí hậu. Hoặc dân gian còn gọi đơn giản là bệnh theo mùa.

[6] Giấy papyrus, giấy cói, làm từ ruột cây papyrus (cói).

[7] Tử thư Ai Cập là những văn bản dùng trong tang lễ đã được sử dụng trong gần 1.500 năm. Chúng bao gồm những lời kinh, thần chú và hình vẽ được chép trên một cuộn giấy cói tùy táng trong lăng mộ của người đã khuất. Người ta tin rằng những lời kinh chú này ban cho linh hồn người chết tri thức và sức mạnh cần thiết, dẫn lối họ an toàn qua cõi âm bất trắc để đi đến được kiếp sau. Mỗi cuốn Tử thư được chia ra nhiều chương, nội dung được lựa chọn và kết hợp lại từ 192 bài kinh để mô tả cuộc đời của người chết. Do vậy, mỗi cuốn Tử thư là độc bản, không có hai cuốn Tử thư nào hoàn toàn giống nhau. Ban đầu, Tử thư chỉ dùng cho tầng lớp thượng lưu. Đến thời kỳ Tân Vương quốc (1570-1069 TCN), Tử thư phổ biến hơn trong xã hội.

[8] Mời bạn đọc xem thêm tác phẩm Dấu chân trên cát do Nguyên Phong phóng tác, được First News – Trí Việt phát hành.

[9] Vùng đất này vẫn là nguyên nhân chính gây ra tranh chấp, các cuộc chiến giữa người Do Thái, Ả Rập và Palestine.

Tác giả: