Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Lo sợ câu chuyện có thể đi xa với những chi tiết có thể trở nên bất lợi nên tôi ngắt lời:

– Chúng ta đang nghe nói về sự tiến hóa của mọi vật. Em hãy để cho ông Kris tiếp tục câu chuyện dở dang nhé.

Ông Kris quay qua nhìn tôi mỉm cười, rồi nói tiếp:

– Sự sống tiếp diễn qua các loại khoáng vật rồi chuyển qua loài thảo mộc, từ loài thấp như rêu rong hay cây cỏ (thân thảo), rồi tiến đến cây có thân cứng (thân mộc), và sau đó lên đến loài côn trùng, chim cá, các loài động vật tinh khôn và đến con người. Đó là một tiến trình kéo dài rất lâu, hàng triệu năm hay hơn thế nữa. Mỗi khi chuyển qua một giai đoạn, sự sống hay cái năng lượng đó thu thập thêm kinh nghiệm và dần dần tạo ra sự hiểu biết hay trí thông minh. Ở mức độ thấp (như đất đá, cây cỏ hay côn trùng) thì sự hiểu biết rất thô nên chưa có tính cách cá nhân, nhưng khi tiến đến mức cao hơn (như thú vật) thì nó dần dần tạo thành những cá thể riêng biệt, đến loài người thì ta gọi là “trí thông minh cá nhân”.

Angie lên tiếng:

– Nếu thế thì phải chăng loài vật tiến hóa cao hơn cây cỏ và loài người tiến hóa cao hơn loài vật?

Ông Kris mỉm cười:

– Đối với loài vật thì con người là một sinh vật cao siêu. Điều đáng tiếc là chúng ta mang danh “cao siêu” nhưng lại đối xử tàn ác với loài vật thay vì thương yêu hay thông cảm với những sinh vật thấp kém hơn chúng ta. Nếu để ý, bà có thể thấy con người là nguyên nhân gây ra đau khổ cho thú vật. Họ giăng lưới hay đặt bẫy bắt chim, dùng lông thú vật làm đẹp cho quần áo. Họ xem việc bắn giết loài thú như là một trò giải trí, bất chấp nỗi đau khổ gây ra cho loài thú không tinh khôn bằng mình. Những việc làm tàn ác này gây ra nỗi sợ hãi cho loài vật. Sợ hãi là một dạng cảm xúc tiêu cực làm trì trệ sự tiến hóa trong tự nhiên. Sự sợ hãi đối với con người bắt đầu từ những loài cấp thấp và tiếp tục lan truyền khắp muôn loài.

Angie tiếp tục hỏi:

– Nhưng đâu phải ai cũng giết súc vật để giải trí như ông nói. Người ta ăn thịt loài vật để nuôi dưỡng thân thể…

Ông Kris lắc đầu cắt ngang câu nói của Angie:

– Đó là một quan niệm sai lầm. Nếu bà đồng ý rằng trên con đường tiến hóa để trở nên tốt đẹp hơn, con người phải thanh lọc những điều ô trược. Loài thú có sự tiến hóa thấp hơn loài người, nếu ta ăn thịt chúng thì chính chúng ta lại hấp thụ những thứ ô trược đó vào trong cơ thể. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đi xa trên con đường trở về nguồn sống thiêng liêng cho được.

Câu nói của ông Kris làm cả hai chúng tôi giật mình. Angie lên tiếng bào chữa:

– Nhưng đó chỉ là lý thuyết mà thôi, chứ đã có ai chứng minh rõ ràng đâu.

Ông Kris mỉm cười nói tiếp:

– Thôi được, chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề dựa trên lý luận khoa học cho dễ hiểu. Khi súc vật bị giết, chúng sợ hãi và cơ thể chúng tiết ra những chất độc. Bà cũng biết rằng mỗi khi lo lắng, cơ thể con người cũng tiết ra những hóa chất độc hại – nhẹ thì làm chua bụng, nhức đầu, đau lưng, hồi hộp, mất ăn, mất ngủ… nặng thì làm hại hệ thần kinh, gây ra các chứng bệnh như đau tim, sưng phổi, ung thư… Khoa học cũng đã chứng minh điều này. Vậy thì loài vật khi đối diện trước cái chết, điều gì diễn ra trong cơ thể chúng? Chắc chắn chúng sợ hãi vô cùng và cơ thể chúng tiết ra các hóa chất vô cùng độc hại. Khi chúng ta tiêu thụ những chất độc đó thì chuyện gì sẽ xảy ra cho cơ thể chúng ta?

Ông Kris ngưng lại như để cho chúng tôi suy nghĩ, rồi tiếp tục:

– Hiện nay, đa số mọi người đều thích ăn thịt loài vật, từ những con côn trùng bé nhỏ cho đến các loại tôm cá, rồi đến những sinh vật lớn hơn như heo, bò, trâu, dê… Nhu cầu ăn thịt đã tạo ra ngành chăn nuôi quy mô lớn trên khắp thế giới. Nhưng đã mấy ai nhìn thấy trong thời gian rất ngắn, số người mắc bệnh cũng gia tăng theo cấp số nhân. Đủ các thứ bệnh, từ nhức đầu, đau bụng đến đau tim, đột quỵ, ung thư…

Một thời gian nữa sẽ có nhiều chứng bệnh quái lạ chưa từng có mà khoa học phải bó tay. Không mấy người biết đặt câu hỏi tại sao nền văn minh nhân loại tiến triển cao mà lại sản sinh ra nhiều bệnh khó trị như thế. Chữa trị bệnh cũng trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ với những viện nghiên cứu và bệnh viện rất lớn. Khi có bệnh, ai cũng phải lo chữa trị. Bệnh càng nặng, chi phí cho việc chữa trị càng cao. Bà có thể thấy ngành công nghiệp thực phẩm và chữa trị bệnh có liên quan mật thiết với nhau và có khả năng sinh lời rất nhiều. Do đó, khắp nơi trên thế giới có rất nhiều ấn phẩm quảng cáo chiêu dụ con người ăn những thứ độc hại đó và uống những loại thuốc có thể chữa bệnh tật. Nhưng việc này không dừng ở đây mà còn tiếp diễn ở kiếp sau nữa. Ông bà có biết điều gì sẽ xảy ra không?

Ông Kris nở một nụ cười lạ lùng:

– Khi con người hấp thụ năng lượng của loài vật qua việc ăn thịt chúng thì sinh lực của họ chứa đầy những năng lượng của loài vật này có phải không? Và với những năng lượng loài vật như thế thì họ sẽ chuyển hóa như thế nào? Làm sao họ có thể tái sinh thành người vào kiếp sau được? Một cái kho sinh lực chứa toàn nguyên tử của loài thú chỉ có thể chuyển hóa thành loài thú mà thôi, có đúng không? Nói cách khác, họ đi ngược con đường tiến hóa mà họ đã phải mất bao nhiêu kiếp học hỏi để thành người, rồi lại thoái hóa trở lại thành thú vật bởi vì nguyên nhân ăn uống này. Khi trở thành loài vật, họ sẽ chịu số phận bị bắt, bị đánh đập, bị giết để học bài học về sự đau khổ mà họ đã gây ra cho sinh vật kia.

Angie có vẻ sợ hãi với những chia sẻ vừa rồi của ông Kris:

– Nghe ông nói mà tôi thấy lạnh cả người! Quan niệm này ghê gớm quá, nhưng dù sao đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, chưa phải… à, không đúng với thực tế phải không ông?

Ông Kris nghiêm nghị trả lời:

– Bà có thể xem đó như một lý thuyết cũng được. Bà có thể xem việc ăn thịt cá là cần thiết để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể cũng không sao. Bà cũng có thể loại bỏ những dữ kiện về bệnh tật sinh ra do ăn uống và tiếp tục ăn uống như đa số mọi người, nhưng đến khi mắc bệnh thì bà sẽ nghĩ khác. Lúc đó có muốn kiêng khem cũng đã muộn và thuốc men chữa trị cũng chỉ kéo dài thêm thời gian mà thôi. Người ta có thể tin hay không tùy theo sự hiểu biết của họ vì trước sau ai cũng phải học những bài học cần thiết. Bà có thể học vào lúc này hay chờ đến lúc khác, tùy vào bà thôi. Chắc bà cũng biết câu ngạn ngữ cổ “Ăn thứ gì thì trở thành thứ ấy”. Do đó, các nhà hiền triết khi xưa đều chủ trương ăn rau quả, không ăn thịt cá.

Không muốn Angie phải quá sợ hãi nên tôi cắt ngang:

– Xin ông nói tiếp về sự tiến hóa theo quan niệm của Karma Yoga cổ xưa cho chúng tôi được rõ.

Ông Kris gật đầu:

– Tôi sẽ mô tả rõ cho ông bà hiểu về diễn trình của sinh lực trên quả đất này. Hãy tưởng tượng có một luồng sinh lực tuôn trào quanh địa cầu của chúng ta như một dòng nước. Khi luồng sinh lực này thấm vào kim thạch và các loài thảo mộc, nó tạo ra sự sống mãnh liệt, nhưng không có điều gì đặc biệt xảy ra. Nhưng khi luồng sinh lực này tuôn trào vào thế giới loài vật thì có rất nhiều yếu tố nảy sinh. Thế giới loài vật có cấu tạo phức tạp vì có nhiều trình độ tiến hóa khác nhau, từ vi khuẩn nhỏ bé, sâu bọ, giun dế cho tới các loài thú hoang trong rừng, và sau nữa là các loài thú đã được thuần hóa trở thành gia súc.

Khi luồng sinh lực này tuôn trào vào loài vật cấp thấp, kinh nghiệm học hỏi còn rất thô thiển chứ chưa tiến đến mức “cá nhân hóa”. Ông bà có thể thấy trường hợp của những con côn trùng như kiến, ong, sâu bọ… Tuy chúng có hình thể riêng biệt nhưng chúng chưa có suy nghĩ riêng, mà chỉ có chung một sự hiểu biết. Thí dụ như một tổ ong trong đó có những con ong làm việc y hệt như nhau. Một số đi hút mật, một số nuôi nấng những con ong nhỏ trong trứng. Đời sống của những con ong này chỉ kéo dài vài ngày, vài tuần, nhiều lắm là khoảng một tháng thôi. Cả tổ ong có chung một “nguồn kinh nghiệm” học hỏi nên làm việc rất hiệu quả. Một số con hút mật hoa rồi mang về nuôi những con ong khác. Chúng sinh ra, làm việc, rồi chết đi nhưng không học được gì mấy. Một số con bay đi hút mật hoa nhưng bị loài người đuổi bắt nên sợ hãi. Khi chết đi, chúng mang theo nỗi sợ này. Do đó, loài ong bắt đầu có cảm giác sợ người và tìm cách trốn lánh mỗi khi đối mặt với con người. Để đối phó, con ong tìm cách chống lại loài người bằng cách đốt họ. Theo thời gian, những con ong sinh sau đều học được kinh nghiệm của những con ong trước. Trong đời sống loài ong, mỗi con ong học được gì khi chết đi đều mang điều đó về “nguồn kinh nghiệm” và sau này trở thành một tập tính chung của cả loài ong. Nếu quan sát, ông bà có thể thấy hầu như tất cả các côn trùng đều có những hoạt động tương tự như thế, giống nào hoạt động theo giống nấy vì mỗi loài đều có một “nguồn kinh nghiệm” chung.

Ông Kris ngừng lại như để cho chúng tôi suy nghĩ, rồi mỉm cười:

– Có bao giờ người ta tự hỏi tại sao côn trùng lại hoạt động như thế không? Các nhà côn trùng học không thể giải thích được điều này mà chỉ kết luận rằng loài vật hành động theo bản năng riêng của chúng. Từ xưa, các nhà hiền triết của phái Karma Yoga đã biết rằng loài vật cấp thấp chưa có kinh nghiệm riêng, chưa tiến hóa tới mức đạt được “trí thông minh cá nhân” nên hành động giống nhau vì chúng có “nguồn kinh nghiệm” chung.

Tác giả: