Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao ông nghĩ như thế?

Ông Thomas mỉm cười trả lời:

– Anh là người nghiên cứu về công nghệ nhưng có bao giờ anh nghĩ rằng trong sự tiến bộ lại ẩn chứa mầm mống của tai họa không ai ngờ đến không? Thí dụ như việc phát minh ra thuốc súng đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh khốc liệt. Sự tiến bộ của khoa học về nguyên tử đưa đến thảm họa chiến tranh hạt nhân. Hiện tại, anh nghĩ sao về những thiết bị như iPhone mà Apple đang quảng cáo khắp nơi?

Tuy ngạc nhiên về câu hỏi của ông Thomas nhưng tôi cũng rút cái điện thoại iPhone trong túi mình ra:

– Theo tôi thì đây là một phát minh tuyệt vời. Ông xem này, nó vừa là điện thoại, vừa là máy nghe nhạc, vừa là máy ảnh, vừa là máy điện toán có thể giúp ta tìm kiếm tin tức trong vài giây. Tất cả thu gọn vào một vật nhỏ bé có thể đút vừa túi áo. Nếu nó không phải là một phát minh tuyệt vời thì còn gì nữa đây?

Ông Thomas lắc đầu:

– Trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời, nhưng chúng ta cũng cần xét đến hệ quả của nó nữa chứ. Theo tôi, những thứ này có thể là một tai họa cho nhân loại. Có thể anh không để ý đến đấy thôi, nhưng anh hãy nhìn bọn trẻ mà xem. Thay vì chú tâm vào việc học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua chiếc iPhone và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua màn hình nhỏ bé này. Những người trẻ ngày nay như đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Trong tương lai, công nghệ sẽ tàn phá nhân loại vì họ sẽ đánh mất rất nhiều thứ mà thế hệ trước đã xây dựng. Công nghệ là con dao hai lưỡi, nhưng đa số không hiểu rõ điều này. Họ coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này.

Những điều ông Thomas nói làm tôi liên tưởng đến việc các sinh viên của tôi ngày hôm nay không còn chăm chỉ học như trước nữa. Nhiều người đến lớp nhưng vẫn bị xao lãng bởi những tin tức trong chiếc iPhone, không chú tâm vào những điều đang được giảng dạy. Tôi thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số sinh viên lại lén lút rút iPhone ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau.

Ông Thomas tiếp tục:

– Tệ hơn nữa là những cái như video game. Những thứ này đã dạy cho người trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, khó lòng tưởng tượng được. Chúng học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của “thế giới ảo”, rồi về sau không còn biết rõ đâu là thật và đâu là ảo nữa. Do đó, chúng sẽ mất đi khả năng phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Từ những đứa trẻ cho đến những thanh niên lớn tuổi, ai ai cũng say mê với những điều nguy hại mà phần lớn chỉ coi là trò chơi vô hại này. Không ai hiểu rằng tuy công nghệ có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Những người trẻ chưa biết phân biệt, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi.

Tuy có phần đồng ý với nhận xét của ông Thomas, nhưng tôi cũng góp thêm vài lời để bào chữa:

– Khoa học công nghệ đã giúp ích cho con người rất nhiều. Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở với những phát minh trong nhiều lĩnh vực, thay vì quy tội cho chiếc iPhone.

Ông Thomas bật cười:

– Khoa học công nghệ hiện nay còn nhiều thiếu sót cần phải bổ túc thêm. Người ta không thể dạy khoa học kỹ thuật mà không đề cập đến đạo đức hay bổn phận của những người có trách nhiệm làm việc trong đó. Khoa học mà không có lương tâm, công nghệ mà không có trách nhiệm thì chỉ mang lại thảm họa cho nhân loại sau này.

Ông Thomas cảm thán:

– Với tốc độ phát triển quá nhanh, với thị trường tiêu thụ khổng lồ, với số thu nhập quá cao, người ta khó có thể kìm hãm được đà phát triển của những sản phẩm này, từ đó dẫn đến những lỗi lầm khó sửa. Tôi không lên án khoa học hay công nghệ, tôi chỉ muốn nói rằng điều chúng ta cần làm là phát triển khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu và sử dụng trí tuệ để biết rõ những hậu quả chúng ta có thể tránh được.

Ông Thomas im lặng một lúc như để hồi tưởng về một điều gì đó, rồi nói tiếp:

– Anh có biết rằng điều này đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ rồi không? Vì thiếu ý thức nên con người đã để cho những sản phẩm có “ma lực” này rút hết sinh lực của họ. Đa số mọi người trở nên thụ động, quên đi tất cả mọi sự chung quanh. Họ không còn sống với sự tỉnh thức nữa mà đã trở thành những cỗ máy hoàn toàn vô cảm trước hoàn cảnh xã hội. Họ chỉ biết nghĩ đến mình và trở nên ích kỷ, tham lam, tàn bạo không khác gì loài vật. Theo thời gian, nhân loại sẽ mất đi khả năng nhận xét hay hiểu biết, vì những thứ được gọi là “công nghệ” này sẽ kết nối vào bộ óc của họ, làm tê liệt cơ quan này, khiến con người không còn biết suy nghĩ mà trở thành một kiểu người sống không ra sống, chết không ra chết, hoàn toàn thụ động theo mệnh lệnh của cái “ma lực” kia.

Nếu không ý thức rõ ngay từ lúc này, sự thông minh của chúng ta sẽ dần dần bị thay thế bởi những hiện tượng tâm thức “máy móc” mà chúng ta cho là tiến bộ. Chúng ta phải biết phân biệt giữa bộ óc thông minh (intelligence) và trí tuệ nội tại (wisdom). Thông minh mà thiếu trí tuệ sẽ đưa con người vào những nhận xét mê lầm. Khi đó, con người sẽ trở thành những cỗ máy, những “xác sống”. Bộ óc không biết suy nghĩ sẽ dễ dàng bị kiểm soát để làm những việc phi nhân tính. Trong tương lai, nếu không biết sử dụng bộ óc để phân biệt phải trái, đúng sai, con người sẽ trở thành những cỗ máy chỉ biết làm những gì được sai khiến.

Ông Thomas ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ về điều ông nói, rồi tiếp tục với lời lẽ xúc động:

– Là nhà khoa học về công nghệ, anh có thể nghĩ rằng tôi là người không am hiểu về sự tiến bộ của khoa học ngày nay, nhưng anh có biết tôi đã từng sống trong hoàn cảnh tương tự từ hàng ngàn năm trước rồi không? Tôi đã trải nghiệm nhiều điều mà ngày nay tuy chưa xảy ra nhưng rồi sẽ xảy ra, và tôi hiểu rõ hậu quả của nó. Hiện nay anh cũng biết, với sự tiến bộ của khoa học, người ta có thể ghép những tế bào của động vật vào cơ thể con người, hay đặt vào cơ thể con người những thiết bị gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Anh có thể coi đó là người hay là “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Anh có biết hệ quả của việc này là thế nào không?

Hiện nay thế giới đang trải qua giai đoạn hỗn loạn, xáo trộn, mà thật ra thì mọi quốc gia đều đang gánh chịu những nghiệp quả mà họ đã gây ra trong quá khứ. Mỗi quốc gia, cũng như mọi cá nhân, đều có những nghiệp quả riêng do những nhân mà họ đã gây ra. Cá nhân thì có “biệt nghiệp” riêng của từng người, nhưng quốc gia thì có “cộng nghiệp” mà tất cả những người sống trong đó đều phải trả. Chu kỳ “thành, trụ, hoại, diệt” như anh đã biết là thứ mà mỗi người, mỗi quốc gia, đều không thể tránh khỏi. Ngay như trái đất cũng thế, nó cũng phải trải qua thời gian được hình thành, phát triển, rồi suy thoái và tàn lụi. Tuy nhiên, đời người thì ngắn, còn sự thay đổi của một quốc gia hay một nền văn minh thì kéo dài lâu hơn nên không mấy ai ý thức được điều này. Nếu nhìn vào lịch sử, anh có thể thấy những nền văn minh phát triển cực thịnh rồi suy tàn như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, gần đây Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Ý cũng đang trên đà suy thoái, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Tôi lặng người một hồi lâu. Tôi thật không ngờ một người vốn ít nói như ông Thomas lại hùng hồn với những nhận xét sâu sắc đến thế. Điều ông nói cũng là điều mà tôi đang trăn trở bấy lâu nay. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning), tôi đã bàng hoàng khi thấy những con robot thông minh trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon nơi tôi làm việc, có thể làm được những điều mà chúng tôi không ngờ. Khi tôi cài những thuật toán học máy phức tạp vào những con robot này để chúng chơi cờ vua với nhau, chúng đã có thể học và tính hàng trăm nước cờ để thắng đối thủ. Điều mà tôi và các giáo sư tại đây không ngờ là những con robot “vô tri giác” này lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều chúng tôi không hề lập trình cho chúng. Sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng tôi.

Tôi gật đầu đồng ý:

– Ông nói đúng đó, phần lớn những khoa học gia như chúng tôi vẫn đang chìm đắm trong những ảo tưởng về sự tiến bộ của khoa học nhưng không mấy ai nghĩ đến những hậu quả trong tương lai. Hiện nay, một số phụ huynh đã bắt đầu đặt vấn đề về việc trẻ em nghiện Internet, video game; và một số khoa học gia cũng lưu ý đến việc phát triển quá nhanh của trí thông minh nhân tạo nhưng chưa ai tìm được giải pháp hợp lý cho tình huống này. Nhưng ông vừa nói rằng ông đã trải qua kinh nghiệm này trong quá khứ, vậy câu chuyện là thế nào?

Tác giả: