Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives – Many Times) Nguyên Phong

Bất chợt tôi nghĩ đến phe nhóm giáo sĩ với những đòi hỏi, yêu sách mà họ đang gây áp lực với tôi. Tôi tự hỏi: “Họ đã âm mưu, toan tính gì khi biết tôi quyết thay đổi, ngăn chặn những thói quen tham lam ác độc cố hữu đã có từ rất lâu của họ? Họ đã biết gì về đấng Thái Dương? Họ đã biết gì về tình thương? Phải chăng họ chỉ biết đến quyền lợi của riêng họ đội lốt dưới vỏ bọc tôn giáo, và sẵn sàng làm tất cả, không từ một thủ đoạn nào để duy trì ảnh hưởng lợi ích phe nhóm? Thực sự họ tạo ra các nghi thức cúng lễ không hề có một tác dụng hay kết quả gì chỉ để bóc lột tài sản tiền bạc của dân chúng, như những kẻ cướp hợp pháp mà sao tôi lại phải bảo bọc cho họ?“.

Đã từ bao năm nay, mặc dù giới giáo sĩ không bao giờ cầm quyền nhưng họ chính là thế lực đứng đằng sau tất cả những Pharaoh. Họ xúi giục Pharaoh gây chiến tranh với các nước xung quanh để chiếm tài nguyên, của cải và nô lệ về để phục vụ cho phe nhóm của họ. Họ xây cất những đền thờ để phục vụ cho quyền lực phe nhóm của họ. Pharaoh như tôi đây cũng chỉ là một quân cờ trên bàn cờ đã được sắp đặt sẵn bởi nhóm này. Và các nước đi quân cờ cũng do họ quyết định – Tôi mà đi khác nước cờ thì họ sẽ làm gì tôi?

Cơn giận dữ ở đâu bỗng trào lên, dòng máu hung dữ ngang tàng của giống dân Kusk chảy rần rần trong huyết quản tôi khiến tôi nghiến chặt răng lại: “Không thể được! Ta không thể để cho đám giáo sĩ này lộng hành như thế được nữa. Dù sao ta cũng là Pharaoh, là người có quyền uy sinh sát trong tay – ta phải nắm lấy cơ hội này để thay đổi vương quốc, thay đổi tất cả. Đã đến lúc ta thôi trì hoãn mà phải chứng tỏ ta mới là người quyền lực nhất xứ này và sẽ dạy cho chúng một bài học.

Những luồng suy nghĩ quyết đoán chạy nhanh như tia chớp trong đầu tôi, quên mất sự có mặt của Cihone và hoàng hậu Nedjem, nắm chặt thanh bảo kiếm, tôi thét lên một tiếng vang dội khắp hoàng cung…

Tự nhiên tôi cảm nhận một lực rất mạnh dội vào lồng ngực khiến tôi choáng váng, đầu óc quay cuồng, mắt nhắm lại… và sau đó, tỉnh dậy chợt thấy mình người ướt đẫm mồ hôi đang ngồi tựa lưng, hai tay nắm chặt vào thành chiếc ghế bành ở nhà ông Kris.

* * *

Tôi bàng hoàng ngồi bật dậy, tay dụi mắt, nhìn thấy ông Kris đang ngồi đối diện, liền kêu lớn:

– Tại sao lại thế này ông Kris? Tôi đang ở trong cung mà sao giờ lại ở đây? Tôi đã rời căn phòng này bao lâu rồi?

Ông Kris mỉm cười ân cần đưa cho tôi một ly nước mát lạnh, tôi thấy khắp người nóng rực, đầu óc chếnh choáng với một cảm giác lạ lùng.

Tôi cầm ly nước uống một hơi dài như chưa từng được uống, nước đi tới đâu tôi cảm nhận được đến đó. Ông Kris đỡ ly nước từ tay tôi, đưa tôi một cái khăn, chờ tôi trấn tĩnh lại rồi ông mới thong thả nói:

– Ông đã may mắn trải qua một hành trình thám hiểm quá khứ của chính mình nhiều trăm năm trước ở Ai Cập. Hẳn ông đã nghiệm ra được điều ông muốn học trong kiếp sống ở đó rồi. Tuy nhiên, thấy ông chấn động, đầu óc náo loạn nên tôi phải đưa ông trở lại, nếu không thì ông có thể bị tổn thương nặng. Hiện nay ông chưa tự chủ hay biết kiểm soát tâm trí khi chuyển qua các vùng ký ức tiềm thức với sự tiếp sức của vũ trụ nên việc nhớ lại những trải nghiệm quá khứ có thể gây ra nguy hiểm cho ông.

Tôi dường như đã lấy lại bình tĩnh, hỏi dồn dập, mắt mở căng như muốn giữ lại tất cả những gì diễn ra trong ký ức:

– Nhưng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi sau đó? Tình hình Ai Cập tiếp theo như thế nào? Mọi thứ đang còn dang dở ở đó. Tôi đã làm gì đám giáo sĩ? Hoàng hậu Nedjem, cô gái Cihone nữa… họ sau đó ra sao rồi?

Ông Kris nheo mắt nhìn tôi thong thả nói:

– Giờ mà ông còn nhớ đến Cihone nữa là tốt rồi. Đúng là sức mạnh tình yêu hiếm hoi của một vị Pharaoh cô độc. Trước khi trả lời các câu hỏi của ông, tôi muốn nói về Ai Cập để ông có thể liên tưởng và hiểu rõ hơn. Vào thời cổ đại, Ai Cập gồm nhiều bộ lạc sống bên bờ sông Nile, đất đai màu mỡ do được phù sa bồi đắp nên việc canh tác nông nghiệp thuận tiện, đời sống dễ dàng và thanh bình. Ai Cập được bao quanh bởi sa mạc khổng lồ nên giao thông không thuận tiện, do đó người Ai Cập khi ấy không bị ảnh hưởng bởi nền văn minh Lưỡng Hà hay Babylon gần đó. Khi người Atlantis tránh nạn hồng thủy đến định cư ở nơi đây, họ mang theo tôn giáo thờ Thái Dương bao gồm nhiều bộ môn khoa học như kiến trúc, toán học, y học, dược học, âm nhạc, triết học v.v… Người Ai Cập được tiếp xúc với nền văn minh này nên chỉ trong một thời gian ngắn, những bộ lạc nhỏ tập hợp lại thành một quốc gia lớn, với một nền văn minh khác hẳn những nền văn minh quanh đó.

Vào lúc đầu, nền văn minh này đã đưa đời sống và dân trí Ai Cập lên một mức rất cao như ông đã thấy, tiêu biểu qua quan niệm của người y sĩ già, cha của Cihone. Tuy nhiên, vì đời sống thoải mái trên mảnh đất hàng năm được bồi đắp bởi phù sa, trồng trọt dễ dàng, tôm cá đầy đồng nên những người đến định cư tại đây dần dần trở nên lười biếng. Các thế hệ con cháu đời sau không còn gìn giữ được tinh hoa của nền văn minh xưa nên nhiều môn khoa học bị thất truyền. Ngoài ra, một số người Atlantis cũng mang theo một tôn giáo khác với những tà thuật, bùa chú, kêu gọi sự tiếp xúc với sinh vật của cõi giới vô hình nên xảy ra những cuộc tranh chấp giữa hai nhóm người này.

Khi nhóm này muốn hủy diệt nhóm khác, không ai chịu nhường ai, gây ra những tranh chấp tôn giáo khiến cho đời sống Ai Cập không còn yên ổn. Từ những tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân dẫn đến những tranh chấp lớn giữa những phe phái, rồi hai bên sử dụng tất cả những kiến thức sẵn có để mưu hại lẫn nhau. Khi tinh hoa của các bộ môn khoa học bị thất truyền, phe nhóm sử dụng tà thuật chiếm ưu thế, các đền thờ trở thành nơi buôn thần bán thánh thay vì học hỏi kiến thức cao siêu. Các giáo sĩ biến nó thành một tôn giáo thờ thần quyền và mê tín. Nền văn minh khoa học được thay thế bằng những đền thờ to lớn với các giáo sĩ chỉ biết thực hành các nghi thức nhưng không hiểu gì nhiều. Giới giáo sĩ và gia đình của họ trở thành đẳng cấp cao với thế lực mạnh, khiến dân chúng phải phục vụ và chu cấp cho họ. Việc phân biệt đẳng cấp cao thấp từ châu Atlantis lại được phục hồi vì những người này chưa học được bài học mà họ cần phải học.

Khi tôn giáo thờ Thái Dương biến thành một thứ tôn giáo thiên về thần quyền và mê tín thì xã hội Ai Cập cũng thay đổi. Với tham vọng bành trướng thế lực tôn giáo, các giáo sĩ xúi giục các Pharaoh mở mang bờ cõi qua việc xâm lăng những nước khác. Những triều đại Pharaoh như Ahmose, Thutmose, Amenhotep, Seti, Ramses đều là những bạo chúa luôn luôn gây chiến với những quốc gia lân cận. Trong số tất cả những Pharaoh vào thời đại đó (1800 – 1400 trước Công nguyên), trừ Akhenaten, Pharaoh duy nhất có đức hiếu hòa[8], phần lớn các Pharaoh khác đều thích gây chiến làm suy kiệt nhân lực xứ này và tạo ra những ác nghiệp rất sâu. Ramses II, vị vua cai trị lâu nhất, hơn sáu mươi lăm năm, đã gây chiến khắp nơi, tàn sát dân chúng các nước quanh vùng. Phía Bắc đánh dẹp người Hittite, dồn họ lên các vùng núi non khô cằn tại Mitani, gây ra nạn đói và dịch bệnh làm thiệt hại phân nửa dân số nước này. Từ đó, dân Hittite kiệt quệ, và bị người Assyria tiêu diệt. Phía Nam, Ramses chiếm đoạt hầu hết các mỏ vàng của xứ Nubia, bắt hàng chục ngàn nô lệ để xây lăng mộ cho mình rồi xua quân phá tan kinh đô nước Kush. Trong các cuộc chiến xâm lược này, biết bao dân lành vô tội đã chết. Do đó, sau này Ai Cập phải gánh chịu những nghiệp quả do mình gây ra.

Ngày nay, lịch sử Ai Cập đề cao Pharaoh Ramses như là vị vua vĩ đại vì công lao mở mang bờ cõi, xây cất các đền đài và lăng tẩm nguy nga với hơn hai trăm phòng đục sâu vào trong vách núi. Hầu hết những nhà viết sử chỉ biết đề cao công trạng của những bạo chúa qua các chiến công hiển hách mà không nói gì đến hàng chục ngàn nô lệ đã vong mạng trong quá trình hoàn thành những lăng mộ này, cũng như hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến với các vương quốc lân cận. Chính vì những tham vọng điên cuồng của các Pharaoh mà người dân Ai Cập đã phải trả một cái giá rất đắt.

Tôi mất kiên nhẫn, hỏi dồn điều tôi muốn biết ngay lúc đó:

– Thế số phận của tôi – vị Pharaoh đơn độc sau đó đã ra sao? Tôi có triệt hạ được đám giáo sĩ tà giáo đó không? Hoàng hậu Nedjem thế nào? Nàng Cihone nữa?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi, mỉm cười, rồi kể tiếp:

– Ông không đơn độc, nhưng tính ông vốn không chấp nhận nên trở nên khác biệt, vì thế mà cô độc. Trong kiếp sống tại Ai Cập, ông là một trong số những Pharaoh thuộc triều đại cuối cùng của Ai Cập thời cổ đại. Ông làm Pharaoh khi Ai Cập đã suy thoái kiệt quệ vì các tranh chấp cung triều cũng như hậu quả của việc xây cất các lăng tẩm cho các Pharaoh trước đó. Vào lúc này, quyền hành của phe giáo sĩ đã rất mạnh nên ông không cai trị được lâu. Vì thiếu vũ khí và không được chuẩn bị đầy đủ nên mùa đông năm đó, quân lực Ai Cập đi xâm chiếm các nước quanh vùng và bị thua trận thảm hại. Giới giáo sĩ đã biết ý đồ của Pharaoh muốn triệt họ nên đã đổ tội cho Pharaoh vì đã ra lệnh ngưng việc xây cất đền thờ và dâng cúng phẩm vật cho thần linh. Còn dân chúng bất mãn vì không có việc làm nên đã nổi loạn. Là Pharaoh, ông chưa kịp làm đến cùng đã phải chịu trách nhiệm về những việc này. Ông đã bị nhóm giáo sĩ ra tay đầu độc chết trước khi khởi binh đối phó với đám giáo sĩ cùng loạn quân. Vì lăng tẩm của ông lúc đó chưa hoàn tất, hoàng hậu Nedjem đã phải âm thầm mai táng ông một cách vội vàng ở một nơi khác, nên ít lâu sau ngôi mộ của ông bị kẻ trộm đến đào lấy châu báu. Phe giáo sĩ lợi dụng cơ hội xã hội hỗn loạn đã mang quân đi kiểm soát thành Thebes và vùng thượng lưu sông Nile. Những người trong hoàng tộc phải trốn về miền Nam sát biên giới Nubia, rồi đưa con cháu lên ngôi Pharaoh để lập một triều đình tại đó nhưng không ai làm được việc gì đáng kể.

Tác giả: