Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Tổng kết

⇒ Bạn hãy tin tưởng con!

Từ khi sinh ra, trẻ đã có khả năng lựa chọn lượng thức ăn nạp vào cơ thể khi được cho ăn uống đúng cách và không chứa quá nhiều đường và chất béo.

⇒ Hình dáng cơ thể chỉ ảnh hưởng một phần từ dinh dưỡng

Con bạn trở nên béo hay gầy, cao hay thấp phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền.

⇒ Vận động

Khi khỏe mạnh và năng động, trẻ sẽ ăn đúng lượng thức ăn theo nhu cầu của mình, bất kể việc trẻ béo, gầy hay bình thường.

⇒ Sự đa dạng đóng vai trò quan trọng

Chỉ có ít các nguyên tắc giúp bạn tổ chức bữa ăn tối ưu về dinh dưỡng cho trẻ. Bạn hãy cung cấp cho trẻ mọi thứ. Khẩu phần của trẻ càng đa dạng, phong phú bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu.

⇒ Cách kết hợp tạo nên bữa ăn

Khẩu phần ăn của trẻ nên chứa nhiều Cacbohydrat (nhưng không quá nhiều đường) và không chứa nhiều chất béo. Bạn hãy sử dụng những thực phẩm từ ngũ cốc nguyên chất và ưu tiên lựa chọn các loại chất béo thực vật. Tháp dinh dưỡng có thể giúp bạn trong việc lựa chọn thực phẩm phù hợp.

2. Áp lực trong bữa ăn là do đâu?

Trong chương này, bạn sẽ biết:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ can thiệp quá nhiều?
  • Việc bố mẹ muốn quyết định con phải ăn bao nhiêu sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì.
  • Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ không mấy quan tâm: Cũng sẽ không tốt nếu bạn để con tự quyết định những gì sẽ được đặt trên bàn ăn và cách ăn uống khi ngồi trên bàn.

Khi bố mẹ can thiệp quá nhiều

Các bạn sẽ là người quyết định cái gì sẽ được đặt trên bàn ăn. Điều này đã được giải thích rất cụ thể ở chương đầu tiên. Tuy nhiên, việc con bạn có ăn hay không, hay chúng muốn ăn bao nhiêu lại do chính chúng quyết định. Còn nếu các bạn can thiệp vào quyền tự quyết định của chúng nghĩa là các bạn đã vi phạm nguyên tắc mà chúng tôi đã đề cập, các bạn đã phạm quy. Giữa cha mẹ và con cái rất dễ xảy ra những bất đồng không mấy dễ chịu trong vấn đề ăn uống. Và điều đó dẫn đến căng thẳng giữa hai bên: bố mẹ và con cái. Vấn đề không còn là “no” hay “đói” mà là câu hỏi “Ai sẽ là người chiến thắng?”. Bố mẹ nói với con rằng: “Con không thể tự quyết định chuyện đó”. Bạn đã không dám để con mình tự tạo ra những nguyên tắc tối thiểu và đơn giản. Như vậy, con bạn sẽ không học được cách tin tưởng vào chính bản thân mình. Nó sẽ không thể học được cách lắng nghe cơ thể chúng cần gì. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, chúng dễ có biểu hiện: “Hình như có cái gì đó không ổn với cơ thể.” Và thế là chúng không thể nào biết cách tự yêu bản thân mình, cơ thể mình. Khi bố mẹ phạm quy cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra một vài trường hợp sau: Bố mẹ khiến con phải ăn nhiều hơn mức chúng tự muốn ăn. Các bạn nói: “Con phải ăn, vì con quá gầy”. Thỉnh thoảng có cha mẹ cũng nói: “Con không được phép ăn nhiều vì con quá béo.”

“Con không được phép ăn quá nhiều!”

CÁC BẠN HÃY THỬ MỘT LẦN TƯỞNG TƯỢNG CÂU CHUYỆN SAU ĐÂY: Một người mẹ từ chối yêu cầu của cô con gái 6 tuổi khi cô bé muốn ăn mì sợi, ăn thêm một lát bánh mì hay quả táo với những lời như: “Con không được ăn nữa, con quá béo”. Cô bé đã bị tổn thương và luôn cảm thấy áp lực. Ăn uống không có nghĩa là cả ngày lúc nào cũng phải có cái gì đó vào bụng. Tuy nhiên, trong những bữa ăn chính, trẻ có thể ăn bao nhiêu tùy thích dựa theo sơ đồ tháp dinh dưỡng, khoảng “màu xanh”.

Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu bố mẹ giữ lại đồ ăn của trẻ, lấy đĩa đồ ăn mang đi chỗ khác vì sợ rằng không biết lúc nào trẻ có thể ngừng ăn khi ở một mình. Đối với những trẻ mới sinh hoặc lớn hơn một vài tuổi rất ít khi xảy ra tình trạng như vậy. Thật may, hiếm có bố mẹ nào sợ con ăn nhiều. Trong những trường hợp đặc biệt này, bố mẹ buộc phải lo lắng rất nhiều tới sức khỏe của trẻ.

Bỏ qua đồ ngọt và bữa ăn dặm của trẻ

Câu chuyện dưới đây xoay quanh chủ đề nhiều bố mẹ không cho con ăn quà vặt giữa các bữa ăn chính.

Khi Melanie 4 tuổi, hai mẹ con đã phải tới phòng khám xin tư vấn. Trong các bữa ăn cùng gia đình, cô bé ăn rất ít và thường phụng phịu. Trước mỗi bữa ăn, cô bé đều đòi ăn đồ ngọt. Dường như cả ngày Melanie chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống. Mẹ đã cố gắng nói chuyện với cô bé. Ban đầu, mẹ cô thường nhân nhượng, nhưng đến cô bé đã quá cân và không thể mặc vừa quần nữa, bà phải chú ý đến vấn đề này. Bà rất sốc và cố gắng thử nghiêm khắc bằng cách không mua bánh kẹo mỗi lần đi chợ. Vậy là khoảng thời gian chờ đến bữa ăn chính, Melanie không có gì cho vào bụng nữa. Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra? Người mẹ đã không thể tin nổi. Khi bắt quả tang Melanie đã lấy một gói bánh quy giấu vào áo len lúc hai mẹ con đi mua hàng trong siêu thị. Melanie đã ăn cắp khi mới có 4 tuổi!

Làm sao điều đó lại có thể xảy ra? Mẹ Melanie đã cư xử với cô bé quá nghiêm khắc! Thực sự thì bà đã “hãm” việc ăn uống của con mình và vô tình tạo áp lực cho cô bé. Melanie chỉ được ăn vào đúng một thời điểm nhất định buổi sáng, trưa, chiều tối và không bao giờ được ăn thêm bất cứ món đồ ngọt nào nữa. Điều đó vượt quá sức chịu đựng của Melanie. Melanie thực sự không còn nghĩ được chuyện gì khác ngoài việc ăn uống. Cô bé bắt buộc phải tự tìm mọi cách để có thứ gì đó cho vào bụng. Và cuối cùng thì sự việc đáng tiếc ở siêu thị xảy ra.

Nhượng bộ và cho Melanie ăn đồ ngọt không có giới hạn có thể không phải là giải pháp tốt. Cuối cùng, sau nhiều thảo luận, chúng tôi tìm thấy một phương án rất hiệu nghiệm: Mỗi buổi trưa, cô bé luôn có một chút đồ ăn ngọt cho bữa tráng miệng. Phải đảm bảo rằng Melanie sẽ nhận được phần tráng miệng dù cô bé có ăn hết bữa chính của mình hay không. Thỉnh thoảng vào buổi chiều cô bé nên được ăn thêm bánh ngọt và sẽ không còn món tráng miệng nữa. Như vậy, mẹ cô bé có thể ứng phó được với nhu cầu thèm ngọt mà vẫn theo dõi được con mình.

Chúng tôi còn thảo luận thêm về chuyện Melanie rất thích ăn quýt. Mẹ cô bé nên mua cho cô bé ăn bao nhiêu quýt tùy ý. Mẹ Melanie đã làm như vậy. Ngày đầu tiên, Melanie ăn 18 quả, có lúc cô bé ăn 10 quả liền! Điều này đối với cô bé không quá quan trọng, vì cô bé lại được phép nhét đầy bụng mà không ai phàn nàn hay nói rằng: “Con không được ăn nữa! Ăn nhiều thế không tốt! Quần áo con quá chật rồi!”. Mẹ Melanie đã hiểu ra điều này và để con được phép ăn các món ăn yêu thích nhiều hay ít là tùy con. Bà không hạn chế con ăn hoa quả. Sau tuần đầu tiên, bà mua ít quýt hơn. Melanie cũng đồng ý với điều đó. Một ngày bốn quả cũng được và cô bé ăn quýt vào các bữa ăn thêm trong ngày. Vậy là việc chiến đấu với chủ đề ăn uống của Melanie đã thành công.

Mẹ Melanie luôn ở trong hai trạng thái: mềm dẻo và nghiêm khắc tuyệt đối. Câu chuyện về Melanie đã chỉ cho chúng ta thấy: Hạn chế và cấm ăn đồ ngọt có thể gây ra sức ép và hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra một phương án giải quyết êm thấm giữa hai mẹ con.

Cấm đoán bằng bạo lực

Một người phụ nữ trẻ đã kể cho tôi nghe câu chuyện khác. Cô ấy không những bị cấm ăn đồ ngọt mà trong các bữa ăn, khẩu phần của cô cũng bị giới hạn, kiểm soát.

Sara, hiện nay 24 tuổi vẫn còn nhớ: Cha cô quá bận rộn với công việc nên có rất ít thời gian chăm sóc cô. Tuy vậy, ông lại muốn con gái mình có vóc dáng thon thả, mảnh dẻ. Ông nghiêm khắc đến nỗi vào mỗi buổi trưa, Sara chỉ được phép ăn một suất, không được ăn thêm gì nữa. Và cô bé cũng không được phép ăn đồ ngọt. Thậm chí, cô bé cũng không được phép đến gần tủ lạnh. Nếu ông ấy bắt gặp thấy cô bé tới gần tủ lạnh, ngay lập tức phòng bếp sẽ bị khóa. Cô bé luôn luôn phải nghe những câu nói như: “Con sẽ bị béo phì cho mà xem!”.

Sara vẫn còn nhớ chính xác cảm giác của mình về sự nghiêm khắc thái quá của bố. Cô cảm thấy vô cùng khủng khiếp và chán nản. Cô chỉ nhận được rất ít tiền tiêu vặt để có thể thi thoảng tự mua cho mình chút ít kẹo bánh. Đột nhiên có lần cô nhận được 300 mark để chi tiêu. Sau hai tuần, số tiền còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Sara đã dùng tiền để mua bánh kẹo và ăn một mình hết tất cả đống đồ ngọt đó.

Câu chuyện của Sara rất đáng buồn. Nó phản ánh mối quan hệ giữa cha và con gái: Người cha không tin tưởng con gái của mình, cũng không coi trọng nhu cầu của cô và dẫn đến áp lực cũng như sự buồn nản cho Sara. Ông làm điều đó bằng cách giấu tất cả đồ ăn đi. Áp lực càng tồi tệ thì Sara càng nghĩ nhiều hơn tới việc ăn và ăn. Và cho tới ngày nay, cô vẫn phải đấu tranh với hậu quả là: Ngay khi cô chuyển ra ngoài ở – việc cô đã muốn làm càng sớm càng tốt – cô đã tăng cân một cách nhanh chóng. Đến bây giờ, Sara luôn cảm thấy rất khó có thể ngừng việc ăn dù đã no.

Liều thuốc độc cho sự tự tin

Ngay cả khi các bạn không bao giờ đối xử với con mình tàn nhẫn, khóa cửa không cho con vào bếp hay từ chối các đồ ăn bổ sung của trẻ thì việc cố gắng can thiệp vào chuyện ăn uống của con, hay cố gây sức ép cho con cũng rất nghiêm trọng. Các bạn hầu như không thể nào biết được con mình ăn bao nhiêu là đủ. Các bạn sẽ cảm thấy bực mình nếu con ăn kem hay ăn bánh ngọt. Bạn là người đầu tiên nói ra câu: “con không nên ăn nữa, vì con sẽ bị béo phì đấy”. Nó quanh quẩn trong đầu bạn một lúc, sau đó “trôi tuột ra bên ngoài”. Nhưng câu nói đó cũng đủ để giết chết sự tự tin của trẻ.