Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Trước khi sinh, bạn nên tự trang bị kiến thức về việc cho con bú trước khi sinh. Ở Đức, sau khi rời bệnh viện, nếu muốn bạn sẽ nhận được sự chăm sóc và tư vấn từ một nữ hộ sinh tại khu vực bạn sống. Nữ hộ sinh này sẽ hướng dẫn bạn cách giữ trẻ đúng và tư thế được khuyên dùng khi cho bú, và theo dõi xem liệu trẻ phát triển có khỏe mạnh không.

Những điều lưu ý khi cho con bú

Tuy không thể đi sâu vào tất cả các chi tiết về chủ đề “cho con bú” nhưng chúng tôi sẽ tóm gọn cho bạn những ý chính quan trọng nhất:

  • Sau khi sinh, người mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt – tốt nhất là trong vòng 1 giờ sau sinh.
  • Mẹ và con nên luôn luôn được ở gần nhau càng lâu càng tốt. Qua đó, việc cho con bú sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, cơ thể người mẹ còn là nguồn giữ ấm tốt nhất cho trẻ mới sinh.
  • Sữa sẽ về ngay cả khi bạn mất một thời gian ngắn mới có thể cho bé bú – ví dụ như sau một ca sinh mổ.
  • Không cho con bạn ăn thêm bất cứ thực phẩm nào: không trà, không thức uống có đường, không sữa ngoài.
  • Trong tuần đầu tiên chỉ cho con ngậm ti giả khi bé đã bú mẹ tốt.
  • Bé cần được cho ăn 8 – 12 lần một ngày trong tuần đầu sau khi ra đời. Đừng đợi cho đến lúc con bạn gào khóc vì đói! Bạn có thể nhận ra con đói khi bé nhai tóp tép và miệng bé chúm chím tìm vú mẹ. Từ tuần đầu tiên đến tuần thứ ba, bạn nên đánh thức con để cho bú nếu bé hơn bốn tiếng đồng hồ chưa có tín hiệu muốn ăn.
  • Để bé bú bao lâu tùy ý và luôn chú ý cho bé bú đều hai bên bầu ngực.
  • Lượng sữa mẹ tiết ra và nhu cầu bú của bé sẽ tự có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, phải sau vài tuần thì mọi thứ mới hoàn toàn đồng điệu với nhau.

Lưu ý

Giải pháp cho những vấn đề thường gặp khi cho con bú

Sữa chảy không đều? Bầu vú đầy và căng cứng? Vậy là bạn đang bị “tắc sữa”

Hãy để con bạn bú thường xuyên hơn. Điều này kích thích sữa chảy và giảm bớt áp lực lên hai bầu vú. Bạn cũng có thể lấy khăn ấm đắp lên ngực để ngực đỡ căng sữa.

Đầu vú đau nhức

Khuyến khích con đừng chỉ ngậm mỗi đầu ti mà hãy ngậm cả núm vú. Nếu không được, hãy nhờ đến sự trợ giúp từ những người có chuyên môn. Để đầu ngực khô. Nếu chỗ đau đã lành một lần thì có lẽ về sau bạn sẽ không gặp phải vấn đề này nữa.

Bạn bị viêm vú với triệu chứng sốt và cảm cúm

Nếu những biện pháp thông thường như cho bé bú và chườm khăn ấm không đem lại kết quả thì tốt hơn bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bệnh viêm vú có thể được chữa khỏi nếu điều trị bằng thuốc. Và hầu hết các bà mẹ đều có thể tiếp tục cho con bú sau đó.

Định kiến và thực tế

Việc cho con bú đặc biệt hiệu quả khi người mẹ cảm thấy thoải mái và trang bị cho bản thân đầy đủ kiến thức. Rất có thể mẹ sẽ phải đối phó với những định kiến cùng sự thiếu hiểu biết của những người xung quanh. Một vài định kiến về nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn tồn tại dai dẳng dẫu cho đã được làm sáng tỏ. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với sự thực về chuyện này.

Định kiến và thực tế về chuyện cho con bú *

Định kiến Thực tế
Thời kỳ cho con bú không thể mang bầu Điều này chỉ đúng khi con của bạn nhỏ hơn 6 tháng tuổi, được cho bú suốt ngày và khi chu kỳ kinh nguyệt của người mẹ chưa quay trở lại
Ngực nhỏ cho ít sữa hơn so với ngực có kích cỡ lớn hơn Kích cỡ của bầu ngực không hề ảnh hưởng đến việc tiết sữa
Cho con bú làm hỏng ngực Tuổi tác và cân nặng người mẹ tác động đến hình dáng của ngực nhiều hơn là việc cho con bú. Thông thường thì ngực sẽ quay trở lại hình dạng bình thường
Cho con bú làm ảnh hưởng đến kích thích tình dục Sai! Trong quá trình cho con bú, cơ thể có tiết ra hóc môn Oxytocin – tương tự như lúc đạt được cực khoái
Trẻ 3 tháng tuổi sẽ không đủ no nếu chỉ bú sữa mẹ Sữa mẹ là dinh dưỡng tối ưu cho trẻ trong suốt 5 – 6 tháng đầu đời. Không cần thiết phải cho trẻ ăn thêm bất cứ thứ gì khác
Tất cả trẻ sơ sinh nên được cai sữa trước khi tròn 1 tuổi Không đúng! Việc cai sữa là một quyết định hết sức riêng tư. Điều này chỉ phụ thuộc vào mẹ và bé
Khi con bạn bú bình

Có một vài điều lưu ý được áp dụng không chỉ lúc bạn cho con bú mà kể cả khi bé đã bú bình một phần hay hoàn toàn:

  • Bạn nên chọn loại sữa non phù hợp. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi để chắc chắn.
  • Nước pha sữa cho bé bằng nhiệt độ phòng và pha đúng liều lượng.
  • Bạn nên chọn cho bé một loại núm vú phù hợp, theo từng giai đoạn độ tuổi.
  • Lỗ chảy sữa không được quá to. Điều quan trọng là bé phải tích cực mút khi ăn.
  • Không bao giờ được để con bú bình một mình tránh bé có thể bị sặc. Trong mọi trường hợp không được để bé gà gật hàng giờ hay ngủ mà vẫn ngậm bình – điều này có nghĩa trẻ dễ có nguy cơ bị sâu răng! Thay vào đó, có thể cho bé ngậm núm vú giả.
  • Mỗi bữa ăn nên chuẩn bị cho bé sữa mới. Hãy bỏ phần sữa chưa uống hết đi.
  • Nuôi con bằng sữa ngoài cũng có một ưu điểm: đó là bố cũng có thể cho con ăn. Điều này không những giảm bớt gánh nặng cho người mẹ mà còn thắt chặt thêm mối quan hệ cha con. Hãy tận dụng cơ hội!
Phần việc của mẹ và bé

Bất kể việc con bạn được nuôi bằng sữa mẹ hay sữa ngoài – nguyên tắc đưa ra ở trang 24 vẫn được áp dụng từ ngày đầu tiên bé chào đời: Bố mẹ chọn thực phẩm cho bé, quyết định thời gian và cách thức cho bé ăn. Còn việc bé liệu có muốn ăn hay không và ăn bao nhiêu là phụ thuộc vào bé.

Qua bảng dưới đây bạn có thể tham khảo sự “phân chia phần việc” giữa hai mẹ con.

Lưu ý

Việc mẹ và bé phải làm trong quá trình bú mẹ hay ăn sữa ngoài

Mẹ
Bạn cho con bú hoặc cho bé bú bình Bú, bú và chỉ có bú mà thôi. Phản xạ bú của bé hoàn toàn là bẩm sinh
Chạm đầu ti hay núm vú của bình vào má bé Bé tìm kiếm đầu ti mẹ hay núm vú bình
Bạn cần nhận biết khi nào bé đói để cho ăn. Trẻ mới sinh cần được cho bú 8 – 12 lần một ngày. Ban đầu bé ăn cả ngày lẫn đêm. Nếu bé không tự đòi ăn, hãy cho bé ăn cách bốn tiếng một lần Bé sẽ tự chỉ cho bạn khi nào bé đói: Bé tỏ ra rất tỉnh, cựa quậy, xoay đầu tìm kiếm và miệng chúm chím như thể đang bú. Quấy khóc thường là dấu hiệu cuối cùng khi bé đói
Bạn cần nhận ra liệu con muốn bú từng ngụm lớn và ăn xong sau một thời gian ngắn hay bé muốn bú từ từ, chậm rãi, có cữ nghỉ ngắn Bé sẽ quyết định tốc độ bú
Bạn cần nhận ra khi nào con đã no. Nếu không chắc chắn hãy cho bé ăn lại sau khi nghỉ một lúc Bé sẽ quyết định luôn cả lượng sữa muốn bú. Khi no, bé sẽ rời đầu ti hay núm vú bình và quay đầu đi
Bạn nên bế con nhẹ nhàng, tránh đu đưa không cần thiết và liên tục giữ cao đầu bé để vỗ cho con hết trớ
Nhìn, mỉm cười và nói chuyện với con – tuy nhiên đừng làm quá, thay vào đó nên nhẹ nhàng và từ tốn

“Phần việc của mẹ” thường chỉ là việc nắm bắt chính xác những dấu hiệu của bé. Bạn đã từng bao giờ đắn đo liệu mình có thể làm được điều này ngay từ đầu không hay chưa? Một phần của việc này bạn sẽ học được qua quá trình làm thử và mắc sai lầm. Nhưng phần lớn bạn không cần phải học gì cả. Vì đơn giản đó là bản năng của người mẹ.

Trẻ có phản xạ bú sữa theo bản năng – và bạn có bản năng làm mẹ, một “chỉ dẫn” từ bên trong mà bạn hoàn toàn có thể tin cậy.

Mối quan hệ đầy tình thương với trẻ chính là nền móng tốt nhất để trẻ cảm được sự quan tâm của bạn dành cho bé. Bữa ăn chính là những cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm và hưởng thụ việc hiểu và tin tưởng lẫn nhau.

Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng vẫn luôn in đậm trong trí nhớ với đứa con đầu lòng: khi Christoph còn là một đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu mới vài ngày tuổi, ban đầu rất hay cựa quậy không yên và quấy khóc, vậy mà con nằm ngoan trong vòng tay của tôi và chầm chậm bú sữa. Con bú, chép miệng và phát ra những tiếng rên nhè nhẹ khi đã no nê. Mắt của con ban đầu he hé, nhưng sau đó lần đầu tiên con nhìn tôi trực diện. Ánh mắt của con chạm tới trái tim tôi và tôi tưởng rằng mình có thể òa khóc vì hạnh phúc.

Mỗi người mẹ đều trải qua những giây phút hạnh phúc ấy. Chúng mang lại sự an toàn và tin cậy. Có thể bạn sẽ cần tới cả hai điều này để hiểu rõ hơn những dấu hiệu của trẻ và phản ứng cho đúng.

Những vấn đề có thể xảy ra ở những tháng tuổi đầu tiên

Bạn càng có quan hệ tốt với trẻ, bạn càng có thể thấu hiểu những dấu hiệu và nhận ra những nhu cầu của trẻ – dù vậy thì vẫn có những rắc rối sẽ xảy ra khi cho trẻ ăn. Một vài vấn đề như vậy bạn có thể đọc trong phần đóng khung dưới đây.

Ăn và ngủ

Trong những tuần đầu tiên tốt nhất hãy cho trẻ bú khi trẻ có nhu cầu. Sau đó bạn mới có thể đưa ra một nhịp độ cố định và thống nhất với nhau giữa giờ ăn và giờ ngủ của trẻ.

Giờ ăn tối cố định

Một nguyên tắc ngoại lệ: “Cho bé ăn, ngay khi bé đói” có thể áp dụng trong những tuần tuổi đầu tiên. Một lần trong ngày, bạn có thể cho bé ăn theo giờ nào tùy ý và thậm chí nếu cần có thể đánh thức để cho bé ăn: hãy cho bé ăn một bữa tối cố định lúc muộn. Luôn cho trẻ ăn trước khi bạn đi ngủ. Hãy đánh thức bé để cho bé ăn bữa này. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ nên áp dụng nếu như bữa ăn trước đó của bé đã cách bữa này ít nhất nửa tiếng đồng hồ.