Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Các loại đồ uống có cồn thực sự gây nguy hại tới sức khỏe

Đồ uống có cồn là một trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt. Vì cồn là một chất rất độc, rất có hại cho hệ thần kinh. Còn tất cả các loại đồ uống khác được coi là có lợi cho sức khỏe nếu chúng không bị ôi thiu hay được chế biến với các chất gây nguy hại khác. Dĩ nhiên, thực phẩm bổ dưỡng cũng sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta sử dụng quá nhiều hoặc chế biến không đúng cách.

Ăn và uống quá ít có thể gây nguy hại

“Bất lợi cho sức khỏe” trước hết là do khan hiếm, thiếu thốn đồ ăn thức uống. Xin các bạn đừng quên rằng: cách đây một vài thập kỷ, ngay cả ở châu Âu, khó khăn nhất chính là vấn đề dinh dưỡng. Tuổi thọ trung bình của con người tăng lên rõ rệt trong những năm trở lại đây không hoàn toàn là do sự phát triển của y học, mà còn vì chế độ dinh dưỡng ăn uống được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng “bất lợi đối với sức khỏe” là do chọn lựa thực phẩm, đồ ăn không tốt. Điều đáng ngạc nhiên là con người ngày nay không có nhiều hiểu biết về điều đó. Hầu hết mọi người coi nó chỉ là lý thuyết! Có một dẫn chứng cụ thể nhất thực sự được công nhận: Ăn quá nhiều đường sẽ gây sâu răng.

Thường xuyên vận động, ăn nhiều rau và hoa quả

Cho đến nay, người ta vẫn chưa chứng minh được rằng thực phẩm ít giá trị dinh dưỡng là nguyên nhân gây bệnh. Nhưng khoa học cũng chưa có kết quả nào cụ thể để công nhận việc con người có thể phòng chống một số bệnh nhất định khi sử dụng những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Theo một cuộc thống kê có quy mô lớn công bố năm 2003 của Tổ chức y tế thế giới, mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng và các loại bệnh quan trọng phổ biến thường gặp đã được khảo sát và nghiên cứu. Trong đó, các bệnh về tim và rối loạn tiêu hóa được xếp ở vị trí đầu tiên. Một kết quả đặc biệt quan trọng được đưa ra: Vận động thường xuyên có vai trò quyết định trong việc phòng chống bệnh tật. Không ai có thể phủ nhận được điều này. Rõ ràng một đứa trẻ khỏe mạnh, vận động nhiều sẽ có nhu cầu năng lượng cao hơn và hệ thống tiêu hóa tốt hơn so với đứa trẻ lười vận động, ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính và ti vi.

Vận động quá ít sẽ khiến cơ thể không khỏe – và điều này cũng tương tự với ăn uống.

Ngoài ra, để có một hệ tiêu hóa tốt, chúng ta nên:

  • Ăn càng nhiều rau và hoa quả càng tốt
  • Không ăn quá mặn
  • Hạn chế sử dụng các đồ ăn có chất béo axit no như mỡ động vật có trong bơ, pho mát, thịt và xúc xích. Nên dùng các loại dầu thực vật và cá biển.

Về vấn đề dinh dưỡng, các bạn có thể ít mắc sai lầm hơn. Vì chỉ riêng với sự kết hợp khoa học, đúng cách trong danh sách các loại thực phẩm dành cho bé thì các bé sẽ có thể tự biết chúng cần phải ăn những gì vào cơ thể.

Sự kết hợp nguồn dinh dưỡng cho bé không quá phức tạp. Các bạn không cần phải hiểu quá cặn kẽ về các chất như vitamin, các chất khó tiêu, các phân tử hóa học, protein, lipit… Các bạn cũng không cần phải sử dụng các chế độ ăn kiêng thông minh hay các loại vitamin. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn một vài nguyên tắc cơ bản theo cách vui chơi của “nghệ thuật nấu ăn”. Với những quy tắc đó, các bạn hoàn toàn có thể cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho con mình. Không ai có thể ngăn cản việc bạn có thể nuôi con bạn tốt hơn, thậm chí là ở mức tối ưu nhất. Nhưng “tham vọng” đó của bạn nên “song hành” cùng niềm vui và sự hứng thú từ cả hai phía: cha mẹ và con con cái, nếu không thì áp lực cho cả hai phía thân bạn sẽ còn lớn hơn cả những gì tốt đẹp mà bạn đang mong đợi.

Chúng ta nên đặt những gì lên bàn ăn?

Nếu như tất cả thức ăn đều bổ dưỡng, bố mẹ nên chọn những thức ăn nào và đặt lên bàn ăn cho các bé? Câu trả lời rất đơn giản: Tất cả! Sự đa dạng trong các món ăn gần như là sự đảm bảo chắc chắn cho một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Và nguyên tắc cơ bản đầu tiên cho chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là:

Hãy cho con bạn ăn tất cả những gì

Một thực đơn phong phú

Con bạn đã biết ngồi chung bàn ăn với gia đình chưa? Bé đã có thể tự cắn, nhai và nuốt tốt? Bé có thể tự ăn uống mà không cần bạn phải bón? Vậy thì bé có thể dần dần ăn được tất cả mọi thứ bạn đặt lên bàn ăn – từ A đến Z như các loại táo, lê, pho mát, khoai tây, cam, ôliu, rau chân vịt, rau củ, bí ngô non… Những loại đồ ăn trên có quá đắt đỏ đối với gia đình bạn không? Các bạn không cần phải quá coi trọng nguồn thức ăn cho bé. Tất cả những gì bé cần đều có sẵn trong các siêu thị. Các bạn chỉ việc chọn lựa và để con bạn thưởng thức tất cả!

Nhưng nếu con bạn không muốn thử những món mới lạ mà bạn đưa tới trước mặt bé thì sao? Không sao! Chuyện các bé từ chối những thứ mới lạ là điều bình thường. Các bạn hãy tự mình thưởng thức trước với sự hào hứng và nói với bé: “Thật may mắn và sung sướng khi mẹ được ăn một mình hết tất cả chỗ này. Ngon tuyệt vời!”. Ở những lần sau, bạn hãy kiên nhẫn cho con tiếp tục ăn như vậy!

Các bạn hãy mang tất cả các món ăn và đặt chúng trên bàn ăn, chứ đừng đưa vào tận miệng bé. Nhưng tất nhiên là trước hết cha mẹ phải làm tấm gương tốt để bé noi theo: Về lâu dài, bạn sẽ truyền được cho bé hứng thú cũng như sự tò mò về tất cả của ngon vật lạ, mọi thức ăn quý giá trên đời – ngay cả khi cần phải mất tới một vài năm kiên nhẫn chờ đợi.

Tôi có một cô bạn rất thân người Pháp và đang sống ở một ngôi làng có tên Provence. Tôi rất ghen tị vì cô bạn tôi nấu ăn rất ngon và cô ấy có thể chọn cho mình một thực đơn vô cùng phong phú với chất lượng tốt nhất có thể. Khi tôi cùng các con tới thăm, bạn tôi rất vui khi thấy các cô con gái của tôi đã thưởng thức tất cả các món do chính tay cô ấy nấu với sự phấn khích tuyệt đối. Rồi cô thở dài: “Ước gì con trai tôi cũng được như vậy! Suốt mấy năm nay nó chỉ ăn nước sốt cà chua kèm thêm một thứ gì đó đi kèm thôi”.

Bánh hamburger và kẹo dẻo?

Nhưng có thật là bạn có thể để con mình thưởng thức tất cả mọi thứ? Ngay cả bánh hamburger, xúc xích cà ri, kẹo dẻo và tất cả các đồ ngọt có chứa phẩm màu cũng như chất bảo quản? Tất nhiên là có! Bởi nếu bạn cấm bé ăn tất cả những thứ đó thì rất có thể tình hình lại càng tồi tệ hơn. Chúng sẽ tò mò và muốn “khám phá” tại sao người lớn lại cấm chúng ăn. Các bạn chỉ nên giới hạn những đồ ăn trên và không cho bé ăn hàng ngày đồng thời hạn chế lượng cho bé ăn. Các bạn cũng không nên cho bé ăn khi chúng còn nhỏ mà hãy đợi đến khi nào chúng tự đòi bố mẹ cho ăn. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy việc “đòi hỏi” đó xảy ra muộn hơn ở đứa trẻ đầu. Các em của chúng sinh sau sẽ làm quen với “đời sống thực tế” và muốn “tìm hiểu” mọi thứ sớm hơn.

Câu trả lời: “Cái đó con không được ăn, vì chúng không tốt cho sức khỏe” hoàn toàn không thuyết phục và làm thỏa mãn những thắc mắc của trẻ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ăn một chiếc xúc xích rán? Chúng không thể đổ bệnh ngay được. Vậy “không tốt cho sức khỏe” nghĩa là như thế nào? Nhưng nếu hàng ngày chúng ta đều ăn xúc xích rán thì chắc chắn sẽ dẫn tới những hệ lụy sức khỏe về sau này. Tuy nhiên, một đứa trẻ có thể nhận thức về vấn đề này như thế nào? Và sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ thỉnh thoảng cho trẻ ăn một cái xúc xích cùng với nhiều đồ ăn khác?

Không tranh luận

Chúng ta vẫn thường nói với trẻ những câu như: “Con phải ăn nhiều rau củ quả nếu không con sẽ bị bệnh đấy”, “Ăn cà rốt rất tốt cho mắt của con”, “Bánh mì đen sẽ làm cho con thực sự khỏe mạnh”. Và dĩ nhiên các bé sẽ không tin bạn, dù chỉ một lời. Bé sẽ cảm thấy khó chịu trong người chỉ vì không ăn rau sao? Liệu các cơ của bé sẽ phát triển ngay lập tức khi bánh mì được đưa vào dạ dày không? Những mối quan hệ này không đơn giản như vậy. Các tranh luận với trẻ về “tốt cho sức khỏe” hay “bất lợi cho sức khỏe” có thể sẽ gây thêm nhiều áp lực và mang lại ít hiệu quả. Vì vậy, tốt hơn là bạn không nên tranh luận với con về thực đơn ăn uống mà bạn dành cho bé. Nếu bạn cho con ăn tất cả mọi thứ và không cấm bất cứ thứ gì thì các bạn cũng không cần phải tự bào chữa cho mình khi trẻ hỏi. Qua đó, bạn sẽ có nhiều không gian và thời gian thoải mái lựa chọn từng thực đơn, từng bữa ăn cho con.

Bao nhiêu là đủ?

Ăn nhiều đồ béo có hại? Còn nhiều tinh bột có lợi? Hay ngược lại? Trong nhiều năm trở lại đây đã có rất nhiều dự án, các hoạt động được tổ chức xoay quanh vấn đề này. Theo quan điểm của chúng tôi, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải là những nhà khoa học về dinh dưỡng mới có thể mang lại những thực đơn ăn uống khoa học nhất. Dưới đây là một vài thông tin hữu ích giúp chúng ta hiểu hơn và có sự chọn lựa thực đơn tốt hơn, bổ dưỡng hơn cho trẻ.

Những luận điểm mới về dinh dưỡng lành mạnh

Cho đến vài năm gần đây, có một lời khuyên được cho là hiển nhiên, không ai có thể bác bỏ: Ăn quá nhiều đồ béo sẽ gây béo phì. Chính vì vậy, lời khuyên được đưa ra là: Ăn càng ít đồ béo càng tốt. Và ăn càng nhiều tinh bột càng tốt. Đó cũng là nội dung cơ bản về tháp dinh dưỡng chuẩn được phổ biến ở Mỹ, Châu Âu và người ta nhìn thấy chúng được in trên bao bì của những gói bắp rang bơ. Đặc biệt ở Mỹ, người dân gần như phát cuồng vì phong trào “ăn ít đồ béo”. Vào khoảng cuối thế kỷ XX, người ta đột nhiên muốn đảo ngược lại tất cả. Tinh bột bỗng nhiên lại được coi là không tốt, bất lợi còn có nhiều đồ ăn chứa chất béo khá tốt. Ở Mỹ lúc này, phong trào ăn ít tinh bột lại lên ngôi. Thậm chí, một vài công ty thực phẩm mỳ gói và mỳ Ý phải đóng cửa vì họ không thể tiêu thụ và bán sản phẩm được nữa. Do đó, chỉ số glycemic (viết tắt là GI) (chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường) đã xuất hiện như là một phát minh sáng suốt. Vậy thì mọi lời khuyên, mọi khuyến cáo đều hoàn toàn sai?