Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Con thích ăn gì nào?

Tình huống tương tự cũng diễn ra với cô bé 7 tuổi Janine và mẹ. Giờ ăn đối với hai mẹ con luôn là một cực hình. Mẹ Janine cũng nấu theo yêu cầu của cô bé – tuy nhiên mẹ không làm nhiều món liên tiếp như mẹ của Tanja mà lại theo “đặt hàng”. Hàng sáng, trước khi Janine đến trường, mẹ hỏi: “Mẹ nên làm món gì cho bữa trưa đây con?” Janine được phép tự do chọn, hoặc mẹ cô bé gợi ý nhiều món khác nhau để em lựa.

Khi Janine rời trường về nhà cũng là lúc bữa ăn mơ ước nóng hổi của cô bé được đặt trên bàn. Ấy vậy mà căng thẳng vẫn xảy ra thường xuyên. Thường Janine chỉ muốn ăn in ít thôi, cô bé hay nói: “Con có thích món này đâu mà!” Mẹ Janine tuy không nấu thêm bất cứ món nào nữa nhưng mỗi lần như vậy, bà đều nổi trận lôi đình: “Thế giờ thì sao đây? Mẹ đã hỏi con rồi cơ mà! Con nói là muốn ăn súp khoai tây! Làm thế nào mà bây giờ con lại khăng khăng không thích nó chứ?” Janine phải ăn hết sạch nếu muốn đứng dậy rời khỏi bàn.

Ngày nào mẹ Janine cũng hỏi con gái: “Con muốn ăn gì?” Vô tình bà đã tạo áp lực cho con. Janine không còn có thể tự do lựa chọn liệu cô có muốn ăn món nào trong số những món mẹ gợi ý không? Một đứa trẻ bị mẹ yêu cầu tự chọn món ăn cho mình thì lại bị mất luôn đi cái quyền được tự do từ chối. Nếu bé vẫn làm điều mà đáng nhẽ bé không được phép làm này thì cũng dễ hiểu khi người mẹ sẽ cảm thấy bị lừa dối, đùa cợt và xúc phạm mỗi lần con không ăn. Chính điều này làm bà giận dữ mỗi ngày.

Mẹ Janine cần hỏi ít đi và nên tự quyết món ăn mình sẽ nấu. Khi quyết định cũng nên xem xét món ăn nào bản thân bà thấy ngon nhất. Khi Janine từ chối, mẹ cô bé không cần cảm thấy bị xúc phạm. Bà có thể một mình thưởng thức đồ ăn và bảo: “Ôi tuyệt vời làm sao! Hôm nay món này lại ngon thế không biết! “

Lúc nào cũng vẫn những thứ ấy

Vẫn còn một khả năng nữa để các bậc phụ huynh cho phép con em mình quyết định món nào sẽ có mặt trên bàn ăn. Hẳn là bạn còn nhớ câu chuyện về cậu bé hàng ngày không ăn gì ngoài 8 hũ lớn sữa chua hoa quả (xem trang 20). Tuy bố mẹ cậu không nấu nhiều món ăn khác nhau theo yêu cầu của cậu nhưng lại chuẩn bị chính xác món con trai mình “đặt hàng”. Là thức ăn duy nhất nhưng sữa chua lại quá béo và ngọt – thế nên cậu bé bị thừa cân.

Các cặp cha mẹ khác lại cho con ăn luân phiên bánh bột mỳ rán và khoai tây chiên theo sở thích của bé. Bởi vậy, danh sách những món ăn ưa thích vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của trẻ nay lại càng thu hẹp hơn. Một vài bé lại phát sinh những sở thích ăn uống khá kỳ quặc nếu phụ huynh không chỉ bảo cho con, rồi tự đặt bản thân dưới áp lực của câu nói nhiệm màu “Vậy thì con không ăn đâu” và lúc nào cũng cho bé những món nó muốn.

Philip 3 tuổi đã đi mẫu giáo nhưng cậu chủ yếu vẫn bú bình: mỗi buổi sáng và tối, cậu uống nửa lít cháo yến mạch đặc. Cậu chỉ ăn thêm một loại bánh mì giòn. Và cậu bé từ chối hoàn toàn bữa trưa tại nhà trẻ.
Từ lúc 6 tháng cho đến khi 2 tuổi, Felix vẫn ăn cháo ngũ cốc loãng bằng bình. tám – chín bình một ngày. Do cậu mỗi tối phải uống tới bốn bình liên tiếp nên bữa thỉnh thoảng lại kéo dài đến tận 3 giờ đồng hồ.

Mặc dù có vài thói quen kỳ quặc như vậy nhưng Felix và Phillip vẫn mạnh khỏe và tăng cân đều đặn. Cơ chế tự điều chỉnh của hai cậu hoạt động tốt và chế độ ăn của các cậu nếu đối chiếu với tháp dinh dưỡng thì may mắn thay cũng chứa nhiều thành phần ngũ cốc. Mặc dù vậy, các bữa ăn đối với mọi thành viên trong gia đình là cực hình. Đáng nhẽ bố mẹ của hai cậu phải can thiệp nhiều hơn. Họ không nên chỉ cho con ăn những thứ chúng muốn. Họ phải là người quyết định cho con ăn gì. Và họ cũng cần phải biết rằng từ độ tuổi nào thì việc cho ăn bằng bình không còn phù hợp với trẻ nữa.

Ăn uống vô kỷ luật

NẾU VIỆC ĂN UỐNG DIỄN RA MỘT CÁCH TỰ DO, không theo một phép tắc nào cả thì căng thẳng bên bàn ăn là khó tránh khỏi. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ nhỏ được phép tự quyết định ăn khi nào và ăn gì?

Ăn khi nào tùy thích

Nếu các bé được tự quyết định khi nào ăn thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không dễ chịu chút nào: Một vài bé thì vừa ngậm bình trà hoặc nước hoa quả trong miệng vừa chạy lung tung. Nhiều bé thì ban đêm vẫn được cho ăn, cho uống mặc dù đã hơn 6 tháng tuổi và việc ăn đêm thực ra là không cần thiết nữa. Vài bé thì lúc nào cũng có trong tay thứ gì đó để ăn. Vài bé lại chẳng thấy đói bụng khi đến bữa bởi chúng đã thành công với việc xin ăn vặt suốt cả ngày và do đó đã nạp vào người một lượng khá lớn đồ ngọt rồi. Nhiều bà mẹ còn tha thêm không biết bao nhiêu là đồ ăn khi cho con đi đến những khu vui chơi công cộng. Nếu như bố mẹ chỉ cho con ăn cố định ngày ba bữa chính cộng với hai bữa phụ thì tất cả những phiền toái trên sẽ nhanh chóng chấm dứt. Cứ mỗi lần trẻ mè nheo đòi ăn thì bố mẹ cần trả lời dứt điểm như: “Hãy đợi thêm chút nữa nhé, vào bữa trưa con sẽ được ăn!”

Nếu các bữa ăn chính càng đều đặn bao nhiêu thì càng ít căng thẳng phát sinh do trẻ đòi ăn vì đói bụng bấy nhiêu. Và trẻ cũng học được cách biết tận dụng tốt hơn. Chúng học được rằng chúng cần phải tập trung ăn trong các bữa ăn chính bởi giữa chừng chúng sẽ chẳng có gì để ăn, kể cả ban đêm.

Ăn thế nào tùy thích

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ được tự quyết định ăn như thế nào? Sẽ là căng thẳng triền miên. Có bé thì chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, có bé thì múa rối trên ghế, có bé lại vừa xem vô tuyến vừa nhúp đồ ăn, hoặc có bé lại ăn trong lúc chơi và để vãi thức ăn ra sàn nhà. Các bé sẽ mè nheo, rồi kêu la, và sẽ “ra lệnh” cho mẹ đại loại như: “Lấy cho con lọ muối” hay “mẹ làm cho con thứ khác đi!”.

Nếu mọi việc cứ diễn ra thế này thì sẽ chẳng thể dạy được cho trẻ cách ứng xử lịch sự, thân thiện, cách ăn bằng dao và dĩa, cách biết chờ đợi người khác và cuối cùng là việc giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn.

Nếu vậy thì quả thật là đáng tiếc, bởi những bữa ăn chung của cả gia đình lại chính là những thời điểm vô cùng quý báu để dạy dỗ con trẻ. Việc học cách cư xử xã hội lại diễn ra phần lớn bên bàn ăn. Các bậc cha mẹ đừng để lãng phí những dịp quý giá như thế này.

Cha mẹ cần phải thiết lập ranh giới. Thật đáng tiếc khi các bữa ăn lại thường là nơi diễn ra sự tranh đua quyền lực giữa cha mẹ và con cái. Cách phòng tránh tranh đua quyền lực và cách làm cho trẻ tuân thủ những quy tắc trong ứng xử được trình bày chi tiết trong hai cuốn sách tư vấn dành cho cha mẹ Mỗi đứa trẻ đều có thể học các quy tắcMỗi đứa trẻ đều có thể tự kiểm soát bản thân.

Quá nhiều hay quá ít?

Đôi khi cũng khó phân biệt được liệu cha mẹ can thiệp quá nhiều hay quá ít vào việc ăn uống của con. Trong cả hai trường hợp thì căng thẳng là điều khó tránh khỏi.

Nếu như cha mẹ tạo áp lực bắt con ăn thì cũng có nghĩa họ đã can thiệp quá nhiều. Một trong những cách tạo áp lực là việc cha mẹ tìm cách đánh lạc hướng trẻ qua đồ chơi hoặc tivi.

Còn nếu như cha mẹ để mặc cho trẻ tự đề ra nguyên tắc riêng của mình thì có nghĩa họ đã can thiệp quá ít. Điều này có thể dẫn tới việc con chỉ có thể ăn được khi có đồ chơi hoặc có tivi để chơi và xem.

Cha mẹ làm gương

Hình mẫu của bạn đương nhiên đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu bạn khuyên con nên ăn sáng bằng ngũ cốc do nó rất có lợi cho sức khỏe, trong khi đó bữa sáng của bạn lại là thuốc lá với cà phê thì chắc hẳn con bạn sẽ chẳng tin lời bạn nói đâu. Tôi đã gặp một người mẹ rất phiền muộn và lo lắng về việc cậu con trai ăn ít nhưng lại hiếm khi, thậm chí chẳng bao giờ ngồi ăn cùng con cả. Một vài lý lẽ được bà đưa ra: “Tôi cũng không phải là người ăn nhiều.” – “Một bữa trong ngày là đủ với tôi rồi” hay “Chỉ cần nhìn vào thức ăn là tôi đã tăng cân.”

Mẹ là người phục vụ mọi thứ

Gần đây, một đôi vợ chồng đã kể cho tôi nghe một cách hóm hỉnh về chuyện thường xuyên xảy ra trong bữa ăn tối tại gia cùng hai đứa con trai 3 và 5 tuổi của họ.

Gần 6h tối, ông chồng vác cái bụng đói meo về nhà. Bà vợ ngay lập tức hâm nóng phần ăn từ bữa trưa cho anh. Vì đang đói nên anh ta có tâm trạng khá tệ. Anh ngồi trong bếp với đĩa thức ăn và chỉ muốn được yên tĩnh khi ăn trong im lặng. Nhưng Timo và Sebastian cũng đói. Một đứa bên trái, đứa kia bên phải ngồi vắt vẻo cạnh bố, xin xỏ, nhấm nháp thức ăn. Bố có mắng đi nữa cũng chẳng cản nổi hai đứa. Trong khi ông bố ăn thì bà mẹ vội vã chuẩn bị bánh mì bơ cho hai anh em.

Nhưng căng thẳng lại tiếp tục đè nặng bà mẹ: ăn xong người bố nghỉ ngơi thư giãn xem tivi trong phòng khách. Bấy giờ, hai cậu nhỏ ngồi bên bàn ăn. Còn bà mẹ thì lăng xăng ra vào phục vụ hai cậu nên chẳng thể ngồi thư giãn cùng chồng. Timo và Sebastian ti tỉ khóc đòi vào chỗ bố xem tivi. Một lúc sau, bà mẹ chạy ra đó với phần bánh mì bơ còn lại trên tay cho hai cậu.

Bà vợ la mắng và còn tiếp tục lầu bầu khi đang dọn dẹp nhà bếp. Cô tức giận khi anh chẳng hề đỡ đần mình. (Trong buổi tư vấn, anh ta quay sang tôi hỏi rất nghiêm túc “Tôi mà phải giúp cô ấy dọn dẹp á? Hãy bảo cố ấy từ bỏ cái ý nghĩ đó đi!”). Sau đó, cô cho lũ trẻ vào giường rồi nhanh chóng làm bữa tối cho mình – để rồi cũng vừa xem tivi vừa ăn.