Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Không khó để có thể thuyết phục cặp vợ chồng này rằng tự họ phải có sự thay đổi trong việc phân chia công việc gia đình cũng như tổ chức sinh hoạt buổi tối thì mới có thể cải thiện cách ứng xử của hai cậu con trai.

Chúng tôi đã cùng nhau tìm ra những giải pháp sau cho gia đình trên: Ngay lập tức sẽ không có chuyện ăn trước màn hình vô tuyến nữa. Tất cả mọi người phải ăn cùng nhau. Người cha dù đói bụng đến đâu cũng phải kiên nhẫn đợi cho tới khi bữa ăn tối được nấu xong xuôi. Nếu phải chờ lâu thì anh có thể giúp đỡ vợ chuẩn bị cho bữa ăn được nhanh ho.

Người mẹ mỗi buổi trưa nên nấu nhiều hơn để hai cậu con cũng có phần và không còn phải nhấm nháp thức ăn từ đĩa của bố nữa. Thêm vào đó, trên bàn nên có bánh mì, bơ, pho mát và xúc xích. Sẽ không có chuyện mẹ phải làm thức ăn theo yêu cầu của các cậu nữa mà mỗi đứa tự lấy cho mình những gì chúng muốn từ những đồ mẹ đã chuẩn bị.

Nếu bữa tối diễn ra suôn sẻ, Timo và Sebastian được phép xem tivi nửa tiếng đồng hồ. Còn ngược lại, nếu hai đứa vòi vĩnh hoặc cãi vã nhau thì đương nhiên sẽ không có chuyện xem tivi.

Và ai sẽ là người dọn dẹp bàn ăn? Vấn đề này hai vợ chồng nên tự giải quyết với nhau. Lời khuyên của tôi ở đây là Timo và Sebastian hoàn toàn có thể cùng tham gia giúp đỡ. Nếu cha mẹ là những tấm gương mẫu mực thì chuyện này không có gì khó cả.

Tổng kết

⇒ Cần đặt ra giới hạn cho trẻ – kể cả lúc ăn uống

Khi cha mẹ cho phép con quyết định ăn gì, ăn khi nào và ra sao, điều đó có nghĩa cha mẹ đã không dạy dỗ con đến nơi đến chốn.

⇒ Đừng để cho con quyền đưa ra yêu cầu

Nếu bạn với tư cách là cha mẹ không uốn nắn thì hậu quả tất yếu là thói quen ăn uống vô tổ chức cùng cách cư xử xấu khi ăn của con.

3. Dinh dưỡng hợp lý cho từng độ tuổi

Trong chương này, bạn sẽ biết:

  • Điểm chính trong việc cho con bú và nuôi con bằng sữa ngoài trong suốt 6 tháng đầu đời.
  • Cách con bạn xoay xở ra sao trong giai đoạn 6 – 12 tháng, từ việc chỉ bú sữa mẹ hay bú bình sang chế độ ăn cùng gia đình.
  • Chế độ ăn cũng như những quy tắc tốt cho trẻ từ lúc nhỏ cho đến khi đi nhà trẻ.
  • Quy tắc ăn uống quan trọng cho trẻ đến trường.

6 tháng đầu đời: Sữa mẹ là tất cả

Từ từ, bạn sẽ nắm rõ được nguyên tắc: Con của bạn quyết việc bé có muốn ăn hay không và ăn bao nhiêu. Là cha mẹ, bạn sẽ nấu món gì. Bạn cũng xác định thời gian và cách thức cho bé ăn cũng như những nguyên tắc mà bé nên học. Những việc này diễn ra như thế nào và bạn cần lưu ý điều gì khi thực hiện đương nhiên phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh thì mọi việc chưa có gì phức tạp cả.

Bé của bạn ăn gì?

CHO CON BÚ cũng có nghĩa là bạn cung cấp cho bé nguồn thực phẩm tốt nhất có thể có. Nếu bạn không thể cho bé bú, hãy cho con ăn sữa ngoài với chất lượng gần tương đương sữa mẹ.

Sữa mẹ

Tối ưu là cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 5 – 6 tháng đầu đời. Bé của bạn nhận được tất cả dưỡng chất bé cần mà hoàn toàn không cần thêm thức ăn khác – không trà, không nước ép hay bất cứ thứ nào.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, số lượng các bà mẹ cho con bú liên tục tăng. Tuy nhiên, chỉ có rất ít các bà mẹ thực hiện điều mà đối với trẻ là tốt hơn tất thảy: cho trẻ bú hoàn toàn 5 – 6 tháng đầu mà không cần bổ sung bất cứ thực phẩm nào. Ưu điểm của việc cho con bú là không thể tranh cãi và sẽ không bao giờ là thừa khi thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ .

Lợi ích đối với trẻ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất với nhu cầu của trẻ và hơn hẳn bất cứ một loại thức phẩm nào khác.

  • Sữa mẹ đặc biệt bởi thành phần của sữa có thể thay đổi trong ngày cũng như trong suốt thời gian cho con bú. Sữa mẹ cũng phù hợp với những nhu cầu phát triển khác nhau của trẻ.
  • Sữa mẹ dễ tiêu, giúp bảo vệ các mô ruột còn non yếu của trẻ sơ sinh khỏi bị viêm và tổn thương.
  • Sữa mẹ chứa chất đề kháng làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh tiêu chảy và hạn chế những diễn biến phức tạp của căn bệnh này.
  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn hiếm khi bị mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính như viêm màng não, viêm tai giữa và viêm phế quản. Một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng tỉ lệ tử vong trong năm đầu tiên của trẻ bú mẹ thấp hơn tới 21% so với trẻ ăn sữa ngoài!
  • Những nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, cho con bú có thể giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm các bệnh như đột tử trẻ sơ sinh, ung thư và tiểu đường (tuýp 1 và 2) bao gồm cả thừa cân và béo phì.
  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn cũng ít khi bị dị ứng thức ăn, hen suyễn và gặp các vấn đề về da liễu.
  • Tuy nhiên, các bạn đừng suy diễn ra những kết luận sai lầm: không một bà mẹ nào lại phải chịu “tội” trước việc con nhiễm bệnh mãn tính khi họ không thể hay không muốn cho con bú. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc mắc các căn bệnh này. Kể cả trẻ được cho bú vẫn có khả năng bị tiêu chảy, ho, viêm phế quản hoặc dị ứng.

Lợi ích đối với mẹ

Việc bé bú sữa mẹ không chỉ có nhiều ưu điểm cho bé mà còn cả cho chính các bà mẹ nữa:

  • Sau khi sinh con, người mẹ càng cho con mình bú sớm bao nhiêu thì cơ thể họ càng tiết ra nhiều hoóc môn Oxytocin kích thích cho tử cung co nhanh hơn. Hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh do đó cũng sớm chấm dứt hơn.
  • Người mẹ cho con bú sau sinh sẽ nhanh chóng lấy lại được trọng lượng cơ thể ban đầu.
  • Ung thư buồng trứng và ung thư vú hiếm gặp hơn.
  • Khi về già, khả năng tránh được nguy cơ bị gãy xương cũng cao hơn.
  • Thay vì phải cho con ăn sữa ngoài, cho con bú thuận tiện cũng như hợp vệ sinh hơn và qua đó còn tiết kiệm được chi tiêu.
Cho trẻ bú bình

Tuy nhiên, thật đáng tiếc không phải bà mẹ nào cũng có thể cho con bú bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như do họ ít nhận được sự động viên, hỗ trợ từ những người xung quanh, bị ốm hoặc cảm thấy tinh thần rệu rã hay không đủ sức khỏe hoặc trong một vài trường hợp họ muốn (hoặc bị bắt buộc) nhanh chóng quay trở lại công việc. Nhưng đó không phải là thảm họa. Việc cho con bú có những lợi ích không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên cũng không nên quá cứng nhắc về chuyện này. Kể cả trong trường hợp phải ăn sữa ngoài, đứa trẻ cũng có thể lớn và mối quan hệ mẹ – con mật thiết vẫn sẽ được hình thành. Đừng để lương tâm bị cắn rứt nếu bạn không thể nuôi con bằng sữa mẹ.

Thực phẩm đầu đời cho bé

Vậy bạn nên cho bé ăn gì nếu bản thân không thể, không được phép hay không muốn cho bé bú? Hãy cho bé ăn “sữa non”. “Sữa non” được chiết xuất dựa trên sữa bò. Hãy mua sản phẩm chế biến sẵn, bởi sữa non tốt cho bé tương đương như sữa mẹ và chứa đầy đủ các dưỡng chất cân đối theo luật định.

Chúng tôi cũng đặc biệt khuyên các bà mẹ không tự làm sữa non từ sữa bò và các thành phần khác. Điều này không đảm bảo an toàn trong những tháng đầu đời cũng trẻ.

Tại Đức, sữa non được bày bán hầu như chỉ ở dạng bột. Các bà mẹ chỉ cần pha theo chỉ dẫn. Loại nước phù hợp để pha sản phẩm này là nước máy đun sôi hoặc nước khoáng có dòng chữ “Pha được với sữa non”.

Bạn có thể cho bé ăn sữa non từ ngày đầu tiên. Trong suốt 4 – 6 tháng đầu, bé của bạn không cần ăn thêm bất cứ loại thực phẩm nào khác. Bạn có thể chọn loại sữa non bao gồm hoặc không bao gồm tinh bột có tác dụng làm sánh thức ăn lỏng. Sữa non không gồm tinh bột này thì loãng như sữa mẹ và sánh hơn nếu có chất này. Nếu bạn để cho con bạn tự quyết định lượng sữa bé muốn ăn thì bạn có thể tránh được nguy cơ cho bé ăn quá nhiều. Không pha thêm bột yến mạch hay đường vào sữa.

Sữa ăn dặm

Dù có vô vàn các thương hiệu nhưng thực chất sữa công thức (sữa ngoài) cho trẻ sơ sinh chỉ có hai loại: sữa non như đề cập ở trên và sữa ăn dặm.

Trẻ dùng được sữa ăn dặm sớm nhất là từ tháng thứ năm. Thành phần của sữa ăn dặm có ít điểm chung với sữa mẹ, tuy làm tăng gánh nặng lên quá trình trao đổi chất hơn so với sữa non nhưng vẫn luôn dễ tiêu hơn sữa bò nguyên chất.

Những khả năng khác?

Nếu e ngại bé dị ứng nặng hoặc bị mắc bệnh viêm da thần kinh, người mẹ (thật đáng tiếc trong trường hợp này) lại không thể cho con bú thì bác sĩ nhi có thể kê sữa công thức đặc biệt cho trẻ. Protein trong sữa bò bị phân giải “thủy phân” thành axit amin, bởi vậy nguy cơ dị ứng protein sữa bò gần như được giảm thiểu hoàn toàn.

Không có một cơ sở nào trong việc sử dụng các loại sữa được biết đến với tên gọi “sữa không gây dị ứng” bởi cho đến nay, công hiệu của chúng vẫn chưa được chứng minh.

Sữa đậu nành cũng không phù hợp để nuôi trẻ sơ sinh. Bởi vì có nhiều trẻ đã bị dị ứng với protein đậu nành.

Một loại dưỡng chất bổ sung vô cùng quan trọng: Vitamin D – Fluoretten

Con bạn cần bổ sung thêm dưỡng chất nào nếu bé ăn sữa công thức? Không gì cả. Không trà, không nước ép hoa quả hay nước cà rốt.

Ở Đức có một loại dưỡng chất bổ sung duy nhất được khuyên dùng rộng rãi: Vitamin D kết hợp với muối flor. Vitamin D làm xương chắc khỏe trong khi muối flor giúp bảo vệ răng. Loại dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với trẻ bú mẹ mà còn với trẻ được nuôi bằng sữa ngoài.

Bổ sung muối flor thường xuyên sẽ là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa các bệnh về răng. Nếu bạn dành sự quan tâm nhất định đến vấn đề bảo vệ răng miệng bằng muối flor cho trẻ thì về sau này bạn có thể tiết kiệm được 2/3 chi phí phải trả cho nha sĩ.

Thời gian và cách thức cho con ăn

MỖI BÀ MẸ TRẺ đều mong muốn biết càng nhiều càng tốt về thời điểm và cách thức tốt nhất cho con bú hay cho bé ăn bằng bình.

Khi bạn cho con bú

Hầu hết phụ nữ có thể cho con bú. Tuy nhiên, bạn cần nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt khi sinh con đầu lòng. Khi lựa chọn bệnh viện phụ sản hãy lưu ý đến chuyện liệu bệnh viện có tư vấn viên hỗ trợ hướng dẫn các bà mẹ cho con bú đúng cách cũng như có được tổ chức y tế thế giới công nhận là “bệnh viện thân thiện với trẻ em” hay không?