Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Nói cách khác: Các bà mẹ có con nhẹ cân thường lo lắng rằng con mình quá còi. Họ muốn giúp con phát triển tốt hơn, do đó thường tạo áp lực cho chúng. Với những đứa trẻ bú mẹ thì điều này không cần thiết, các mẹ không cần ép mà chúng sẽ tự ăn khi chúng muốn. Trẻ bú bình thì ngược lại, tạo ra áp lực cũng không có tác dụng gì với trẻ. Trái lại, trẻ còn chống đối và bú ít hơn. Những người có con sinh non hoặc nhẹ cân và không được bú mẹ thường có suy nghĩ phải cho trẻ ăn nhiều và ép chúng ăn. Điều này là dễ hiểu nhưng không hề có tác dụng. Tốt nhất nên để trẻ nhẹ cân và sinh non có thể quyết định những gì chúng cần.

Tại sao cha mẹ làm quá nhiều việc như vậy?

Tương ứng với một nghiên cứu trong chương đầu tiên của chúng tôi, việc bú mẹ có tác động tích cực và cũng không gây ra áp lực cho trẻ. Người ta chỉ ra rằng: trong 6 – 7 tháng đầu, hầu hết các bà mẹ đều hài lòng với thói quen ăn uống của trẻ, vì chúng hầu như chỉ bú mẹ.

Tuy nhiên, khi bọn trẻ lớn hơn, nhiều bà mẹ thay đổi suy nghĩ, họ đột nhiên khẳng định rằng: Con của tôi ăn quá ít. Con tôi rất còi cọc! Sau khi con được 2 tuổi, càng có nhiều bậc cha mẹ khẳng định điều này. Và khi trẻ được 4 – 5 tuổi, con số này là 20%. Trong khi đó, bạn biết rằng, nhận định của mình luôn luôn là sai lầm. Tất cả những cha mẹ tham gia cuộc điều tra đều làm rất nhiều và gây áp lực cho trẻ. Tại sao rất nhiều cha mẹ có quan điểm sai lầm rằng con họ ăn chưa đủ?

Những thành kiến và những nỗi lo mà bạn có thể quên đi

Những thành kiến và lo lắng

  • “Một đứa trẻ khỏe mạnh là phải tròn trĩnh và có “má hồng”.
  • “Một đứa trẻ không chịu ăn gì sẽ rất khó chịu và sớm muộn gì cũng sẽ bị phạt về điều này.”
  • “Khi trẻ không muốn ăn, nó sẽ bị chết đói chỉ trong vòng ít ngày sau đó.”
  • “Trẻ con có thể bị chết đói vì giận dỗi.”

Thực tế

  • Một đứa trẻ xanh xao, gầy gò cũng có thể khỏe mạnh.
  • Ăn hay không ăn phụ thuộc vào no hay đói. Phạt hay khen ngợi về việc ăn uống không có nghĩa gì cả.
  • Trẻ con có thể chịu đựng được nhiều ngày mà không ăn uống gì, một số ít có thể bị ốm, nhưng chúng lại tăng cân nhanh chóng sau đó.
  • Một đứa trẻ khỏe mạnh mà được cho ăn uống đầy đủ không thể chết đói được.

Chứng biếng ăn cũng là một bệnh thường gặp ở lứa tuổi thanh niên, cũng là lý do dẫn đến việc lười ăn kéo dài. Cần phải tìm ra những lý do này và khắc phục, tuy nhiên những áp lực và ép buộc cũng không giúp ích gì. Và cũng không có khả năng ai đó chết đói do “giận dỗi” cả.

Việc lo rằng một đứa trẻ bị chết đói cũng có thể là một nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người. Trong thời gian nghèo đói và thực phẩm khan hiếm – bạn hãy nghĩ đến vài thế hệ trước mình thôi – thì nỗi lo lắng này chắc chắn đã được hình thành và rất có lý. Chúng khiến cho các bậc cha mẹ phải cố gắng hết sức để đàn con nhỏ có ăn mỗi bữa. Ngày nay, nỗi lo này không còn là cần thiết, cũng không có ích gì, mà chỉ gây thêm phiền toái.

Những kiến thức bổ ích

Một lý do khác của nhận thức sai lầm đang lan rộng “Con tôi ăn quá ít” là: thông thường cha mẹ không hiểu cơ thể của trẻ sẽ phát triển như thế nào theo năm tháng. Họ chỉ chú ý xem bọn trẻ ăn ít như thế nào và có những lo lắng không cần thiết.

Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi sau một lần xem sao:

  • Trong năm đầu tiên, trẻ sơ sinh tăng được bao nhiêu phần trăm khối lượng cơ thể mỗi tháng?
  • Hết hai năm đầu, mỗi tháng một đứa trẻ tăng bao nhiêu phần trăm khối lượng cơ thể?

Câu trả lời là: Trong năm đầu tiên, một đứa trẻ sơ sinh mỗi tháng tăng 10% khối lượng cơ thể. Nhưng sau 2 tuổi, trẻ chỉ tăng thêm 1%.

Bạn có từng nghĩ về điều này không? Có lẽ đối với bạn sẽ lô-gíc hơn, nếu thực chất trẻ không thấy ngon miệng mặc dù chúng vẫn phát triển đều. Cha mẹ không hề nghĩ đến sự tương quan này.

Càng ít chất béo trong cơ thể càng ít có cảm giác đói

Như mô tả ở những trang tiếp theo đây cho thấy: Từ cuối năm đầu tiên, lượng chất béo trong cơ thể trẻ bắt đầu giảm dần. Đứa trẻ sẽ ngày càng còi đi. Khi chúng 6 tuổi, lượng chất béo ở mức thấp nhất so với thực tế. Từ sau đó, lượng chất béo lại tăng lên, điều này ở con gái rõ hơn con trai.

Trong mối tương quan này, cha mẹ cũng nên nghĩ: trong khi trẻ sơ sinh tăng cân, về cơ bản cơ thể của chúng đã ước tính được lượng chất béo cần thiết. Do đó, các tế bào cơ thể cần rất nhiều năng lượng, cụ thể là calo.

Trái lại, khi một đứa trẻ mầm non tăng cân không phải do tăng chất béo mà là cơ bắp. Để giúp tăng cơ bắp cần rất ít năng lượng, trẻ mầm non khi tăng cân cũng cần ít calo hơn nhiều so với trẻ sơ sinh.

Lượng mỡ trong trọng lượng cơ thể

Sự đồng ý ngầm của cha mẹ tạo cho trẻ tự tin

Đó không chỉ là những lỗ hổng kiến thức dẫn đến việc cha mẹ tạo áp lực ăn uống cho con cái. Nhiều bậc cha mẹ không nghĩ đến những kinh nghiệm về việc bọn trẻ tự hấp thụ dinh dưỡng hoàn hảo như thế nào và việc chúng đồng ý ăn uống có ảnh hưởng tốt ra sao.

Sự đồng ý ngầm này không phải để nhấn mạnh mà để xây dựng và duy trì lòng tin của trẻ vào khả năng tuyệt vời này, đây là cách tốt nhất để giáo dục bọn trẻ ăn uống đúng cách. Thật là tuyệt vời nếu nhiều cha mẹ biết về mối liên quan này, do vậy họ sẽ không đánh lừa bọn trẻ nữa.

Tổng kết

⇒ Áp lực chỉ làm hỏng mọi việc chứ không giúp ích gì

Nhiều cha mẹ làm đủ mọi cách để mong con cái ăn được nhiều. Họ tạo áp lực nhưng lại không có tác dụng. Áp lực hay ép buộc chỉ gây nên căng thẳng và sẽ chẳng bao giờ tạo nên điều gì tốt đẹp.

⇒ Giấu đồ ăn là một áp lực…

“Con không được ăn gì, vì con béo lắm rồi!” – với câu nói này, cha mẹ đã gây ra áp lực cho con cái. Bọn trẻ bị hạn chế đồ ăn nên chúng cảm thấy tồi tệ và thường xuyên nghĩ nhiều đến đồ ăn.

⇒ … và ép ăn cũng như vậy!

“Con phải ăn nhiều hơn vì con quá còi” trong mọi trường hợp đều là áp lực. Ép buộc, khen ngợi hay vui đùa thì bọn trẻ cũng bị nhồi thức ăn, khiến cho bọn chúng không có hứng thú ăn uống.

Khi cha mẹ can thiệp quá ít

Quyết định cho bé ăn gì, khi nào ăn và những nguyên tắc nào bé phải tuân thủ khi ăn là nhiệm vụ của bạn với tư cách là cha, là mẹ. Nếu bạn để mặc con mình quyết định một phần nào đó hay toàn bộ, thì bạn lại can thiệp quá ít. Những quyết định như thế này là quá mức so với con trẻ. Cơ chế tự điều chỉnh, cái gọi là tiếng nói “bên trong” của bé không phát huy tác dụng trong những việc như thế này! Việc tạo lập cho con bạn một nhịp điệu ăn đều đặn cùng những nề nếp tốt khi ăn, việc cung cấp cho con những hiểu biết về một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe – tất cả những điều này bạn phải dạy cho con. Đặc biệt, khi cha mẹ sợ con ăn không đủ lại thường nhượng bộ và để quyền quyết định ăn gì cho con.

Nấu ăn theo yêu cầu

VIỆC CHA MẸ NẤU ĂN theo yêu cầu của con cũng đồng nghĩa với việc cho con quyết định món gì sẽ được đặt lên bàn ăn.

Hết món nọ đến món kia

Bé Tanja 5 tuổi xinh như một nàng công chúa nhỏ. Bé có đôi mắt màu xanh da trời và mái tóc xoăn dài màu nâu. Bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi nhìn thấy bé. Vào một cuối tuần, nhà bé có khách và khách đã phải chứng kiến màn kịch sau: Bữa ăn trưa được dọn ra với món gà, khoai tây chiên và rau – một thực đơn rất được trẻ nhỏ ưa chuộng. Tanja ngồi bên bàn ăn, nhìn những đồ ăn đã nấu và lẩm bẩm: “Ôi, con chẳng thích ăn tất cả những thứ này đâu!”. Mẹ cô bé đứng dậy ngay lập tức và hỏi: “Vậy thì con thích ăn gì hả cục cưng của mẹ?”- “Con thích spaghetti cơ!”. Thế là mẹ Tanja để cho khẩu phần ăn của bà nguội lạnh và đi nấu cho cô con gái cưng món cô bé yêu cầu.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi spaghetti đã nằm trên đĩa, Tanja lại hạch sách: “Nhưng mà chẳng có tí bơ nào trong đĩa mì này cả. Không có bơ thì con chẳng thích món này đâu!”. Lại một lần nữa, mẹ cô bé đứng bật dậy để đi lấy vài mẩu bơ cho vào đĩa của Tanja. Lúc này thì Tanja cũng bắt đầu ăn. Nhưng cô chỉ ăn có duy nhất một sợi mì rồi lại mè nheo: “Mẹ cho quá nhiều bơ rồi. Giờ thì mì spaghetti có vị dở ẹc. Con muốn thứ khác cơ!”

Vậy là lại một món ăn nữa mẹ Tanja làm không đúng theo yêu cầu của cô bé. Thay vào đó, mẹ lấy đồ ngọt ra từ trong tủ, để “cục cưng” dù thế nào đi nữa cũng có cái gì đó để ăn.

Tình huống trên xảy ra khá thường xuyên giữa hai mẹ con Tanja. Khi Taja không vừa lòng với món ăn, cô bé than vãn và được nhận món khác. Rồi căng thẳng phát sinh. Tanja học được một điều rằng ngồi bên bàn ăn không chỉ để ăn, mà còn là lúc thể hiện quyền lực. Cô bé quyết định món gì sẽ được nấu. Cô rên rỉ, vòi vĩnh và nhận được những gì cô yêu cầu, lúc thì món xúc xích đặc biệt, lúc thì đồ ngọt. Những lúc ấy, cô tỏ thái độ rất hư đến mức không thể chấp nhận được. Mẹ cô bé phần lớn tham gia “trò chơi” này của cô và bị cô đưa vào tròng. Một lần, mẹ cương quyết không cho Tanja ăn món khác, cô nhóc đã xòe con át chủ bài của mình: “Vậy thì con chẳng ăn gì nữa hết!” Cô bé ý thức được rằng quân bài này luôn luôn hiệu nghiệm. Cô biết rằng, muộn nhất là lúc này mẹ sẽ phải bỏ cuộc, mẹ sẽ nghĩ rằng: “Làm thế nào đây khi nó không thích món này. Nhưng nó vẫn phải ăn cái gì đó chứ!”