Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Một vài bé thường bị nghẹn khi bất chợt ăn phải những mẩu cứng trong món ăn mềm. Các bé sẽ ăn một cách dễ dàng hơn nếu đồ ăn được nghiền hoặc xay nhuyễn.

Ban đầu, bạn nên đặt con vào lòng khi bón ăn. Ở tư thế ngồi thẳng, bé có thể tránh được nguy cơ bị nghẹn. Chỉ đến khi bé có thể ngồi chắc chắn thì bạn mới nên chuyển cho bé sang ngồi ghế ăn riêng dành cho bé.

Nhịp sinh hoạt phù hợp sẽ rất hữu ích để trẻ học ăn đúng cách. Vì thế, bạn nên cho bé ăn vào những giờ ăn cố định. Bạn có thể căn cứ vào thời gian ngủ của bé để lập ra thời gian biểu cho các bữa ăn của con. Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy để con ngồi ăn cùng gia đình. Hàng đêm, con sẽ không cần phải ăn hay uống thêm nữa.

Ngoài ra, cả hai lời khuyên sau đều rất quan trọng: hãy cho bé ăn thức ăn hợp với độ tuổi như trên đã trình bày. Khi bón cho con ăn, bạn nên nói chuyện nhẹ nhàng và động viên con – nhưng cũng không cần nói quá nhiều để con có thể tập trung và tận hưởng hương vị món ăn.

Để trẻ dẫn dắt bạn

Bạn hãy để bé tự quyết định tốc độ. Chỉ khi nào bé đã cảm nhận được chiếc thìa thì bạn hãy bắt đầu bón cho bé ăn.

Bạn hãy luôn để bé tự quyết xem bé muốn ăn bao nhiêu. Bé sẽ chỉ cho bạn rất rõ lượng thức ăn mình muốn: “Miệng mở” tức là “Nhiều hơn nữa” – “Miệng mím lại và đầu quay đi” nghĩa là “Con đã ăn đủ rồi”.

Bạn nên cho bé ăn những suất nhỏ. Nếu bé muốn nhiều hơn, hãy đáp ứng bé. Chúng tôi cố ý không đưa ra chỉ dẫn về lượng thức ăn cho từng bữa của bé. Lý do bạn cũng đã biết: con hoàn toàn có thể tự điều chỉnh nhu cầu năng lượng của mình một cách hoàn hảo. Lượng calo là không quan trọng.

Bạn hãy cho phép con tìm hiểu đồ ăn. Hãy cho phép bé được chạm tay vào thìa. Bạn cũng nên đưa cho bé một cái thìa khác. Hãy cho phép bé dùng ngón tay để khám phá thức ăn.

“Con có thể tự làm một mình”

Bạn cứ để con ăn bằng tay bất cứ khi nào con muốn. Được tự ăn mà không cần ai giúp đỡ khiến đa số trẻ cảm thấy rất thích thú. Thích hợp cho việc này không chỉ có bánh mì, những mẩu hoa quả và rau củ mềm. Thứ gì bố mẹ ăn được cũng đều phù hợp với con. Quan trọng là những thức ăn này phải đủ độ kết dính để không bị rơi khi bé đưa từ đĩa lên miệng. Khoai tây, gạo hoặc mì sợi khi trộn với rau, thịt và một chút chất lỏng có thể tạo thành món cháo đặc thích hợp.

Bạn hãy chấp nhận việc bé sẽ làm vương vãi thức ăn lung tung khi tự ăn và sẽ chỉ còn lại rất ít thức ăn được đưa vào miệng bé. Bạn hãy xác định tinh thần rằng chỗ bé ngồi ăn và cả người bé khó tránh khỏi bị dây bẩn. Bởi vậy, hãy bảo vệ ghế ăn bằng một miếng lót nhựa và đeo cho bé yêu của bạn một cái yếm. Nhưng cho bé ăn theo cách này sẽ mang lại hiệu quả cao!(2)

*(2) Ăn dặm theo cách này còn được gọi là Baby led – weaning (Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy).

Bé yêu càng phàm ăn bao nhiêu thì càng nhanh thuần thục kỹ năng ăn bấy nhiêu.

Đánh thức trí tò mò

Người ta thường khuyên nên bón cho trẻ ăn trước cữ bú mẹ hoặc bú bình theo phương châm “cơn đói cuốn tất cả vào trong”. Đằng sau phương châm này là quan điểm cho rằng khi đói trẻ dễ dàng chấp nhận việc ăn thìa hơn. Điều này có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Bạn hãy tưởng tượng: một đứa bé đói bụng đang mong đợi một bầu ngực mềm mại, ấm áp và đáng tin cậy lại bị đẩy vào miệng một vật gì đó vô cùng cứng – một chiếc thìa. Liệu lúc đó bạn có thể bực mình với bé được không nếu như bé sẽ nổi giận và gào khóc cho đến khi được bú?

Nhưng ngược lại, nếu sự tò mò và sở thích khám phá những điều mới lạ khiến cho bé yêu của bạn tình nguyện muốn thử ăn bằng thìa thì bé sẽ tìm thấy được nhiều niềm vui hơn với việc ăn uống.

Cũng có thể là những lần thử cho bé ăn bằng thìa sẽ thành công hơn nếu lúc đó bé chưa thực sự đói. Lời khuyên của chúng tôi là: lần thử nghiệm với việc ăn bằng thìa đầu tiên tốt hơn nên vào lúc sau khi bé bú mẹ hoặc bú bình. Sau một thời gian, bạn có thể thay đổi thứ tự này.

Không có chuyện thừa cân

Một lời khuyên cuối cùng: Ngay cả khi bé yêu của bạn trở nên “tròn trịa” một cách bất thường thì ở tuổi này không có chuyện cân. Hình dáng của trẻ lúc nhỏ không liên quan gì đến hình dáng của chúng khi trưởng thành.

Tổng kết

⇒ Từng thìa nhỏ một

Việc bón cho trẻ ăn bắt đầu sớm nhất lúc trẻ 6 tháng tuổi: bạn nên dần đưa từ món này tới món khác vào thực đơn. Hãy đợi xem liệu bé yêu của bạn có hấp thu được món này không và hãy bổ sung sau cứ hai đến ba ngày một món gì đó mới.

⇒ Những lời khuyên khác nhau

Lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ và Đức có một chút khác nhau nhưng cả hai đều có cơ sở. Bạn hãy làm theo cách có vẻ hữu dụng hơn với bé của bạn.

⇒ Cho ăn phù hợp với sự phát triển của trẻ

Bé yêu của bạn tự quyết định nhịp độ ăn cho phù hợp với sự phát triển của mình. Bạn hãy chăm chú quan sát để nắm bắt được các tín hiệu từ phía con và để cho con tự quyết định việc ăn uống của bản thân. Càng được phép tự làm nhiều việc, bé càng có nhiều niềm vui hơn khi ăn.

1 – 6 tuổi: “Con không còn là trẻ sơ sinh nữa!”

Trên bàn có những gì?

BẠN ĐÃ THÀNH CÔNG: Con bạn đã trở thành một thành viên thực thụ bên bàn ăn gia đình. Bé ngồi trong ghế ăn dành cho trẻ em và có thể tự ăn một vài món ăn bằng tay. Với sự giúp đỡ của bạn, bé cũng có thể uống được nước từ cốc. Bé có thể nhai và nuốt. Bé để bạn bón và thỉnh thoảng cũng lại muốn được một mình thử “thí nghiệm” với thìa ăn. Phần lớn các món mà bạn dọn lên bàn cho gia đình, bạn có thể cho bé thử – nhưng với ít muối và gia vị hơn. Tất cả đồ ăn mềm và ấm bé đều có thể ăn được.

Tất nhiên, không phải tất cả các bé ở 12 tháng tuổi đều làm được như thế. Có bé chậm hơn một chút. Một vài bé tới sau 1 tuổi mới mọc răng và sau đó có thể nhai thực sự. Mỗi bé sẽ có sự phát triển khác nhau: nhiều bé 1 tuổi vẫn chưa nếm thử hết tất cả các món ăn của gia đình. Có thể khi đó bé vẫn được bú mẹ hoặc bú bình. Hoặc cũng có thể bé vẫn thích ăn bột cho trẻ sơ sinh. Đối với những bé này thì phải đợi thêm khoảng một năm tới khi bé có thể tự ăn bằng thìa hoặc dĩa. Đôi khi, tận tới khi khoảng 4 tuổi, bé mới có thể nhai tốt như người lớn.

Nhưng dù sao con bạn lúc này không còn là một đứa bé sơ sinh nữa. Con có thể ăn đúng cách nếu bạn đặt lên bàn món nào đó phù hợp với bé. Các món ăn phù hợp với con đã được trình bày ở phần trước một cách chi tiết dưới tiêu đề: Trẻ cần ăn gì để sống? Những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho bé.

Ăn uống phù hợp cho trẻ từ 1 – 6 tuổi

Những lời khuyên dưới đây dành cho tất cả các trẻ nhỏ. Không có sự khác nhau với trẻ mập, gầy hay trung bình.

Cai sữa

Nếu con chưa cai sữa hoặc vẫn chưa muốn bỏ bú bình, từ sau 1 tuổi bạn nên cai dần cho con: Nếu bạn vẫn cho con bú sữa hoặc bú bình sau bữa ăn chính sẽ dẫn tới tình trạng: một vài trẻ hầu như không muốn ăn gì – mà thích bú tới no hơn. Bạn nên cho con bú sữa hoặc bú bình như là bữa ăn phụ riêng, ví dụ như bữa sáng và bữa trưa hoặc giữa bữa ăn trưa và tối.

3+2: Thời gian cho bữa ăn cố định

Giữa 12 và 18 tháng tuổi, phần lớn trẻ bỏ thói quen ngủ giấc thứ hai trong ngày. Các con chỉ giữ lại một giấc ngủ trưa. Từ bây giờ, bạn hãy áp dụng cho bé một thời gian biểu cố định hơn cho các bữa ăn mà bé sẽ duy trì trong những năm tiếp theo: ba bữa trong ngày vào một thời gian cố định, thêm vào đó là hai bữa ăn phụ.

Cứ cách 2 – 3 tiếng, bạn nên cho con ăn một chút gì đó. Những bữa ăn cố định có một ý nghĩa giáo dục rất quan trọng bởi qua đó, con bạn sẽ nhận thức được rằng người ta ăn uống không phải do nhàm chán không có việc gì làm khác, cũng không phải để khen thưởng hay vì một lý do nào đó. Nếu như bé yêu của bạn kháng cự lại việc phải ăn trưa nhưng hai phút sau đó lại ngúng nguẩy đòi ăn bánh quy thì hãy nói với bé một cách trìu mến nhưng thật cương quyết rằng: “Bữa trưa của chúng ta qua rồi. Con hãy đợi cho tới bữa ăn phụ nhé!” Để bé yêu của bạn không bị đói lâu thì trong trường hợp này, bạn có thể cho con ăn bữa phụ sớm hơn thường nhật.

Thỉnh thoảng có thể cho bé ăn bánh qui hoặc kem. Có rất nhiều đồ ăn khác cũng phù hợp cho bữa ăn nhẹ của bé như hoa quả, sữa chua, rau, lương khô, pho mát, bánh mì… Thêm vào đó hãy cho con uống một cốc nước hoa quả, tốt nhất là pha với nước hoặc sữa. Bạn nên dùng sữa tươi nguyên chất trong năm tuổi thứ hai của bé vì bé rất cần chất béo từ sữa.

Đồ uống

Bạn không nên cho bé uống quá nhiều nước hoa quả và sữa hoặc ca cao mà không có giới hạn. Quá nhiều các thức đồ uống này rất dễ làm trẻ chán ăn trong những bữa chính. Một cốc sữa nhỏ hoặc hoa quả là đủ cho mỗi bữa phụ. Nếu con bạn vẫn khát hãy cho bé uống nước trắng. Nước trắng là cách giải quyết cơn khát tốt nhất. Trong những năm đầu đời, bạn nên hạn chế một cách tối thiểu cho còn dùng nước chanh ngọt có ga; ngay cả sau này cũng chỉ nên cho con uống trong các trường hợp ngoại lệ.