Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Jens: Không thể hấp thụ được thực phẩm làm từ ngũ cốc

Khác với Sven, trong những tháng đầu Jens lên cân rất đều đặn. Cũng trong khoảng thời gian này, Jens được bú sữa mẹ đầy đủ. Sau khi cai sữa, mẹ cậu bắt đầu cho chuyển sang ăn bột cháo ngũ cốc và từ đây biểu đồ cân nặng của bé bắt đầu cong dần. Nguyên nhân được phỏng đoán là do cơ thể của Jens không hấp thụ được ngũ cốc. Và Jens được cho là mắc chứng bệnh Celiac(1). Do vậy mẹ Jens cho cậu ăn cơm hoặc ngô thay thế. Với thực đơn thay thế hợp lý như vậy, cân nặng của Jens đã có sự cải thiện đáng kể. Bước sang tuổi thứ 2, cơ thể của Jens đã được phát triển một cách toàn diện.

*(1) Bệnh Celiac là căn bệnh đường ruột do cơ thể không hấp thụ được gluten (có nhiều trong lúa mì, yến mạch và lúa mạch).
Áp lực, stress ảnh hưởng tới vấn đề tăng hoặc sút cân?

Có lẽ đến bây giờ các bạn vẫn chưa quên biểu đồ theo dõi quá trình phát triển cân nặng của một bé lúc lên lúc xuống bất bình thường do bị áp lực, nhiều stress. Phát biểu về hiện tượng trên, bác sĩ Morgenroth chia sẻ: “Tôi không thể giải thích được tại sao lại có hiện tượng như vậy. Bởi vì từ trước tới nay, tại phòng khám nhi khoa ở đây, tôi chưa từng thấy một biểu đồ nào như vậy khi theo dõi cho khoảng 20.000 các bé. Trong vòng sáu năm đầu đời, các bé phải đi khám sức khỏe định kỳ. Và ở trong nhóm độ tuổi này vẫn chưa có trường hợp nào tăng cân đột biến. Ngay cả trường hợp tăng cân đột biến đáng lo ngại ở một em bé sơ sinh hay trẻ nhỏ khỏe mạnh cũng vô cùng hiếm. Tôi thực sự chưa từng chứng kiến một trường hợp nào như vậy.”

Đường cong trọng lượng của Sven

Đường cong trọng lượng của Sven: Trọng lượng bị sụt giảm đáng kể đã được bù đắp.

Đường cong trọng lượng của Jens

Đường cong trọng lượng của Jens: Trọng lượng được cải thiện khi loại bỏ gluten trong thực đơn hàng ngày.

Tuy nhiên, một số bà mẹ chia sẻ rằng con họ gần như hoàn toàn từ chối các chất dinh dưỡng dành cho bé. Họ rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mình. Vấn đề ăn uống căng thẳng luôn có ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đối với người mẹ, việc trẻ không chịu ăn hay biếng ăn là một điều đáng sợ và lo lắng. Và chính các bé cũng sẽ cảm thấy bị “giày vò” nếu các bà mẹ làm đủ mọi cách không hợp lý để bắt mình phải ăn.

“Với trường hợp của bé Anke – 6 tháng tuổi, tôi đã cùng mẹ bé chuyển bé tới phòng khám đặc biệt ở trong một viện nhi vì người mẹ làm đủ mọi cách với con mình. Bà luôn nghĩ rằng Anke đã không ăn bất cứ một thứ gì trong nhiều ngày qua, mặc dù bà không hề ép buộc bé ăn.”

Có thể nói bà mẹ đã mắc phải tất cả các sai lầm trong khi cho bé ăn. Những lỗi này chúng tôi sẽ đề cập ở chương sau. Tuy nhiên, Anke vẫn lên cân đều mặc dù bị thúc ép từ phía phụ huynh và thường xuyên bỏ ăn. Cả mẹ lẫn con đều phải nhờ tới sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Tại bệnh viện, bà mẹ cần học cách để cho bé chứ không phải mẹ “điều khiển” trong khi ăn và mẹ bé phải tin rằng con mình đã ăn đủ.

“Nguyên nhân dẫn tới rối loạn phát triển thể chất của trẻ”

Một số nguyên nhân căn bản đầu tiên phải kể đến là do trẻ sinh thiếu tháng. Những ca sinh non phải cần tới các hỗ trợ như hô hấp nhân tạo, truyền các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Với những dụng cụ y tế chăm sóc nhân tạo như vậy, trẻ thường từ chối tất cả và thường bị nôn trớ. Chúng cũng cần có thời gian, cần sự kiên trì và quan tâm của bố mẹ để dần thích ứng với việc chấp nhận có những vật lạ như ty giả hay cái thìa nhỏ. Ngoài ra, chúng cũng cần phải học cách tự nuốt. Đối với một đứa trẻ sinh đủ tháng thường chỉ cần hai ngày sau khi sinh là có thể bú và nuốt rất tốt. Tuy nhiên, quá trình này ở những trẻ sinh thiếu tháng phải kéo dài khoảng một tháng, thậm chí là ba tháng cho những bé sinh quá sớm. Việc ăn uống thực sự rất khó khăn cho những trường hợp hãn hữu như trên. Nếu trẻ bị sụt cân vì stress và cha mẹ không thể tự giải quyết được thì nên nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên gia về cách chăm sóc trẻ sinh non.

Thông thường, trong những năm đầu đời, những sai phạm nhỏ của bố mẹ không ảnh hưởng quá nhiều tới cân nặng của các bé. Bởi các bé vẫn có thể điều chỉnh được cân nặng theo nhu cầu. Tuy nhiên, cách bạn chăm sóc con như thế nào từ đầu cũng sẽ có ảnh hưởng về sau. Khi trẻ bắt đầu lớn – ở độ tuổi thanh thiếu niên – đôi khi chúng sẽ hoàn toàn quên cách tự điều chỉnh, tự tiết chế. Và các vấn đề về tâm lý ở độ tuổi này có thể dẫn tới sự tăng cân không kiểm soát, hoặc các bệnh như chứng háu ăn, thèm ăn hoặc biếng ăn, lười ăn. Các bạn sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề này trong những phần sau của cuốn sách.

Kết luận

Đến bây giờ có lẽ các bạn cũng đã tự cung cấp thêm cho bản thân mình nhiều kiến thức về đề tài “Quá béo hoặc quá gầy: Biểu đồ phát triển nói lên điều gì?” thông qua một vài ví dụ cụ thể cũng như các biểu đồ mô tả trực quan. Còn bây giờ, chúng ta cùng nhau điểm lại một số ý chính:

  • Các bạn đừng bao giờ cố gắng đạt mục tiêu về một vóc dáng lý tưởng cho con mình khi chăm sóc chúng: Con mình cao hay thấp, béo hay gầy. Nếu các bạn cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đúng cách thì chắc chắn bé của bạn là đứa trẻ khỏe mạnh.
  • Trong các buổi khám sức khỏe định kỳ cho con, các bạn nên cùng bác sĩ quan sát thật kỹ biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao của bé để xem liệu có vấn đề gì bất bình thường không.

Con bạn có khỏe không? Nếu có, thì rất có thể là con bạn ăn uống khỏe mạnh – mặc cho con bạn có béo, gầy hay ở mức trung bình.

  • Bé của bạn phát triển bình thường và đều đặn – đó là dấu hiệu cho thấy con bạn đã có một chế độ ăn đúng cách.
  • Ở năm đầu đời, hai biểu đồ tăng trưởng đi xuống và tăng trưởng bắt kịp là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tại biểu đồ cân nặng đột nhiên phát triển theo hướng đi xuống ở một bé mới sinh hay trẻ nhỏ là dấu hiệu của bệnh tật. Và căn bệnh này cần phải được phát hiện và điều trị. Tuyệt đối không được phép cho trẻ em ăn dồn dập để giải quyết vấn đề cân nặng.
  • Bé của bạn có cân nặng cao, thấp hay trung bình đều không quan trọng. Quan trọng là các bạn cần chú ý những quy tắc đơn giản (được áp dụng theo kiểu trò chơi) được nêu ra trong cuốn sách này. Các bạn sẽ quyết định xem con mình nên ăn gì. Còn bé sẽ quyết định bé có muốn ăn không và ăn với lượng bao nhiêu. Điều này cũng được áp dụng với những bé quá thừa cân hoặc thiếu cân. Chỉ như vậy con của bạn mới có được cân nặng ở mức tối ưu nhất.

Trẻ cần ăn gì để tồn tại? Những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho bé

CHẮC CHẮN TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MONG MUỐN con cái mình có được nguồn thực phẩm ngon và bổ dưỡng nhất. Làm thế nào để phân biệt thực phẩm tốt và không tốt? Trong những tháng đầu đời thì sữa mẹ là nguồn thức ăn bổ dưỡng nhất, tốt nhất dành cho cho trẻ. Không một ai nghi ngờ về điều này. Đứng thứ hai là loại sữa công thức có thành phần gần giống sữa mẹ. Sau giai đoạn bú sữa mẹ, sữa bột là đến thời kỳ chuyển giao ngắn, hay còn gọi là thời kỳ cho bé ăn dặm: Trẻ bắt đầu được bón những thìa bột, thìa cháo đầu tiên. Quá trình này thường kéo dài vài tháng đến khi trẻ có thể cùng ngồi vào bàn ăn với gia đình và ăn tất cả những thức ăn bày trên bàn. Giai đoặn bú sữa và ăn dặm sẽ được phân tích cụ thể hơn trong phần sau. Còn phần dưới đây, chúng tôi chỉ đề cập tới các thành phần dinh dưỡng thức ăn chung cơ bản áp dụng cho trẻ từ lúc còn rất nhỏ đến khi trưởng thành.

Cha mẹ là những tấm gương

Chắc chắn là bạn luôn muốn có được chế độ ăn lành mạnh và bổ dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, có phải ngày nào các bạn cũng thực hiện được việc này? Ví dụ như có khi nào các bạn cho rằng khoai tây chiên với xúc xích rán, kẹo dẻo, đồ uống có ga hay các loại thịt nướng là “lành và bổ dưỡng”? Có lẽ không. Tuy nhiên, hãy thử một lần thành thật: Bạn có hoàn toàn nói không với chúng? Bạn có nghĩ rằng “chỉ một hớp nhỏ giải khát thì có sao” không? Tại sao rất nhiều người vẫn cứ thích làm điều này dù biết rằng hôm sau mình sẽ phải trả giá bằng một trận đau bụng hay đau đầu?

Câu trả lời rất đơn giản: Khi lựa chọn đồ ăn, chúng ta thường không đủ lí trí để chỉ đạo: “Cái gì là bổ dưỡng đây?”. Những gì chúng ta lựa chọn thường có liên quan tới tâm trạng và sở thích. Ngoài ra, việc chi tiêu và thời gian chế biến cho một bữa ăn cũng có tác động ít nhiều tới việc đi chợ mua thức ăn. Hoặc cũng có khi việc chúng ta có thích nấu nướng hay không cũng đóng vai trò rất lớn.

Có thể chúng ta đã có cách suy nghĩ rất đúng, nghiêm khắc về những đồ ăn tốt và không tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chúng ta lại không hiện thực được điều này. Và thử nghĩ xem nếu chúng ta không thể từ chối sô cô la, ly rượu thứ ba hay thậm chí là một điếu thuốc thì làm sao chúng ta có thể cho trẻ ăn những thức ăn có dinh dưỡng tốt nhất được? Chúng ta sẽ nhanh chóng cảm thấy ân hận vì những đồ ăn đầy “tội lỗi” này!

Thực phẩm nào tốt cho sức khỏe?

Trên thực tế, sự phân chia ranh giới rõ ràng giữa thực phẩm bổ dưỡng và không bổ dưỡng là điều gần như không thể. Bởi vì thực phẩm bất lợi cho sức khoẻ hoàn toàn không có. Ít nhất, ở Đức thực phẩm có thể gây nguy hại tới sức khỏe con người không được phép tiêu thụ và đem bán cho người dân.