Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Con nuôi và các cặp sinh đôi

Tại Đan Mạch, người ta đã tiến hành một nghiên cứu với đối tượng các trẻ con nuôi. Qua đó, họ muốn tìm hiểu xem, gen di truyền từ bố mẹ đẻ hay cách nuôi dưỡng của cha mẹ nuôi có tác động mạnh mẽ đến trẻ hơn. Cân nặng của trẻ sau đó được so sánh với cân nặng của bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ. Thói quen ăn uống cũng như thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của trẻ đều chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ nuôi. Gen di truyền của bố mẹ đẻ chỉ ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ. Hay nói cách khác, gen di truyền có ảnh hưởng lớn hơn so với những gì trẻ tiếp nhận được từ cha mẹ nuôi.

Nghiên cứu với các cặp song sinh được nuôi lớn riêng biệt cũng cho kết quả tương tự: Mặc dù được nuôi dưỡng trong các điều kiện sống khác nhau nhưng cân nặng của những cặp sinh đôi này phát triển tương tự nhau.

Nghiên cứu đã chỉ ra kết quả thứ ba: Mỗi ngày, khi 12 cặp song sinh cùng trứng “được cho ăn” cùng một lượng calo như nhau, cân nặng của mỗi cặp trong 20 cặp song sinh là bằng nhau. Nhưng có một cặp cho kết quả hoàn toàn khác: một đứa chỉ tăng 4 cân trong khi đứa còn lại tăng những 14 cân.

Một nghiên cứu mới về các cặp sinh đôi có độ tuổi từ 3 – 17 về tỉ lệ chất béo trong cơ thể bằng một phương pháp đặc biệt. Kết quả cho thấy có 80% sự khác biệt nằm ở cấu trúc di truyền và 20% còn lại do ở ảnh hưởng của môi trường sống.

“Những cỗ máy chế biến thực phẩm” khác nhau

Yếu tố di truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không tồn tại thứ gọi là “gen mập”, thứ gen mà theo nhiều người, là nguyên nhân gây ra hiện tượng thừa cân. Tác động ấy nằm ở một hệ thống rất phức tạp bao gồm gen và hoóc môn. Một loại gen đặc biệt với thuộc tính riêng biệt có nhiệm vụ xác định xem cần chuyển hóa bao nhiêu chất dinh dưỡng từ các chất đã có: càng chuyển hóa nhiều bao nhiêu thì cơ thể càng tích trữ nhiều chất béo bấy nhiêu. Quá trình này diễn ra càng nhanh và mạnh mẽ hơn sau khi cơ thể bị tụt cân đột ngột. Đối với những người ít khi ăn uống đầy đủ thì đây là một ưu điểm lớn, đối với những người muốn giảm cân thì hoàn toàn ngược lại.

Nguyên nhân nằm ở yếu tố di truyền, khi mà một số trẻ nhỏ vẫn tăng cân đều, dù chúng ăn rất ít. Nguyên nhân này cũng được dùng để lí giải cho trường hợp có một số người, mặc dù thường xuyên vận động và ăn uống bình thường, nhưng cơ thể vẫn tích mỡ hay như khi có hai đứa trẻ, một đứa ăn ít và đứa còn lại ăn gấp đôi nhưng tốc độ gia tăng cân nặng lại như nhau.

Thân hình lí tưởng: Có phải ai cũng thực hiện được?

Ngay cả hình dáng cơ thể cũng là do di truyền: Việc con bạn cao hay gầy, cơ bắp chắc khỏe hay yếu ớt, còi cọc hay nhiều mỡ đều được quy định sẵn từ khi sinh ra. Điều đó tương tự cũng xảy ra, khi con bạn có đôi chân dài, lưng ngắn hoặc ngược lại hay nơi nào sẽ tích mỡ: ở bụng, ở hông hay ở đùi. Việc con bạn không có được một thân hình lý tưởng mà bạn mong muốn là điều dễ hiểu. Ngoài ra, bạn không thể quyết định được việc con bạn sẽ cao như thế nào và bạn không bao giờ có thể thay đổi hình dáng cơ thể đã được định sẵn từ trong trứng của con mình thông qua quá trình nuôi dưỡng. Sẽ tốt hơn nếu bạn chờ đợi và đón nhận con mình như nó vốn vậy. Sau này, khi con bạn lớn lên, nó sẽ khó có thể hài lòng với thân hình của mình, ngay cả khi chỉ có một khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể xuất hiện. Vậy nên bạn hãy giúp trẻ thực hiện điều đó ngay từ khi còn nhỏ.

Con trai tôi – Christoph có một thân hình mảnh khảnh, thể thao. Nhưng không phải lúc nào trông nó cũng như vậy. Khi được 4 tháng tuổi, Christoph cao 60 cm và nặng 7 kg. Chúng tôi cho con ăn sữa mẹ hoàn toàn nhưng kể từ khi sinh ra đến lúc đó, nó chỉ cao thêm có vài cm, trong khi cân nặng thì tăng gấp đôi. Trông Christoph khi đó như một “ông phật nhỏ”. Một người quen đã tiết lộ cho tôi biết những gì cô ấy cảm nhận được khi nhìn thấy Christoph hồi ấy: “Tôi cảm thấy sửng sốt khi lần đầu tiên nhìn thấy con trai anh. Quả thật trông nó quá béo. Hai cái đùi trông như miếng thịt ba chỉ hun khói, nhìn phát khiếp. Nếu con tôi tầm tuổi đó mà cũng béo như thế, chắc tôi sẽ cảm thấy tuyệt vọng lắm.” Thật may mắn vì đứa con của cô bạn này khi đó lại có một đôi chân thon thả với thân hình mảnh khảnh. Tuy vậy, tôi lại cảm thấy cặp giò mũm mĩm của con mình thật tuyệt vời vì tôi biết rằng, “chú cún nhỏ” của mình đã hấp thụ những thứ tốt nhất từ sữa mẹ. Tôi cũng biết rằng, tự Christoph có thể kiểm soát lượng sữa phù hợp với mình. Từ bé đến lớn, Christoph đều thực hiện điều đó rất tốt. Và thân hình hiện tại của Christoph cũng hoàn toàn khớp với cấu trúc di truyền của nó.

Môi trường đóng vai trò gì?

Tất nhiên là ảnh hưởng và tác động của môi trường vẫn có vai trò đáng kể đối với cân nặng của trẻ. Vậy nhân tố nào làm cho trẻ trở nên béo? Những nguyên nhân sau đây hoàn toàn không còn lạ lẫm gì đối với chúng ta: ít vận động, xem ti vi nhiều, ăn vặt thay vì ăn uống đúng giờ cùng gia đình hay một thực đơn có chứa nhiều đồ ngọt và chất béo chẳng hạn. Nhưng hơn cả là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên.

Một số trẻ do cấu trúc di truyền nên không thể béo và ngược lại; một đứa trẻ thường xuyên vận động, ít khi xem ti vi, ăn đúng bữa cùng gia đình với một thực đơn được lựa chọn rất tốt lại béo hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. Điều đó có nghĩa là trẻ gầy hay béo không phụ thuộc vào việc phân bố mỡ trong cơ thể mà dựa vào tác động song song giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Những tác động này diễn ra rất phức tạp. Có rất ít trường hợp trẻ béo chỉ vì gen di truyền. Đối với phần lớn trẻ em, sự kết hợp giữa di truyền và môi trường luôn đóng một vai trò nhất định. Có thể tưởng tượng được việc một đứa trẻ trở nên béo, mặc dù yếu tố di truyền hầu như không gây ảnh hưởng: đó là do tất cả những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường đã tác động lên đứa trẻ.

Trong những năm đầu đời, các bậc cha mẹ hầu như không thừa nhận rằng con mình đang thừa cân. Nguyên nhân nằm ở việc cha mẹ lựa chọn thức ăn cho trẻ hoàn toàn không hợp lý và do trẻ ít vận động. Nhưng các bậc phụ huynh thường có nhiều mối bận tâm hơn đến việc: “Con tôi quá gầy và ăn quá ít!”. Vậy điều đó xảy ra như thế nào?

Trẻ em không khỏe sẽ ăn ít

Bác sĩ Morgenroth, với tư cách là một bác sĩ nhi làm việc lâu năm trong phòng khám đã khẳng định: Có hai nguyên nhân dẫn đến việc sụt cân ở trẻ. Nguyên nhân đầu tiên chính là ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, nhưng không phải do cách nuôi dưỡng mà là bệnh tật. Điều đó làm trẻ giảm hoặc mất cảm giác ngon miệng. Một số thậm chí còn không ăn gì khi chúng bị ốm, đặc biệt khi việc ăn uống làm cho trẻ cảm thấy đau như khi trẻ mắc chứng viêm họng chẳng hạn. Ngay cả những đứa trẻ bị ốm cũng biết rõ rằng chúng cần gì. Khi việc ăn uống không khiến trẻ cảm thấy khá hơn, trẻ sẽ bỏ bữa. Đứng từ góc độ y khoa, hiện tượng này hoàn toàn bình thường. Trẻ yếu đi không phải do ăn ít mà do căn bệnh trẻ mắc phải gây nên. Khi khỏe mạnh trở lại, trẻ sẽ nhanh chóng nạp lại năng lượng để bù đắp những gì đã mất. Vì vậy, không thể nhận định rằng trẻ “quá gầy” khi bị sụt cân trong lúc ốm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, trẻ mắc những căn bệnh nặng có thể gây ra mất nước hoặc sụt cân nhanh ở trẻ. Khi đó, trẻ sẽ không thể tự điều chỉnh được việc thu nạp thức ăn của mình. Trong một số trường hợp xấu, trẻ phải được cho ăn bằng phương pháp nhân tạo.

Ngay cả triệu chứng chán ăn thường gặp ở các bé gái tuổi dậy thì cũng là một căn bệnh với rất nhiều nguyên nhân. Khi đó, việc dung nạp thức ăn không còn được điều chỉnh theo nhu cầu bên trong nữa mà theo những quy chuẩn bệnh lí bên ngoài.

Thiếu ăn do nghèo đói

Bên cạnh bệnh tật, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc trẻ trở nên quá gầy. Tuy nhiên, cách nuôi dưỡng chỉ ảnh hưởng một phần trong khi phần lớn ảnh hưởng là do tình trạng nghèo đói gây nên: do thiếu điều kiện về kinh tế nên trẻ chỉ có ít thức ăn, thậm chí còn thiếu cả những thực phẩm quan trọng để ăn. Bác sĩ nhi Morgenroth đã từng làm việc nhiều năm tại Ấn Độ và Châu Phi. Ở đó có rất nhiều trẻ em gầy ốm vì không đủ thức ăn. Bởi vậy, chúng không thể phát triển một cách bình thường được. Trẻ thiếu khoáng chất cần thiết do chỉ ăn cơm. Vì vậy, mỗi sự thay đổi trong thực đơn ăn uống, dù là rất nhỏ thôi nhưng cũng rất quan trọng. Ví dụ như, cho trẻ ăn thêm lá me để bổ sung vitamin và chất sắt cần thiết cho sự phát triển ở trẻ.

Vậy ở Đức thì sao? Liệu ở Đức cũng có những trường hợp trẻ bị đói ăn như đã kể ở trên không? Tiếc là ở đây vẫn còn những cặp bố mẹ không để mắt đến việc chăm sóc con cái mình. Trẻ thiếu thốn tất cả, từ tình yêu thương đến bữa ăn. Những gia đình như vậy cần được quan tâm đặc biệt. Một số gia đình ở trong tình trạng khó khăn về tài chính đến nỗi họ không thể mua được tất cả các loại thức ăn.

Nghèo đi liền với đói. Chúng tôi luôn hi vọng rằng điều đó sẽ không còn xảy ra ở Đức. Đáng tiếc là trong một số trường hợp ngoại lệ, trẻ vẫn thiếu ăn do tình trạng nghèo đói của gia đình. Hơn nữa, các loại thực phẩm thiết yếu như hoa quả, rau củ lại không hề rẻ một chút nào. Khi trẻ có một thực đơn ăn uống khoa học trong những năm đầu đời thì hiện tượng suy dinh dưỡng không thể xảy ra. Điều đó cũng đúng khi trẻ có thói quen ăn uống kén chọn, đơn điệu hay ăn “nhiều như chim sẻ” nhưng nếu bạn cung cấp cho trẻ thực đơn hợp lý thì trẻ sẽ không bị thiếu chất gì.