Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Khuyến khích con vận động

Nếu tình trạng béo phì chưa quá nguy hiểm, các bé sẽ không phải giảm cân. Chỉ cần giữ nguyên cân nặng hiện tại cũng đủ rồi vì các bé còn phát triển thêm nữa. Nếu bé giữ nguyên được cân nặng như hiện tại và không tăng cân thì theo thời gian, các bé sẽ dài ra, lúc đó cân nặng sẽ tương quan với chiều cao. Quan trọng là, bạn phải khuyến khích bé hạn chế xem ti vi và thay vào đó là vận động thân thể nhiều hơn. Với các bé bị béo phì nhẹ, cần khuyến khích các bé luyện tập thể thao. Chơi bóng đá, đạp xe, bơi lội, nhảy nhót – có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao có thể tạo hứng thú cho các bé. Nếu bạn cũng tham gia cùng bé và dành thời gian rảnh rỗi để cùng bé vận động thì đó sẽ là một sự trợ giúp đắc lực.

“Moby Dick” & “Obeldicks”

Việc khuyến khích một đứa trẻ thực sự mắc chứng béo phì tập thể dục thể thao không hề dễ dàng. Nếu cha mẹ mà không suy nghĩ kĩ và đăng kí cho con tham gia vào một câu lạc bộ thể thao bất kì nào đó, con không những sẽ không theo kịp các bạn khác trong câu lạc bộ mà còn bị các bạn ấy chê cười. Cha mẹ làm như vậy sẽ phản tác dụng.

Tốt hơn hết, cha mẹ nên tìm cho con một câu lạc bộ dành cho những trẻ bị béo phì, cùng nhau tham gia sinh hoạt với sự hợp tác của cha mẹ. Ví dụ như một vài năm trước ở thành phố Hamburg của Đức, người ta đã thành lập một câu lạc bộ mang tên “Moby Dick Club”. Ở mỗi khu vực của thành phố lại có những nhóm sinh hoạt chung dành cho trẻ em béo phì với những cái tên ngộ nghĩnh như “Những chú voi ma mút” hay “Anh em nhà chuối mặc Piyama”. Tại đây, các trẻ béo phì sẽ gặp gỡ nhau mỗi tuần một lần dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ phụ trách có chuyên môn và cùng nhau học về chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe cũng như tự tay chế biến ra các món ăn bổ dưỡng. Ngoài ra, nhóm còn có các hoạt động thể thao và vui chơi phong phú dành cho các em. Mục tiêu quan trọng của nhóm là nâng cao sự tự tin và tính tự giác cho các em. Trong các kỳ nghỉ hè, người ta còn tổ chức thêm các hoạt động dã ngoại, thi đấu thể thao v.v… Cho đến nay, mô hình này đã phát triển thành một mạng lưới toàn bang. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những câu lạc bộ tương tự có tại nơi bạn đang sinh sống.

“Obeldicks” là tên của một chương trình khác đang áp dụng các liệu pháp hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công. Chương trình này được tiến sĩ Thomas Reinehr, đang làm việc tại phòng khám dành cho trẻ em ở thành phố Datteln với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng dành cho Trẻ em, phát triển. Trẻ em tham gia chương trình này sẽ được điều trị trong vòng một năm dưới sự giám sát của cha mẹ. Chương trình cũng kết hợp dinh dưỡng đúng cách với việc tập huấn cho phụ huynh, luyện tập thể thao, vui chơi và rèn luyện sự tự tin cho trẻ. Người ta đã chứng minh được tính hiệu quả của chương trình này và nhận thấy, những thành công đạt được vẫn còn thấy rõ sau hai năm kết thúc điều trị.

Không ăn kiêng!

Trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không được phép kê cho con một thực đơn ăn kiêng. Làm như vậy sẽ vi phạm quy tắc ăn uống vì như thế nghĩa là bạn là người đưa ra quyết định cho việc con được phép ăn bao nhiêu. Bạn hãy đừng bao giờ làm như vậy nhé! Không ai có quyền bắt người khác phải chịu đói và bạn cũng không được phép làm như vậy với con mình. Con sẽ cảm thấy bị tổn thương và chạnh lòng.

Bên cạnh đó thì ăn kiêng cũng không có tác dụng như nhiều người vẫn lầm tưởng: trẻ bị ép ăn kiêng, trong đầu sẽ không nghĩ đến thứ gì khác ngoài thức ăn và sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội nào trẻ chớp được để “ăn bù”.

Cả hai chương trình thành công chúng tôi đề cập đến ở phần trên “Moby Dick” và “Obeldicks” cũng không hề áp dụng phương thức ăn kiêng. Họ chỉ dạy cho trẻ kiến thức nền tảng về việc dinh dưỡng đúng cách, nội dung của tháp dinh dưỡng cũng như giúp trẻ vận dụng những kiến thức này vào thực tế.

Những nguyên tắc ăn uống dành cho trẻ gầy cũng đúng với trẻ béo phì.

Bạn đừng bao giờ đối xử với con đặc biệt hơn so với anh chị em của chúng chỉ vì con bị béo phì. Tháp dinh dưỡng áp dụng cho cả trẻ gầy lẫn trẻ béo cũng như cho cả các bậc phụ huynh. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên cám và ăn ít chất béo – điều này áp dụng cho cả trẻ gầy và trẻ thừa cân. Tất cả các bữa ăn trong ngày – ba bữa chính và hai bữa phụ – nên diễn ra tại bàn ăn và giữa các bữa ăn không nên cho trẻ ăn vặt bất cứ thứ gì – điều này cũng áp dụng cho cả trẻ gầy và trẻ thừa cân.

Không nên cho trẻ – dù béo hay gầy – được tự do ăn đồ ngọt. Trẻ chỉ nên được phép giải khát bằng nước lọc thay vì các loại đồ uống có đường. Trẻ nào cũng nên vận động nhiều và thỉnh thoảng cũng phải được “ăn thỏa thích”. Nếu bạn mà đối xử với đứa con thừa cân của mình khác với các con khác trong bữa ăn chỉ vì cân nặng thì bé sẽ cảm thấy bị “ra rìa” và mọi chuyện sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi.

Hãy giúp con vượt qua mặc cảm với thân hình nặng ký của mình

Các bé thừa cân nếu được cha mẹ cho ăn mặc đúng cách cũng có thể trông rất đẹp và gọn gàng. Tuy vậy, các bé vẫn khó có thể tránh khỏi những lời chế giễu của bạn bè. Hãy coi trọng những bất an của con. Hãy tin là con có thể vượt qua được và cho con lời khuyên phải cư xử như thế nào khi bị bạn bè châm chọc. Ví dụ con có thể phản ứng lại bằng cách nói: “Tớ béo thì đã sao – còn hơn cậu là cái đồ ngốc. Tớ có thể giảm cân – còn cậu thì làm được gì nào?”

Đừng bao giờ nghĩ rằng con có thể gầy đi một cách dễ dàng nếu con nỗ lực.

Điều đó sẽ không có tác dụng và sẽ chỉ làm bạn thêm thất vọng cũng như khiến cả bạn và con thêm áp lực mà thôi. Đã là thành công lắm rồi khi con giảm cân được đến mức không gặp phải các vấn đề về sức khỏe nữa và có thể vận động thân thể thoải mái. Không phải trẻ nào cũng có thể gầy đi một cách dễ dàng và giữ nguyên được một vóc dáng như vậy. Đối với một số trẻ, cái giá phải trả cho việc giảm cân là rất lớn: Bạn có muốn con mình gầy đi nhưng lại cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến ăn và chẳng còn thú vui nào khác? Đặc biệt là các bé gái trong độ tuổi dậy thì còn có nguy cơ mắc phải một chứng bệnh vô cùng nguy hiểm do áp dụng các thực đơn ăn kiêng khắc nghiệt gây ra.

Khi cơ thể không còn phản ứng gì nữa: Rối loạn ăn uống

CÓ HAI CHỨNG BỆNH RẤT NGHIÊM TRỌNG liên quan tới thói quen ăn uống bị rối loạn hoàn toàn: chứng biếng ăn tâm lý và chứng cuồng ăn. Thuật ngữ chuyên ngành là Anorexia và Bulimia. Cả hai chứng bệnh này đều không phát triển ngay từ những năm đầu đời của trẻ, mà chỉ xuất hiện khi trẻ đến tuổi dậy thì hoặc vào những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành. Nếu bạn chỉ có con trai thì bạn không nên lo lắng quá về điều này, bởi có đến hơn 90% các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở các bé gái hoặc phụ nữ trưởng thành.

Chứng biếng ăn tâm lý (Anorexia)

Biếng ăn tâm lý là một căn bệnh rất nặng và đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Cứ 1000 bé gái trong độ tuổi mới lớn và các cô gái trẻ thì có khoảng 5 người mắc căn bệnh này.

Khi bệnh bùng phát, các bé gái thường đang trong độ tuổi từ 15 – 19. Các bé gái trong độ tuổi nhỏ hơn (12 trở xuống) rất hiếm khi mắc phải căn bệnh này.

Các bé gái mắc bệnh ăn vô cùng ít, ngoài ra còn có biểu hiện chủ định nôn mửa, hoạt động quá sức và lạm dụng thuốc men như thuốc nhuận tràng, thuốc làm giảm sự ngon miệng và thuốc làm tiêu nước trong cơ thể. Cơ thể sẽ ngày càng gầy rạc đi. Đến kỳ không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Trong trường hợp nghiêm trọng còn tổn thương đến các cơ quan nội tạng. Bệnh nhân bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế và không những thế còn phải áp dụng các liệu pháp tâm lý cần thiết. Tiếc là không phải bệnh nhân nào cũng có thể vượt qua được căn bệnh này. Một phần tư các trường hợp mắc bệnh không khỏi bệnh và khoảng 5% trong số đó sẽ chết.

Những tấm gương xấu

Thói quen ăn uống bị rối loạn hoàn toàn và việc bị sụt cân nghiêm trọng là biểu hiện bên ngoài của căn bệnh này. Rối loạn thực sự nằm trong tâm trí của người bệnh. Những người mắc phải căn bệnh này đã đánh mất nhận thức về vấn đề ăn uống và về hình thể của họ. Họ luôn có cảm giác là cơ thể mình rất béo và trở nên ám ảnh với việc bị tăng cân. Tất cả chỉ là những ý nghĩ bệnh hoạn do bệnh nhân tưởng tượng chứ không phản ánh thực tế. Các cơ chế trong cơ thể có chức năng quy định việc ăn uống theo nhu cầu đã biến mất hoàn toàn.

Như bị thôi thúc, bệnh nhân cố đạt được các “chuẩn mực” sai trái về hình thể. Thường để chữa trị bệnh này, bệnh nhân phải bị bắt ép. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có nhiều nhân tố khác nhau có thể dẫn đến căn bện này. Một trong số đó có thể là do các bé gái trong độ tuổi dậy thì thường không hiểu rằng việc lượng mỡ trong cơ thể tăng lên ở độ tuổi này là hoàn toàn bình thường. Với các bé gái này, độ tự tin phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hình thức bên ngoài. Họ muốn có một thân hình mảnh dẻ y như các “cô gái đẹp nhất trong các cô gái đẹp” – các cô người mẫu mình dây trên truyền hình. Mong ước có một thân hình lý tưởng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc các bé gái có một cảm nhận không đúng đắn về cơ thể của mình. Trong độ tuổi dậy thì, cơ thể phải tích tụ đủ mỡ mới có thể phát triển một cách khỏe mạnh được! Nếu chúng ta mà không chỉ rõ cho các em thấy điều này, trong phạm vi gia đình cũng như ngoài xã hội, căn bệnh nguy hiểm này sẽ tiếp tục lan rộng.