Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã hỏi hơn 400 cặp bố mẹ có con trong độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 4 tuổi rưỡi, khi họ đưa con đi kiểm tra sức khỏe. Tại thời điểm chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát trên, những đứa trẻ đang nằm trong độ tuổi từ 5 tháng cho đến 5 tuổi.

Vấn đề tiếp theo mà chúng tôi quan tâm chính là có bao nhiêu bậc phụ huynh thực sự gặp vấn đề với việc ăn uống của trẻ. Và đây là kết quả chúng tôi nhận được: Trong những tháng đầu thì dường như mọi chuyện đều suôn sẻ.

Chỉ có rất ít cặp bố mẹ có con từ 3 – 7 tháng tuổi (chiếm tỉ lệ dưới 5%) cảm thấy việc ăn uống của con mình có vấn đề. Tỉ lệ này ở những cặp vợ chồng có con từ 1 – 5 tuổi lại hoàn toàn khác: Khoảng 20 – 30% gặp vấn đề với thói quen ăn uống của trẻ, trong khi 7% cho rằng đó thực sự là một vấn đề lớn.

  • Cho đến nay, mối bận tâm thường thấy của cha mẹ là: “Con tôi ăn quá ít.” Chỉ có 1% các ông bố bà mẹ có con dưới 7 tháng tuổi gặp vấn đề nêu trên, tuy nhiên tỉ lệ này là 20% đối với các cặp vợ chồng có con từ 4 – 5 tuổi.
  • “Con tôi chỉ ăn một thứ” – vấn đề này thường gặp ở những đứa trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tỉ lệ bố mẹ có con trong nhóm tuổi từ 4 – 5 gặp phải trường hợp này là 20%.
  • “Con tôi ăn quá nhiều” – trường hợp này hiếm khi xảy ra với những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Theo kết quả ghi nhận được, trong tất cả các nhóm tuổi, có tối đa 4% gặp phải vấn đề này.
Biểu đồ khảo sát mối bận tâm của cha mẹ về vấn đề ăn uống của trẻ

Mối bận tâm của các bậc cha mẹ: Liệu con mình ăn quá ít hay quá nhiều? Chúng có ăn đúng thứ cần ăn chưa?

Qua biểu đồ trên, các bạn có thể thấy được những kết quả thú vị mà chúng tôi đã thu thập được từ việc khảo sát các cặp bố mẹ. Quan trọng nhất trong số những kết quả trên chính là đa số các cặp vợ chồng có con dưới 6 tuổi sợ con quá gầy hay ăn quá ít.

Nhưng mối bận tâm đó lại không phải là một vấn đề của xã hội. Chúng ta thấy rất ít những đứa trẻ “còi”, mà hoàn toàn ngược lại, rất nhiều đứa trẻ “mập”. Tuy nhiên, các cặp bố mẹ lại cảm nhận về thực tế này hoàn toàn khác. Bác sĩ Morgenroth đã kể lại một câu chuyện ở phòng khám nhi của mình:

Một ông bố mang đứa con 2 tuổi rưỡi của mình tới phòng khám. Đứa trẻ khi đó cân nặng trên 20 kg, nghĩa là thừa 5 kg so với tiêu chuẩn trung bình ở độ tuổi của cậu bé. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi ông bố vẫn thốt lên rằng: “Con trai của tôi chẳng ăn gì cả!”.

Bác sĩ Morgenroth đã giải thích với ông bố rằng con trai ông không hề lười ăn, mà ngược lại còn thừa vài kg so với tiêu chuẩn. Nhưng ông bố vẫn nói rằng: “Không phải đâu bác sĩ ạ. Con trai của tôi chẳng ăn gì cả, nó chỉ ăn tám hộp sữa chua hoa quả một ngày thôi, ngoài ra cháu không ăn gì thêm.”

Nguyên tắc mang tính quyết định trong ăn uống

CÓ MỘT ĐIỀU ĐÁNG CHÚ Ý ở đây có tới một phần năm các bậc cha mẹ cho rằng con mình ăn uống “kém”. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là: Có bao nhiêu người trong số đó đã lầm tưởng? Câu trả lời sẽ khiến các bạn phải ngạc nhiên: tất cả! Những đứa trẻ khỏe mạnh không thể ăn ít và trở nên quá gầy khi chúng được cung cấp đều đặn thức ăn. Đối với những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, thường liên quan tới bệnh tật, chúng tôi sẽ đề cập sau. Những đứa trẻ khỏe mạnh biết rất rõ chúng phải ăn bao nhiêu hơn cả bố mẹ. Càng ít tuổi, trẻ càng biết rõ điều này hơn.

Cuộc khảo sát của chúng tôi đã chỉ ra rằng các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào khả năng đó của con mình khi chúng còn nhỏ. Nhưng tại sao khả năng quý giá ấy của trẻ lại biến mất? Chỉ có thể là do bố mẹ không tin tưởng và áp đặt con cái mình: “Con không thể tự làm được đâu. Vì vậy, bố mẹ sẽ quyết định con ăn bao nhiêu là đủ”, chính điều đó khiến trẻ “quên mất” khả năng kiểm soát ăn uống của mình. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý điều này.

Nguyên tắc đơn giản mang lại hiệu quả cao

Và bây giờ, ngay từ đầu cuốn sách, các bạn sẽ được làm quen với nguyên tắc mang tính quyết định về ăn uống. Nguyên tắc này không phải do chúng tôi tự nghĩ ra, mà nó hoàn toàn phù hợp với nền tảng khoa học hiện nay. Vào năm 1987, bà Ellyn Satter – một nữ chuyên gia về dinh dưỡng và trị liệu người Mỹ – đã đưa nguyên tắc kể trên vào cuốn sách hướng dẫn về dinh dưỡng được xuất bản chính thức vào năm 1999 của Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Mỹ, nguyên tắc đó được tìm thấy ở ngay trang đầu tiên.

Bạn nên làm theo nguyên tắc này, ngay cả khi bạn có hay không có vấn đề với việc ăn uống của con mình. Bạn sẽ hiếm khi mắc sai lầm, nếu bạn tuân thủ theo nguyên tắc quan trọng này. Nghe tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, việc thực hiện sao cho hiệu quả lại hoàn toàn không đơn giản một chút nào. Đối với các bậc phụ huynh và trẻ em, nguy cơ mắc sai lầm trong việc tuân thủ nguyên tắc là rất lớn. Ngoài ra, chúng tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa rằng: Việc thuyết phục các bậc phụ huynh về tính đúng đắn cũng như quan trọng của nguyên tắc này là rất khó khăn.

Bạn hãy nhớ lại trường hợp của cô bé Anne ốm yếu mà chúng tôi đã đưa ra ở đầu cuốn sách, khi mẹ ép Anne phải ăn bột, mặc dù bé không hề muốn. Xét về mọi góc độ, bà mẹ đã hoàn toàn “đi ngược lại” nguyên tắc này. Bạn hãy nhớ lại những trải nghiệm và sự căng thẳng mình đã trải qua trong việc ăn uống hồi còn nhỏ trước đây, liệu bố mẹ mình – trong những tình huống dở khóc dở cười như vậy – có làm ngược lại nguyên tắc mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây không?

Rất nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện sai nguyên tắc khi họ can thiệp quá nhiều vào chuyện ăn uống của con. Họ can thiệp vào tất cả những gì trẻ định làm: Họ muốn tác động đến con mình, mỗi khi chúng muốn ăn gì, muốn chọn gì và ăn bao nhiêu. Và kết quả cuối cùng luôn giống nhau: Sự căng thẳng diễn ra trong mỗi bữa ăn.

Không chỉ bố mẹ mà ngay cả trẻ cũng thường xuyên làm sai nguyên tắc, khi bố mẹ can thiệp quá ít: Họ cho con mình tự quyết định sẽ ăn món gì, như trường hợp cậu bé ăn nhiều sữa chua hoa quả trừ bữa ở trang 20, hoặc khi nào sẽ ăn như trường hợp những bà mẹ cho con ăn nhiều lần trong đêm. Một số lại cho trẻ tự xác định cách ứng xử trong bữa ăn. Trong tất cả những trường hợp kể trên, các bậc cha mẹ đã vô tình khiến trẻ đi ngược lại với nguyên tắc. Điều đó ắt sẽ dẫn đến áp lực và ức chế trong việc ăn uống của trẻ.

Trong các cuộc nói chuyện và thảo luận, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự nghi ngại: “Con tôi có thể quyết định nó thích ăn hay không và ăn bao nhiêu ư? Điều đó rồi sẽ chẳng đi đến đâu cả. Vì nếu như vậy, nó sẽ chẳng thể ăn uống hợp lý được. Chí ít thì bây giờ, theo cách của tôi, nó cũng cố gắng ăn được một ít rau rồi.”

Mục đích của cuốn sách này là giúp các bạn mạnh dạn tin tưởng vào con cái mình. Bạn sẽ nhận được những chỉ dẫn cụ thể để có thể vận dụng nguyên tắc vào thực tế tùy theo lứa tuổi của trẻ.

Lưu ý

Nguyên tắc giúp trẻ ăn uống đúng cách!

  • Bố mẹ quyết định:
    • Sẽ cho con ăn gì?
    • Khi nào cho con ăn?
    • Cho con ăn như thế nào?
  • Con quyết định:
    • Muốn ăn gì trong số những thứ bố mẹ đã chuẩn bị?
    • Ăn bao nhiêu?

Vai trò của bố mẹ trong việc ăn uống của con cái được miêu tả rõ ràng như sau:

  • Món gì? Bạn sẽ vận dụng kiến thức về dinh dưỡng của mình để quyết định: Hôm nay nấu những món gì.
  • Khi nào? Bạn sẽ xác định thời điểm, số lần cho trẻ ăn những món mà bạn đã chuẩn bị.
  • Như thế nào? Bạn sẽ quyết định những nguyên tắc ứng xử trên bàn ăn. Những hành vi nào của trẻ bạn cho phép hoặc không cho phép? Bạn yêu cầu trẻ thực hiện những nguyên tắc đó. Ngoài ra, bạn có nhiệm vụ đảm bảo không khí trong bữa ăn luôn dễ chịu, làm gương cho trẻ và cùng thưởng thức bữa ăn với gia đình.

Khi con bạn không thể tự ăn, bạn sẽ giúp đỡ trẻ thực hiện nhiệm vụ của mình. Chú ý chỉ giúp trẻ chỉ vừa đủ, không quá ít hay quá nhiều. Cứ như vậy, bạn sẽ hoàn thành được “công việc của mình”. Tất cả những gì bạn làm nằm ngoài những điều kể trên là đi ngược lại với nguyên tắc.

Vai trò của trẻ cũng được quy định rõ ràng:

  • Trẻ cùng ngồi vào bàn ăn với bạn và thấy trên bàn có những gì. Trẻ sẽ tự quyết định: Liệu mình có muốn ăn chút gì đó trên bàn hay không?
  • Trẻ cũng sẽ chọn lựa xem: Mình muốn ăn gì trong những món đã được dọn ra?
  • Trẻ sẽ tự quyết định: Mình muốn ăn bao nhiêu?
  • Trẻ sẽ thôi sau khi đã ăn đủ.
  • Trẻ sẽ tuân thủ theo những quy tắc mà bạn đặt ra.

Điều này sẽ theo trẻ đến tuổi dậy thì. Ngoài ra, đối với những đứa trẻ chưa thể tự ăn thì bạn có thể giúp con. Bên cạnh đó, bạn phải nắm rõ được những tín hiệu của con khi trẻ lựa chọn, muốn bắt đầu và kết thúc.

Tổng kết

⇒ Kinh nghiệm của bố mẹ

Những trải nghiệm về ăn uống của bố mẹ hồi còn nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ăn uống của con.

⇒ Những mối bận tâm không cần thiết

Cuộc khảo sát tại phòng khám nhi đã chỉ rõ: Nhiều cặp vợ chồng có con dưới 6 tuổi thường hay lo lắng: “Con mình ăn quá ít”, trong khi có rất ít trong số đó cho rằng: “Con mình ăn quá nhiều”.

⇒ Nguyên tắc mang tính quyết định

Bạn sẽ quyết định cho con ăn gì, khi nào và như thế nào, trong khi trẻ sẽ quyết định có thích ăn và ăn bao nhiêu trong những món mà bạn đã bày ra trên bữa ăn.

Những điều các bậc cha mẹ cần biết về ăn uống

Hệ thống kiểm soát “nội bộ” của trẻ

LIỆU TRẺ NHỎ thực sự có khả năng bẩm sinh trong việc lựa chọn ăn uống một cách đúng đắn hay không? Cuộc khảo sát chúng tôi thực hiện đã chỉ ra rằng rất nhiều bố mẹ không cho trẻ thực hiện điều đó. Họ không dễ bị thuyết phục, bởi họ cần dẫn chứng. Và dưới đây là thứ họ cần:

Clara Davis và những đứa con mồ côi của mình

Năm 1928, nữ bác sĩ Clara Davis đã tiến hành một cuộc thử nghiệm về chủ đề này. Cả ba đứa con mồ côi của Clara, gồm Earl, Donald và Abraham, tất cả đều nằm trong độ tuổi từ 7 – 9 tháng, được cô mang theo tới bệnh viện của mình. Tính đến thời điểm đó, cả ba đều được nuôi bằng sữa mẹ. Và bây giờ là lúc cuộc thử nghiệm được bắt đầu: Trong suốt 6 tháng, cả ba đứa trẻ đều nhận trong mỗi bữa một khay thức ăn với mười món khác nhau bao gồm: thịt, nội tạng động vật, cá, ngũ cốc, trứng, hoa quả và rau củ – có món được ăn sống hoặc được nấu chín nhưng không được thêm ngoài những món đã cho (ví dụ như không có mì hay bánh mì), không được trộn lẫn (ví dụ như súp) và được chế biến một cách đơn giản nhất có thể. Một y tá được phân công có nhiệm vụ quan sát khi bọn trẻ ăn và cân lại phần thức ăn thừa mà chúng để lại. Earl, Donald và Abraham đều ăn bốc.