Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Theo quan điểm của chúng tôi, không nhất thiết ngày nào cũng phải có món tráng miệng và món tráng miệng cũng không nhất thiết phải là đồ ngọt. Nếu là hoa quả thì bạn có thể để con mình tự quyết định lượng hoa quả mà chúng muốn ăn. Kể cả khi trẻ đã ăn hoa quả trong bữa chính, nhiều hay không cũng không thành vấn đề. Có gì sai khi Daniel ăn một miếng dưa lớn, mặc dù trước đó cậu bé đã bỏ lại phần cà rốt trên đĩa?

Con trai tôi Christoph mới đây đã có một phát hiện rất thông minh về “Chiêu tráng miệng”. Cậu cho rằng: “Khi người mẹ muốn con mình ăn cà rốt, thì cô ấy không nên hứa cho nó ăn món pudding sô cô la sau đó. Vì như thế đứa trẻ sẽ coi cà rốt như là thuốc đắng. Người mẹ nên làm ngược lại hoàn toàn. Cô nên nói với đứa trẻ rằng: “Này con, nếu con ăn hết món bánh sô cô la này, thì con sẽ được thưởng món cà rốt ngon tuyệt!”

Có thể Christoph nói có lý. Mặc dù đây là một chiêu khá tinh tế để giúp trẻ thấy rau ngon miệng hơn, nhưng tôi thực sự không khuyên bạn thử cách này.

Còn nhiều chiêu khác nữa

Nhiều bậc cha mẹ đã gây áp lực cho con cái mình khi dùng những chiêu khá điêu luyện. Quá trình chuyển giao giữa “cho ăn ép buộc” và “cho ăn với chiêu trò” diễn ra rất nhanh chóng. Ví dụ như có một cách rất thông dụng dành cho “trẻ biếng ăn” đó là cho ăn bột hoặc sữa bằng bình trong khi trẻ ngủ.

Cho ăn khi đang ngủ

15 tháng tuổi, Luisa ban ngày hầu như không ăn gì. Cô bé không thích ăn bằng thìa, ngay cả bình nhiều khi bé cũng từ chối. Mặc dù vậy, cô bé vẫn phát triển bình thường, ta có thể thấy rõ qua các chỉ số tăng trưởng của bé! Bố mẹ bé đã được khuyên là: “Cho bé ăn vào lúc lim dim ngủ, khi đó bé sẽ không biết gì cả!” Thế là họ cắt một lỗ lớn trên chiếc ti giả và lắp vào một chiếc bình đựng đầy bột đặc quánh. Mỗi đêm Luisa ăn được 5 bình như vậy trong khi đang ngủ, tương đương với 1,5 lít một đêm.

Bằng cách ăn này Luisa phát triển cân nặng rất tốt nhưng cô bé đã bỏ qua rất nhiều điều: bé không thể học được cách tự mình quyết định muốn ăn gì hay ăn bao nhiêu, bởi vì ban ngày bé không hề cảm thấy đói. Và cũng chính vì lý do đó mà cô bé chỉ có thể ăn cùng gia đình khi bị hò hét, ép buộc. Vậy là cũng không có cơ hội học cách cư xử tại bàn ăn với gia đình. Thế nhưng Luisa lại học được một thứ không hề tốt đó là: với cô bé, việc bú bình và ngủ luôn song hành nhau. Vì Luisa bú bình vào mỗi đêm nên cô bé không thể ngủ sâu thực sự. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách giảm dần các bữa ăn đêm và cuối cùng là bỏ hẳn. Chỉ khi đó, Luisa mới có được sự thích thú với các bữa ăn bình thường.

Cho trẻ ăn bằng bình vào buổi đêm là một thói quen xấu, tuy trẻ có thể ăn nhiều nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ giấc ngủ của trẻ. Hoặc đó cũng chỉ là một chiêu – như trường hợp của Luisa – cho trẻ ăn trong vô thức. Cái giá phải trả lại rất lớn, đó là việc trẻ không có những bữa ăn bình thường, phù hợp độ tuổi bên bàn ăn với gia đình.

Chiêu đánh lạc hướng

Trong một thời gian dài, vào mỗi bữa ăn, tôi thường kể cho hai đứa con của mình là Christoph và Katharina một câu chuyện hài hước về những tên trộm. Khi một trong hai đứa ngừng ăn, thì tôi cũng dừng ngay giữa câu và không kể tiếp nữa. Ban đầu việc đó khá thú vị, nhưng sau một thời gian thì ngày càng có nhiều áp lực hơn là niềm vui. Lũ trẻ đảo ngược tình thế, nếu không được nghe câu chuyện ấy, chúng sẽ chỉ ăn đúng một ít thức ăn. Điều đó đã khiến tôi tốn rất nhiều công sức cũng để dần loại bỏ được thóiquen này.
Tim – 2 tuổi – có hẳn một cục pin đồ chơi trên bàn… Khi bé mải chơi xe ô tô cứu hỏa hay gấu Teddy, mẹ lại có thể bón cho bé một thìa. Thỉnh thoảng mẹ cũng để sách tranh trước mặt bé khi cho bé ăn. Ba của Tim lại dùng chiêu “trực thăng”: Trước khi chiếc thìa được đưa vào miệng Tim, ba cậu còn cho nó bay vòng vòng và giả tiếng trực thăng: “Brrrrrrrrm, trực thăng sắp bay vào gara rồi! Mở cửa ra nào! Brrrrm!”
Jasmin 8 tuổi – được ăn khi xem tivi với từng miếng vừa miệng đã được để sẵn trên đĩa. “Như thế con bé sẽ không biết là nó đang ăn”, mẹ cô bé nghĩ vậy.
Cậu bé Leon 3 tuổi thì lại được chạy loăng quăng trong bếp khi ăn. Cứ khi nào cậu chạy đến gần ba mẹ là họ lại tranh thủ đút cho cậu một miếng Họ cảm thấy rằng Leon ngày càng lười ăn.
Mẹ của cô bé Carolin 4 tuổi lại bị ám ảnh bởi việc cho con gái ăn. Cô ấy dùng mọi cách có thể để tạo áp lực còn Carolin chống đối bằng cách: Cô bé trớ hết tất cả thức ăn ra. Việc này có vẻ chẳng hề khó khăn gì với cô bé. Chính vì thế, mẹ của Carolin lại càng thêm phát hoảng. Mỗi lần đi dạo cùng Carolin, cô đều mang theo một mẩu bánh mì, trong túi quần cô thì luôn có sẵn một chiếc thìa nhỏ. Cô thường xuyên hướng sự chú ý của Carolin sang bất cứ thứ gì khác để tranh thủ bón vào miệng cô bé một thìa bánh.

“Một phần ăn hợp lý”

Nhiều bậc cha mẹ thường gây áp lực để ép con ăn được càng nhiều càng tốt, đến hết sạch thì thôi.

Như trường hợp mẹ của bé Sven 12 tuổi. Theo kinh nghiệm, bà mẹ biết rằng Sven thường không vui, tỏ ra khó chịu mỗi khi đói bụng. Cô thường cho đầy thức ăn lên đĩa và bắt cậu bé ăn hết. Cô ấy thường ra lệnh: “Nếu bây giờ con không ăn tử tế, thì một tiếng nữa thôi con sẽ rất đói rồi lại la hét loạn lên. Giờ chắc con cũng đói rồi đấy. Nào, ăn hết đi!”. Vậy là cứ đến bữa trưa, hai mẹ con lại tranh cãi. Sven chửi rủa vào bữa ăn, chọc ngoáy đồ ăn, thậm chí có lần còn phun nước miếng vào đồ ăn. Cả hai mẹ con đều không thể chịu đựng tình trạng này.

Sẽ hợp lý hơn nếu trên bàn có ít thức ăn được dọn ra và bọn trẻ sẽ có cơ hội để nói rằng: “Con muốn ăn thêm một chút nữa.” khi mà đĩa đã đầy thức ăn, trẻ con sẽ ngày càng phát triển tính chống đối và luôn ở thế “phòng thủ”.

Tạo áp lực hay dùng chiêu trò: tất cả đều không có tác dụng

Tất cả các phương pháp đã được miêu tả ở trên, dù gây áp lực mạnh, “chiêu tráng miệng” hay đánh lạc hướng đều vô tác dụng như nhau. Ngược lại, bọn trẻ càng thêm chống đối trong mỗi bữa ăn. Chúng luôn đấu tranh và phòng thủ với cha mẹ. Không thì chúng lại đảo ngược tình thế: giờ chúng đã biết cách dọa cha mẹ: “Con không ăn gì cả.” Chúng nói như một cách để đe dọa cha mẹ và còn có thể trở thành một quy tắc trên bàn ăn.

Khi cha mẹ tạo áp lực hay dùng chiêu trò, vô tình họ không tuân theo nguyên tắc. Họ sẽ lừa gạt và cố gắng nhồi nhét thức ăn cho bọn trẻ. Nhưng cha mẹ chỉ có nhiệm vụ: lựa chọn thức ăn và bày biện chúng ra bàn. Vậy là họ đã hoàn thành phần việc của mình.

Trong một vài trườg hợp ngoại lệ, việc tuân theo đúng luật như thế này rất khó khăn nhưng vẫn có thể làm được. Đó là câu chuyện của cô bé 4 tuổi tên là Maria. Câu chuyện này khá bất thường vì Maria là một cô bé kì lạ, bé có xu hướng thích những phản ứng gay gắt.

Một lần, Maria nuốt chửng luôn miếng cà rốt, sự việc trở nên rất nghiêm trọng. Maria không thấy khó thở, nhưng lại rất sợ hãi: một miếng to bị mắc lại ở ống thực quản. Cô bé rất đau và khóc, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi và bắt đầu nôn mửa. Một tuần sau đó, Maria lại nuốt một miếng bánh mì nhỏ. Thực ra lần này cũng không nghiêm trọng lắm nhưng cô bé vẫn có phản ứng rất hoảng sợ. Kể từ đó trở đi, Maria không muốn ăn thức ăn rắn nữa, không thích tất cả những thứ mà cô bé phải nhai. Và cứ như vậy, Maria từ chối tất cả đồ ăn. Cô bé không ăn các đồ nghiền nát nữa, chỉ ăn các thứ đã được xay nhuyễn. Thường vào cuối tuần khi bố của Maria ở nhà, việc này còn tồi tệ hơn. Anh ấy muốn bằng mọi cách phải cho Maria ăn được chút gì đó. Anh ta cho thức ăn đã xay nhuyễn vào bình dành cho trẻ và đưa cho cô bé. Thậm chí, súp cũng được mẹ xay nhuyễn. Nhưng sự việc càng nghiêm trọng hơn. Maria sút 2kg. Maria từ chối tất cả, thậm chí cô bé còn không chịu nuốt cả nướt bọt của chính mình.

Ban đầu, cũng dễ hiểu khi Maria gặp vấn đề trong việc ăn uống. Tuy nhiên, nếu cha mẹ càng gây căng thẳng trong bữa ăn, vấn đề lại càng trở nên tồi tệ hơn. Khi mọi việc không thể tồi tệ hơn được nữa, mẹ cô bé đã có một ý tưởng để cứu vãn tình thế: Trong mỗi bữa ăn, Maria cũng phải cùng ngồi bên bàn ăn, mỗi bữa đều có những món ăn thông thường nhưng luôn có thêm một phần súp đã được xay nhuyễn. Khi Maria bắt đầu khóc “Con không thể ăn được gì”, cô ấy nhìn con âu yếm và lần nào cũng chỉ trả lời bé đúng một câu: “Vẫn có thứ mà con có thể ăn được mà.” Cô ấy không nói thêm gì nữa, cũng không gây thêm áp lực. Việc đó diễn ra trong nhiều tuần liền. Maria dần bắt đầu ăn lại những đồ ăn rắn khi ăn cùng bạn bè hoặc họ hàng. Dần dần, cô bé cũng ăn được như vậy khi ở nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, trọng lượng cơ thể của Maria đã được cân bằng trở lại, hơn nữa còn tăng lên.

Áp lực không có tác dụng với trẻ nhỏ

Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ rằng áp lực thực sự không có tác dụng, chúng tôi sẽ thuyết phục được bạn. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một nghiên cứu khoa học đã được Peter Wringt thực hiện với trẻ sơ sinh và các bà mẹ vào năm 1980. Ông ta chia những “đứa trẻ thử nghiệm” thành các nhóm: nhóm được cho bú sữa mẹ và nhóm dùng bình sữa. Trong cả hai nhóm này đều có trẻ sinh nhẹ cân và những trẻ có cân nặng bình thường. Wright đã phát hiện: tất cả trẻ được bú mẹ đều tăng cân tốt, không phân biệt lúc sinh ra nhẹ cân hay bình thường. Với những trẻ bú bình lại có kết quả khác: Những đứa trẻ mới sinh rất yếu ớt được mẹ cho ăn thường xuyên hơn với nhiều áp lực. Ví dụ: bà mẹ vẫn cố nhét bình sữa vào miệng ngay cả khi trẻ lắc đầu và bà mẹ càng tích cực cho ăn thì đứa trẻ càng uống ít sữa hơn.