Người Đức dạy con trên bàn ăn – Annette Kast-Zahn

Các bạn hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí của con bằng cách hãy thử tưởng tượng rằng gia đình bạn có khách đến chơi. Và bạn chuẩn bị món tráng miệng yêu thích để mời khách. Bạn muốn thưởng thức lần thứ hai thì đột nhiên chồng bạn giữ tay bạn và nói: “Thế có lẽ là đủ rồi, em vẫn còn muốn béo hơn nữa sao?”. Các bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bị tổn thương và chán nản ư? Quá tức giận và muốn ly dị ư? Con bạn cũng có cảm giác y như vậy nếu như nghe được câu nói tương tự từ bạn. Nó sẽ không thể ly dị với bạn nhưng nó có thể tỏ thái độ hằn học và sẽ chứng tỏ cho bạn thấy nó mạnh hơn bạn bằng cách tiếp tục cuộc chiến và ăn nhiều hơn nữa!

Chế độ ăn kiêng được tư vấn kỹ lưỡng

Một chế độ ăn kiêng do bạn hay ai đó vạch sẵn cho con bạn sẽ mang lại kết quả như mong muốn? Hoàn toàn không! Nếu bạn muốn bắt con bạn giảm cân theo một chế độ ăn kiêng có sẵn thì bạn suốt ngày sẽ phải mang theo tấm biển có ghi dòng chữ: “Con không được phép ăn vì con quá béo”. Một chế độ ăn kiêng không mang lại kết quả gì ngoài áp lực đè nặng lên tư tưởng của con. Một người trưởng thành có thể tự quyết định liệu anh ta có muốn ăn kiêng hay không. Nhưng suy cho cùng, ngay cả đối với người lớn, việc ăn kiêng cũng rất khó khăn, lúc đầu bạn sẽ giảm cân nhưng sau đó bạn lại dễ dàng tăng cân như bình thường nếu không tuân thủ các chế độ ăn kiêng nữa. Chỉ có những người có động lực ăn kiêng thường xuyên, luôn nghiêm khắc với bản thân về chuyện ăn uống thì mới có hy vọng giảm cân lâu dài. Nhưng rất ít người làm được việc này. Lên thực đơn ăn kiêng, ngăn cản mọi mong muốn của con sẽ gây ra một sức ép vô cùng lớn. Điều này sẽ không hề có tác dụng, vì trẻ em không hề có động lực tăng hay giảm cân. Có khi nó lại phản tác dụng: Đứa trẻ sẽ càng để ý hơn tới việc ăn uống. Chúng sẽ tận dụng mọi cơ hội để có thể “lấp đầy” cái bụng của mình. Như vậy, nó sẽ không học được sự tự chủ và sẽ cảm thấy mình chưa được đối xử tốt.

Đặt đứa trẻ trước quyết định “Con có muốn ăn kiêng không?” là hết sức vô lý! Câu hỏi đó tự nó đã đưa ra hai thông điệp mà bọn trẻ có thể hiểu được:

  • “Con không nên ăn nữa vì con quá béo.”
  • “Con sẽ thấy có lỗi nếu con quá béo. Nếu con thực sự muốn thì con có thể gầy hơn.”

Câu nói: “Con không được ăn vì con sẽ béo” một lần nữa chỉ là áp lực và nó khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn!

Hãy giúp trẻ bằng cách nói với con: “Mẹ yêu con dù con có thế nào đi chăng nữa!”

Tuân theo quy tắc có tính chất trò chơi thay vì tạo ra sức ép

Liệu trẻ có thực sự béo phì hay bạn chỉ đang lo lắng thái quá về vấn đề vóc dáng của con: Các bạn có thể giúp con mà không sợ làm chúng nhụt chí hay kìm hãm sự tự do của chúng. Tốt nhất là các bạn nên chú trọng tới các hoạt động thể chất của con. Khuyến khích chúng vui chơi bên ngoài công viên, sân chơi của trẻ em, đạp xe đi dạo hay tham gia câu lạc bộ thể thao hoặc chơi bóng cùng bạn. Liên tục khuyến khích và hỗ trợ con càng hoạt động nhiều càng tốt.

Bạn cũng có thể hỗ trợ và giúp đỡ con theo cách sau:

Hãy mang về nhà bánh kẹo (kể cả đồ uống có đường) và các món ăn có chất béo với số lượng hạn chế và để tất cả lên bàn. Việc dự trữ đồ ngọt và các loại bim bim trong nhà là không nên. Những thứ đó chỉ nên mua vào những dịp nhất định mà thôi.

Các bạn cũng không bao giờ được phép phân biệt giữa một đứa trẻ béo với các thành viên khác trong gia đình. Sơ đồ tháp dinh dưỡng đúng cho tất cả mọi người. Các bạn cứ để cho trẻ tự quyết định chúng ăn bánh mì, khoai tây, cơm, mì gạo, rau củ quả bao nhiêu tùy thích. Điều quan trọng không kém là trẻ sẽ tự quyết định chúng được phép ăn bao nhiêu, ngay cả khi các bạn thấy có vẻ như chúng đang ăn hơi nhiều.

Các bạn sẽ là người quyết định thời gian ăn bữa chính, bữa phụ và những quy tắc ăn uống khi ngồi vào bàn ăn.

Nhận biết vấn đề

Trong trường hợp con bạn tăng cân nhanh trong một thời gian ngắn, rất có thể có một vấn đề khác nào đó. Việc tìm ra nguyên do là rất quan trọng. Bạn có thể giúp con tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Nếu bạn không giải quyết được thì hãy tìm đến những chuyên gia hỗ trợ đặc biệt.

Mang lại sự tự tin

Như vậy thôi đã là quá đủ. Các bạn cũng không thể và không được phép can thiệp nhiều hơn. Tác động của bạn tới vóc dáng của con cái là có giới hạn. Tuy nhiên, các bạn lại có ảnh hưởng rất lớn tới việc trẻ cảm nhận được cơ thể mình như thế nào và tin những gì cơ thể mách bảo trong lúc ăn uống. Nếu con bạn thực sự thừa cân, những thông tin trong Chương 4 sẽ giúp các bạn rất nhiều.

“Con phải ăn nhiều hơn nữa!”

TẠI MỘT CUỘC KHẢO SÁT mà chúng tôi đã thực hiện, có khoảng 20% các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1 tới 5 cho rằng: “Con tôi ăn rất ít”. Ngay cả bạn cũng thấy con mình quá “gầy”, vì thế, các bạn sẽ lại cố gắng ép con ăn nhiều hơn nữa! Nhưng làm sao các bạn có thể làm việc đó mà không tạo ra sức ép cho con mình? Câu trả lời là không thể! Con bạn sẽ phải được phép tự quyết định ăn bao nhiêu, nhiều hay ít là do chúng quyết định.

Ép con ăn

Ép con ăn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Morgenroth đã báo cáo về một trường hợp xuất hiện ở phòng khám nhi như sau:

“Nghiêm trọng nhất là những gì tôi tận mắt chứng kiến ở trong phòng khám của mình. Chuyện xảy ra với một bé gái 6 tháng tuổi. Mẹ bé không thể chịu đựng được việc con của mình không muốn ăn bất cứ thứ gì từ chiếc thìa nhỏ đưa tới miệng con bé. Con bé luôn giãy giụa, từ chối mọi đồ ăn. Một ngày kia, người mẹ mất hết kiên nhẫn và không kiểm soát được hành động của mình nữa, bà cố đưa thìa vào tận sâu trong cổ họng bé. Khi bà mẹ đưa bé tới phòng khám, tôi hoàn toàn chết đứng khi thấy cuống hầu bé đã bị dập nát. Con bé ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, bởi vì nó không thể nuốt được nữa.”

Ép con ăn không nhất thiết phải nghiêm trọng như trường hợp trên, nhưng khi cho trẻ ăn mà không theo ý muốn của chúng tức là bạn đang ép buộc chúng.

Tôi còn nghe có bậc phụ huynh kể rằng họ cho con ăn trong bồn tắm, bởi con họ luôn phản kháng và nhổ ra tất cả những gì cho vào miệng. Một số gia đình còn nhét bình sữa vào tận miệng trẻ. Mẹ bé Anke (Chương 1) cũng đã làm vậy. Mặc dù Anke khóc thét và giãy giụa, cố gắng muốn quay đầu đi chỗ khác nhường cái bình sữa vẫn ở kề miệng bé đến khi bình hết thì thôi.

Một số trường hợp khác, mẹ còn giữ chặt đầu của bé để cho bé không thể quay đi chỗ khác được. Hoặc họ bóp hai má để buộc bé mở miệng ra. Hoặc họ chờ đến khi bé khóc thét và đút thức ăn vào miệng. Hoặc họ nhét thìa vào cuống họng trẻ. Nếu chiếc thìa ăn chạm được tới cuống lưỡi thì trẻ không thể đẩy thức ăn ra ngoài miệng được. Cái “kỹ thuật” thô bạo đó cách đây một thế hệ vẫn phổ biến. Đến đầu những năm 70, trẻ không được cho bú mẹ trực tiếp. Những đứa trẻ mới được 3 hay 4 tuần tuổi đã bị đút cho ăn bằng thìa. Những chiếc thìa bắt buộc phải được đưa vào tận đầu ống thực quản một cách thuận tiện nhất, nếu không trẻ sẽ lại nhổ hết mọi thứ ra. Và việc này kéo dài ít nhất trong 4 tháng đầu. Ngày nay, ai cũng hiểu rằng việc cho ăn bằng thìa như vậy là hoàn toàn phản khoa học!

Tuy nhiên, việc đút ăn vẫn xảy ra ở những trẻ lớn hơn một chút hay những trẻ đã đi học. Các bậc cha mẹ hoàn toàn không hiểu biết, cũng như không thể nói với con mình về vấn đề này. Nếu một đứa trẻ có thể tự làm được mọi thứ từ khi còn nhỏ thì hầu như chúng sẽ không bao giờ quên chuyện đó khi lớn lên. Người mẹ của một bé trai 2 tuổi kể rằng: Khi còn nhỏ, tôi luôn bị bầm tím chân tay nếu không thể tự ăn hết khẩu phần ăn của mình. Các bạn có ngạc nhiên khi ngày hôm nay chính bà mẹ trẻ đó và con mình gặp khó khăn trong chuyện ăn uống hay không? Ngay cả cái cách ép buộc “vô hại” ngày nay cũng còn vẫn rất phổ biến. Bé phải vét sạch đĩa nếu muốn đứng dậy, dù có khóc lóc cũng vô ích. Ai trong chúng ta nếu khi còn nhỏ từng bị ép buộc phải ăn những thứ không thích thì thường để lại hậu quả cho tới tận ngày nay. Sau nhiều năm, chúng ta vẫn còn cảm thấy buồn nôn khi gặp phải những món ăn tương tự. Ép con ăn là hành động thiếu hiểu biết của nhiều bậc cha mẹ. Việc làm này sẽ không bao giờ giúp ích được gì mà còn gây ra rất nhiều hậu quả không tốt về sau. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể tới gặp bác sĩ nhi khoa. Bạn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các bác sĩ và chuyên gia.

“Mẹ không yêu con!”

Ép con ăn còn là điều gì đó hơn cả sự ép buộc. Ví dụ sau đây sẽ giúp các bạn có thể hình dung điều này tốt hơn.

Món bánh ga-tô phết bơ và kem của mẹ chồng

Các bạn hãy tưởng tượng, bạn được mời tới nhà mẹ chồng. Bà đã chuẩn bị và làm rất nhiều thứ – một chiếc bánh kem rất lớn đặt trên bàn ăn. Bạn rất ghét bánh kem nhưng bạn lại không muốn làm mẹ chồng thất vọng. Bạn hiểu rằng sẽ là một sự xúc phạm riêng tư nếu bạn không ăn một miếng nào. Có thể bà sẽ nghĩ rằng: “Cô ta không ăn chiếc bánh mà ta đã mất công chuẩn bị cho riêng nó. Cô ta không thích ta chăng?”. Bạn thấy điều này thật vô lý nhưng bạn rất hiểu mẹ chồng mình. Vậy là bạn đồng ý và dũng cảm ăn một miếng nhỏ. Với niềm mong chờ rất lớn trên khuôn mặt mẹ chồng, bà hỏi: “Nó ngon chứ con?”. Và rồi lại tiếp tục đặt một miếng bánh thứ hai vào đĩa của bạn. Bạn có thấy bị áp lực trong trường hợp này không? Lúc đó bạn muốn làm gì nhất? Bạn có muốn tiếp tục vui vẻ nhận lời tới nhà mẹ chồng chơi vào lần sau không?