Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Trận đấu kịch tính ngay từ tiếng còi khai cuộc. Dũng Bủn vừa đưa đội Liên quân vượt lên bằng một cú sút hiểm hóc, ngay lập tức, Mai Xuân Đức kéo trận đấu trở về tỉ số 1- hòa với một cú sút cực mạnh, đập chân Tân Thời bay vào lưới. Do đá chân đất, phút thứ 30 Dũng Bủn chấn thương ở móng chân. Trong lúc nó đang được chăm sóc y tế ngoài đường biên, hậu vệ Quốc Tẩm tự tiện nhảy vào đá thay. Sự xuất hiện của Quốc Tẩm nổi bật trên sân cỏ, vì nó vẫn mặc chiếc áo đen của Anh Sơn, với dòng chữ QUÂN KHU NAM ĐỒNG phía sau lưng. Các sĩ quan trên khán đài xôn xao, hỏi nhau: “Mới thành lập thêm Quân khu Nam Đồng à?”. Ba phút sau, Dũng Bủn băng ngón chân cái xong, quay vào sân thay Quốc Tẩm (chưa hề chạm bóng lần nào) thì bị hậu vệ Giáp của đội Thể Công, đang sắm vai trọng tài, cản lại. Đã thi đấu phải theo luật, một cầu thủ không được vào sân hai lần. Đội Liên quân phản đối dữ dội vì không giao hẹn trước, nhưng không ăn thua. Trong trận đấu quan trọng như trận chung kết, mất một cầu thủ tiền đạo ngôi sao là hậu quả đến ngay. Đội Liên quân rơi vào cảnh chống đỡ vô cùng chật vật. Tất cả đều nghĩ đội 1A Hoàng Văn Thụ sẽ thắng. May mà phút cuối trận, từ một cú sút cầu âu của Thái Đen, Anh Sơn (hôm nay đá tiền đạo vì vị trí thủ môn của nó bị Huy Lô lấy mất), với tấm thân lừng lững so với thủ môn đội bạn, nhảy lên đánh đầu. Tỉ số 2-1. Bàn thắng được tính cho Anh Sơn, dù cùng lắm cũng chỉ một sợi tóc trên đầu nó chạm bóng. Và khi tất cả đều hoan hô cú đánh đầu hiểm hóc, Anh Sơn đương nhiên không ngu gì từ chối vinh quang do một sợi tóc mang lại.

Đáng nhẽ lúc này đội Liên quân phải rút về phòng ngự, nhưng với tinh thần thắng càng nhiều càng tốt, “chỉ đạo viên chú Giá” vẫn thúc toàn đội tràn lên tấn công. Hậu quả của chiến thuật non nớt này là đội Liên quân dính đòn “hồi mã thương”. Thủ môn đội bạn vồ được cú sút cận thành của Ngọc Sơn, khẩn trương phát bóng lên cho Mai Xuân Đức. Đức nhanh nhẹn thoát khỏi sự truy cản của toàn bộ hậu vệ đội Liên quân, kể cả “hòn đá tảng” Hà Tư, lao về khung thành Huy Lô với tốc độ của một vận động viên điền kinh chạy nước rút. Hà Tư nghiến răng nghiến lợi đuổi theo mà không tài nào bắt kịp. Tới gần khu vực 16 mét 50, Hà Tư sực nhớ lời hậu vệ Nhật, đội Thể công: “Cầu thủ hậu vệ cần phải biết phạm lỗi một cách hợp lý ngoài vòng cấm địa”, thế là nó nhằm luôn chân Mai Xuân Đức quét ngang. Với cú đá này, chẳng cứ Mai Xuân Đức, đến Pele cũng ngã cắm mặt xuống sân, cạp đầy một mồm đất như thường. Mai Xuân Đức nhổ đất, cát với cỏ phì phì khỏi miệng, chỉ mặt Hà Tư hét: “Đá xong nhớ mặt tao nhé!”. Ngày đó FIFA chưa có luật phạt thẻ đỏ cầu thủ truy cản trái phép một pha bóng có khả năng thành bàn từ phía sau. Vì vậy, trọng tài Giáp chỉ thổi phạt gián tiếp. Phạt hàng rào đâu nhằm nhò gì với đôi bàn tay nhựa của Huy Lô. Nó bay người điệu nghệ, bắt gọn cú sút của Mai Xuân Đức, cùng lúc trọng tài nổi còi hết giờ. Đội Liên quân của Tổng cục Chính trị vô địch, nhưng mấy chục năm sau, bọn khu Nam Đồng vẫn coi đó là thắng lợi riêng của Quân khu Nam Đồng.

Nếu không có một chút trục trặc trong lễ trao giải thì chiến thắng hôm đó thật hoàn hảo, vì trước đó, khu Nam Đồng nhận được hàng loạt giải nhất nhì trong các môn thi đấu khác. Lúc đội trưởng Anh Sơn vừa nhận giải từ tay đại tá Nam Hồ thì Mai Xuân Đức lao tới, đá song phi vào mặt Hà Tư. Hà Tư nghiêng người tránh, chỉ bị xước gò má tí chút. Ở chỗ khác, thằng nào nhảy vào đánh Hà Tư kiểu đó chắc chắn không xong với nó. Nhưng lần này Hà Tư không có cơ hội trả đòn, vì sau lưng nó có cổ động viên Thái Thọt. Thái Thọt nhỏ người, chân bị tật từ nhỏ, lại là con cô Quý, người hay đưa ra các đề xuất quản lý chặt chẽ bọn con trai khu Nam Đồng, nên mọi người cũng ít rủ rê đi chơi. Chẳng ai nghĩ Thái Thọt dám đánh nhau ở đây, thế mà nó rút ngay trong áo ra một cây gậy, nhanh như chớp vụt thẳng vào mặt Mai Xuân Đức. Đức rú lên, hai tay ôm mặt. Trên khán đài, đại tướng Văn Tiến Dũng và thượng tướng Song Hào lắc đầu, bỏ về.

Mặt đại tá Nam Hồ tái xanh tái xám. Đúng là một lũ không biết trời cao đất dày là gì. Thủ trưởng Bộ bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn quan tâm đến chúng nó, dành thời gian động viên, thế mà lúc này, chúng nó dám cầm gậy vụt vào mặt nhau tóe máu. Thay vì trao tiếp giải nhì, giải ba, ông hạ lệnh cho cảnh vệ trói Thái Thọt, Hà Tư giật cánh khuỷu và bắt giữ toàn bộ đội bóng khu Nam Đồng cùng Mai Xuân Đức. Đức đang cơn giận, dù bị cảnh vệ giữ, vẫn nhoài người ra, đấm Hà Tư. Hà Tư cười nhạt: “Đồ hèn, đánh người không còn khả năng chống cự!”. Cô Trâm Anh, má Anh Sơn, đi cùng đoàn, ra hiệu cho Anh Sơn, Tiến Thọt tách nhóm ra phía cửa. Việt và Thái Đen chạy theo. Cảnh vệ chặn lại: “Thủ trưởng Nam Hồ hạ lệnh bắt giữ tất cả cầu thủ đội bóng khu tập thể Nam Đồng”. Cô Trâm Anh nhẹ nhàng: “Mấy đứa này không tham gia đánh nhau, cho nó ra”. Anh cảnh vệ lớn tiếng: “Đồng chí là ai?”. Cô Trâm Anh rút chứng minh thư cho xem. Thời đó, nữ thiếu tá vừa to, vừa hiếm. Anh lính nhìn trước nhìn sau rồi tránh sang một bên, vẫn hơi có vẻ hậm hực.

Tất cả những đứa bị bắt được yêu cầu làm bản kiểm điểm, nhưng trừ Hà Tư, Mai Xuân Đức và Thái Thọt, không đứa nào chịu làm vì cho rằng mình không có tội, cứ ngồi ỳ ra đấy. Đến tối, trừ ba đứa đã làm kiểm điểm phải có bố mẹ tới nhận, số còn lại được cho về. Khi bố Hà Tư và bố Mai Xuân Đức tới, đại tá Nam Hồ hỏi: “Hai anh có họ hàng không?”. Cả hai ngớ ra không hiểu. Hóa ra trong bản kiểm điểm, Hà Tư khai họ tên nó là Mai Xuân Hà, còn thằng kia khai là Mai Xuân Đức. Hai ông bố Mai Xuân Tiếu và Mai Xuân Tần ra lệnh hai ông con bắt tay giảng hòa, tiếp đó ôm nhau, cùng vỗ vào lưng bộp bộp và cam kết xóa bỏ mọi oán thù. Hơn bốn mươi năm sau, hai thằng “Mai Xuân” con ngày trước tình cờ gặp lại trong một trận nhậu ở Sài Gòn. Chúng bắt tay và ôm nhau lần nữa, vẫn vỗ lưng bộp bộp và cùng làm mấy ly. Mai Xuân Đức nối nghiệp cha, khi ấy đeo quân hàm đại tá. Mai Xuân Hà cũng từng phục vụ trong quân đội, nhưng chỉ tới cấp thượng úy là chuyển ngành.

Về sau nhớ lại chuyện này, có một số người nói vì bố Thái Thọt làm ở Tổng cục Chính Trị nên nó được tha, chứ không đại tá Nam Hồ đã xử nó nặng, vì làm chú ấy mất điểm với cấp trên. Nhưng thật ra không phải thế. Lúc đó bố Thái Thọt vẫn ở trong chiến trường Miền Nam, chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm tới. Sau năm 1975 ông mới giữ chức cao và mang quân hàm thượng tướng.

3

Hè năm lớp Chín trôi qua thật nhanh, và các trận đánh nhau cũng giảm. Nghĩ lại, có lẽ là do tình yêu. Trong ngày, thời gian là một hằng số. Nếu dành nhiều thời gian cho tình yêu, sẽ ít thời gian cho đánh nhau. Hơn nữa, ai khi yêu cũng hiền, vì trước tình yêu, con người trở nên hướng thiện. Một lý do nữa là: Các cô gái và phụ huynh của họ không thích bọn hay đánh nhau. Thôi thì lúc nào ngoan được cứ ngoan.

Ban giám hiệu nhà trường và Ban quản lý khu tập thể không biết khẩu hiệu hè 1974 của bọn con trai khu Nam Đồng là “Tăng yêu đương, giảm đánh đấm!”. Tất nhiên, thỉnh thoảng chúng vẫn đi đánh nhau. Lớn nhất là vụ đánh nhau với bọn phố Hàng Buồm, ở hồ bơi Quảng Bá. Nguyên nhân xuất phát từ vụ va chạm nhỏ của Anh Sơn, Tiến Thọt với một võ sư người Hoa khi bơi. Chưa bao giờ hội Nam Đồng đánh nhau với một bọn võ nghệ cao cường như vậy. Việt dính một cú đá, ngã lộn mấy vòng, lăn từ vệ đường xuống hồ. Tiến bị đánh tím bầm mắt. Đính về nhà với cái mũi sưng vều… Bốn thằng lăn xả vào mà không đánh nổi “Sư phụ”. Khi Hòa thấy đám bạn lần lượt bị hạ gục, nó nhặt luôn nửa hòn gạch bên đường, choang thẳng vào đầu “sư phụ”. Đúng là ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu, “Sư phụ” ngã quay lơ. Bọn Hàng Buồm chạy tán loạn. Hòa vứt cho “Sư phụ” chiếc khăn tay để dịt vào chỗ đầu bê bết máu và ngạc nhiên khi nhận ra mình bỗng dưng ngưỡng mộ đối thủ. Trước kia, thấy bọn Bích, Thái Đen, Hà Tư và Hoàng đi học Vịnh Xuân quyền, Hòa vẫn cho rằng đã có vũ khí, cần gì học võ cho nhọc. Qua trận đánh nhau này, Hòa bắt đầu thay đổi thái độ. Nó nghĩ thể nào cũng phải đi học võ Tàu. Khi có võ, chẳng cần mang theo vũ khí nữa. Khi nào bí quá thì kết hợp đánh võ với ném gạch.

Có một điều ngạc nhiên, tuy không ai bảo ai, hè này rất ít thằng đi chơi mang theo vũ khí. Nhưng quan trọng nhất là trong hè không ai bị bắt vào đồn. Hết hè, bọn phải “thi lại hạnh kiểm”, đứa nào cũng xin được của khu phố một bản nhận xét trên cả tuyệt vời, nộp cho nhà trường. Kết hợp với hoàn cảnh gia đình bộ đội, bố là liệt sỹ hoặc đang ở chiến trường, Ngọc, Minh, Hoàng, Quốc Tẩm được vớt lên hạnh kiểm “thường”, trên “kém” một bậc. Thế là đủ. Được lên lớp thì hạnh kiểm “thường” có khác gì “tốt” với “khá”.

Thế nhưng dù Ngọc và Minh qua được cửa hạnh kiểm, vẫn còn phải vượt thêm cửa thi lại mới được lên lớp. Người “thanh niên mới” phải vừa hồng vừa chuyên. Suốt cả mùa hè, hai đứa mải phấn đấu về “đức” mà quên siêng năng rèn luyện về “tài”. Ngọc và Minh bị đúp, phí cả công phấn đấu nâng hạnh kiểm. Mà đúp vì thi trượt môn Lịch sử mới chán đời!

Riêng Giang và Việt không được vớt hạnh kiểm, đồng nghĩa với lưu ban. Thầy hiệu trưởng đưa ra điều kiện: “Muốn xóa hạnh kiểm kém để được lên lớp, phải xin chuyển trường!”. Thầy nói vậy cũng ngang đánh đố hai đứa, vì khác tuyến, lại nổi danh nghịch ngợm, dễ gì xin chuyển. Không trường nào ngu mà lại đi nhận những học sinh cá biệt do trường Đống Đa lè ra.

Tác giả: