Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hết tiết, cô lên phòng họp Ban giám hiệu. Vừa thấy thầy Trọng, cô rút ngay tờ giấy ra đọc. Các thầy cô xúm vào trêu thầy Trọng và cô Thường, hai giáo viên trẻ chưa lập gia đình, đang được mọi người gán ghép. Tuy cô Uy đã nói rõ là tờ giấy do gió thổi từ hành lang vào, nhưng cuối buổi học, cô Vân vẫn xộc lên lớp, tra hỏi xem ai là thủ phạm. Chúng nó lừa được cô Uy chứ làm sao lừa được cô. Cái trò khỉ này, chẳng chúng nó thì còn ai? Như mọi khi, dù khối đứa biết ai viết, nhưng vẫn ngồi im, mặc cô muốn nói gì thì nói.

Tra khảo chán, không đứa nào nhận, cô quay ra hỏi: “Này, còn cái câu Quân ngã ra bình thôi sắc tệ nghĩa là gì nhỉ? Có cậu nào biết không?”. Chỉ mỗi Khanh biết nghĩa câu đấy, nhưng nếu giải thích cho cô, sợ cô nghi mình là tác giả, nên nó lờ đi.

Tan học, Hòa hỏi Khanh:

– Cái câu tiếng Hán: Quân ngã ra bình, thôi sắc tệ có nghĩa gì?

Khanh cười:

– Hán đâu mà Hán. “Quân ng㔓quẫn”. “Quẫn ra bình”“bĩnh ra quần”, làm gì mà chả thôi sắc…”. Lúc đang học, có thằng nào đánh rắm, thối quá, nên tao mới làm thơ… À, làm câu đối.

Kết thúc năm lớp Chín, số học sinh hạnh kiểm kém của lớp 9D và 10H chiếm năm mươi phần trăm hạnh kiểm kém của toàn trường. Nếu tính trong toàn trường thì 90 phần trăm học sinh bị hạnh kiểm kém năm đó thuộc cả ba khối 8, 9, 10 là học sinh khu tập thể Nam Đồng, với hai tội danh chính: nghịch và đánh nhau. Thầy hiệu trưởng nói trước toàn trường trong buổi tổng kết cuối năm: “Chưa bao giờ trường cấp ba Đống Đa có nhiều học sinh hạnh kiểm kém như năm nay, cao nhất trong bốn khu của Thành phố Hà Nội. Ai hạnh kiểm kém sẽ bị đúp. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các học sinh này cơ hội cuối cùng. Nếu bạn nào trong hè phấn đấu xuất sắc… thí dụ như nhặt được của rơi trả lại, sẽ được xem xét sửa lại hạnh kiểm…”. Thầy ngần ngừ rồi nói thêm: “Nhưng phải là của rơi có giá trị lớn”. Nghe thầy nói, Quốc Tẩm nảy ra sáng kiến hè này tổ chức đi ăn trộm, được bao nhiêu bán lấy tiền để cho bọn hạnh kiểm kém đem nộp, coi như nộp lại của rơi. Những đứa bị hạnh kiểm kém ở lớp 9D là Việt, Hoàng, Giang Cận, Minh, Ngọc, Quốc Tẩm.

Trong đám con trai Nam Đồng ở lớp chỉ có Khanh và Hòa được hạnh kiểm khá. Khanh hạnh kiểm khá còn tạm được, chứ Hòa thì thuộc loại nhà trường để “lọt lưới”. Nó khoái chí:

– Khi nào đi đánh nhau, chúng mày cứ nói với gia đình là đi chơi với tao. Chẳng gì thì về mặt đạo đức, tao cũng xếp trên chúng mày hai bậc.

Hoàng vỗ vai Hòa:

– Mày phấn đấu vào Đoàn luôn đi, để hôm nào bố mẹ không cho đi chơi thì mày sang rủ bọn tao đi họp “cảm tình Đoàn”.

Việt thắc mắc:

– Không hiểu sao tao cứ đánh nhau là bị bắt, còn thằng Hòa không bao giờ bị. Ngay cả vụ nó cầm búa bổ vào thằng “giặc làng”, công an cũng không bắt nó, lại bắt tao.

Hòa cười hì hì:

– Chắc tại kiếp trước tao tu nhân tích đức nhiều hơn mày!

Khanh đề xuất:

– Tao nghĩ hè này bọn mình phải đi học thêm. Chúng nó đều học thêm cả, chỉ mỗi bọn mình không học thôi. Bọn thi lại, phải học để còn lên được lớp. Bọn được lên lớp, cần học tốt hơn để sang năm thi đại học. Chỉ cần tập trung vào mấy môn thi đại học thôi, các môn khác học lớt phớt cũng được.

Ngọc vặn lại:

– Ai bảo mày học Sử lớt phớt cũng được? Tao một phẩy môn Sử, hè này không học Sử để thi lại thì chắc chắn đúp. Tao phải cố gắng để được lên lớp. Chẳng nhẽ học sinh lớp chín lại đến nhà lớp mười mượn vở.

Khanh cười:

– Mượn vở chỉ là món võ nhập môn. Mày phải áp dụng nhiều món võ nữa. Theo tao, có lẽ đã đến giai đoạn viết thư bày tỏ.

Ngọc nhờ Hòa:

– Mày viết thư hộ tao nhé?

Hòa chỉ Việt:

– Mày mượn cái đống thư của thằng Việt, chọn cái nào hợp thì chép. Nó có gần trăm cái thư, đủ các tình huống rồi.

2

Với nhiều người, mùa hè năm 1974 cũng trôi qua êm ả như bao mùa hè khác. Vẫn tiếng ve râm ran khắp nơi nơi, nắng như đổ lửa trên đường và nước nhỏ giọt ở các máy nước công cộng. Nhưng riêng khu tập thể Nam Đồng, bọn trẻ con cảm thấy một không khí khác lạ, khẩn trương và gấp gáp hơn. Con nhà lính bao giờ cũng nhạy cảm với những âm hưởng từ chiến trường vọng về.

Tuần trước, chẳng biết Thái Thọt nghe ở đâu, thông báo cho mọi người một tin sốt dẻo: Tổng cục Chính trị vừa chỉ thị cho đại tá Nam Hồ, cục trưởng Cục Quân huấn, tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên ở các khu tập thể quân đội trên địa bàn thành phố Hà Nội, sao cho thật vui, khỏe, bổ ích và an toàn, với đầy đủ các môn bóng đá, bóng bàn, cầu lông, điền kinh và đồng diễn thể dục… Thật ra, môn bọn con trai thích nhất vẫn là bóng đá. Rất hiếm khi các khu gia binh ở Hà Nội có dịp thi đấu với nhau. Trong thời gian chờ đợi thông báo từ trên, khu tập thể tổ chức giải bóng đá nội bộ. Lần này, ngoài việc thi thố, còn thêm dụng ý kiểm tra phong độ của các cầu thủ để đưa vào đội tuyển.

Giải đấu của khu tập thể chưa kết thúc thì mọi người nhận được tin đại úy Giá, bố cái Thu béo Nhà 3, được Cục Quân huấn cử làm cán bộ phụ trách sinh hoạt hè cho các cháu khu tập thể Nam Đồng. Thời tướng Song Hào phụ trách công tác cán bộ, lên được một cấp quân hàm cứ gọi là toát mồ hôi. Lấy quân hàm trung úy 9 năm của ông Thử, trưởng ban Quản lý khu tập thể so với chú Giá, mới thấy Quân đội năm nay coi trọng việc tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thế nào.

Sau một hồi tranh cãi kịch liệt, đội tuyển cũng được thành lập, với Nhà 1 chiếm số lượng áp đảo, gồm Anh Sơn, Ngọc Sơn, Thái Đen, Khả Trung, Dũng Đổng Trác… Nhưng nhìn chung, đội tuyển cũng hội đủ các hảo thủ ưu tú nhất trong khu, với Việt, Đính, Quốc Tẩm, Tuấn Mím, Tân Thời, Hà Điêng, Đôn Sẹo, Dũng Bủn, Hà Tư, Tiến Thọt… Chưa bao giờ, việc tập luyện của đội bóng lại quy củ vậy. Từ năm giờ sáng, tất cả đã có mặt ở sân Nhà 2, chạy bộ lên Ô Chợ Dừa để rèn sức bền. Tuần hai lần, vào ba giờ chiều, chú Giá dẫn toàn đội đạp xe lên sân Cột Cờ, tập nhờ sân bóng của đội Thể Công. Lần đầu tiên, bọn khu Nam Đồng được giáp mặt với những cầu thủ thần tượng như trung vệ Giáp, thủ môn Khánh, tiền đạo Ba Đẻn, trung phong Cao Cường… các cầu thủ này hướng dẫn cho bọn chúng khá nhiều động tác cơ bản. Riêng hậu vệ Nhật còn bày cho Hà Tư mấy pha rất độc khi truy cản đối phương. Với bọn con trai khu Nam Đồng, đó là những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt thời niên thiếu.

Điều lệ giải bóng đá quy định có bốn đội tham gia thi đấu, theo thể lệ đấu loại trực tiếp. Để giải đấu thành công, mỗi khu gia binh được một đơn vị đỡ đầu. Tổng cục Hậu cần đỡ đầu khu tập thể K95 Bãi Phúc xá. Tổng cục kỹ thuật nhận khu tập thể 3B Phố Ông Ích Khiêm. Khu 1A Phố Hoàng Văn Thụ do Bộ Tổng Tham mưu đảm nhiệm. Tổng cục Chính trị với rất nhiều cán bộ ở Phố Lý Nam Đế, đương nhiên phụ trách phố này. Còn thừa ra khu tập thể Nam Đồng. Thành phần cán bộ ở khu Nam Đồng bao gồm đủ cả hải quân, không quân, xe tăng, thiết giáp, tình báo, đặc công, rồi đến các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn… đấy là chưa kể thành phần văn sỹ, họa sỹ, nhạc sỹ và ca sỹ quân đội. Sau một hồi cân nhắc, Ban tổ chức quyết định: Khu tập thể Nam Đồng phải đấu loại với khu Lý Nam Đế để chọn lấy một đội. Trận đấu diễn ra tại sân vận động của Tổng cục Chính trị tại Cửa Đông. Ai cũng nghĩ đội khu Nam Đồng sao mà thắng nổi đội Lý Nam Đế vốn đã từng vô địch giải thanh thiếu niên Cơ quan Bộ Quốc phòng. Không ai ngờ đội khu Nam Đồng nhanh chóng đè bẹp đội Lý Nam Đế với tỷ số 3-0. Sau khi bàn bạc với lãnh đạo hai đội, Cục Quân huấn quyết định thành lập đội “Liên quân” đại diện cho Tổng cục Chính trị, với khu Nam Đồng là nòng cốt, bổ sung thủ môn Huy Lô, hậu vệ Lâm Dũng và tiền đạo Thanh Sơn. Đội Liên quân nhanh chóng đè bẹp đội K95 Bãi Phúc Xá, vào đá chung kết với đội bóng khu tập thể 1A Phố Hoàng Văn Thụ.

Trước ngày tranh giải, đội được Ban quản lý khu tập thể Nam Đồng tài trợ áo đấu. Thấy Anh Sơn mặc chiếc áo thủ môn đen, sau lưng nổi bật bốn chữ “QUÂN KHU NAM ĐỒNG”, được cắt ra từ một mảnh vải trắng may vào lưng áo, có vắt sổ cẩn thận (bọn Nhà 1 rỉ tai nhau do bạn Lệ Dung may), Hà Tư, Bích và Thái Đen đề xuất in lên lưng áo dòng chữ “Quân khu Nam Đồng”. Ai cũng cho rằng “Quân khu Nam Đồng” đã rất nổi tiếng, cần được ra mắt trước bàn dân thiên hạ một cách danh chính ngôn thuận.

Thế nhưng khi nghe đội trưởng Anh Sơn trình bày ý định, đại úy Giá gạt phắt. Lần thi đấu này nghe nói có cả thủ trưởng Bộ Quốc phòng xuống dự, không được ăn mặc lôm côm. Sân Cột Cờ là doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam, không phải chỗ muốn mặc gì thì mặc, càng không cho phép có tư tưởng xưng hùng xưng bá. Ở nước mình, chỉ có sáu Quân khu do Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập là Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4, ai cho phép lập ra “Quân khu Nam Đồng”? Chú Giá hạ lệnh: “In chữ THANH NIÊN NAM ĐỒNG” lên áo.

Ngày đá chung kết, bọn khu Nam Đồng nô nức đi cổ vũ, và không phải ai cũng kiếm được vé vào sân vận động Cột Cờ. Thiếu tá Trâm Anh (má Anh Sơn) mang theo một can bia hơi, đi động viên đội. Trước trận đấu, lừa lúc không ai để ý, Việt lén xơi một cốc, và cảm thấy trong người hưng phấn bội phần. Vì thế, vừa vào trận, trước một cú sút búa bổ của đội bạn, thay bằng khéo léo thu hồi bóng bằng ngực, Việt quyết định thể hiện cho đội bạn thấy thế nào là “sức mạnh Quân khu”. Nó xuống tấn, ưỡn ngực ra đỡ. Sau tiếng “rầm”, Việt ngã quay lông lốc. Khán giả ôm bụng cười.

Tác giả: