Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Anh Dũng được bố của Bích thu xếp cho trở về đơn vị ở Lào ngay sáng hôm sau. Tùng Tán đã thi đỗ đại học nên quyết định mạo hiểm ở nhà, đánh cược tương lai vào lời khai của Bích, Quang Anh và Tuấn Mím. Phúc, Khả Trung, Tân Thời, Dũng Chột được gia đình xin cho đi bộ đội… Trong lúc công an đang điều tra, hồ sơ giấy tờ xin nhập ngũ của chúng được gấp rút hoàn thành. Một là đã bắt được thủ phạm trực tiếp gây án, hai là dù ít dù nhiều cũng thông cảm với các gia đình bộ đội, bên công an không làm căng nữa. Bích, Quang Anh, Tuấn Mím cũng dứt khoát không khai thêm ai.

Sau trận đánh đó, khu Nam Đồng vắng thêm tám người.

Xét về nguyên nhân, ở một góc độ nào đó, trận đánh này giống như các trận đánh trong truyện sử thi, bắt nguồn từ một người đẹp. Thế nhưng hầu hết những người tham gia trận đánh đều không tường tận căn nguyên. Mọi người chỉ nghe Bích nói có một bọn đánh Ngọc hôn mê trong viện, thế là nổi máu anh hùng, đi trả thù cho Ngọc, bảo vệ danh dự Quân khu. Em Liên cũng không bao giờ biết căn nguyên từ việc em mách anh Ngọc, đã dẫn tới trận đánh dữ dội nhất của Quân khu Nam Đồng, khiến ba chàng trai nhận án tù, năm anh vượt Trường Sơn ra mặt trận, trong đó có hai anh không bao giờ trở lại khu tập thể nữa… Nhiều năm sau, khi nói chuyện với mọi người, em vẫn tự hào mình là “dân Quân khu”, được các anh trong Quân khu che chở, nên không ai dám bắt nạt em. Em vẫn tin chỉ nhờ câu thần chú của anh Ngọc, không một học sinh nào ở trường Xã Đàn dám trêu em. Mong cuốn sách này không bao giờ đến tay em, để câu chuyện cổ tích trong em mãi mãi là cổ tích.

Nghĩa vụ quân sự

Ngày tuyển quân đến gần. Lớp 10D có tám đứa đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Tính bọn lớp 10 trong toàn khu Nam Đồng đến tuổi đi bộ đội, đợt này cũng hơn hai chục người. Dù chưa đến ngày khám tuyển nhưng không khí trong lớp đã rất khác thường. Tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn lan tràn. Những cuộc liên hoan nhóm, tổ lác đác được tổ chức sớm. Gọi liên hoan cho to tát chứ cũng chỉ là những cuộc bơi thuyền, những buổi đi chơi công viên với bỏng ngô, kẹo lạc… Chưa đi khám, nhưng với sức khỏe của cả bọn, chẳng ai tin có đứa nào trượt.

Khanh dứt khoát không chịu vào trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn theo gợi ý của bố, chỉ thích được cùng đơn vị với chúng bạn, dù Đỗ tìm mọi cách phân tích cho nó cái hay, cái lợi. Đỗ đặt vấn đề với Khanh, nhờ bố Khanh xin hộ Đỗ vào trường Văn hóa Quân đội. “Dù gì mình cũng giúp bạn vào Đoàn. Nói thật với bạn, nếu không phải là mình, chắc chắn bạn chưa được kết nạp đợt vừa rồi”. Khanh bảo: “Hay mẹ gì cái việc cả đời khoác áo lính mà ông thích. Thôi, không cần nói nhiều, để tôi về bảo bố tôi cho”. Hôm sau nó thông báo cho Đỗ biết, bố nó khen Đỗ hết lời và trách nó có bạn tốt mà không biết đường theo. Bố nó nói Đỗ cứ đi khám tuyển, khi trúng rồi, bố nó sẽ thu xếp cho đi học. Đỗ gặng đi gặng lại là có chắc một trăm phần trăm không? Khanh nói lẫy: “Bố tôi hứa thì ông đi mà hỏi bố tôi. Hình như ông hợp với bố tôi hơn tôi nhiều”.

Hai tuần tiếp theo, không thấy Đỗ đi học. Mọi người đến thăm, gia đình cho biết Đỗ về quê và bị ốm nằm ở trên đó, không biết có khỏi để kịp về khám nghĩa vụ quân sự đợt này được không. Lớp trưởng Phương hỏi quê Đỗ ở đâu, gia đình bảo xa lắm, tít tận Hà Giang. Cô Ninh yêu cầu gia đình mang giấy xác nhận ốm của Đỗ đến báo cáo Ban giám hiệu vì giáo viên chủ nhiệm chỉ có quyền cho nghỉ một ngày. Nhưng chắc xa quá, nên gia đình chẳng có ai lên đó xin giấy. Khanh, Hòa, Đính, những người được Đỗ giúp đỡ vào Đoàn cũng mấy lần tới nhà thăm, nhưng lần nào gia đình cũng bảo Ðỗ chưa về. Cô Ninh nói: “Hà Giang xa đây lắm. Chắc cậu ấy ngã nước nơi rừng thiêng nước độc, chẳng kịp về khám nghĩa vụ quân sự đợt này đâu!”. Cô nói nhưng mắt nhìn tít lên trần nhà, trong giọng cô có chút mỉa mai. Hòa nghĩ tới việc Đỗ tận tình giúp đỡ mình vào Đoàn đợt vừa rồi, nó lên tiếng: “Thưa cô, bạn ấy là người tốt, hiện đang là Bí thư Chi đoàn, cô nói như thế, sợ có người hiểu lầm bạn ấy”. Cô Ninh nhún vai: “Tôi cũng tin bạn ấy là người tốt. Nhưng hôm qua có người nói gặp bạn ấy ở phố Khâm Thiên. Nghe nói bạn ấy bị tai nạn, đứt ngón trỏ bàn tay phải. Các em nên tìm cách đến thăm bạn tốt của mình. Bí thư bị ốm, đến thăm là trách nhiệm của các đồng chí đoàn viên”.

Thêm ba ngày nữa, vào giờ sinh hoạt lớp, cô Ninh tuyên bố xóa tên Đỗ trong danh sách lớp vì tự ý bỏ học. Dường như cô đọc được sự phản ứng trong mắt một số học sinh, đặc biệt là bọn con trai khu Nam Đồng, nên cô hỏi Khanh:

– Bố em công tác ở Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng, em có biết người thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự, bị mất ngón trỏ bàn tay phải có nghĩa gì không?

Khanh ngần ngừ rồi trả lời:

– Mất ngón tay bóp cò súng, sẽ không đủ điều kiện gia nhập quân đội. Nhưng em không tin bạn Đỗ tự thương.

– Tôi cũng không tin, nhưng thái độ của bạn Đỗ cùng gia đình và những thông tin tôi có đang nói điều ngược lại. Tại sao bạn ấy đang ở Hà Nội lại không đi học, mà nói dối đang ở quê?

– Nhưng điều đó cũng chưa chứng minh được bạn ấy trốn bộ đội – Hòa nói.

Cô Ninh gật gù:

– Xem ra bạn Đỗ này được lòng các đoàn viên quá nhỉ?

Đính lên tiếng:

– Chúng em sống với bạn ấy lâu nên hiểu bạn ấy…

Cô Ninh nói nốt chỗ Đính ngập ngừng:

—…Hiểu bạn ấy hơn cô giáo chứ gì? Nếu vậy tôi xin hỏi: Các em có biết tại sao cô Vân biết chính xác bạn Giang, bạn Minh, bạn Ngọc vẽ cô Uy không? Tại sao cô Vân biết rõ tên từng người gửi thư đến nhà cô hôm mùng Một Tết không?

Đính ngạc nhiên:

– Thưa cô, có phải cô ám chỉ bạn Đỗ nói?

– Tôi không ám chỉ, mà tôi biết chính xác bạn Đỗ là người mách cô Vân.

Hòa ngập ngừng:

– Nhưng điều đó cũng không chứng tỏ bạn ấy là người xấu. Có thể bạn Đỗ nghĩ mình là Bí thư Chi đoàn nên có trách nhiệm…

– Phó Bí thư – cô Ninh chữa lại – sau khi bạn Giang bị cách chức, bạn Đỗ mới lên Bí thư. Xin lỗi các bạn, có thể tôi không có phương pháp sư phạm, nhưng tôi không thích việc học sinh mách thầy cô giáo tội của bạn bè. Có gì, hãy cùng nói thẳng ra trước lớp. Các em đang ở lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, chưa cần tới những trò đâm sau lưng người khác để…

Dường như thấy mình quá lời, cô dừng lại và hỏi:

– Các bạn có biết ai viết lên bảng dòng chữ đuổi thầy Toàn dạy Văn, năm lớp Tám không?

Cả lớp nhìn nhau. Cô nói:

– Ngày đó, mấy bạn khu Nam Đồng bị nghi ngờ, nhưng các bạn ấy hoàn toàn bị oan. Có người muốn đổ tội cho các bạn ấy.

Đính hỏi:

– Cô muốn nói người đó là bạn Đỗ phải không ạ?

Cô Ninh lắc đầu:

– Ngày đó tôi không có ở đây, tôi nói là ai các bạn cũng chẳng tin. Nhưng tôi biết trong lớp ta có bạn nhìn thấy người viết dòng chữ đó lên bảng. Chỉ có điều, không biết người ấy có muốn nói sự thật cho các bạn “Quân khu Nam Đồng” không thôi?

Cả lớp im lặng nhìn nhau. Hòa khẽ nói:

– Thưa cô, chuyện đó qua rồi. Bọn em không quan tâm nữa.

Diệp đỏ mặt, đứng dậy:

– Mặc dù bạn Hòa nói không quan tâm, nhưng hôm nay trước tập thể lớp, tôi xin lỗi các bạn khu Nam Đồng, những người bị oan ức, vì ngày trước tôi đã không nói ra sự thật. Buổi sáng hôm đó tôi đi học muộn. Khi đến trường, đang giờ chào cờ nên tôi lên thẳng lớp. Từ hành lang, tôi thấy bạn Đỗ đang viết dòng chữ đó. Tôi cứ tưởng bạn Đỗ cùng phe với các bạn. “Quân khu Nam Đồng” đã làm thì ai dám tố cáo? Có mà vỡ đầu. Mãi về sau, khi sinh hoạt trong Ban chấp hành Chi đoàn, tôi mới biết bạn Đỗ rất ghét các bạn khu Nam Đồng, cho rằng các bạn quá tinh tướng, không coi Bí thư, Phó Bí thư Chi đoàn ra gì. Cái đứa “giặc làng” mà các bạn đánh vỡ đầu, phải khâu sáu mũi, cũng là em họ của bạn Đỗ. Tôi chỉ thắc mắc sao bạn Đỗ ghét các bạn mà lúc đó lại âm thầm ủng hộ các bạn, viết khẩu hiệu đuổi thầy giáo?

Hòa ngớ người. Nó trả lời:

– Cái thằng vỡ đầu là do tôi đánh. Nhưng bạn Đỗ cũng tốt, bạn ấy không thù bọn tôi, còn tích cực giúp chúng tôi vào Đoàn.

Mặt cô Ninh phảng phất một nụ cười, hình như cô định nói gì nhưng lại thôi. Chuyện đó không qua được mắt Khanh. Lúc giải lao, nó nói với Hòa:

– Cô Ninh ngụ ý bọn mình có giá trị lợi dụng nên Đỗ mới giúp. Giờ nhớ lại, tao mới hiểu tại nó nhắc, nếu không có nó giúp còn lâu tao mới được vào Đoàn. Kể ra cũng tiếc cho nó. Tao biết chắc chắn bố tao đã thu xếp xong cho nó vào học trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn, sau đó sẽ cho thi vào Đại học Kỹ thuật Quân sự. Có một hôm bác Đặng Quốc Bảo, hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Quân sự tới nhà. Tao nghe lỏm hai ông nói chuyện. Bố tao nói: “Thời gian tới, tôi sẽ gửi con tôi với bạn nó vào chỗ anh đào tạo, khi các cháu nhập ngũ, để phục vụ lâu dài cho quân đội. Thằng cháu nhà tôi chẳng nói làm gì, nhưng bạn nó thực sự là một thanh niên ưu tú, một hạt giống đỏ của chúng ta”…

Khanh ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm:

– Cũng bởi nó không phải người trong khu Nam Đồng. Nó không hiểu những người như bố bọn mình hứa một sẽ làm mười, nên nó trốn cho chắc.

Hòa trầm ngâm:

– Tao cũng không hiểu tại sao nó sợ đi bộ đội đến thế. Khu mình có hàng trăm thanh niên, thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự cũng vui vẻ lên đường. Nhiều thằng còn xung phong đi bộ đội trước tuổi. Mày nhớ vụ ông Thọ, anh trai thằng Minh không? Ông ấy có giấy gọi đi nước ngoài học nhưng không đi, còn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ. Mà hình như viết tới mấy lần…

Tác giả: