Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hà Tư lắc đầu:

– Hồi đó, mình đánh nhau nhưng nghĩa hiệp. Đánh nhau là để tự vệ, để tiêu diệt bọn xấu, để bảo vệ bạn bè…

Việt cắt ngang:

– Và để “được” đi tù nữa. Ông có nhớ vụ xử án năm 1974, tại hội trường khu tập thể Nam Đồng không? Giờ nghĩ lại những trận đánh của anh em mình ngày ấy còn thấy ghê, chứ đừng nói là viết lại.

Hòa nói:

– Nếu viết truyện về “Quân khu Nam Đồng” mà không kể về những trận đánh thì đâu còn là “Quân khu”? Bọn mình ngày đó đánh nhau cũng có hoàn cảnh và nguyên nhân của nó. Tôi nghĩ, sẽ rất thú vị nếu có một tác phẩm viết về “Những trận đánh của Quân khu Nam Đồng”.

Thái Đen đề nghị:

– Nếu các ông muốn thì phải viết sao cho có tính giáo dục, để còn cho con cái đọc. Đừng nói nhiều về các vụ đánh nhau.

Hòa phản đối:

– Muốn sách giáo dục con cái, ra hiệu sách mà mua. Chuyện bọn mình như thế nào, viết ra đúng như thế thì hãy viết.

– Nhưng ai viết? – Khanh hỏi.

– Chuyện về “Quân khu Nam Đồng” đâu có của riêng ai. Theo tôi, tất cả bọn mình, ai nhớ được gì về chuyện ngày xưa thì viết lại, nộp cho tôi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm biên tập thành một cuốn hồi ký – Hòa đề xuất.

Việt chối ngay:

– Tôi không biết viết. Ngày xưa, đến thư tình tôi cũng phải nhờ ông Hòa viết hộ. Các ông không nhớ hồi đi học, tôi thuộc loại “chổng mông” vào văn học à?

Hòa nói:

– Bốn mươi năm qua rồi, tôi làm sao nhớ hết mọi chuyện. Nếu muốn có một cuốn truyện về “Quân khu Nam Đồng” thì tất cả các ông đều phải viết. Theo tôi, ông Việt chính là người có nhiều chuyện để kể nhất. Ông không biết viết thì gạch đầu dòng, như ngày xưa ông nhờ tôi viết thư tình. Tôi sẽ làm nhiệm vụ sắp xếp lại.

Mấy tháng sau, Hòa thông báo cho mọi người đã thu được khá nhiều bài viết. Không ngờ mọi người hưởng ứng nhiệt tình như vậy. Có người nhớ gì viết nấy, như viết hồi ký. Có người viết dưới dạng truyện ngắn, với các nhân vật hư cấu. Có một số trùng lặp về nội dung hoặc tình tiết.

Hòa quyết định biên tập lại cho gọn gàng. Cứ tưởng công việc nhẹ nhàng, hóa ra mất rất nhiều thời gian.

Bản thảo “Những câu chuyện về Quân khu Nam Đồng” được gửi cho một số thành viên trong khu đóng góp. Đa phần ủng hộ, nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Người này thắc mắc sao không có tên mình trong đó? Người kia thấy có nhân vật hơi “phản diện” trùng tên mình, lập tức đòi bỏ chi tiết này, bổ sung tình tiết khác. Hòa vò đầu bứt tai. Cuối cùng, nhà biên tập “bất đắc dĩ” quyết định: Đổi hết tên nhân vật thật trong truyện. Có điều, trong khu tập thể có hàng nghìn cái tên, rất nhiều tên giống nhau, đặt tên không trùng người này cũng sẽ trùng người kia. Đành phải giải thích thêm đây là “truyện”, giống như “tiểu thuyết”, nên phải “hư cấu”, xin đừng hiểu nhầm giữa “nhân vật” với người thật việc thật… Mặt khác, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại ký ức, mọi thứ cứ lung linh và mờ ảo, giống như một buổi sáng mùa đông, chúng ta ngắm nhìn cảnh vật qua những lớp sương mù. Vì vậy, các tình tiết trong câu chuyện cũng có thể đôi điều không chính xác.

Mười hai ngày đêm

Tháng Tư năm 1972, có tin Mỹ sẽ cho máy bay ném bom trở lại miền Bắc. Toàn bộ học sinh Hà Nội phải về nông thôn sơ tán. Một số đi theo trại của cơ quan bố hoặc mẹ, như Hòa và Khanh tới Nhổn, Đính và Minh lên Vĩnh Yên… Một số khác như Việt, Ngọc, Hoàng sơ tán theo trường cấp ba Đống Đa về Chương Mỹ, Hà Tây. Chỉ có mấy ngày mà đám bạn bè mỗi đứa một nơi, chưa biết ngày nào trở lại.

Không phải lần đầu đi sơ tán nên chẳng ai bỡ ngỡ. Miền quê luôn thú vị và hấp dẫn với đám trẻ con thành phố. Không gian rộng lớn, bầu trời bao la, hồ nước trong xanh, cánh đồng bát ngát, dòng sông hiền hòa… tha hồ chơi bời thỏa thích.

Một buổi tối, Hòa ngồi dạy hai đứa em bài đồng dao:

Đom đóm bay qua,
Thầy tưởng là ma,
Thầy ù thầy chạy.
Ba thằng ba gậy,
Đi rước thầy về.
Bắt con lợn sề,
Cho thầy chọc tiết,
Bắt con cá diếc,
Cho thầy bẻ mang,
Bắt con tôm càng,
Cho thầy bóc vỏ…

Ông Lê Hồng Đào, chủ nhà, người Hòa vẫn gọi sau lưng là “ông ba quả”, đang ngồi uống nước, ngắt lời nó:

– Anh đọc sai rồi. Phải đọc là: “Ba thằng bảy gậy, đi rước thầy về!”.

Hòa cãi:

– Cháu đọc theo sách, sai làm sao được?

Cái Lê Thị Mận, con gái “ông ba quả” ngồi cạnh, cũng chen vào:

– Bố sai thì có. Con đọc sách cũng thấy đúng là “Ba thằng ba gậy”.

Ở nhà này, “ông ba quả” không bao giờ thèm đếm xỉa tới ý kiến Lê Thị Mận, Lê Thị Bưởi và Lê Thị Lựu, dù chúng nó cũng “ba quả” như ông. Ông chỉ chăm chăm lắng nghe nhận xét của cậu út Lê Hồng Cam. Hòa thỉnh thoảng lại an ủi bọn con gái là nếu thiếu mấy đứa chúng nó, tên ông Đào với Cam ghép kiểu gì cũng không đủ một mâm ngũ quả trên bàn thờ. Ông bảo Hòa:

– Sách sai! Anh cho tôi hỏi, anh có biết con cá diếc như thế nào không?

Mặc dù chẳng biết hình thù cá diếc thế nào, Hòa vẫn nói:

– Cháu biết. Mẹ cháu hay kho cho bọn cháu ăn.

– Anh có biết tại sao trong bài này lại nói: “Bắt con cá diếc, cho thầy bẻ mang” không?

Hòa trả lời bừa:

– Chắc bài đồng dao này ám chỉ thầy bói chỉ nói giỏi mà không biết làm, cho thầy bẻ mang cá diếc để thầy quen lao động.

– Không phải. Đây là bài đồng dao nói ngược. Ở quê, chúng tôi mổ cá diếc không bao giờ bẻ mang. Thầy bói là người bắt ma, trừ tà, không thể nào thấy đom đóm lại tưởng là ma. Lợn sề là nái đẻ, không đem chọc tiết, xẻ thịt. Còn tôm càng khi ăn đâu có ai bóc vỏ. Toàn bộ bài đồng dao anh vừa đọc, câu nào cũng nói ngược. Vì vậy, nếu “ba thằng ba gậy”, sẽ có một câu nói thuận lọt thỏm vào giữa. Từ thời các cụ, tôi thấy ở đây mọi người vẫn đọc “Ba thằng bảy gậy”.

Hòa thấy bác chủ nhà nói cũng có lý, và nó rất khoái vì nhờ chuyện này nó biết thêm về cá diếc với lợn sề. Nhưng nó vẫn tin sách (làm gì có chuyện “ông ba quả” lại giỏi hơn sách), và tiếp tục dạy em theo sách… Cứ thế, mỗi ngày miền quê đem đến cho Hòa thêm những điều mới lạ. Dù đang chiến tranh, nhưng với bọn trẻ ở nơi sơ tán, đó là những ngày tháng yên bình. Mỗi khi máy bay Mỹ tới, kẻng báo động vang lên, cả lũ chạy xuống hầm trú ẩn, thò cổ ngắm những vệt khói trắng của tên lửa ngoằn ngoèo trên nền trời xanh lơ. Với tụi chúng, chiến tranh là một cái gì đó rất mơ hồ và ở xa tít tắp.

Cho tới một ngày…

Tối 18 tháng Mười hai năm 1972, khoảng bảy rưỡi, vừa ăn cơm xong thì có kẻng báo động. Hòa cố tình nhẩn nha trong nhà. Nó rất ngại xuống hầm buổi tối. Ở đời sống chết có số, nếu như bom rơi trúng cái hầm chữ A, được gác chéo bởi mấy cây tre, trên phủ sơ sài rơm trộn với bùn thì có tránh đằng trời. Nó sợ nhất đêm tối xuống hầm, dẫm phải bọn cóc, hoặc sờ phải nhái bén, ễnh ương, thi thoảng gặp cả rắn nữa. Nói chung, Hòa rất sợ những con da trơn trơn, nhơn nhớt như thạch sùng, thằn lằn, tắc kè, cóc, nhái… Về sau nó mở rộng thêm vào danh sách này bọn người lươn lẹo. Nó nghĩ bụng: Không xuống hầm chưa chắc đã chết vì bom, xuống hầm có khi lại chết vì rắn độc cắn. Tuy vậy, quy định báo động phải xuống hầm. Mọi người xuống cả, một mình ở trên cũng khó coi.

Nhưng tối nay, không chỉ một hai hồi kẻng như mọi khi, kẻng liên tục, dồn dập… Tiếng đạn pháo, tiếng bom nổ, tiếng gầm rú của máy bay như một bản giao hưởng hỗn loạn trên bầu trời. Hòa lẩm bẩm: “Chết rồi, nó đánh Hà Nội”. Suốt đêm, mỗi lần nghe bom và súng nổ lẫn trong tiếng kẻng báo động, mọi người lại lốc thốc ra hầm. Khoảng hơn bốn giờ sáng, Hòa vừa chợp mắt, lại nghe bom nổ rầm rầm. Vừa buồn ngủ, vừa mệt và lười, nó trùm chăn kín đầu, phó mặc số mệnh. Nó vừa ngủ vừa thấp thỏm không biết bố mẹ ở Hà Nội có sao không? Rồi nó tự an ủi: Chắc gì Mỹ đã đánh vào Hà Nội. Các bên đang đàm phán ký kết Hiệp định Paris, chắc Mỹ chỉ thả bom đâu đó ở ngoại thành… Tiếng bom nghe gần lắm, chắc gần đây, nơi nó sơ tán, chứ không phải Thủ đô.

Hôm sau đến trường, các thày cô thông báo đêm qua máy bay B52 Mỹ tấn công Hà Nội. Học sinh phải nghỉ học để gia cố các hầm trú ẩn. Cả ngày hôm đó hoàn toàn yên tĩnh. Thế nhưng tối đến, cũng khoảng ngoài bảy giờ rưỡi, kẻng báo động lại vang lên dồn dập. Lần này, tiếng bom và tiếng súng phòng không còn rền vang hơn đêm trước. Nhà cửa rung bần bật. Có cảm giác mặt đất rùng rùng chuyển động dưới bước chân của một đàn voi khổng lồ đang di chuyển chậm rãi, mỗi bước chân nện xuống là một tiếng bom rền. Cả đêm Hòa phải ở dưới hầm. Tới hơn năm giờ sáng hôm sau mới ngớt tiếng bom và súng. Mặt trời nhô ra, hắt ánh sáng vàng ệch trên những quầng mây xám xịt.

Đến trường, nom đám bạn bè đứa nào cũng phờ phạc. Nhà trường thông báo nghỉ học tiếp. Về nhà, Hòa thấy chật ních người. Bà nội không đi sơ tán, nay được mẹ đưa lên cùng với cô Hương và hai đứa bé lít nhít con cô đang khóc inh ỏi. Hòa và hai em được ông chủ nhà sắp xếp nằm trên hai cái giường tre, giờ thêm bốn người nữa thành ra không đủ chỗ. Ba anh em nhường giường cho bà và mẹ con cô Hương, trải nilon nằm dưới đất. Ông chủ nhà luôn miệng xin lỗi bởi nhà chật quá. Hòa cũng cảm thấy hơi ngại. Mẹ con cô Hương không phải thành phần của trại, lên thế là sai quy định. Bác Dụ, trại trưởng đi qua trông thấy, tỏ ý không hài lòng nhưng cũng chẳng nói gì. Cô Hương cứ thanh minh cô chỉ ở nhờ mấy hôm, vì lúc này chẳng biết chạy đi đâu cả. Ít bữa nữa cơ quan cô thu xếp được chỗ sơ tán, cô sẽ chuyển đi ngay.

Tác giả: