Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Có hai cái lê. Bích dắt lê AK theo người. Quang Anh cầm lê CKC để đưa cho Anh Dũng khi cần. Bọn còn lại đều mang búa hoặc gậy sắt, riêng Dũng Chột vẫn dùng vũ khí quen thuộc là cây bu-lông to, một đầu buộc vào sợi dây dù. Bọn học sinh lớp thằng Dương, được thông báo trước, đã chuẩn bị đầy đủ gậy gộc. Anh trai Dương vào lớp ngồi cạnh em, thủ một thanh sắt trong ống tay áo. Bích đang cơn giận, không chờ tới kẻng giải lao, xông thẳng vào lớp. Anh Dũng khoanh tay đứng nhìn, cho rằng đánh dập mặt thằng Dương là xong và dự kiến trận đánh chỉ diễn ra độ một, hai phút. Không ngờ Bích vừa xuất hiện, một loạt gậy nhằm nó vụt xuống. Bọn Anh Dũng chưa kịp phản ứng đã bị học sinh trong lớp nhảy vào đánh túi bụi. Đồng bọn của anh thằng Dương phục sẵn ở ngoài ập tới. Hai phía đánh giáp lại. Chưa bao giờ bọn khu Nam Đồng bị vây đánh bất ngờ, bằng một lực lượng đông hơn hẳn và dữ dằn đến thế. Bích bị năm, sáu thằng quây vào đánh. Chúng biết Bích nguy hiểm thế nào nên đã bàn nhau phải tập trung đánh gục nó, bằng mọi giá không cho nó có cơ hội rút dao. Bích chịu đòn nhưng không làm gì được vì bị Dương ôm cứng. Không ai nghĩ lúc đó Quang Anh lại là đứa nhanh nhất. Nó rút ngay lưỡi lê CKC được giao để khi nguy cấp đưa cho Anh Dũng, nhảy xổ vào cứu Bích. Nếu không có nhát lê của Quang Anh đâm xéo vào nách anh thằng Dương, đầu Bích đã dính cả thanh sắt. Thằng Dương vẫn sống chết ôm chặt Bích để bọn còn lại đánh. Dù nhát lê tiếp theo của Quang Anh đâm vào tay đau nhói, nó vẫn kiên quyết không buông. Nhưng nhờ nhát đâm đó, tay nó lỏng ra. Bích vùng vẫy, rút được chiếc lưỡi lê AK dắt trong bụng, đâm ngược ra sau, cùng lúc một thanh gỗ khác vụt xuống. Bích cố hết sức nghiêng sang một bên để tránh cây gậy vụt trúng đỉnh đầu, tay nhấn lưỡi lê sâu vào người Dương, cảm giác một tiếng “kịch” nhỏ, rồi hai mắt tối sầm, ngã vật xuống.

Quang Anh liều chết, không cần biết có bao nhiều cây gậy nhằm vào mình, quật ngược đâm xuôi để dãn vòng vây cho những thằng khác rảnh tay rút vũ khí. Vòng vây nới lỏng vì bọn kia đứa nào cũng ngại cây lê CKC trong tay nó. Bảo vệ nhà trường chạy tới, xách theo cả súng trường mà ai cũng biết trong không có đạn. Học sinh các lớp bên cạnh tràn sang kín cả hành lang.

Nhờ Quang Anh, Anh Dũng rảnh tay, vồ lấy một cây gậy trên sàn, đánh dãn vòng vây để Tân Thời đỡ Bích đứng dậy và ra lệnh rút lui. Mấy cây búa, gậy sắt phát huy công dụng tối đa. Anh bảo vệ ôm súng vừa ló ra, Dũng Chột ném luôn cây bu-lông sắt vào mặt. Anh này tránh được và trốn mất. Dũng Chột vừa chạy vừa cuộn sợi dây dù, thu cây bu-lông về. Cả bọn trèo tường thoát ra ngoài, áo thằng nào cũng loang máu.

Không ai nghĩ, kể từ lúc đó, quá nửa trong bọn chúng sẽ không gặp lại nhau trong mấy chục năm ròng.

3

Cả bọn tháo chạy về khu Nam Đồng. Bích là người đầu tiên nhận định về tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Nó cho rằng sớm muộn công an cũng sẽ lần ra vụ việc. Nếu thằng Dương chết, mọi chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Cả bọn bàn nhau đi trốn. Nhưng trốn đi đâu? Hơn nữa, trong khi công an chưa phát hiện, bỏ trốn hóa ra “lạy ông tôi ở bụi này”. Bàn mãi, cuối cùng chúng cũng thống nhất với nhau một điểm: Nếu thằng nào bị phát hiện thì thằng đó chịu, không khai ra đứa khác. Nhưng với công an không thể khai “tôi chỉ có một mình”, nên sẽ nói là tình cờ gặp mấy đứa bạn quen ngày sơ tán rủ đi đánh nhau, không biết địa chỉ chúng nó ở đâu. Bích dặn riêng Quang Anh: “Trong trường hợp tao với mày cùng bị bắt, có chuyện gì mày cứ đổ hết cho tao. Tất cả bọn đi đánh nhau đều là bạn bè tao, mày chỉ quen tao và tao rủ mày đi. Dù chuyện gì xảy ra, mày cũng phải ở ngoài, để còn chăm sóc mẹ mày. Nhớ là trong mọi trường hợp, không được nhận mình sử dụng lưỡi lê. Chỉ nói lúc bị đánh, mình tình cờ nhặt được một mảnh sắt trên sàn, dùng để tự vệ. Nếu công an biết mình mang theo lưỡi lê, mình sẽ bị kết tội dùng vũ khí nguy hiểm, đánh người có tổ chức”. Bích lấy hai lưỡi lê, giao cho Tuấn Mím sang khu Kim Liên gửi Nam Diễm, dặn giấu thật kỹ. Công an mà túm được tang vật thì có cãi đằng trời. Nam Diễm cất kỹ tới mức hai chiếc lê đó không bao giờ xuất hiện nữa.

Lúc đi đánh nhau, cả bọn đều mặc quần áo bộ đội màu xanh, riêng của Bích màu cỏ úa, trang phục Quân giải phóng miền Nam ba nó để lại nhà sau một đợt về phép. Nhờ màu này, vệt máu loang trên áo của Bích khó bị phát hiện. Về nhà, Bích len lén mang áo đi giặt, nhưng vẫn không qua được mắt mẹ nó, vốn là sỹ quan quân báo. Nó đành khai thật. Mẹ nó thở dài, lẳng lặng nhặt chiếc áo mang ra sau nhà đốt, sau đó cẩn thận hót hết tro đổ xuống cống.

Tới ngày thứ ba, khi tất cả bọn tham gia đánh nhau vẫn yên ổn thì thằng Hùng bị bắt. Nguyên do là khi tháo chạy, nó đánh rơi chiếc cặp. Bảo vệ trường Xã Đàn thu được, nộp cho công an. Họ tên, trường lớp trên cuốn vở đã dẫn công an khu Đống Đa đến tận lớp bắt nó. Vốn chỉ là đứa tình cờ đi theo, lại thuộc loại nhút nhát và Bôn sệt, sau khi bị tra khảo, nó nhanh chóng khai ra Bích và Quang Anh. Hai anh công an tới nhà, lễ phép xin mẹ Bích cho Bích lên đồn để làm rõ về vụ đánh nhau ở trường Xã Đàn. Bích được dẫn lên chiếc xe của công an đợi sẵn ngoài cổng. Tới đầu nhà, liếc nhìn, Bích thấy khu nhà đã bị công an vây kín.

Bích được đưa thẳng tới Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an Hà Nội ở Phố Trần Hưng Đạo. Từ sáng tới chiều, công an tra hỏi kiểu gì nó cũng không khai. Công an đưa Hùng ra đối chất. Nhìn mặt thằng bạn vêu vao, Bích biết ngay lộ chuyện rồi. Hùng mếu máo: “Bích ơi, mày với Quang Anh nhận đi, không thì chết tao”. Bích lặng lẽ gật đầu. Nó hất hàm bảo anh cảnh sát điều tra. “Tôi nhận và đồng ý khai. Anh thả thằng này ra. Nó vô tình gặp tôi gần trường Xã Đàn, được tôi nhờ chở đi một đoạn chứ nó biết gì đâu”.

Trong một tuần liền, dù công an tra khảo kiểu gì, Bích cũng nghiến răng chịu đựng, chỉ khai một người duy nhất là Quang Anh, vì khi bị dẫn tới Cơ quan Cảnh sát điều tra, nó nhìn thấy Quang Anh đang được công an dẫn vào. Trong số tham gia đánh nhau hôm đó, Bích khai biết hai đứa, quen từ hồi sơ tán, tên thì nó bịa ra, và khai không biết địa chỉ. Bích nhận hết trách nhiệm về mình, khai nó rủ Quang Anh cùng hai thằng bạn cũ tình cờ gặp lại (mấy thằng đi cùng là bạn của hai thằng này nên nó không biết tên) vào trường Xã Đàn, định dàn hòa vụ đánh nhau hôm trước, nhưng chưa kịp trao đổi thì đã bị bọn kia nhảy vào tấn công. Nó và Quang Anh đi hai tay không, trong lúc bị đánh đau quá, nó vớ được thanh sắt trên sàn, vung bừa để tự vệ, chẳng biết có trúng ai không, rồi bị đánh ngã không biết gì nữa. Không có tang chứng, công an cũng chẳng khép được nó tội sử dụng hung khí, đánh nhau có tổ chức, chỉ kết được nó vào tội đâm người bằng một vật nhọn.

Ba ngày sau, Tuấn Mím bị bắt vì thằng Hùng khai thêm thấy Tuấn Mím đứng trông xe ngoài cổng trường. Hùng đi sau nên không biết bọn còn lại, chứ biết nó cũng khai tuốt. Khi Bích và Quang Anh bị bắt, Tuấn Mím cũng có sự chuẩn bị. Nó khai đang đá bóng với Quang Anh thì Bích tới, rủ đi đến trường Xã Đàn cùng mấy người bạn hồi sơ tán của Bích. Nó không biết cả bọn vào trường làm gì, vì được Bích nhờ đứng ngoài cổng trông xe. Ngoài Quang Anh và Bích, nó chẳng quen ai. Tuấn Mím hiền lành, nhưng với bạn bè nó cũng nghĩa khí. Công an tra khảo kiểu gì nó vẫn giữ nguyên lời khai. Những thằng còn lại trốn biệt, mỗi đứa một nơi.

Vụ việc quá nghiêm trọng. Thượng tá Lê Kỳ, bố của Bích, là bạn thân với bố của Anh Dũng, đang ở Lào, lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp phải xin phép đơn vị về nhà ít ngày, kết hợp công việc với giải quyết chuyện gia đình. Bác của Anh Dũng, công tác tại Công an khu Đống Đa, được mời tới họp cùng các gia đình, bàn cách giải quyết. Cuộc họp hôm đó có cả anh Thắng, công an khu vực, một người được bác của Anh Dũng coi như đệ tử. Đa phần các gia đình muốn đưa con cái ra đầu thú. Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đấy.

Đáng lẽ mọi việc kết thúc như thế, nếu anh Thắng không xin phép được góp thêm vài lời, với tư cách người nhà – anh nói đi nói lại từ “người nhà”. Sau bao năm phụ trách địa bàn, anh thấu hiểu bọn trẻ con khu tập thể này nhiều khi còn hơn bố mẹ chúng. Về bản chất, chúng là những đứa bé hồn nhiên, nghĩa hiệp và tử tế, luôn bảo vệ nhau, bảo vệ danh tiếng “Quân khu”. Không quản lý chặt chẽ được chúng, anh thấy mình có lỗi. Cũng vì chúng mà anh chậm lên quân hàm. Nhưng với chúng, anh vẫn yêu hơn giận, dù chúng luôn đối xử với anh theo kiểu vừa thân mật, vừa cảnh giác. Anh nhìn bác của Anh Dũng và trình bày: “Tôi biết cách nghĩ của mình là sai, là xuất phát từ tình cảm, nhưng xin các gia đình đừng đánh giá quan điểm. Theo tôi, bọn trẻ con đánh nhau cũng chỉ vì bênh vực bạn bè, nhưng sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Vụ này chắc chắn phải ra tòa. Nếu bây giờ bắt các cháu giao cho công an, thể nào cũng có đứa phải lĩnh án. Hay là…” – Nói tới đây anh ngập ngừng và cân nhắc – “trong lúc các cháu chưa bị phát hiện, ta xin cho các cháu đi bộ đội. Một khi các cháu đã nhập ngũ, phát hiện ra chuyện đánh lộn ngày trước, bên công an cũng dễ bỏ qua… Đành rằng việc làm này sai, nhưng cũng là nghĩ tới tương lai các cháu. Vừa cho các cháu một cơ hội, vừa tạo môi trường mới để các cháu rèn luyện. Hơn nữa, bây giờ các cháu đều đang trốn, dễ gì bắt được. Truy bức quá, có khi lại chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng…” – anh đưa mắt nhìn bác của Anh Dũng lần nữa – “quyết định thế nào là tùy thủ trưởng và các gia đình”.

Tác giả: