Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Vào quân ngũ một thời gian ngắn, Việt thay đổi khá nhiều. Nó rắn rỏi, suy nghĩ chín chắn, chấp hành nghiêm túc thời gian rèn luyện, học tập và đặc biệt không… đánh nhau. Thế nhưng khó khăn Việt gặp phải khi nhập ngũ lại đến từ một hướng khác, đó là chuyện viết thư cho Mai Hương. Từ lâu, Mai Hương đã quen với cái giọng “văn hoa, bóng bẩy, giả dối một cách chân thành” của Hòa. Nay nếu Việt viết cho Mai Hương bằng văn của nó, có thể Mai Hương sẽ nghĩ đấy không phải thư của Việt. Dù sao, cũng không thể phủ nhận sự thực là Mai Hương đã buông súng đầu hàng sau khi nhận được hàng loạt lá thư, nên Việt cho rằng Mai Hương yêu cả con người nó thể hiện trong thư lẫn con người nó ngoài đời. Hòa không đồng tình: “Mai Hương yêu mày vì chính bản thân mày, chứ đâu quan tâm mấy câu văn chương vớ vẩn”. Việt cãi: “Cái Mai Liên cũng chỉ vì mấy cái thư văn vẻ mày viết mà từ chỗ không chịu gặp Hùng, sau này đã thay đổi thái độ. Thư hay quan trọng lắm. Mày chẳng từng nói ‘văn chính là người’ đấy thôi. Tao chấp nhận đi đường vòng. Tao sẽ gửi cho mày các gạch đầu dòng tao định viết trong thư. Mày căn cứ vào đó viết sẵn cho tao vài chục cái, sau đó tao chép, gửi dần cho nó”. Hòa không thuyết phục được Việt, đành bảo: “Vậy mỗi thư mày lồng thêm một số câu của mày vào cho nó quen dần, rồi về sau mày tự viết nhé. Coi như cuộc sống bộ đội làm con người ta trưởng thành và văn phong thay đổi”

Lúc Việt lo xa cũng là lúc những lá thư của Việt bị Mai Hương phát hiện có vấn đề. Tội là tại Ngọc. Em Liên cứ động viên nó tăng cường tấn công Hà: “Chị Hà giống mẹ em, thích văn chương và lãng mạn. Anh viết thư cho chị ấy đi, cố viết hay hay vào, thể nào cũng thành công. Mẹ em nói ngày xưa bố em chỉ viết vài lá thư là tán đổ mẹ. Em thấy anh rất giống bố em, em tin chị ấy sẽ thích”. Một đằng Liên động viên, một đằng bị cả bọn thúc ép, Ngọc quyết định mượn thư của Việt làm mẫu, xem có cái nào phù hợp thì dùng. Nó cặm cụi thức mấy đêm, nắn nót chép lại hết nội dung cả trăm bức thư, phòng khi cần đến sau này. Ngọc chọn bức đánh số 5, mở đầu bằng câu “Tối qua trong giấc ngủ tôi quen một người con gái...” làm lá thư đầu tiên gửi cho Hà. Nó cẩn thận đưa bản nháp nhờ em Liên đọc và góp ý trước. Em Liên xuýt xoa: “Anh viết thư hay quá. Nếu em là chị Hà thì em yêu anh ngay”. Ngọc cười hì hì: “Anh làm sao mà viết được thư hay như thế này. Anh chép lại thư tình của anh Việt đấy. Còn 100 cái nữa. Mỗi tuần anh sẽ gửi cho chị ấy một cái, cho tới khi chị ấy nhận lời yêu anh”. Liên trợn tròn mắt nghe rồi cười ngặt nghẽo. Ngọc về nhà nắn nót chép lại cẩn thận, định hôm sau sẽ nhờ Liên đưa cho Hà thì tối đó, qua một đêm thức trắng, chàng phát hiện ra một sự thật: Nó không yêu Hà, và Hà cũng không thích nó. Giữa nó và Hà không có bất cứ cái gì chung để dẫn tới một tình yêu.

Càng ngẫm lại, Ngọc càng thấy Khanh có lý khi đưa ra lý thuyết về “sự tương đồng trong tình yêu”. Tất nhiên lý thuyết này chẳng phải Khanh nghĩ ra, mà là anh Minh dạy nó. Khanh nói:

– Con trai và con gái khi yêu, ai cũng có tiêu chuẩn lựa chọn của riêng mình. Nếu hai bên mong muốn về người yêu của mình “tương đồng” thì tình yêu dễ xảy ra nhất. Mày thử nghĩ xem, mày thích người yêu mình có những tiêu chuẩn gì?

Ngọc ngẩn người. Nó chỉ thấy thích Hà và yêu thôi, đâu có nghĩ tới tiêu chuẩn hay chuyện tương đồng, tương hợp? Khanh giải thích:

– Ai khi tìm người yêu cũng đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn, ví dụ về hình thức phải xinh này, trắng trẻo này, khỏe mạnh này, dáng người cân đối này… Còn về nội dung thì ngoan, hiền, hiếu thảo, không ghen tuông, giỏi nấu nướng, chưa yêu ai bao giờ, vân vân… Mày tính xem mày thích Hà những điểm gì? Mỗi cái mày thích tính một điểm, xem tổng cộng được mấy điểm?

Ngọc lẩm nhẩm, thấy những cái Khanh nêu ở trên, trừ vấn đề hay ghen tuông và khả năng nấu nướng của Hà nó chưa rõ, còn lại hình như Hà đạt cả. Nó trả lời chấm Hà 10 điểm. Khanh nói:

– Vấn đề không phải là điểm nhiều hay ít, mà là sự cân bằng. Bây giờ mày tìm hiểu xem Hà mong muốn người yêu của nó có những đặc điểm gì, mày có bao nhiêu điều đáp ứng được? Ví như nó thích, một là: To khỏe, có khả năng xách liền một lúc mười xô nước, bổ một hơi nửa xe củi không thấy mệt; hai là dũng cảm khi đánh nhau, đã từng cầm búa đánh ngã một lúc ba thằng; ba là khéo tay, khi xuống xưởng có thể làm các dụng cụ cơ khí nhanh gấp đôi người khác; bốn là giỏi làm cây cảnh để đàm đạo với ông nội; năm là hiếu thảo với mẹ già; sáu là hòa nhã với hàng xóm; bảy là trung thực và hay giúp đỡ bạn bè; tám là có năng khiếu thể thao, đặc biệt là các môn bơi lội, đá bóng, đổ dế, bắn bùm… đại loại như thế. Và nếu như nó cũng cho mày 10 điểm, mày với nó sẽ thành một cặp đôi hoàn hảo. Nếu nó cho mày 4 điểm mà mày cho nó 10 điểm hoặc ngược lại thì hỏng. Sự tương đồng tạo nên cân bằng trong tình yêu. Nếu hai bên không có sự tương đồng, sẽ xảy ra cảnh “bây giờ chồng thấp vợ cao – như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Nhưng nếu mày chấm nó 4 điểm, nó cũng cho mày 4 điểm, thì cũng vẫn có khả năng hai đứa yêu nhau, theo kiểu “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”.

Ngọc kiểm lại các ưu điểm của mình và số ưu điểm có khả năng được Hà thích, cũng cảm thấy hơi hoang mang.

Thời đi học, tiêu chuẩn chọn người yêu của con gái thường khác rất xa so với người sau này họ sẽ lấy làm chồng… Hà mơ ước người yêu của mình hát hay, biết chơi đàn, làm thơ, hiểu tâm lý phụ nữ và học giỏi, những thứ với Ngọc khó như leo vách núi dựng đứng. Thành thử khi Ngọc tới nhà Hà, ngoài ông, mà nó được coi như người bạn vong niên, người nó nói chuyện nhiều và thân mật là em Liên chứ không phải Hà. Liên rất thích anh Ngọc, có cái đầu húi cua và dáng người gù gù như con gấu, tính hồn hậu, chất phác, em Liên thích gì cũng chiều.

Nhưng có lẽ cú quyết định để em yêu mến và coi anh Ngọc như thần tượng là nhờ trận mưa năm 1974. Một trận mưa khủng khiếp. Cả khu bị lụt. Nhìn đâu cũng mênh mông nước. Bọn con trai sung sướng, đứa lớn cởi trần, đứa bé hơn thì cởi truồng, tắm dưới mưa. Bọn con gái nhỏ cũng tham gia. Chỗ nào trũng thì chúng bơi ì ọp. Ngược đời ở chỗ nước ngập mênh mông nhưng nước ăn lại thiếu. Vòi nước Nhà 6 chảy nhỏ giọt mà người xếp hàng thì đông. Em Liên thấy Ngọc xách xô và một đoạn dây dù ra Nhà 2, chắc là định cạy nắp bể, thả xô xuống lấy nước, cũng mang xô chạy theo. Trên đường đi, Liên hụt chân rơi xuống một cái cống vỡ nắp, bị nước hút tụt vào miệng cống. Ngọc quăng ngay xô đi, nhảy bổ vào dòng nước chảy xiết cứu em. Nếu Ngọc phản ứng chậm, chắc Liên đã bị hút vào ống cống, trôi tuốt ra sông Tô Lịch. Thay vào đó, cái xô Liên Xô duy nhất của nhà Ngọc bị nước cuốn mất. Má Ngọc tiếc của, chửi nó mấy tuần liền, không hề biết mình đang chửi một trang hiệp sĩ, người quả cảm nhảy vào miệng hố tử thần, cứu sống một cô gái xinh đẹp. Chính những đụng chạm trong lúc giằng giật sự sống với thần chết nấp dưới miệng cống đã gây nên sự rung động nơi trái tim của một người con gái mới lớn. Khi Ngọc và em thoát khỏi cống, cả hai cùng sặc nước.

Liên uống quá nhiều, cả nước mưa lẫn nước cống, mắt nhắm nghiền. Ngọc hốt hoảng, cuống quít cấp cứu. Nó hà hơi thổi ngạt, dốc ngược dốc xuôi cho nước trong mồm em ứa ra từng hớp. Sau này kể lại, Ngọc ngượng ngùng thú nhận, may mà ngày xưa đã từng hô hấp nhân tạo khi cứu lợn bị điện giật, nên cũng có đôi chút kinh nghiệm.

Thật ra Hà không hề ghét Ngọc. Hà chỉ không coi Ngọc là mẫu người lý tưởng, nhưng cũng thấy ngồ ngộ khi ông nội và em gái quý Ngọc thế. Hà nhớ ngày bố kiếm được một ít củi trong chuyến công tác Tuyên Quang, đang tranh thủ bổ thì Ngọc đi qua. Thế là Ngọc xắn tay áo, xông vào bổ giúp. Hai chú cháu vừa làm vừa nói chuyện say sưa thì ông nội Hà phát hiện được. Ông đang mong Ngọc sang bàn chuyện sửa cây. Ông chống gậy xuống tận chỗ hai người đang bổ củi, nói với Ngọc: “Thôi, anh cứ để bố nó làm. Anh lên đây chơi với tôi”. Với Ngọc, bao giờ ông cũng gọi là “anh” và xưng “tôi” rất lịch sự. Hà không tạo điều kiện cho Ngọc bày tỏ tình cảm với mình, nhưng cũng không khó chịu khi Ngọc mượn vở, mặc dù biết thừa cái động cơ đằng sau của nó. Có lúc Ngọc sang nhà, Hà đùa: “Nhà có ít củi, bố tôi định nhờ bạn bổ, nhưng lại sợ ông tôi không cho”. Mỗi lần được Hà đùa như thế, Ngọc sung sướng cả tuần. Nó kể đi kể lại câu chuyện đó hàng chục lần. Hòa nghĩ bụng chắc nó chết đuối trong cái lúm đồng tiền và kiểu cười có cái răng khểnh duyên dáng của Hà, chứ câu đùa ấy nhạt thếch. Và thật bất ngờ, khi Ngọc quyết định nhờ Liên chuyển lá thư đầu tiên cho Hà thì nó đột nhiên nhận thấy Liên mới là người mình yêu.

Nó sợ gửi lá thư này đi thì mình sẽ mất Liên vĩnh viễn… Đối với Liên, Ngọc hiểu chẳng cần đến những dòng chữ cầu kỳ, viện dẫn tới tận “đại dương sâu thẳm” với “dung nham nóng bỏng ở độ sâu mười ba ngàn mét” để xin kết bạn vì nó và Liên đã quá hiểu nhau rồi. Vấn đề là thổ lộ tình yêu thế nào thôi? Để đỡ phí công chép đống thư của Việt mấy đêm liền, Ngọc đem phổ biến cho mọi người.

Hà Tư đọc xong bảo: “Hay quá. Để tao chép mấy cái gửi Hoàng Yến”. Hoàng Yến nhận thư, hớn hở mang sang nhà Mai Hương khoe: “Thằng Hà Tư nhà tao nó viết thư hay lắm mày ạ!”. Mai Hương đọc thấy giống thư của mình đến từng dấu phảy. Mai Liên đang ở đấy, sau khi cười gần chết bỗng giật mình: “Sao giọng văn giống thư của anh Văn Hùng viết cho Mai Liên thế? Chả nhẽ các ông khu Nam Đồng cử một người viết thư tình chung cho cả khu? Phải xem lại các ông này mới được!”

Tác giả: