Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Lừa lúc bạn tù không để ý, Quang Anh ăn cắp được mấy que diêm. Nó vào hố xí, bới thùng rác nhặt một túm ni-lông bẩn. Sau một hồi làm khô, Quang Anh cầm mớ ni-lông ra ngồi giữa đám bạn tù, quẹt diêm xuống nền nhà, châm lửa đốt. Đám ni-lông cháy bùng trong lòng bàn tay nó. Khi đám bạn tù đang tưởng Quang Anh bị điên, thì nó thản nhiên quay lại, bằng một động tác uyển chuyển và bất ngờ, vỗ cả đống lửa đang cháy vào mặt Thiết Bạc. Đám ni-lông nóng bỏng, khét lẹt dính chặt vào mặt đại ca phòng giam, tiếp tục bốc cháy. Trong lúc Thiết Bạc ôm mặt gào rú, Quang Anh nhảy bổ vào túm luôn cổ nó cắn. May mà cú ngoạm đó không trúng cuống họng.

Tỉnh dậy, Quang Anh thấy mình nằm co quắp trên sàn xi măng của phòng biệt giam. Một thời gian sau được trở lại phòng số 8, không ai bắt nạt nó nữa. Đám anh chị trong phòng thì thầm với nhau: “Nếu dây với thằng này, hoặc là phải đánh chết nó, hoặc sẽ bị nó cắn cổ chết”. Nghĩ đến vụ nó nhảy vào ngoạm cổ Thiết Bạc, ai cũng kinh. Đại ca khét tiếng phòng giam mà nó coi như chó. Thôi, nó không thích làm thủ tục “nhập phòng” thì kệ cha nó. Ngày nào chẳng có tù mới để mà dằn mặt, hơi đâu dây với một thằng điên. Biệt danh “Anh khát máu” của nó bắt đầu từ đó, trong khi đáng lẽ phải gọi nó là “Anh tự trọng” hay “Anh tự vệ”.

Cũng liên quan đến chuyện chui háng, sau này Quang Anh kiếm được một đàn em rất thân thiết và trung thành, đó là Lê Trung Linh.

2

Án ít hơn Bích, nhưng Quang Anh lại ra sau một năm, phần vì không có người vận động, nâng đỡ, phần vì những vụ đánh lộn trong tù. Khi Quang Anh được ra, đám bạn cùng lứa ở khu hầu như chẳng còn ai. Đứa đi bộ đội, đứa đi làm, đứa vào đại học… Chưa kể, sau ngày miền Nam giải phóng, rất nhiều thằng theo bố mẹ về hẳn miền Nam. Phần buồn vì thiếu bạn, kinh tế gia đình quá khó khăn, Quang Anh xin đi làm. Và bi kịch xảy ra với nó từ đây. Nộp đơn xin việc ở đâu, Quang Anh cũng bị người ta từ chối. Sáu tháng chạy vạy khắp nơi, kết quả Quang Anh nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu.

Chán đời, Quang Anh kết nối lại với đám bạn tù. Đó là nơi duy nhất Quang Anh nhận được sự vì nể, thông cảm, và trong một chừng mực nào đó, là sự giúp đỡ vật chất. Khổ nỗi, điều đó lại bôi đen nó trong hồ sơ của cảnh sát khu vực. Hồi ấy, cứ đến gần mỗi đợt kỷ niệm những ngày lễ lớn, hay trước những sự kiện chính trị quan trọng, hàng loạt thành phần bị công an xếp vào loại bất hảo, không có công ăn việc làm, tự động được gọi đi “tập trung”. Quang Anh bị triệu tập không chỉ một lần, đa phần mỗi lần một vài tuần (nếu rèn luyện tốt và không gây án trong trại giam). Khi những sự kiện trọng đại qua đi, nó lại được thả. Đất nước mới thống nhất, ngổn ngang hàng trăm hàng nghìn việc phải làm. Các quy định, luật lệ chưa rõ ràng, nhưng vẫn phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, những khi cần thiết, công an vẫn sử dụng hình thức “tập trung” này. Mọi người đều thấy điều đó là bình thường. Bọn phải đi tập trung cũng thấy như thế là bình thường.

Một trong những đợt tập trung đó của Quang Anh kéo dài rất lâu, 5 năm. Khi bị triệu tập, nó vẫn nghĩ chỉ đi độ vài tuần như trước đây. Thế nhưng, sống lẫn lộn với đủ các loại giang hồ bất hảo, không một ai dám chắc ngày mai sẽ ra sao. Tính cách ngang tàng, không chịu khuất phục, thiếu uyển chuyển của Quang Anh đã làm hại nó. Những cuộc đánh lộn xảy ra trong tù, thế là án chồng án.

Quang Anh đã gặp Lê Trung Linh trong đợt “tập trung” dài 5 năm đó.

Một ngày mùa thu. Sẩm tối, có một thằng bé trắng trẻo, mặc bộ quần áo bò khá mốt, nhập phòng. Thằng này lập tức bị thu sạch các vật dụng mang theo cùng một trận đòn phủ đầu khá tàn bạo, tiếp đó là màn chui háng các anh. Thằng bé không chịu, nên bị nện tới nơi tới chốn. Trong phòng giam lúc đó, Quang Anh được xếp vào hàng đại ca. Nhìn cậu nhóc mặt non choẹt, máu mũi ròng ròng, nhớ lại lần đầu mình chân ướt chân ráo vào đây, Quang Anh động lòng trắc ẩn. Nó hạ lệnh cho bọn kia không đánh nữa và gọi Lê Trung Linh đến hỏi han.

Ở Quang Anh có một điều rất đặc biệt, nó lúc nào nói năng cũng từ tốn, nhẹ nhàng, giọng ấm áp, khiến người đối diện thấy gần gũi. Lê Trung Linh là đứa cương cường, nhưng nói chuyện một lúc với Quang Anh, đã cảm thấy tin cậy. Hai anh em hợp tính nhau, hay tâm sự. Có một câu chuyện của Lê Trung Linh làm Quang Anh ám ảnh mãi về sau. Đó là câu chuyện về số mệnh, cho dù Quang Anh hoàn toàn không tin vào số.

Lê Trung Linh sinh ra trong một gia đình có thế lực. Nó được bố thu xếp cho sang Cộng hòa dân chủ Đức lao động. Trong một lần Linh ngồi uống bia với bạn, nghe mấy thanh niên người Đức nói xấu người Việt, Linh nóng mắt chửi lại. Hai bên xô xát. Bị bốn thằng to lớn hơn hẳn quây đánh, Linh chộp lấy con dao ăn trên bàn và đâm. Nó chỉ đâm một nhát nhưng thằng kia chết. Cảnh sát Đức bắt Linh. Nhờ sự can thiệp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, nó được di lý về nước.

Nhà Linh không ở Hà Nội, nhưng bố nó là sếp lớn trong ngành, nên quen biết nhiều, và liên tục gửi quà cho con. Nhờ có Quang Anh, số quà đó không bị trấn lột. Linh biết án của mình kiểu gì cũng phải ngồi tù, vì đâm chết người, lại có yếu tố nước ngoài. Bố nó là ông giời cũng không “chạy” được. Linh không sợ tù, nhưng điều nó băn khoăn nhất là trước hôm sang Đức, nó đi xem bói, thầy phán: “Dòng họ nhà này danh gia vọng tộc, con cái thành đạt, tiền của như nước, nhưng cả ba anh em trai đều có chữ “phạm”, trong đó có một án tử”. Linh rất lo, vì người ta nói ông thầy này đoán linh lắm. Nó tâm sự với Quang Anh, mong vụ này mình lĩnh án tử hình. Như thế, hai anh trai nó sau này sẽ được bình yên. Quang Anh cười, vỗ vai nó, nói đừng tin thầy bói nói nhảm. Ở đời làm gì có chuyện số má. Con người, nếu kiên cường chiến đấu, sẽ vượt lên số mệnh.

Quang Anh còn lấy mình ra làm ví dụ:

– Như tao đây, nếu sợ chết không dám đánh, đã phải làm thằng đổ bô cho chúng nó từ lâu rồi. Mình nhỏ con, nhà nghèo, không có thế lực, theo lẽ trời, vào tù sẽ phải làm tôi tớ thằng khác. Nhưng tao không chấp nhận số phận, nên tao mới làm đại ca. Số mình là do tự mình quyết định em ạ.

Linh phản đối:

– Anh nói con người quyết định được số mệnh, sao anh không quyết trở thành một người tài giỏi, giàu có ngoài đời, lại quyết vào tù để thành đại ca? Anh không bao giờ muốn vào tù, đúng không? Nhưng số anh là số đi tù, nên anh phải vào đây. Cái vươn lên của anh dù có cao tới mấy, cũng chỉ dừng ở mức không để ai dám bắt nạt anh trong tù.

Quang Anh thở dài:

– Cũng do hoàn cảnh xô đẩy hết mày ạ. Nhưng nếu hai anh của mày không làm điều gì sai, sao lại phải vào tù? Còn nếu các anh của mày vi phạm pháp luật, thì đương nhiên phải tù. Người nào như vậy cũng tù hết. Cái đấy là do mình làm mình chịu, sao lại đổ cho trời?

Linh cãi:

– Anh nói thế nào ấy chứ, thiếu mẹ gì thằng vi phạm pháp luật mà vẫn sống nhởn nhơ ở ngoài kia? Đi tù là do số anh ạ. Như em chẳng hạn, bản chất hiền lành, tử tế, không bao giờ đánh ai. Thế rồi một buổi chiều bạn bè rủ đi uống mấy cốc bia… Nhoằng một cái, biến thành thằng giết người. Chẳng phải số là gì? Mà số này, “thầy” đã phán trước cả năm… Nói thật với anh, trước khi xảy ra chuyện, em cũng không tin “thầy”. Mình là con nhà cán bộ, có thằng nào tin chuyện mê tín dị đoan. Em không bao giờ tưởng tượng ra cảnh em phải vào tù. Nhưng giờ em tin. Em sợ hai anh của em sau này cũng gặp vận rủi. Anh xem án em có phải tử hình không? Nếu chưa đủ, em sẽ gây thêm một vụ nữa. Em tình nguyện gánh hết vận hạn cho hai anh của em. Nhà em, anh em thương nhau lắm.

Thấy Linh nói gở, Quang Anh mắng át nó:

– Thằng ngu, đừng nói nhảm. Tội mày kiểu gì cũng có án. Nhưng do mày bị kích động, bị đánh nên tự vệ, giết người không chủ ý. Mày lại có bố làm to, tao đoán cũng chỉ năm đến mười năm là cùng… Sau còn ân xá nữa, cũng chẳng mấy. Thôi, cố gắng mà chịu đựng. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Đừng nghĩ quẩn.

Mặc dù dạy dỗ Lê Trung Linh như thế, nhưng Quang Anh cũng cảm thấy băn khoăn. Từ nhỏ, bố mẹ, các chú các bác trong khu tập thể, cùng với nhà trường vẫn dạy nó không được tin vào thần linh, thầy số và những trò mê tín dị đoan. Tất cả chỉ là may rủi và bản lĩnh con người.

Mẹ kiếp, nếu ngày đó xe đạp của Bích không hỏng, nếu Bích không tình cờ nhờ thằng Hùng chở tới trường Xã Đàn, nếu khi chạy thằng Hùng không đánh rơi cặp, chắc gì công an đã lần ra chúng nó…? Nếu vào đây nó không liều mạng chiến đấu, nó làm gì có cuộc sống đầy đủ trong tù như hôm nay?

Trong thời gian bị giam, ngoài mấy ngày bị nhốt chung với Bích, chỉ có một lần duy nhất Quang Anh gặp người khu Nam Đồng trong tù.

Một tối, vừa ăn cơm xong thì có một phạm nhân mặc chiếc áo bộ đội vải Tô Châu mới tinh nhập phòng. Đám em út tiến hành màn chào hỏi. Thằng này khai nhà ở Ô Chợ Dừa. Nhưng hỏi nhà chỗ nào của Ô Chợ Dừa thì nó ấp a ấp úng. Cho là nó gian dối, hai thằng được giao nhiệm vụ “trực nhật” hôm đó, một thằng bẻ quặt tay nó ra sau, một thằng dùng cườm tay chặt vào cổ họng. Thằng mới đến có vẻ dân học võ. Mỗi lần bị đánh tới, nó cúi gập mặt xuống, đưa cằm chịu đòn, né cú đánh vào cổ họng. Quang Anh đang bị cùm vì tội đánh nhau trong tù hôm trước, nằm co ro trong góc phòng, liếc nhìn cái mồm đầy máu của thằng tù mới, bảo Lê Trung Linh:

Tác giả: