Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Sau bao nhiêu năm sống trong gia đình, chưa bao giờ Việt thấy ba mình cáu. Nó là người gây ra tội, nhưng ông lại cảm thấy mình có lỗi. Một thời gian dài, Việt cứ thắc mắc không hiểu sao ba không bao giờ đánh mắng mình như những nhà khác, dù nó mắc cơ man là tội?

Một đêm, má Việt khe khẽ rầy ba nó không quan tâm đến con, để cho Việt theo bạn bè chơi bời lêu lổng, vác dao vác búa đánh nhau. Ba Việt thở dài, nói rất khẽ, nhưng nó vẫn nghe rõ mồn một: “Chưa đầy một năm nữa, con nó sẽ nhập ngũ, rồi ra chiến trường. Chiến tranh phía trước còn ác liệt lắm, chẳng biết thế nào. Cũng phiên phiến thôi bà ạ… Nếu con nó không làm điều gì quá đáng, hãy bỏ qua cho con nó vui…”

Tuy vậy, hôm sau, lúc chỉ có hai bố con, ba Việt cũng nói với nó: “Ba chuẩn bị đi chiến dịch, lần này chắc khá lâu. Ba cảm thấy không an lòng nếu ở nhà con cứ tiếp tục đánh nhau, bị công an bắt. Con hãy cố gắng phấn đấu để trở thành một người con ngoan trò giỏi, một công dân có ích cho xã hội, và là chỗ dựa cho ba má lúc tuổi già”. Việt ngồi lặng lẽ lắng nghe. Nó xúc động, mắt rơm rớm vì sắp phải xa ba một thời gian dài. Ở khu Nam Đồng, những chuyến công tác vào chiến trường luôn có thể là chuyến đi cuối cùng của các ông bố. Nhưng đến khi ba nó nói: “Con chẳng cần trông vào đâu xa, ba muốn con phấn đấu được như bạn Hòa. Nó chẳng bao giờ đánh nhau” thì tí nữa Việt phá lên cười. Chẳng hiểu sao, lần nào nó cùng Hòa tham gia đánh nhau, chỉ toàn nó bị bắt. Số nó đúng là quá đen.

Bích thì luôn tỏ ra hãnh diện là năm năm nay không bị bố mắng vì ngần ấy thời gian, nó có nhìn thấy mặt bố đâu. Bố nó đang chiến đấu tận bên Lào. Suốt cuộc đời quân ngũ, hầu như lúc nào bố nó cũng ở những điểm nóng của chiến trường, một vài năm mới kết hợp công tác, tạt qua nhà mấy hôm. Nghe giọng Bích hỉ hả, Ngọc trề môi: “Thế mà cũng hãnh diện. Tao đây mới là người không bao giờ bị bố mắng!”. Mặc dù Ngọc đùa, nhưng nhìn mắt nó thấy buồn rười rượi.

Thực ra, trong khu cũng có nhiều đứa mang những nỗi buồn thẳm sâu chẳng kém gì Ngọc. Đó là Phúc. Phúc sống suốt tuổi thơ không biết tin ba. Mười năm đằng đẵng, mỗi khi thấy bác đưa thư là nó lao ra ngóng. Má nó hỏi, các chú nói ba được xếp vào diện “mất tích”. Có thể ba bị bắt làm tù binh. Nếu thế phải chờ chiến tranh kết thúc, hoặc chí ít cũng phải tới khi đình chiến và trao đổi tù binh mới biết. Cũng có thể ba lạc đơn vị, được biên chế vào đơn vị mới và nhận nhiệm vụ đặc biệt gì đó trong lòng địch, nên không báo tin về gia đình. Một thời gian dài, rất dài, nó và cả nhà sống trong lo âu phấp phỏng. Mỗi khi đột nhiên nghe vang lên tiếng khóc, tiếng la từ một tầng nhà nào đó vọng lại, nó biết lại có một ông bố không trở về. Hy vọng mong manh cũng là hạnh phúc. Như thế, hàng đêm nó vẫn có ba trong những giấc mơ để tâm sự, để đợi chờ.

Nhưng ba Phúc không bao giờ trở về.

Trận đánh trường Xã Đàn

1

Không tán được Hà, nhưng Ngọc mỗi ngày một thân thiết với em Liên hơn. Liên càng lớn càng xinh, không có lúm đồng tiền duyên dáng như chị, nhưng cổ cao da trắng, khuôn mặt đoan trang. Đính bảo Ngọc: “Đúng là mèo mù vớ được cá rán”. Hòa bênh: “Là duyên trời định thôi”. Hỏi Ngọc mọi chuyện tới đâu, nó ấp úng: “Má tao đồng ý cho tao viết đơn xung phong đi bộ đội rồi, chưa thổ lộ vội. Đợi ngày về sẽ tính”. Hoàng dọa: “Không được. Phải rõ ràng để em nó còn chờ đợi. Nếu mày không nói gì, nó sẽ coi mày như anh trai. Em Liên rất xinh. Nếu mày không có ý định đặt vấn đề thì để tao”. Ngọc đỏ mặt: “Không được!”. Đính đe: “Từ giờ đến trước ngày nhập ngũ mà không thổ lộ là ở nhà tao cướp đấy”.

Hôm vừa rồi, em Liên mách nó dạo này em liên tục bị một thằng học lớp 10 ở trường Xã Đàn, tên là Dương, chọc ghẹo lỗ mãng. Ngọc dỗ mãi em mới chịu dẫn Ngọc tới gần cổng trường, chỉ mặt. Ngọc bảo: “Em cứ yên tâm. Anh chỉ cần đọc một câu thần chú là nó không bao giờ dám trêu em nữa”.

Thấy bọn Hòa, Khanh vừa mới vào Đoàn, Ngọc quyết định tự mình giải quyết việc này. Nó rủ Bích. Hai thằng chở nhau trên cái xe Vĩnh Cửu cởi truồng của Ngọc đi tới trường Xã Đàn. Gì chứ xử lý một thằng Dương này quá đơn giản. Tới đê La Thành, hai đứa gặp một bác lớn tuổi đi ngược chiều, chặn lại: “Phía trước có mấy thằng mất dạy vừa trấn lột mũ cối của một anh đi đường. Tôi thấy chú này có cái mũ cối mới quá, nên tránh đi, đừng lên hướng đó kẻo nó cướp mất”. Bích cười: “Cháu chưa bao giờ gặp cướp nên cũng muốn tới đó để xem mặt mũi chúng nó thế nào”. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, trẻ măng của Bích, bác kia lắc đầu. Gần tới cổng trường Xã Đàn, Ngọc và Bích bị chín thằng lộc ngộc, ùa ra chặn xe, bắt nộp mũ. Bích bảo Ngọc: “Mày giữ xe, đứng yên nhé”. Nó lấy tay trái nhấc mũ khỏi đầu, lễ phép hỏi: “Mũ em đây. Em phải nộp cho anh nào?”. Hai thằng tiến đến. Một thằng chìa tay ra nhận chiếc mũ cối. Bích tay trái đưa mũ cho một đứa, tay phải lẹ làng rút chiếc lê CKC ba cạnh ở cạp quần, quật ngược đánh chát vào mặt thằng còn lại. Sau đó, nó thu lê lại, chĩa ngay vào cổ thằng cầm mũ. Thằng này mặt như chàm đổ, lập cập buông rơi chiếc mũ. Bích một tay túm tóc, tay kia vẫn dí lưỡi lê vào cổ, quát: “Tám thằng kia, xếp thành một hàng, không tao đâm thủng cổ thằng này!”. Tám đứa nhìn nhau, líu ríu xếp thành một hàng dọc. Bích thả thằng đang giữ ra, bắt xếp xuống cuối hàng. Nó nhặt chiếc mũ cối đội lên đầu, lần lượt tát mỗi đứa một cái cho chừa thói cướp giật. Ngọc nhận ra thằng bị vụt vào mặt là Dương, nó tiến lại, vỗ vai: “Tội ăn cướp của tụi mày hôm nay xử tạm thế, cho về! Riêng thằng này đứng lại”. Vết lê Bích quật khá mạnh, vừa nhìn đỏ ửng đã tím bầm lại, máu từ vệt tím bắt đầu ứa ra. Ngọc hỏi: “Mày tên là Dương phải không? Em gái tao là Liên, ở Khu Nam Đồng. Nếu mày còn trêu nó nữa thì cứ mỗi lần trêu là một nhát lê vào mặt như vừa rồi, nhớ chưa?”. Dương lấm lét, gật đầu. Bích nói: “May quá, gặp đúng thằng cần tìm! Từ giờ không được trêu ghẹo em Liên nữa. Nhớ chưa? Tát thêm một cái cho cân, để mà nhớ nhé!”. Nói đoạn nó vả một cái thật kêu vào má bên trái thằng kia, chẳng biết có cân không vì không nhớ lúc trước mình tát vào má nào? Dương mắt nảy lửa, nhưng ghê cái lưỡi lê sáng loáng trong tay Bích, không dám phản ứng gì. Lúc về, Ngọc bảo Bích: “Mày lúc nào rút lê ra cũng thấy máu, kinh bỏ mẹ!”. Bích hỏi: “Không rút lê ra thì sao chín thằng đó chịu đứng yên để cho mình tát mười cái vào mặt?”

2

Sau này nghĩ lại, mọi người nhận thấy mỗi trận đánh lớn của khu Nam Đồng giống như một cái đèo cao. Trước đèo cao, bao giờ cũng có một cái đèo nhỏ, hoặc chí ít là một con dốc. Trận đánh nhau của Bích và Ngọc ở cổng trường Xã Đàn hôm đó chính là một cái đèo nhỏ dẫn tới một cái đèo cao, rất cao. Nhưng sáng hôm ấy, không ai nghĩ ngay sau đó sẽ diễn ra trận đánh dữ dội nhất của Quân khu Nam Đồng.

Một tuần trôi qua, mọi chuyện rất yên ả, cái yên ả chết người của một cơn giông tố sắp ập tới. Không đứa nào chặn đường trêu Liên nữa. Ngọc cũng nghĩ là chúng nó sợ, nhưng không phải. Chúng nó âm thầm theo dõi Bích và Ngọc. Nhất cử nhất động của hai đứa đều bị đưa vào tầm ngắm. Bọn bị Bích tát trước cổng trường Xã Đàn thực ra không đáng ngại, nhưng Dương, đứa bị quật lê vào mặt, có anh ruột vừa đi tù về. Thằng này cầm đầu một băng trộm cướp ở Ô Chợ Dừa. Nó biết tiếng Quân khu Nam Đồng, nhưng vẫn cho rằng so với băng cướp chuyên nghiệp của nó, bọn Nam Đồng chỉ là một lũ nghiệp dư. Có lẽ nó thận trọng vì nghe kể về sự dữ dằn của Bích với lưỡi lê CKC ba cạnh nên chưa xuống tay với Bích. Do đó, Ngọc trở thành nạn nhân của một trận phục thù theo kiểu đánh hội đồng. Ngọc bất tỉnh trong viện hai ngày.

Khi Ngọc tỉnh, đã thấy Bích ngồi bên cạnh từ bao giờ, mặt sắt lại. Bích trao đổi ngắn gọn vài câu, xác định lại đối tượng một lần nữa cho chính xác rồi đi ngay. Bọn Khanh, Hòa, Đính, Hoàng không hề hay biết chuyện này. Hôm đó là ngày mùng 6 tháng Mười một năm 1974.

So với bọn trong khu Nam Đồng, về “dũng” có thể nói Bích chẳng kém ai, nhưng nó có một nhược điểm đã nóng lên là hành động ngay, không thèm quan tâm đến hậu quả, và tệ nhất là nó không bao giờ tổng kết, rút kinh nghiệm để tránh sai lầm cũ. Trận đánh trường Xã Đàn, Bích đã lặp lại toàn bộ những sai lầm của trận đánh trường Trưng Vương. Thứ nhất, là không giữ được tính bất ngờ. Thứ hai, hành động ngược hoàn toàn với nguyên lý đánh trận: Dùng số ít đánh vào số đông đã được phòng bị, ngay trong hang ổ của chúng. Thứ ba, là để lộ mặt, dễ bị công an lần ra. Và thứ tư, hoàn toàn không biết một tí gì về đối phương, một lũ trộm cướp chuyên nghiệp, có tổ chức. Bọn này sau khi đánh Ngọc, vẫn cử người theo dõi ở bệnh viện. Khi Bích về khu Nam Đồng tập hợp lực lượng, chúng đã thông báo cho nhau chuẩn bị sẵn sàng. Bích quá tự tin nên đã dẫn cả bọn sa vào cái bẫy được giăng ra sẵn.

Trong trận đánh trường Xã Đàn, phía Nam Đồng có chín người: Bích, Khả Trung, Tân Thời, Tùng Tán, Tuấn Mím, Quang Anh, Dũng Chột, Phúc và đặc biệt là Anh Dũng, anh trai của Anh Sơn, vừa từ đơn vị ở Lào về. Tới gần trường Xã Đàn, lốp chiếc xe đạp Bích chở Quang Anh bị xuống hơi. Nó dừng lại bơm thì phát hiện xăm bị thủng, đành gửi lại hiệu sửa xe để vá. Vừa lúc, thấy thằng Hùng học cùng trường đi ngang qua, Bích nhờ nó chở cả hai tới cổng trường Xã Đàn. Không biết có phải số trời sắp đặt hay không, nhưng việc Bích gọi Hùng đi theo, sau này trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc nó bị bắt.

Tác giả: