Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Trận đánh trường Trưng Vương

Mặc dù trận đánh nhau với bọn Hảo Bẹt, khu Nam Đồng có ba người bị bắt, nhưng không vì thế mà giảm đi sự phấn khích. Mấy buổi chiều liền, cứ bốn, năm giờ là cả bọn lại tụ tập ở đầu Nhà 1, bàn về trận chiến này. Vẫn như mọi khi, Hưng Sứt, người không hề tham gia, là đứa tổng hợp đầy đủ nhất diễn biến trận đánh với những tình tiết gay cấn và ngày càng li kỳ, làm người nghe có cảm giác mọi tình huống đều có mặt nó. Bọn trực tiếp đánh nhau như Hà Tư, Bích, Quốc Tẩm, Ngọc, Minh… cũng phải há hốc mồm, không hiểu có thực mình oai hùng như thế không. Hoàng nghe Hưng Sứt kể đi kể lại, mỗi hôm bốc phét thêm một tí, ngứa mồm nói: “Ông có tham gia đánh cái nào đâu mà nói như thật!”. Hưng Sứt đỏ mặt. Hòa giật áo Hoàng, nói nhỏ: “Ông có biết tại sao gọi nó là Hưng Sứt không? Không phải vì sứt răng, sứt môi, mà là sứt mồm. Kệ nó! Ở đời mỗi người một nghề, con phượng thì múa, con nghê thì chầu. Hưng Sứt là phóng viên mặt trận, cứ để nó nói”. Thấy Hoàng vẫn còn cau có, Hòa nói nhỏ vào tai nó: “Mình là gà chọi, nó là gà trống thiến, để nó gáy cho vui”. Hoàng không tán thành. Nó bảo gà trống thiến chỉ kêu khẹc-khẹc chứ đâu có gáy, phải gọi Hưng Sứt là gà trống choai. Hòa tiên đoán, với tài hùng biện của mình, Hưng Sứt sau này thể nào cũng trở thành diễn viên điện ảnh, hoặc chí ít là một phóng viên chiến trường, chuyên đi mô tả các trận đánh nhau.

Những đứa bị bắt kiên quyết không khai ai, chỉ một mực nói chẳng hiểu sao vừa ra đến cổng trường bị một bọn nhảy vào đánh nên đánh lại. Công an không có nhân chứng, cũng chẳng có người bị hại (bọn bị thương vào bệnh viện Đống Đa băng bó xong lần lượt bỏ đi hết), nên sau khi nhốt hai ngày, đành phải thả chúng ra. Riêng Đôn Sẹo do bị thương được đưa vào Quân y viện 354, khâu năm mũi ở đầu. Thấy công an gửi giấy triệu tập, bố nó vào bệnh viện xin giấy chứng nhận nó đang phải tĩnh dưỡng để điều trị, vì bị chấn thương sọ não. Do đó, nó không phải ra đồn công an. Dù vừa khâu xong, đầu còn quấn băng, Đôn Sẹo đã đá bóng ầm ầm.

Tuy trận đánh đó bất phân thắng bại, nhưng bọn Hảo Bẹt đi đâu cũng tuyên bố thắng trận. Mà tự hào cũng đúng.

Xưa nay làm gì có băng nhóm nào dám đến cổng trường Đống Đa để đánh bọn Quân khu Nam Đồng. Nam Diễm kể với Bích: Hảo Bẹt bảo tiếc rằng hôm đó còn thiếu anh Hai, biệt động Thành. Nếu anh Hai có mặt, chắc phải một chục thằng khu Nam Đồng đo ván tại chỗ. Hà Tư và Bích hậm hực, bàn với Việt sang tìm Hảo Bẹt đánh tiếp, không cho nói tung tung, làm tổn hại danh tiếng Quân khu. Hòa không tán thành: “Giai đoạn này phải lặn thật sâu, vì cả nhà trường và công an đều đang theo dõi chặt. Trả thù thiếu gì lúc”. Bích có vẻ không thoải mái, nhưng thấy Hòa nói thế, nó không ý kiến nữa.

Mấy ngày sau, Nam Diễm báo cho Bích, có một thằng tham gia “Trận đánh cổng trường” là học sinh Trường cấp ba Trưng Vương, cùng quê với Hảo Bẹt, học buổi chiều, ngồi đúng ở lớp Bích học buổi sáng, trên tầng ba dãy nhà bên trái nhìn từ ngoài vào. Nam Diễm hay la cà với tụi Hảo Bẹt nên khá thạo tin. Khi đó, Bích đang đá bóng cùng Hà Tư, Thái Đen, Anh Sơn, Tiến Thọt, Quốc Tẩm, Minh và Ngọc. Bích rủ cả bọn bỏ đá bóng, lên trường Trưng Vương xem mặt. Trong giờ học, trường Trưng Vương khóa cổng. Bích và Nam Diễm nhảy qua tường sân bóng phía sau để vào. Cái thằng mà Nam Diễm chỉ cho Bích cao lớn, tóc bóng mượt, chải ngược về phía sau. Xung quanh nó có bốn năm thằng tóc cũng mượt như thế, chắc bôi bằng kem nẻ va-dơ-lin loại năm hào một hộp ngoài chợ. Nam Diễm gọi bọn này là hội “Cụ Mượt”. Bọn chúng đều là con em cán bộ miền Nam tập kết, nhưng chỉ có một thằng theo hội Hảo Bẹt đến đánh nhau trưa hôm trước. Bích cười nhạt, nghĩ bụng sớm muộn gì cũng phải cho thằng này no đòn. Một thằng ranh con trường Trưng Vương mà dám tham gia đánh bọn Quân khu Nam Đồng ngay tại cổng trường Đống Đa thì đúng là không biết trời cao đất dày là gì. Nó vòng đi vòng lại hai ba lượt để nhớ kỹ mặt, rồi vượt tường ra. Nghe Bích kể, Hà Tư bảo: “Có một thằng nhóc con, tiện thể đã đến đây, đánh bỏ mẹ nó đi chứ còn đợi đến lúc nào nữa. Không hiểu thằng cu này lên mấy mà dám đến tận trường Đống Đa đánh Quân khu Nam Đồng?”. Vừa lúc đó, trống ra chơi nổi lên. Bích đồng ý đánh luôn. Nó bảo Anh Sơn cho mượn lưỡi lê. Anh Sơn nói: “Có một thằng bé con, việc gì phải dùng lê”. Quốc Tẩm nói: “Nhưng trong lớp nó có bao nhiêu người”. Anh Sơn cười nhạt: “Nếu mày sợ thì đứng ngoài này, để tao với Tiến tay không vào đánh cả lớp chúng nó cho mày xem. Nam Diễm đi theo chỉ mặt!”. Bích nổi máu sĩ diện: “Thôi, không cần đến Anh Sơn với Tiến Thọt. Chuyện nhỏ này để tao!”. Nó còn ra vẻ anh hùng, đưa lại chiếc mũ cối cho Anh Sơn để chứng tỏ chỉ đi hai tay không. Bọn Hà Tư, Quốc Tẩm, Ngọc, Minh đi cùng Bích. Thái Đen ở lại. Tính Thái Đen vốn kẻ cả, cho rằng đánh có mấy thằng vớ vẩn, đi đông là mất thể diện.

Tới tầng 3, Bích chỉ thằng “Cụ Mượt” cao to nhất đang đứng giữa lớp. Năm thằng nhảy vào đánh. Nhưng cả bọn không tới được chỗ “Cụ Mượt”, vì một loạt ghế băng từ các dãy bàn được lao ra chặn chúng lại. “Cụ Mượt” và bốn thằng nữa nhảy lên bàn, vác những thanh giằng ghế bằng gỗ đánh trả. Lạc giữa vòng vây, lại bị cả lớp chúng nó chủ động quây lại đánh, bọn Bích thất thế ngay từ đầu. Số là khi Bích và Nam Diễm vòng đi vòng lại, bọn 10C trường Trưng Vương đã bảo nhau: Tụi này đi lòng vòng nhận mặt thế này, kiểu gì cũng đánh nhau. Riêng “Cụ Mượt” nhận ra Bích là dân Quân khu Nam Đồng qua bộ quần áo bộ đội và đôi dép đúc. Nó đoán ngay bọn này đến trả thù chuyện hôm trước nó tham gia với Hảo Bẹt. Thế là bọn chúng rủ nhau tháo sẵn thanh giằng và chân ghế làm vũ khí. Chúng nó đông, lại đánh giáp lá cà nên bọn Bích không xoay trở được. Dép, cặp, lọ mực ném ào ào vào năm đứa. Các loại gậy và thước vụt vào đầu, vào mặt chúng tới tấp. Bích, Hà Tư bị năm sáu thằng quây lấy, đấm đá túi bụi. Minh cũng không mang theo vũ khí, nhưng nó đi đôi dày da trâu, loại vứt xuống ao ngâm ba tháng không mềm, nên nghiến răng chịu đau, nhảy vào đá loạn xạ để giúp Bích và Hà Tư, nhưng nó cũng nhanh chóng bị đánh ngã. Bọn lớp 10C trường Trưng Vương cậy đông, có nhóm cầm đầu là bọn “Cụ Mượt”, lại sĩ diện trước đám con gái trong lớp, nên đánh rất dữ. Quốc Tẩm bị một thằng ôm chặt từ phía sau cho bọn còn lại đánh không tiếc tay. Ngọc cầm chiếc xanh-tuya-lông to bản, bất kể sống chết, lăn xả vào quật loạn xạ, nhờ đó Quốc Tẩm rảnh tay rút được chiếc búa trong bụng. Nó vùng vẫy, quật ngược chiếc búa ra phía sau, trúng đầu “Cụ Mượt”. Tuy lực đánh không mạnh, nhưng cũng đủ làm thằng này buông ngay Quốc Tẩm ra, đổ ụp xuống. Quốc Tẩm vụt trái, vụt phải như thằng điên vào bọn đang quây đánh Hà Tư, Minh và Bích. Khi đánh ở cự li gần, chiếc búa trong tay một thằng cùng đường phát huy tác dụng rất lớn. Nhân lúc bọn Trưng Vương dãn ra, Bích vồ lấy thanh gỗ trên sàn vung loạn xạ, mở một lối thoát. Năm thằng tháo chạy. Đây là lần đầu bọn khu Nam Đồng bỏ chạy khi đánh nhau. Ra đến sân bóng, gặp bọn Anh Sơn, Tiến Thọt, Thái Đen vừa vượt tường nhảy vào. Tiếng kẻng báo động và còi của bảo vệ trường Trưng Vương vang lên liên tục. Bích mắt trái tím bầm, mồm đầy máu, người run lẩy bẩy, không đủ sức bám vào tường để nhảy ra. Anh Sơn ở trong ủn đít, Tiến Thọt ở ngoài kéo tay, đưa Bích qua. Thái Đen và Nam Diễm hỗ trợ bọn còn lại vượt tường, chạy bán sống bán chết.

“Cụ Mượt” cùng thằng lớp trưởng được đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Chúng phải điều trị gần chục ngày ở bệnh viện Đống Đa, đầu khâu nhiều mũi. Nhát búa Quốc Tẩm quật ngược ra đằng sau lúc bị ôm, mà Quốc Tẩm mô tả là rất nhẹ, đối với cái đầu bóng lộn của “Cụ Mượt” lại quá nặng.

Giảng hòa

Hai tuần sau, khi tan học về đến Đình Nam Đồng, Bích bị “Cụ Mượt”, đầu vẫn quấn băng và một anh mặc quần áo màu cỏ úa, đội mũ tai bèo, chặn lại. “Cụ Mượt” hất hàm bảo Bích: “Ê, thằng kia, đứng lại. Tao muốn nói chuyện!”. Nghe cái giọng trịch thượng, Bích nóng mắt, hạ mũ cối trên đầu xuống vụt luôn. “Cụ Mượt” né được, đấm một quả vào mặt Bích. Bích buông mũ, thò ngay tay vào bụng rút lưỡi lê. Nhưng chỉ trong một tích tắc, nó đã bị quật ngã lộn, lê tuột khỏi tay. Bích chưa kịp định thần đã thấy một vật nhọn và lạnh gí vào cổ mình. Nó ngơ ngác nhìn anh đội mũ tai bèo đang đè đầu gối lên ngực nó. Từ ngày đánh nhau, chưa bao giờ chỉ bằng một đòn mà nó thua trắng như vậy. Mắt Bích vằn đỏ, hằn học. Nhưng anh mũ tai bèo đã đỡ nó đứng dậy, đặt cán chiếc lê AK vào tay nó, giọng nhỏ nhẹ: “Tôi chỉ muốn nói chuyện với bạn, không muốn đánh nhau. Bạn có thể vào trong này nói chuyện được không?”. Nói xong, anh ta quay lưng, thản nhiên đẩy cánh cổng sắt Đình Nam Đồng, đi vào, cái kiểu cho thấy nếu các bạn muốn đánh nhau thì vào cả đây cũng chẳng sao. “Cụ Mượt” lách cửa vào theo.

Bích vuốt lại quần áo, dắt lưỡi lê AK vào lưng, hất hàm bảo bọn Việt ở phía sau vừa tới và cũng kịp chứng kiến tất cả: “Bọn mình vào nói chuyện tử tế với hai thằng này”. Hòa nói: “Nó đã chủ động vào một nơi không có lối thoát, không ngại tất cả bọn mình kéo vào là nó đã có chuẩn bị. Hãy cẩn thận”. Quốc Tẩm thì thào: “Trong lúc nó cúi xuống đỡ Bích, áo bị vén lên, tao thấy một khẩu súng giắt ở cạp quần”. Việt ngần ngừ: “Hay là không vào? Bọn mình chơi sao được với súng?”. Bích bảo: “Không vào thì hèn quá. Quang Anh đưa cái lê CKC cho Việt. Việt vào với tao. Nếu nó rút súng ra là phải xử ngay, không để nó kịp bắn”. Việt cầm lưỡi lê từ Quang Anh, giấu trong ống tay áo, toan lách cửa bước vào thì Hòa cản lại: “Để tao!”. Việt nhìn Hòa, thoáng ngạc nhiên. Nếu đánh nhau là một trận bóng đá thì Hòa giống như thủ môn, thế mà lúc căng thẳng này nó lại đòi lên đá tiền đạo. Nhưng thái độ của Hòa có gì đó khiến Việt không thể phản đối. Nó lặng lẽ lùi lại, xoay lưng về phía sân đình, để lưỡi lê nhô ra khỏi ống tay áo, ra hiệu cho Hòa đỡ lấy. Hòa lắc đầu: “Khỏi cần!”. Mọi người thấy Hòa đi vào hai tay không đều lo. Việt cũng hơi lạ. Tính Hòa xưa nay cẩn thận. Chính nó vẫn nói: “Khi đánh những trận quan trọng, nên mang theo vũ khí, không phải dùng đến là tốt, nhưng khi cần dùng là có ngay!”. Thế mà lúc này, nó từ chối mang lưỡi lê khi vào nói chuyện với một thằng có súng? Rõ ràng Hòa đi tay không, nhưng chẳng hiểu sao Việt cứ lởn vởn trong đầu ý nghĩ nó có dắt đâu đó trong người một con dao nhỏ nhưng sắc, nhọn. Hòa bước qua cánh cửa, còn lấy xích quấn lại mấy vòng, ngụ ý bảo bọn ở ngoài đừng vào, để nó với Bích giải quyết. Bích nhìn Hòa, chẳng nói gì, lặng lẽ đi vào sân.

Tác giả: