Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Làm bạn với bọn Quân khu Nam Đồng bao nhiêu năm, Hoàng Yến chẳng lạ gì những buổi đi chơi kèm theo đánh đấm, thậm chí còn thấy chuyện đó vô cùng lãng mạn. Hai đứa dắt nhau ra bờ biển ngồi. Có lẽ do Hà Tư sắp đi xa, có lẽ do lâu ngày không gặp, có lẽ do còn nhiều cảm xúc sau trận đánh, hay do cái lạnh của gió biển và sự ngát hương của những bông hoa… hai đứa đều cảm thấy hồi hộp. Bao nhiêu lời nói chuẩn bị từ mấy hôm nay của Hà Tư bay đâu hết. Vì vậy, thay cho việc tỏ tình bằng ngôn ngữ, nó thổ lộ bằng hành động, tất nhiên là trong khuôn khổ. Khi thấy mọi sự xảy ra rất tự nhiên, và cảm xúc vô cùng tuyệt vời, nó tự trách mình sao không tỏ tình sớm hơn? Hoàng Yến thỏ thẻ: “Yến mong Hà không bao giờ quên Yến”. Hà Tư đáp: “Không bao giờ quên!”. Hoàng Yến nói: “ có nghĩa là sông. Liệu khi dòng nước lớn đổ ra biển rộng, Hà có còn nhớ đến Yến?”. Ở khu Nam Đồng, Hà Tư thuộc loại đẹp trai nhất nhì, lại lắm tài lẻ. Nó chơi đàn cực hay, đá bóng cũng cừ. Nhưng ở đời, tài năng và vẻ đẹp của đàn ông không đồng nghĩa với việc nói năng nho nhã. Nó trả lời: “Hà là sông nên không bay đi đâu được. Chỉ Yến là chim mới có cánh để bay”. Hoàng Yến dứ dứ tay vào trán nó, nhõng nhẽo: “Nếu Hà không phụ Yến, Yến sẽ tình nguyện cắt cánh, để mãi mãi bên Hà”. Hà Tư cười hì hì: “Có chắp thêm hai cái cánh nữa cũng chẳng bay được”. Thấy Hoàng Yến tỏ vẻ ngạc nhiên, nó giải thích: “Vì nặng phao câu quá!”. Hai đứa đấm nhau thùm thụp. Thế là xong màn tỏ tình. Nhìn chiếc đồng hồ Pôn- dốt, thấy sắp đến giờ điểm danh, Hà Tư hốt hoảng kéo Hoàng Yến cắm đầu cắm cổ chạy về đơn vị. Đêm đó Hoàng Yến ngủ một mình ở nhà khách của Hải Quân. Để xin cho nàng vào đây ngủ, Hà Tư phải báo cáo với đơn vị: Hoàng Yến là vợ “sắp cưới” lên thăm.

3

Trong lúc Hà Tư và Hoàng Yến đang say đắm trong tình yêu, Anh Sơn lặng lẽ ngồi trên đống đá phía ngoài khu tập thể Ngân hàng, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc kia, lòng buồn tê tái.

Trời mùa đông. Gió lạnh. Sương đêm như một cái lồng bàn khổng lồ úp xuống cổng khu. Ánh trăng mờ xuyên qua màn sương càng làm cho cảnh vật trở nên lạnh lẽo. Anh Sơn nhớ lại rằm Trung thu năm 1973. Khi cả bọn bắt đầu phá cỗ trên bể nước Nhà 2 thì nó ôm bụng, quằn quại. Hà Tư phải đưa nó về tận cầu thang Nhà 1. Khi bóng Hà Tư vừa khuất, Anh Sơn lập tức lộn lại, lẻn ra phía Ao Ông Thử, men theo hội trường, lách mình trong bóng tối như một chiến sĩ đặc công, đi nhanh ra đống đá cổng khu tập thể Ngân hàng. Buổi chiều nó đã hẹn với Lệ Dung. Lần hẹn hò đầu tiên. Trăng sáng vằng vặc. Hai đứa tay trong tay, đã mấy lần nói câu từ biệt rồi lại dùng dằng.

Anh Sơn về tới nhà sau lúc nửa đêm. Má vẫn còn thức.

– Sao về muộn thế con?

– Dạ, bọn con phá cỗ Trung thu ở Nhà 2, bị mấy thằng thanh niên ngoài phố vào gây sự. Hai bên đánh nhau, nhưng chúng có vũ khí nên bọn con đánh không nổi. Chúng đuổi con xuống tận Ngã Tư Sở…

Ở nhà Anh Sơn, việc nó đánh nhau từ lâu đã không bị coi là một cái tội. Má nó quá quen với việc nó đánh nhau, bị bắt, bị “bêu dương” trước toàn trường và mời ba má – mà chủ yếu là má vì ba hầu như ở chiến trường – tới gặp giáo viên chủ nhiệm. Anh Sơn kéo chiếc áo bộ đội mà trước khi về nó đã lấy dao đâm thủng một lỗ cho má xem:

– Con bị chúng nó đâm rách cả áo. May mà không thủng bụng.

Anh Sơn tưởng má sẽ vùng dậy xem, nhưng má vẫn nằm trong màn, thủng thẳng:

– Con đi chơi với Lệ Dung mà cũng mang dao theo à?

Anh Sơn chột dạ, không biết má phát hiện được gì. Nó nói kiểu thăm dò:

– Con mang theo dao để gọt bưởi. Bọn con ngồi phá cỗ trên bể nước Nhà 2.

– Lúc mười rưỡi, cô Tân má Lệ Dung qua đây, hỏi nó có sang chơi không? Lệ Dung xin đi phá cỗ với bạn mà tới giờ đó chưa về? Má với cô ra bể nước Nhà 2 tìm. Bọn nó bảo Dung không ra, còn con đau bụng, về từ chập tối.

Anh Sơn im re, không dám cãi, lẳng lặng chui vào màn. Má nó bảo:

– Má đã nói với cô Tân về khuyên Lệ Dung. Hai đứa còn nhỏ, tập trung vào học tập cho tốt. Chuyện yêu đương để sau này.

Lệ Dung về nhà cũng bị mẹ mắng cho một trận. Cô Tân tuyên bố từ nay cấm Lệ Dung chơi với Anh Sơn. Cô còn nói thêm: “Sau này yêu ai cũng được, nhưng không yêu thằng đấy!”. Chắc cô tự ái, cho rằng má Anh Sơn chê con gái mình. Dù là bạn bè thân thiết bao nhiêu năm, nhưng cô vẫn không thể chấp nhận việc má Anh Sơn nói vỗ vào mặt cô sẽ cấm Anh Sơn yêu Lệ Dung như thế. Từ hôm đó, cô quản con gái rất chặt. Sáng hôm sau tới trường, bọn con trai xúm vào trêu Anh Sơn về vụ nói dối, bỏ anh em, đồng đội để “lén lút đi theo tiếng gọi tình yêu”. Chuyện Anh Sơn và Lệ Dung trở nên nổi tiếng. Mỗi khi hai đứa đến gần nhau, ai cũng để ý.

Nhưng một khi Anh Sơn và Lệ Dung đã quyết yêu, mười má Trâm Anh với hai mươi mẹ Tân cùng những lời trêu chọc, đồn đoán cộng lại cũng chẳng cấm nổi. Làm sao có thể nghi ngờ cô con gái khi nó chân đi đất, mặc áo rách, quần xắn móng lợn, mang xô xuống nhà xách nước? Có lẽ cô Tân đã già, quên mất mình yêu đương thế nào ở tuổi chớm thành thiếu nữ? Hay tại cô lấy phải một ông chồng khô như ngói, suốt ngày làm theo điều lệnh và giữ nghiêm quân kỷ quân phong, nên không hiểu sức mạnh tình yêu của đàn ông, nhất là loại đàn ông “đầu gấu”? Vì vậy, trong khoảng mất cảnh giác ngắn ngủi ấy, cô đã để cho đứa con gái yêu của mình với Anh Sơn chui vào gầm cầu thang đắm đuối hôn nhau. Cái hôn đầu đời, vụng trộm nhưng ngọt ngào, còn thi vị gấp vạn lần khi người ta hôn nhau danh chính ngôn thuận.

Và cô cũng không biết, với lũ thanh niên mới lớn này, càng cấm đoán, chúng càng quyết tâm đến với nhau. Tốt nhất là cứ kệ chúng, cho yêu nhau chán đi. Với bọn trẻ, những rung động đầu đời không phải lúc nào cũng phát triển thành tình yêu bền chặt. Chỉ cần một chút tự ái, một chút hiểu lầm cũng có thể dẫn tới chia tay. Chúng quá nhạy cảm, quá mỏng manh, chúng thiếu kỹ năng và không được hướng dẫn.

Người đầu tiên làm cho mối tình đẹp như Romeo và Juliet của Anh Sơn – Lệ Dung tan vỡ chính là Hà Tư. Là chiến sỹ giao liên kiêm cán bộ kiểm duyệt, chẳng có gì giữa Anh Sơn – Lệ Dung mà Hà Tư không biết. Trước mặt anh em Quân khu, nó lớn tiếng lên án Anh Sơn chỉ giỏi hùng hổ với chiến hữu, còn với Lệ Dung thì cam chịu cho đè đầu cưỡi cổ. Tính Lệ Dung hay hờn dỗi, thích được yêu chiều. Anh Sơn hung hăng ở đâu, chứ đối với Lệ Dung nó mềm như lụa. Thấy mình nói gì Anh Sơn cũng nghe, Lệ Dung càng lấn tới. Thực ra, Lệ Dung không có ý bắt nạt Anh Sơn. Lệ Dung chỉ thú vị khi thấy Anh Sơn thực hiện đủ các loại “mệnh lệnh” oái oăm của mình và lấy làm hãnh diện vì điều đó. Có người con gái đẹp nào lần đầu yêu mà không nhõng nhẽo? Mỗi lần hai đứa cãi nhau, dù Lệ Dung sai đến mấy, người làm lành trước bao giờ cũng là Anh Sơn.

Lệ Dung không biết việc bắt nạt đàn ông, dù nhân danh tình yêu đi nữa, cũng nên có giới hạn. Và dù đàn ông có yêu mình bao nhiêu họ cũng không công khai đặt người yêu lên trên danh dự và tình cảm anh em chiến hữu. Bị anh em phê phán kịch liệt, Anh Sơn buột miệng thề sẽ không làm lành trước nếu Lệ Dung gây sự vô lý. Tai họa đến từ đó. Lần “hờn dỗi” kế tiếp của Lệ Dung được Anh Sơn đáp lại bằng sự im lặng tính bằng nhiều tháng, cho tới tận ngày Anh Sơn đi bộ đội.

Anh Sơn đóng quân ngay Ngã Tư Sở. Nhưng sự tự ái khiến nó dứt khoát không làm lành trước. Và nó tự hỏi, vì sao Lệ Dung cố chấp đến vậy, cứ bắt nó phải hạ mình? Sao nó đã lùi cả trăm lần mà Lệ Dung không chịu lùi một lần? Anh Sơn dứt khoát nếu Lệ Dung không làm lành trước, một bước nó cũng không lùi nữa.

Anh Sơn là người cứng rắn, nhưng đêm nay, nó bỗng thấy yếu mềm. Có lẽ do biết mình sẽ xa Lệ Dung rất lâu, khi đơn vị hành quân vào Nam? Hay do ánh trăng mờ và gió lạnh? Nó cảm giác mình sẵn sàng vứt hết lời thề, danh dự để chạy đến với Lệ Dung. Nhưng nó không thể lên nhà gọi Lệ Dung được. Cô Tân đã tuyên bố không chấp nhận nó. Chỉ có Hà Tư là nó tin tưởng, là người hiểu nó, thì đêm nay lại không về.

Anh Sơn ngồi tới nửa đêm. Người lạnh cóng. Lần đầu tiên trong đời nó khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má.

Tác giả: