Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Khi Hòa chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, nó làm đơn xung phong nhập ngũ, và dành 20 năm của tuổi thanh xuân cho binh nghiệp. Cuộc đời Hòa đầy những biến cố, gai góc và ly kỳ. Ngược lại, chuyện tình duyên của nó nhẹ nhàng, lãng mạn. Mặc dù tích trữ đầy những tiêu chuẩn về “công, dung, ngôn, hạnh” trong lựa chọn bạn đời, Hòa gục ngã trước tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi chưa kịp tìm hiểu bất cứ điều gì. Người yêu của nó, một cô gái Hà Nội, dịu dàng, đoan trang, con nhà gia giáo, luôn nghĩ nó hiền lành, không biết đánh nhau, cả đời chả viết nổi một lá thư tình. Khi bọn con trai khu Nam Đồng uống rượu say, nhớ và kể về mối tình đầu, bao giờ Hòa cũng bị đuổi xuống ngồi chiếu dưới. Bọn kia cho rằng mối tình đầu là mối tình dang dở, luôn làm cho người ta nhớ nhung, luyến tiếc sau khi kết hôn. Xét trên góc độ này, Hòa không có mối tình đầu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Anh Sơn được đơn vị cử về Trường sĩ quan Không quân Nha Trang học lái máy bay. Tốt nghiệp, Anh Sơn vào Sài Gòn, công tác tại đoàn không quân 917 (trực thăng vũ trang). Xa Hà Nội, nhưng trong Anh Sơn, nỗi nhớ người yêu ngày ấy không bao giờ nguôi. Câu chuyện tình thời đi học của nó, với một cô bạn có đôi mắt rất đẹp, hay khép hờ khi nói, mái tóc dài óng ả chảy tràn trên chiếc áo nâu và làn da trắng mịn, được những người bạn đồng ngũ thuộc nằm lòng.

Ba năm trôi qua, những dòng nhật ký của Anh Sơn đầy ắp kỷ niệm về mối tình học trò lãng mạn. Những buổi giao lưu của trung đoàn với các cơ quan, trường học gần đơn vị đều không gây được ấn tượng với Anh Sơn trong khi các bạn đồng ngũ tham gia rất hào hứng. Qua các cuộc giao lưu đó, đã có vài đôi nên vợ nên chồng. Anh Sơn trở nên khó tính, lầm lũi một mình với quả bóng rổ và cuốn sổ nhỏ, xa lánh những cuộc vui có phụ nữ.

Mùa hè năm 1977 đã xảy ra một điều bất ngờ. Anh Sơn tới chơi nhà một phi công cùng đơn vị, thì gặp Tâm. Tâm đang học Đại học Ngoại thương ở Hà Nội. Qua câu chuyện, được biết Tâm cùng lớp với Lệ Dung. Anh Sơn mừng quýnh, tự nhận mình là anh họ của Lệ Dung, hỏi thăm đủ điều. Khi chia tay, Tâm nói nhỏ với Anh Sơn:

– Sao anh im lặng lâu thế? Lệ Dung vẫn chờ anh đấy.

Anh Sơn choáng váng. Mặt đất dưới chân như sụt xuống. Tâm là bạn thân của Lệ Dung. Lệ Dung đã kể hết chuyện cho Tâm. Qua ảnh Lệ Dung cho xem, Tâm nhận ra Anh Sơn ngay từ lúc mới gặp.

Mấy tháng sau, Anh Sơn được đơn vị cử đi Bungary học lái loại máy bay mới. Trước khi đi, nó được nghỉ phép hai tuần và ra Hà Nội. Sau ba năm không gặp, việc đầu tiên của Anh Sơn là tới nhà Lệ Dung. Cô Tân cho biết Lệ Dung đi thực tập ở Hà Nam, cuối tuần mới về. Sáng Chủ nhật Anh Sơn đến sớm, nhưng tuần đó Lệ Dung bận không về. Tuần kế tiếp, Anh Sơn đến thì gia đình nói Lệ Dung vừa đi. Thời gian này, trong một ngày, đạp xe cả trăm cây số, đi tìm một người ở một địa điểm không xác định là điều không thể. Anh Sơn có cảm giác cô Tân không báo cho Lệ Dung biết việc mình đến tìm. Ngày hôm sau Anh Sơn phải lên đường. Nó biết mình và Lệ Dung lại lỗi hẹn.

Buổi tối trước ngày lên đường, Anh Sơn được mẹ tiết lộ một bí mật. Bà Trâm Anh đưa cho con bức thư của Lệ Dung gửi làm lành từ ba năm trước. Lệ Dung không muốn nhờ Hà Tư vì sợ bị lộ. Bưu tá đưa thư đến buổi sáng, khi Anh Sơn vừa đi học. Bà Trâm Anh nhận thư. Không muốn con trai yêu sớm, bà giấu lá thư đi.

Anh Sơn chết lặng.

Sáng hôm sau, một ngày mùa đông lạnh lẽo, trên chuyến tàu liên vận Hà Nội – Bằng Tường, có một chàng trai lòng tê tái.

Năm 1979, Anh Sơn được nhà trường cho về phép. Nó quyết tâm sẽ tìm bằng được Lệ Dung. Nó đã đủ lớn, trải qua nhiều đau khổ để hiểu ai là người mình yêu nhất. Nó tự nhủ sẽ không thanh minh hay giải thích, mà nhận hết lỗi về mình. Vì một chuyện giận hờn không đâu, nó đã đánh mất đi năm năm tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

Có thể mọi chuyện đã khác nếu năm đó Anh Sơn gặp Lệ Dung. Nhưng lại một lần nữa chiến tranh chia rẽ hai đứa. Trước ngày Anh Sơn lên đường về nước, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Tuyến đường tàu hỏa về Việt Nam bị tắc. Đường hàng không cũng không có vé, do nhu cầu đi lại quá lớn.

Hai năm sau, Lệ Dung làm đám cưới. Trớ trêu thay, chồng Lệ Dung cũng là phi công, đóng quân ở sân bay Kép. Lệ Dung đã kết thúc bảy năm không liên lạc với Anh

Sơn bằng một mối tình chóng vánh. Trước ngày cưới, Lệ Dung lên thăm “ông xã” tương lai. “Cô dâu” tự tay vào bếp nấu nướng. Phụ giúp Lệ Dung là một phi công, bạn thân của Anh Sơn. Khi chỉ có hai người, người bạn của Anh Sơn hỏi nhỏ:

– Lệ Dung còn nhớ Nguyễn Anh Sơn không?

Đang thái rau, Lệ Dung sững người. Dao cắt vào tay. Vết sẹo sâu và dài. Máu phụt thành tia. Năm 1983, Anh

Sơn tốt nghiệp, trở về. Lệ Dung làm ở Intershop Giảng Võ. Sau câu chào, Lệ Dung hỏi, giọng lạnh tanh:

– Sơn cần gì để Dung mua cho?

Choáng váng như bị tát vào mặt, Anh Sơn gượng gạo:

– Chẳng lẽ Sơn đến chỉ để nhờ Dung mua hàng?

Lệ Dung vẫn chưa buông tha:

– Các bạn đến đây đều nhờ mua hàng cả thôi!

Anh Sơn quay đi, không cả chào tạm biệt.

Anh Sơn về Sài Gòn. Mười lăm năm sau, nó mới gặp lại Lệ Dung trong một lần họp lớp tại Hồ Trúc Bạch. Lệ Dung lặng yên cho Anh Sơn cầm tay, ngắm nhìn vết sẹo. Sơn kể cho Lệ Dung nghe về câu chuyện lá thư thất lạc. Lệ Dung ngồi lặng lẽ, mắt đỏ hoe.

Bây giờ Lệ Dung đã là bà nội, còn Anh Sơn là ông ngoại. Mỗi dịp Trung Thu, Lệ Dung lại nhận được một tin nhắn. Lá thư của Lệ Dung viết hơn bốn mươi năm trước, vẫn được Anh Sơn lưu giữ như một báu vật.

Lời kết

Hơn bốn mươi năm sau ngày những Giang, Việt, Khanh, Ngọc, Hoàng, Hà Tư, Anh Sơn, Tân Thời, Dũng Chột… dù tình nguyện hay miễn cưỡng rời mái trường cấp III Đống Đa, rời “Quân khu Nam Đồng” để khoác lên người những bộ áo lính, khu tập thể Nam Đồng dường như đã lùi dần trong ký ức các chàng trai. Trong số họ, có người dành cả đời cho quân ngũ, có người phục viên, có người chuyển ngành… Họ bươn chải, kiếm sống, lấy vợ, đẻ con, mỗi người một ngả, ít khi có dịp trở lại khu tập thể thời thơ ấu của mình.

Những thanh niên còn lại, tốt nghiệp phổ thông sau tháng Tư năm 1975 – ngày đất nước thống nhất – nhận giấy gọi vào đại học, thay cho lệnh nhập ngũ. Khi ra trường, họ tản mát khắp mọi miền. Không mấy người về ở với bố mẹ trong khu tập thể Nam Đồng. Một căn phòng mười mấy mét vuông, tới một lúc nào đó, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu sống của hai, ba thế hệ.

Khu tập thể Nam Đồng cũng không còn như xưa nữa. Cái khu gia binh khổng lồ, với tám dãy nhà bốn tầng, lừng lững và kiêu hãnh của một thời, bây giờ bị chen lấn từ tứ phía. Toàn bộ đất tầng một, mặt sau các tòa nhà, được cơi nới cho thế hệ F1 và F2 của các ông bố, bà mẹ bộ đội ngày xưa. Các gia đình ở tầng trên, làm lồng sắt chồi ra ngoài hành lang phía sau để tận dụng khoảng không. Những khoảng đất trống bám mặt đường, thuộc phần sân chơi của bọn trẻ con ngày nào, bị chiếm làm quán bán hàng. Một cái chợ nửa phố, nửa quê khổng lồ nằm chình ình giữa khu tập thể. Đất sân bóng, ruộng rau bao quanh khu được Bộ Quốc phòng xây dựng thêm khu B, khu C, khu D phục vụ nhu cầu nhà ở ngày càng nhiều của các quân nhân. Nhìn từ trên xuống, khu Nam Đồng bé nhỏ, nghèo nàn, chìm nghỉm trong các tòa cao ốc bao vây tứ phía. Cuộc sống phát triển đi lên với tốc độ nhanh. Tuy vẫn còn những gia đình bám trụ trong căn hộ nhỏ bé và cũ kỹ suốt năm chục năm qua, nhưng nhiều gia đình đã được quân đội cấp cho những ngôi nhà tiện nghi, tương xứng với quân hàm và cấp bậc mới của gia chủ. Không ít căn hộ được sang tên đổi chủ, bán đi bán lại nhiều lần cho những người chưa một ngày đeo sao, đội mũ. Những bóng dáng đàn ông mặc áo lính thưa dần trong dòng người ra vào cổng khu tập thể. Những người đàn bà sáng tối đi về cũng đã mềm mại hơn, điệu đà hơn, nhưng họ không chỉ còn là những người vợ lính nữa. Sau hơn nửa thế kỷ gánh vác “trọng trách”, khu tập thể Nam Đồng cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Mọi người đều nghĩ, chỉ một thời gian ngắn, những tòa chung cư hiện đại sẽ được xây lên, thay thế cho biểu tượng của một thời. Và khi đó, “Quân khu Nam Đồng” sẽ vĩnh viễn chỉ còn là hoài niệm, dù trong nửa thế kỷ qua, những gia đình sống ở đây đã mang tới cho quân đội hơn 70 vị tướng.

Cuốn sách này để dành tặng cho tất cả các cư dân của khu tập thể quân đội Nam Đồng và những người yêu mến các chàng trai, cô gái nghịch ngợm ngày xưa ấy. Xin cám ơn vì suốt mấy chục năm qua, họ đã cùng nhau gìn giữ cho chúng ta những hồi ức về một khu gia binh đầy kỷ niệm.

HẾT

Tác giả: