Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Tuấn Mím bị xử án treo. Có lẽ do bố Tuấn Mím đang ở ngoài mặt trận nên tòa cũng quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội. Hơn nữa, nó cũng chỉ có mỗi cái tội đang đá bóng thì gặp bọn đi đánh nhau rủ, thế là đi theo, hoàn toàn ngẫu nhiên. Nó không vào trường Xã Đàn, chỉ ở ngoài cổng giữ xe. Vì đang vướng án treo, nên dù rất muốn, Tuấn Mím cũng không thể nào nhập ngũ ngay cùng chúng bạn. Chỉ còn cách ngồi chờ hết án. Có ai ngờ mỗi việc đi giữ xe cho mấy thằng bạn đánh nhau mà lằng nhằng đến thế.

Cuộc đời là vậy! Những đứa trẻ mới lớn, chân thành, nhiệt huyết, hết lòng với bạn bè, tôn thờ tính cộng đồng, nhưng hay phải xa cha mẹ, thiếu sự chỉ bảo, định hướng đầy đủ của gia đình, nên lớn lên tự do, manh động, thậm chí có phần hoang dã, nhiều khi chỉ một sự tình cờ, một cái vẫy tay là có thể bước sang một khúc ngoặt của số phận.

Nhiều năm sau nhớ lại buổi sáng ngày hôm ấy, Hòa thấy số mệnh luôn tránh cho nó những khúc ngoặt rủi ro. Hôm đó học xong hai tiết đầu, lớp được nghỉ vì thầy giáo dậy môn Vật lý ốm. Hòa rủ Đính đi nhuộm quần áo. Hai đứa, mỗi thằng ôm một bọc đồ cũ, đứng xếp hàng ở Hiệu nhuộm “Tô Châu” đầu Ô Chợ Dừa. Nhìn thấy bọn Bích đi qua, Hòa còn giơ tay vẫy vẫy. Không ai ngoài Tuấn Mím nhìn thấy Hòa và Đính. Tuấn Mím toan gọi, nhưng thấy hai đứa đang ôm quần áo xếp hàng nên lại thôi. Nếu Tuấn Mím gọi thể nào hai đứa cũng theo đi, chắc sau buổi sáng hôm đó, Hòa và Đính cũng hoặc là nhập ngũ, hoặc là đi tù. Nếu phải đi tù, đảm bảo trên mức án treo, vì nó với Đính đời nào chịu đứng ngoài giữ xe đạp khi mọi người xử lý thằng đánh bạn Ngọc của nó tới hôn mê trong viện.

Nhưng với Quang Anh, số mệnh không dành cho nó sự ưu ái như thế.

Quang Anh

1

Quang Anh cùng học với bọn Việt, Hoàng, Quốc Tẩm… từ hồi cấp hai. Nó vốn nhỏ con, năm lớp Tám lại bị đúp, nên nhiều bạn cùng lứa nhầm nó thuộc nhóm đàn em, cứ xưng anh với nó. Bản tính Quang Anh hiền như đất, nói năng lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Nó rất quý bọn Việt, Hoàng, Hòa, Ngọc, Tiến Thọt, Anh Sơn, Hà Tư, Bích Bọp… Những người nó coi vừa là bạn, vừa là đàn anh, luôn mang đến cảm giác ấm áp, che chở, không chỉ cho nó, mà cho cả nhiều anh em khác trong Quân khu Nam Đồng. Từ ngày ba nó mất, mẹ nó đau đớn quá phát điên, nó chông chênh, mất chỗ dựa. Dành dụm tiền, mãi mới mua được cái bút máy thì ngày đầu tiên mang đi học, chưa được viết chữ nào, nó đã bị trấn lột. Quang Anh phẫn uất giằng lại, lập tức bị đánh tới tấp vào mặt, vào bụng… Trong trận đánh đầu tiên của khu Nam Đồng, Quang Anh cũng có mặt. Nó quan sát tất cả và một cảm giác sung sướng, tự hào làm nó chảy nước mắt. Nó thấy nỗi nhục u uất vì bị ăn cướp bút hôm nọ đã được trả thù. Chiến tranh đã cướp mất bố nó, cướp luôn sự tỉnh táo của mẹ nó, để lại hai anh em nó bơ vơ, nhưng nay nó đã có những người anh, những người bạn và hơn nữa, nó có Quân khu Nam Đồng làm chỗ dựa. Nó không sợ chỉ có một mình, không sợ bị bắt nạt nữa. Không biết ai nói chuyện Quang Anh bị mất bút, nhưng sau trận đánh đầu tiên đó, Ngọc đã cho nó một cái bút Hồng Hà. Có thể vì Ngọc cũng mất cha ở chiến trường nên cảm nhận được tâm trạng và sự thiếu thốn của người cùng cảnh hơn những đứa khác. Việt cho Quang Anh một cái áo bộ đội cũ, vì cái áo Quang Anh đang mặc đúng là vá chằng vá đụp. Hoàng thì sang tên cho Quang Anh một cái mũ cối, tuy đã bạc màu và bị đập dúm dó nhiều chỗ. Nhưng lúc đó với Quang Anh, mọi thứ thật là tuyệt diệu, vì cái áo bộ đội với mũ cối là biểu tượng của Quân khu Nam Đồng. Nó đội mũ mà như đội cả bầu trời trên đầu.

Khi người ta thiếu thốn, cô đơn, hạnh phúc thật là giản dị. Cái mũ cùng sự chia sẻ của những người bạn nghèo khó, với nó còn quý hơn một núi vàng, vì giúp nó hòa vào đội hình “Anh em Quân khu”. Những ngày trở trời, những đêm mùa đông mưa phùn gió bấc, mẹ nó lên cơn điên, đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng chửi làm một vài người khó chịu. Mấy đứa con nít chạy theo trêu chọc, ném đá. Khi đó, Quang Anh có thể đuổi bọn trẻ đi chỗ khác, nhưng nó cảm thấy tủi hổ, chỉ đứng một chỗ nhìn, mắt đỏ hoe. Một hôm Ngọc tình cờ bắt gặp, lập tức bỏ đá bóng, đuổi theo đánh cho hai đứa lớn nhất trong bọn trẻ một trận, mặc dù tính Ngọc hiền lành và không bao giờ đánh trẻ con. Bọn trẻ cũng nhanh chóng nhận thức được việc trêu cô Quyên là xấu. Từ đó, không ai trêu cô nữa. Việc đi trả thù bọn đánh Ngọc phải nằm viện, dù không ai rủ nhưng Quang Anh nhất quyết xin tham gia. Mọi người vẫn nghĩ cho nó đi theo để ôm cặp vũ khí như mọi khi. Không ngờ gặp lúc khó khăn, chính Quang Anh là người góp phần quan trọng nhất trong việc giải thoát cho cả bọn. Không có nó, hôm đó Bích chắc chết.

Quang Anh không tin vào số phận. Bọn trẻ khu Nam Đồng những năm đó không tin vào số phận. Nhưng chúng tin rằng bố mẹ mình đã dành trọn cuộc đời chiến đấu hy sinh cho đất nước, chúng sẽ được trời thương, dù có nghịch ngợm hay đánh nhau một tí. Tuy tòa đã tuyên án, nhưng mọi người ai cũng nghĩ Quang Anh chỉ đi ít bữa sẽ về. Hoàn cảnh nhà nó, rồi sẽ được xem xét. Quang Anh là đứa tử tế, hiền lành, Trời Phật sẽ phù hộ.

Đúng là Trời Phật nhiều lần phù hộ bọn trẻ khu Nam Đồng thật, nhưng hình như quên mất Quang Anh?

Mấy ngày đầu, Quang Anh và Bích được nhốt chung phòng. Một hôm, gia đình gửi đồ tiếp tế. Bích vừa nhận, đã bị đám anh chị trong phòng trấn lột. Quang Anh lập tức lao vào giật lại cho Bích. Kết quả, cơm nắm, muối vừng cùng máu vãi khắp mặt sàn. Sau vụ đó, Quang Anh và Bích bị tách mỗi thằng một nơi. Bích được chuyển sang phòng giam của Hoàng, còn Quang Anh về phòng số 8. Bích vốn lì lợm, giỏi võ, đã từng bị công an nhốt nhiều lần, nên có đôi chút kinh nghiệm khi vào đây. Cộng thêm may mắn gặp Hồ Biền, Bích được yên ổn. Còn Quang Anh, hoàn toàn ngược lại. Nó rơi tự do từ mặt đất xuống đáy địa ngục. Trại giam Hỏa Lò không phải là nơi nghỉ dưỡng cho những đứa nhỏ bé, hiền lành, tự trọng và thân cô thế cô.

Vào phòng số 8, theo thông lệ, bọn “sỹ quan” bắt Quang Anh thực hiện màn chào hỏi, đó là chui qua háng các đàn anh. Thực ra thì đây cũng chỉ là thủ tục thông thường, nhằm dằn mặt những đứa mới vào, để chúng biết thế nào là trên dưới. Thế nhưng Quang Anh dứt khoát không chịu. Làm gì có chuyện luồn háng mấy thằng lưu manh! Bọn tù trong phòng đánh nó bò lê bò càng, dập ống đồng, gan ruột lộn tùng phèo, nôn ra máu… nó vẫn quyết không làm.

Sau chục ngày lê lết bằng cả chân, mông và tay, Quang Anh gượng ngồi dậy. Thiết Bạc, sếp sòng phòng giam tới, đá vào mồm nó, cười nhạt: “Bao giờ hai chân đứng lên được thì chui qua háng tao. Nếu không, lại tiếp tục đi bằng bốn chân!”

Quang Anh nhổ mấy cái răng gẫy ra sàn, lặng lẽ ngước nhìn Thiết Bạc bằng cặp mắt vô cảm. Mười ngày qua, trong những cơn đau quặn thắt, nó đã suy nghĩ rất nhiều. Khi bị đánh, cảm giác đầu tiên của nó là uất hận trào dâng, cùng sự sợ hãi, bất lực y như hồi nó bị cướp bút máy ở cổng trường Đống Đa. Tiếp đến là xấu hổ về sự đớn hèn của bản thân, giống như khi bị Phương Tu Sìn đánh mà không dám chống cự, dù trong tay ôm một đống vũ khí. Chuyện đó làm tổn hại đến lòng tự trọng và danh tiếng khu Nam Đồng, nên đã gây một trận đánh lớn, làm nhiều anh em đổ máu. Từ đó, Quang Anh tự nhủ sẽ không bao giờ cho phép ai xúc phạm mình, làm tổn hại danh tiếng “Quân khu”. Nếu ai làm nhục nó, chết nó cũng sẽ đánh lại… Nhưng đó là chuyện ở ngoài kia, nơi có đông anh em, lại có dao, có búa. Còn ở đây, thân cô, thế cô, bé nhỏ, không vũ khí, làm sao đánh lại được cả đám “sĩ quan”? Nhưng nếu không đánh thì phải chịu nhục. Phải chui háng. Trong những ngày vừa rồi, Quang Anh quan sát thấy thằng nào nhập phòng cũng phải thực hiện thủ tục đó. Đây chính là sự thể hiện quyền lực của đại ca. Nếu không chịu làm theo, tức là thách thức quyền lực ấy. Thiết Bạc đã nói rồi. Nếu không chui, nó tiếp tục đánh. Chúng đánh kiểu này có khi cũng chết. Nghĩ đến chết, Quang Anh lạnh hết người. Nhưng chui háng thì không được. Nó thà chết còn hơn. Nếu làm một thằng hèn, lom khom bò qua đít mấy thằng lưu manh, sau này trở ra, nó còn mặt mũi nào gặp anh em Quân khu Nam Đồng? Và Quang Anh hạ quyết tâm. Nó nhớ Việt hay nói: “Ở đời, nếu mình không đánh nó, nó sẽ đánh mình”, “vì mình yếu hơn, nên khi đánh bắt buộc phải dùng vũ khí”. Còn Hòa thì bảo: “Khi vào trận, phải tập trung toàn lực hạ gục ngay thằng cầm đầu”… Rồi nữa, còn ai hay nói: “May mắn chỉ đến với những kẻ nhanh tay”… Không biết có phải Bích không? Không phải, hình như câu đó của Khanh. Bích hay nói: “Trong võ thuật, điều quan trọng nhất không phải ra lực, mà là di chuyển”. Đúng rồi, phải đánh gục Thiết Bạc thật nhanh, từ cú ra đòn đầu tiên, và phải đánh bằng vũ khí. Có điều, trong này lấy đâu ra vũ khí? Nó nghĩ mãi, và cuối cùng lóe ra một cách.

Có những tố chất nằm sâu trong con người, nếu không gặp hoàn cảnh đặc biệt, sẽ không bao giờ lộ ra. Nếu không bị đánh đập tàn bạo, không bị hạ nhục, có lẽ Quang Anh không bao giờ biết nó cũng thuộc dạng lỳ. Một khi đã quyết định hành động, nó sẽ làm tới cùng, bất chấp hậu quả. Không biết như thế là hay hay dở. Một mặt, điều đó giúp Quang Anh tồn tại trong những ngày đơn độc, khó khăn nhất. Nhưng ngược lại, cũng làm nó lún sâu vào chốn lao tù.

Tác giả: