Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hoặc do ba anh đang mải nói chuyện, hoặc do ghét một thằng bé con ăn nói xấc xược, nên không trả lời. Khanh tiếp tục bằng một giọng ôn tồn:

– Trông các anh lịch sự thế mà vô giáo dục nhỉ? Câu hỏi của tôi bằng tiếng Việt, có đủ chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, âm lượng vừa đủ. Các anh thì không câm, sao không trả lời?

– Ơ, cái thằng mất dạy này! Ăn nói láo lếu, tao tát cho mày một cái bây giờ!

– “Tát như thế này á?” – Khanh làm động tác vả thẳng vào mặt một người, nhưng nó chỉ đánh tới nửa chừng thì dừng lại, để không mắc lỗi “tự dưng đánh người lương thiện”. Theo phản xạ, anh kia vung tay trái ra gạt, tay phải đánh vào vai Khanh. Thế là nó sừng sộ: “Ơ, tao đang nói chuyện tử tế, sao mày vô cớ đánh tao. Anh em ơi, đánh bỏ mẹ thằng này đi!”.

Mấy đứa đổ xô ra, nhưng Việt cản lại. Nó nói với Khanh:

– Tao chỉ đố mày tìm ra cớ “chính nghĩa” để đánh thôi, chứ có bảo mày đánh người đâu? Mày tìm ra cớ thật, nhưng cái cớ của mày hơi phi nghĩa. Thôi, xí xóa chuyện này.

Khanh lầu bầu:

– Đã kiếm cớ đánh người mà lại còn đòi cớ chính nghĩa. Nghe vô lý bỏ mẹ!

Ba anh thanh niên đứng giữa hơn chục thằng Quân khu, nghe chúng nó nói với nhau, coi như không có mình, cứ ngẩn người ra. Một anh lên tiếng:

– Xin lỗi nhé. Hơn chín giờ đêm rồi!

– Thấy lỗi, biết sửa, chứng tỏ các anh là người tốt. Thôi, các anh đi đi! – Việt lên giọng kẻ cả.

Khanh bị đánh một cái, tuy không đau nhưng hậm hực. Vừa lúc đó, có một anh gầy, một anh béo đi tới. Khanh đẩy Việt: “Giờ đến lượt mày. Mày có giỏi thì kiếm một cớ thật chính nghĩa đánh hai thằng kia cho tao coi”. Việt quan sát rồi hỏi: “Đánh một thằng được không?”. Khanh đồng ý. Việt chạy ra, chỉ mặt người béo: “Này, thằng kia, mày có biết mặt đường đầy đất bẩn không? Ai cho phép mày đi dép lê theo kiểu kéo loẹt quẹt, bụi mù đường phố, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lương thiện. Mày phải đi cao chân như thằng bạn mày, nhớ chưa? Sao lại giương mắt lên nhìn thế? Không tiếp thu hả? Có lỗi, được chỉ dạy mà không biết sửa, thế thì sao nên người được? Đánh cho nhớ nhé”. Nói đoạn nó túm đầu anh béo, tát đánh đét vào mặt. Đang yên đang lành, bỗng bị dạy dỗ một thôi một hồi, rồi bị tát vào mặt, đố ai nhịn được. Cả hai túm lấy Việt, nhưng chưa kịp đánh đã thấy hơn chục thằng quần áo bộ đội ùa ra quây tròn. Quốc Tẩm với Hoàng nhảy vào đánh, nhưng Khanh cản lại. Nó nói với anh béo, giọng lễ phép: “Thưa anh, anh đi dép lê không có ý tứ, để bụi mù đường, mắc lỗi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lương thiện, bị đánh là đúng rồi. Các anh có tâm phục khẩu phục không…? Các anh im lặng như thế, chứng tỏ là phục nhỉ?”. Và nó chỉ Việt: “Nhưng anh bạn chúng tôi lúc nãy cũng đi giống như anh và làm mặt đường bụi hơn nhiều. Vậy xin các anh đánh anh ấy mấy cái giúp chúng tôi, cũng là một cách giúp bạn tôi nên người”. Hòa đế vào: “Đánh anh ấy xong, xin các anh đánh luôn chúng tôi nữa.

Tối nay chúng tôi cũng kéo lê dép suốt phố, làm bụi mù, tội thật đáng đánh”. Anh béo xua tay lia lịa: “Thôi, các anh cứ đi, bụi một tí cũng chẳng sao. Còn em từ nay khi đi đường xin nhấc chân thật cao. Cụ nội nhà em sống lại cũng chả dám đánh các anh”. Hòa vỗ vai anh béo: “Cụ nội nhát nhỉ? Thôi, về đi, nhớ thắp hương cho cụ nhé!” Khi cả bọn giải tán, Việt ngần ngừ rồi nói:

– Ngày mai đi duyệt binh không kéo dép lê loẹt quẹt nữa nhé.

Hòa nhại lại giọng Việt lúc trước:

– Đúng đấy. Có lỗi mà không biết sửa thì sao nên người được?

Việt ngượng nghịu:

– Cái chính là đi như thế làm bụi vào hết hàng quán nhà người ta, mất vệ sinh. Với lại, như bọn mình đã thống nhất, phải giữ hình ảnh đẹp cho Quân khu Nam Đồng. Không nên để mọi người nhìn anh em mình như một lũ thanh niên hư hỏng, càn quấy.

Khanh nhìn Việt:

– Mày giác ngộ thật đấy, để mai tao bảo Giang Cận đưa mày vào danh sách “Cảm tình Đoàn”.

2

Ở khu tập thể Nam Đồng, trò chơi được ưa thích nhất là đá bóng. Trước mỗi khu nhà đều có sân đá bóng, dù to hay nhỏ. Cái môn này chẳng riêng trẻ con, người lớn cũng thích. Vì vậy, các trận bóng luôn gồm đủ loại cầu thủ, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Mấy đứa con gái thỉnh thoảng cũng xông vào đá chung với con trai. Cầu thủ lớn tuổi nhất là tướng Vũ Yên. Ông mê đá bóng một cách đặc biệt. Ở đơn vị thì bận rộn, phần vì quân kỷ quân phong, ông không được chơi môn này. Tính tình ông vốn thân thiện, hòa đồng và quý trẻ con. Mỗi lần về nhà, ông hay gạ bọn trẻ con cho đá bóng cùng. Hôm nào ra muộn, không còn chỗ đá với đội lớn, ông nằn nì bọn con nít cho đá “gôn tôm”. Bọn con nít khi đá bóng hay có trò cá cược, nên lắm lúc nếu ở phe thua ông cũng bị chúng nó búng tai. Nếu không chịu, lần sau chúng sẽ không cho chơi. Có hôm đang đá, ông mới biết chúng đổi hình thức phạt từ búng tai sang búng chim. Nghĩ cảnh Tư lệnh Quân khu phải đứng cho bọn con nít búng chim, ông ngần ngại, không chơi nữa. Chúng dè bỉu: “Có mỗi cái búng chim mà bác cũng sợ đau thì sao bác đánh giặc được?”. Hóa ra chúng đang rèn luyện tính gan dạ để sau này lớn lên đi bộ đội. Ông tức khí, lại xỏ giầy đá tiếp. Chơi bóng với bọn con nít mà ông phải đá một mất một còn, như đang đá trận tranh cúp thế giới!

Chắc Ban quản lý khu tập thể Nam Đồng cũng cảm thấy áy náy khi hè đến chẳng có cái gì cho bọn trẻ con chơi, nên quyết định tổ chức “Giải bóng đá hè năm 1973”. Trong khu, đội bóng Nhà 1 và Nhà 7 mạnh nhất. Tiếp theo là Nhà 6. Còn lại, đều vào loại tầm tầm. Ông Thử, Trưởng Ban quản lý khu tập thể, lùn và béo, người vẫn bị bọn trẻ con trong khu trêu khi gặp: “Ồ đã chín năm rồi đấy nhỉ, phấn đấu ba ngàn ngày bền bỉ, mà quân hàm trung úy vẫn… y nguyên”, tuyên bố tổng giải thưởng là 15 đồng. Anh Khanh – gọi là “anh” vì phụ trách công tác thanh thiếu niên của khu, chứ anh còn hơn tuổi bố của nhiều cầu thủ – làm Trưởng Ban Tổ chức giải. Điều lệ giải là đấu loại trực tiếp. Hết 2 hiệp chính không phân thắng bại, mỗi bên sẽ sút 5 quả phạt đền (một cầu thủ có thể đá cả 5 quả).

Khi đó, tinh thần dân chủ cao ngất trời, “tất cả các nhà đều bình đẳng trong bốc thăm”, Nhà 1 bốc thăm trúng Nhà 7, đá trận khai mạc. Thế là trận khai mạc biến thành trận “chung kết sớm”. Đội Nhà 6 bốc được đội Nhà 5. Nhà 4 mãi mới chịu đến, dù bốc được đội thuộc hạng xoàng là Nhà 2, vẫn tuyên bố đầu hàng. Nếu tổ chức giải bóng đá nữ, may ra Nhà 4 còn có hy vọng. Đội Nhà 3 bốc được đội Nhà 8 – “đội bóng một người”, mà cầu thủ quan trọng nhất – Dũng “Bủn” (gọi thế vì trông nó giống người NHẬT BỦN, chứ không phải là “bủn xỉn” như một số đứa suy luận) – đang ốm nằm viện. Giải chưa bắt đầu nhưng

Nhà 2 và Nhà 3 đã dán thông báo khắp khu: “ĐỘI NHÀ 2 VÀ ĐỘI NHÀ 3 VÀO BÁN KẾT GIẢI BÓNG ĐÁ HÈ KHU TẬP THỂ QUÂN ĐỘI NAM ĐỒNG!”. Bét ra mỗi đội cũng được đồng giải 3. Giữa Nhà 1 và Nhà 7, đội nào thắng trận khai mạc, có thể coi như vô địch.

Điều lệ quy định tuổi cầu thủ tham dự giải dưới 18. Vì mầu cờ sắc áo của mỗi nhà, bọn đi bộ đội trước tuổi, đóng quân gần Hà Nội cũng được gọi về. Đội Nhà 1, với nhiều tuyển thủ khu Nam Đồng như thủ môn Anh Sơn (đội trưởng), hậu vệ Ngọc Sơn, tiền đạo Dũng “Đổng Trác” (không biết ai đặt cho nó cái tên này, vì nó gầy và cao lêu nghêu, đâu có béo như Đổng Trác trong truyện Tam Quốc), và cây đá rừng số 1, tiền vệ Thái Đen (gọi thế để phân biệt với Thái Trắng), rêu rao khắp khu sẽ ăn gỏi đội Nhà 7. Chúng tự tin tới mức chưa đá đã bàn nhau kế hoạch liên hoan số tiền thưởng dành cho đội vô địch. Đội Nhà 7 rất đáng gờm về mặt đá bóng, nhưng lù rù về công tác thông tin tuyên truyền, cứ im như thóc.

Trận khai mạc – trận chung kết trong mơ, người xem đông như kiến. Có giải bóng đá mới biết khu Nam Đồng nhiều trẻ con đến thế! Bọn con gái, mà sau này kỷ niệm 50 năm thành lập khu tập thể Nam Đồng, trông như các mệnh phụ đáng kính, khi đó còn bé xíu, cũng le te chạy ra xem. Bốn bề sân kín đặc người. Tiếng còi vừa cất, đội Nhà 1 với vị thế vô địch, dồn toàn bộ lực lượng tấn công, liên tục vây hãm khung thành Nhà 7. Thế nhưng chỉ bằng một đường lên bóng và hai cú đảo người, danh thủ nhỏ con Tùng “Bi” đã sút tung lưới đội Nhà 1. Lối đá này, về sau được các chuyên gia bóng đá nâng tầm lên, gọi là đá kiểu “phòng ngự – phản công”.

Bàn thua như một cái tát vào mặt, đội Nhà 1 tràn lên tấn công dồn dập bằng lối đá chém đinh chặt sắt. Trọng tài Tân “Thời” tỏ ra thiên vị rõ rệt, bất chấp khán giả la ó dữ dội. Đội Nhà 7 bị đốn ngã, nằm sân la liệt, nhưng không được hưởng quả phạt nào. Chỉ có khán giả là công bằng, liên tục phản đối đội Nhà 1 và hò reo cổ vũ đội Nhà 7. Nhưng bóng đá là bóng đá, khán giả cũng chẳng bằng trọng tài. Khi trận đấu còn khoảng 1 phút sẽ kết thúc, khán giả đang đồng thanh hét “Nhà 7 chiến thắng! Nhà 7 chiến thắng!”, Tân Thời quyết định thổi phạt đền. Đúng là một quyết định làm ô nhục giới trọng tài sân cỏ. Thay vì rút thẻ đỏ đuổi Thái Đen do mắc lỗi đạp ngã Sâm “Ho”, danh thủ có tiền sử ho gà, để cướp bóng, Tân Thời thổi phạt đền đội Nhà 7. Khán giả tràn vào sân như ong vỡ tổ. Đủ các tiếng la hét, phản đối, kể cả đội Nhà 7 dọa bỏ giải, chuyên gia đá phạt Ngọc Sơn vẫn trịnh trọng đặt bóng vào chấm phạt đền, chân trái đè lên quả bóng, hai tay chống nạnh. Anh Khanh phải mời cả đội Nhà 7 ra thương lượng. Anh dỗ bọn Nhà 7 cứ bắt quả phạt đền này đi, chắc gì nó đã đá vào. Nếu nó đá ra ngoài coi như mình vô địch, vì hết đối thủ ngang tầm. Nếu bỏ cuộc là vi phạm điều lệ giải, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Bọn Nhà 7 nghĩ đi nghĩ lại, thấy bỏ cuộc thì mất nhiều hơn được nên chấp nhận và cho thủ môn “Sờ Tờ Mờ” vào bắt (bọn con gái Nhà 7 rỉ tai nhau thủ môn này khi lớn vẫn sờ tí mẹ).

Tác giả: