Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

– Chắc vậy… Tổng tiến công! Không hiểu Hương bây giờ đang ở đâu? Bom đạn thế này, tốt nhất là về nhà cho nó an toàn. Làm sao tiếng hát át được tiếng bom. Thôi, mày chở tao về đơn vị cho kịp giờ. Tao phải xin lỗi đại đội trưởng. Cái loại bộ đội xin đi tranh thủ không được, dọa đào ngũ như tao thật đáng tống giam. Nhưng đơn vị đang di chuyển, cũng chẳng có chỗ mà giam mình.

Hòa chở Việt trên chiếc xe máy cà tàng, cứ gặp ổ gà lại kêu cót ca cót két. May mà đến cửa doanh trại vẫn sớm 15 phút. Hòa bắt tay Việt: “Tạm biệt! Vài tháng sau tao đến tuổi nhập ngũ. Hẹn gặp ở Sài Gòn nhé. Chuyện Mai Hương nếu đã quyết vậy rồi thì cố gắng vượt qua. Chắc không dễ dàng gì. Để tao bảo Lượng giữ em gái nó lại cho mày, em nó rất xinh…”. Đang nói, nhìn mặt Việt, Hòa ngừng bặt. Việt xốc ba lô, cắm đầu đi. Tới trạm gác, nó ngần ngừ rồi đột nhiên quay lại, vẻ mặt buồn bã, nước mắt đọng trên mi: “Có những cái chỉ khi vĩnh viễn mất đi rồi mới biết giá trị của nó. Khi quyết định sẽ không tha thứ cho Mai Hương, tao mới hiểu tao chỉ yêu có Mai Hương thôi. Tất cả tại tao. Không vì tao, Mai Hương đã chẳng lên đường nhập ngũ. Người thì bé nhỏ, ốm yếu, giờ một thân một mình giữa chốn đạn bom, biết sống chết thế nào? Chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra…? Tao quyết định rồi. Dù điều gì đã xảy ra đi nữa, tao vẫn yêu Mai Hương. Mày ghi số hòm thư của tao lại, ngay chiều nay mày đến nhà Mai Hương hỏi gia đình xem Mai Hương ở đâu. Kiểu gì Mai Hương cũng phải liên lạc với gia đình. Biết gì về Mai Hương, báo ngay cho tao nhé!”.

Hòa hơi bất ngờ trước điều Việt thổ lộ, nhưng nó thấy trong lòng trở nên ấm áp: “Tao rất thích tính rõ ràng, thẳng thắn của Mai Hương. Mai Hương không nói thì chẳng ai biết. Nhưng Mai Hương đã chọn cách trung thực với mày. Mày hãy làm điều gì mày muốn. Không ai quyết định thay mày được”. Việt nói: “Tao yêu nó tận đáy lòng…”. Dường như thấy mình yếu đuối quá, nó ngượng ngùng nói thêm: “Xét về y học, đáy lòng có nghĩa là hậu môn”. Hòa nghĩ bụng: “Đùa được là đỡ đau rồi”.

Trước ngày ra trận

1

Đến ngày nhập ngũ, cả lớp vui như hội, bỏ bê việc học, dù ai cũng biết là năm cuối cấp, việc học hành quan trọng thế nào. Đợt này lớp 10D có tám bạn đi bộ đội. Hết liên hoan theo nhóm, theo tổ, theo nhà, đến chụp ảnh, viết sổ lưu niệm, tặng quà kỷ niệm… Người ra đi rạo rực, người ở lại cũng xốn xang. Ngày đó, những chàng trai ưu tú đều ra chiến trường. Trong mắt các cô gái, hình ảnh đẹp nhất là người chiến sĩ trên đường ra trận. Ngày chia tay, ai cũng đầy ắp cảm xúc, tâm trạng và nỗi niềm.

Có những thời điểm, việc bày tỏ tình cảm của các chàng trai dễ được các cô gái chấp nhận, đó là vào dịp họ chuẩn bị nhập ngũ, hoặc chuẩn bị lên đường ra mặt trận.

Trước khi vào Nam, nhân có bố từ chiến trường ra Hà Nội họp mấy ngày, Hoàng xin được về tranh thủ ít bữa, kết hợp mua sắm mấy thứ cho đơn vị. Sau những ngày ở quân ngũ, nó cao lớn, trưởng thành và tự tin lên rất nhiều. Không lý gì bọn trong đơn vị, từ nông thôn tới miền núi, đều có người yêu, mà nó đây, trai Hà Nội chính hiệu, “liền anh liền chị” Quân khu Nam Đồng, lại không đủ bản lĩnh tìm một mảnh tình vắt vai. Từ ngày mẹ bạn Tuyết Minh túm được bức thư tình của Hoàng, đưa cho chú Chung hàng xóm gần nhà nó, nhờ chú nhắc nhở Hoàng phải tập trung vào học tập, chưa vội yêu đương linh tinh, chuyện nó với Tuyết Minh vẫn dậm chân tại chỗ. Vừa rồi Hòa kể, trong một buổi sinh nhật, vô tình nó gặp Tuyết Minh. Hòa hỏi đến tuổi nào Tuyết Minh mới thôi đem thư bạn trai nộp cho mẹ? Tuyết Minh đỏ mặt, thanh minh lúc Hoàng đưa thư, mẹ Tuyết Minh trông thấy. Mẹ hỏi Hoàng đưa gì, Tuyết Minh không dám giấu, chứ Tuyết Minh không phải người xấu hay hèn đến mức đem thư của các bạn trai mách mẹ. Hòa động viên Hoàng đợt về phép này, tranh thủ tỏ tình với Tuyết Minh. Nó cho rằng việc Tuyết Minh kể chuyện hôm vừa rồi cũng là một cách bắn tin cho Hoàng tiếp tục.

Muốn học hỏi thêm về kinh nghiệm tỏ tình, Hoàng hỏi Hòa đã tỏ tình với cô nào chưa? Hòa nhún vai: “Tình yêu là duyên trời định, có phải rau ngoài chợ đâu mà thích là mua?”. Là thằng sản xuất cho Việt cả trăm cái thư tình, anh em trong khu nhiều đứa còn mượn chép gửi cho người yêu, không hiểu sao Hòa vẫn chưa chọn được cho mình một cô? Hoàng cố gặng hỏi lý do tại sao thì Hòa giải thích: “Tao đi xem bói, Thầy nói số tao lấy vợ muộn. Bây giờ người yêu tao còn chưa lớn. Chúng mày yêu sớm thì sau này vợ chúng mày già sớm, chết sớm chứ hay ho gì”. Chán chuyện! Đúng là cái thằng Chí Phèo. Dù sao, lần này về phép, Hoàng cũng quyết tâm bày tỏ tình cảm cho ra nhẽ với Tuyết Minh. “Có yêu thì nói rằng yêu – Không yêu thì nói một điều cho xong”. Từ ngày khoác bộ quân phục lên người, Hoàng rất tự tin. Khi soi gương, nó phát hiện so với thiên hạ mình cũng đẹp trai như ai. Nó có phải đứa ngu đâu mà không nhận biết được chân giá trị của mình qua ánh mắt dõi theo của bọn con gái. Và nó linh cảm, nếu tỏ tình với Tuyết Minh đợt này, nó sẽ không thất bại.

Hoàng tới nhà Tuyết Minh, mọi sự diễn ra vô cùng thuận lợi. Mẹ Minh hình như quên bẵng thằng bé tóc dài, áo bộ đội bỏ ngoài quần, đi dép lê loẹt quẹt đến tán tỉnh con mình ngày nào. Bà pha nước mời chàng binh nhì, quần áo mới tinh, đầu tóc gọn gàng, khuôn mặt thanh tú, sau đó ý nhị bỏ ra ngoài, cho con gái yêu nói chuyện. Tuyết Minh rất vui vẻ, hẹn Hoàng trong mấy ngày phép, lúc nào rảnh ghé Tuyết Minh chơi. Nàng lờ đi chuyện lá thư. Hoàng định bụng sẽ hẹn Tuyết Minh tối hôm sau đi đâu đó để bày tỏ. Nó chỉ có ít ngày phép. Đợt này, kiểu gì cũng phải tỏ tình, mà lính gọi là “chốt hạ”.

Thế nhưng tình yêu đúng là trò đùa của số mệnh. Rời nhà Tuyết Minh, Hoàng sang bàn kế hoạch với Ngọc. Chắc phải nhờ Ngọc đưa thư hộ. Trời xui đất khiến thế nào tới đầu cầu thang Nhà 5, nó đâm sầm vào em Vân. Ngày đi sơ tán, em đen đủi và gầy còm, chân như ống sậy. Bẵng đi một thời gian không gặp, bây giờ em cao như vận động viên bóng chuyền, dáng người nảy nở, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, mái tóc dày và nặng xõa ngang lưng, đôi mắt một mí rất xinh, lúc nào cũng như đang cười… Hoàng ngẩn người, theo em lên nhà chơi. Và người nó hẹn đi chơi tối hôm sau không phải là Tuyết Minh, mà là Vân. Thằng Hòa nói thế mà đúng. Tình yêu là cái duyên trời định, muốn cũng không được, trốn cũng chẳng thoát! Suốt tuần, tối nào đi chơi về, nó cũng gọi Ngọc ra, chỉ vai áo bên phải ướt đầm, khoe: “Em Vân khóc đấy!”. Đêm cuối cùng, trước khi lên đường, không phải vai áo mà cả người nó ướt sũng và… bốc mùi thum thủm. Nguyên do là dạo chơi từ sân sau Nhà 7 khu Nam Đồng sang bãi đất trống phía khu Kim Liên phải đi qua một chiếc cầu, được bắc bởi ba cây tre. Khi đi thì hai đứa nắm tay nhau, người trước người sau. Lúc về, Hoàng nổi máu hiệp sĩ, tình nguyện bế em qua cầu. Lần đầu tiên bế một cô gái, xinh thì có xinh nhưng nặng và cồng kềnh, đi qua chiếc cầu nhỏ xíu, gập ghềnh, Hoàng cố mấy cũng chỉ giữ thăng bằng được tới đoạn giữa… May mà dòng sông đào dẫn nước cống từ khu tập thể Nam Đồng ra hồ Xã Đàn không sâu, nên hai đứa chúng nó không chết đuối.

2

Đơn vị Hà Tư nhận lệnh chuẩn bị hành quân vào Nam. Nó xin về tranh thủ không được, nên nhờ điện thoại, nhắn Hoàng Yến lên đơn vị chơi. Đành rằng từ lâu, hai đứa thân thiết, nhưng chưa hề ôm hôn hay ước hẹn, thì cũng chưa thể gọi là người yêu. Bình thường, chưa chắc Hoàng Yến đã dám một mình ra tận Hải Phòng, vì đường xá xa xôi, cách trở cầu phà. Nhưng hai đứa sắp xa nhau vạn lý, Hoàng Yến đánh liều nói dối mẹ, xin về Bắc Ninh ăn cưới chị đứa bạn thân. Đi từ sớm tinh mơ mà đến được đơn vị trời đã gần tối. Hà Tư xin phép thủ trưởng rồi hai đứa dắt nhau ra quán, ăn phở gà, sau đó đi xem phim. Chắc con gái Hà Nội không quen đi bộ, trải qua một chặng đường dài bị đau chân, nên Hoàng Yến bước hơi tập tễnh. Tới cửa rạp, vừa dốc hết đồng phụ cấp cuối cùng mua vé, Hà Tư nghe hai thằng phe, chắc hậm hực vì không bán được vé cho nó, nói với nhau: “Ơ, con mông to kia bị thọt!”. Hà Tư nóng mặt, túm cổ hai thằng đánh ngã lăn ra đường, rồi thản nhiên dẫn Hoàng Yến vào rạp, không hề quan tâm tới chuyện thanh niên đất cảng sẽ kéo đến trả thù.

Tan phim, vừa ra khỏi rạp, Hà Tư thấy năm thằng đầu gấu, mặt trông bặm trợn, đứng chờ. Vì trước cửa rạp có một anh công an, nên hai bên nhìn nhau gườm gườm. Hoàng Yến sợ rúm người lại, thì thào bảo Hà Tư nhờ công an dẫn về đơn vị. Hà Tư lắc đầu cười và kéo Hoàng Yến đi. Năm trai đất cảng bám theo. Tới chỗ vắng, Hà Tư dừng lại, hỏi: “Chúng mày thích đánh nhau thì lại đây, không thì xéo đi chỗ khác để anh chị mày còn tỏ tình!”. Trong khu Nam Đồng, Hà Tư nổi tiếng là đứa dũng cảm và nặng tay, trái ngược hẳn với vẻ ngoài ngoan hiền và điển trai của nó. Nhưng hổ mạnh không đánh được cáo bầy, hai tay không địch nổi mười tay. Cuối cùng Hà Tư cũng bị đánh ngã. Hai thằng cười hô hố, quay sang túm lấy Hoàng Yến, để ba thằng còn lại nhảy vào đè Hà Tư, không hề biết đang chơi với một thằng lì lợm bậc nhất của “Quân khu Nam Đồng”. Khi Hà Tư ngã xuống, lập tức nó thò tay rút lưỡi lê AK từ thắt lưng ra. Thói quen mang vũ khí theo người khi đi chơi từ thời Quân khu Nam Đồng ở nó vẫn chưa mất, dù đã trở thành một chiến sĩ hải quân chính hiệu. Nhưng vì lúc này đã là anh bộ đội Cụ Hồ, nó cũng học được điều hay lẽ phải trong cách cư xử với dân, gọi là “công tác dân vận”, nên nó không đâm, mà chỉ dí sâu lưỡi lê vào lỗ mũi thằng đang nằm đè lên mình. Thằng này buông ngay nó ra, lăn đi mấy vòng. Hà Tư vùng dậy, nhảy tới túm tóc thằng đang ôm Hoàng Yến, kề lưỡi lê AK vào bụng. Dù giận dữ, nó vẫn giữ đúng điều lệnh quân đội, không dùng bạo lực với dân. Cảm nhận được đầu lưỡi lê AK nhọn hoắt đang ấn vào da bụng, cậu trai đất cảng hồn vía lên mây, buông ngay Hoàng Yến, quỳ xuống xin tha. Hà Tư cười nhạt, dắt lê vào bụng, kéo Hoàng Yến đi.

Tác giả: