Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Kế tiếp đến là khu 3B Phố Ông Ích Khiêm, khu 1A Phố Hoàng Văn Thụ và khu 28A Phố Điện Biên Phủ. Các khu gia binh này không lớn như khu Nam Đồng, nhưng cũng có lớp đàn anh “trường Trỗi” cầm đầu, hơi tí là đánh nhau. Nhờ có bạn bè ở các đơn vị chiến đấu, hoặc người quen làm trong các kho quân dụng, các đàn anh này xin được đủ thứ như dao găm, xanh-tuya-lông, lưỡi lê CKC và AK làm vũ khí, trong đó lưỡi lê AK được thích hơn vì nó dẹt và ngắn, dễ dắt trong người. Nổi tiếng ở thời điểm này có Quốc Bình và Minh Thanh, những người đã phải hầu tòa vì đâm đối thủ, với những câu chuyện được bọn trẻ con các khu tập thể quân đội thêu đi dệt lại khắp nơi, gây nên nỗi ám ảnh cho nhiều băng nhóm trên địa bàn Hà Nội.

Những năm đầu thập kỷ 70, so với các khu gia binh thời đó, khu tập thể Nam Đồng là khu gia binh to nhất, nhưng lại hay bị bắt nạt, do không có thủ lĩnh. Lớp học sinh “trường Trỗi” ở khu Nam Đồng khá lành. Chẳng hiểu sao “Trỗi” các nơi anh hùng hảo hán mà “Trỗi” khu Nam Đồng chẳng có ai để lứa đàn em dựa vào danh tiếng hù dọa thiên hạ. Sau trận đánh Ô Chợ Dừa, cái tên “Quân khu Nam Đồng” mới bắt đầu hình thành, với lực lượng chủ chốt là bọn lớp 8D (Việt, Hoàng, Hòa, Khanh, Ngọc, Minh, Đính…) và 9H (Anh Sơn, Tiến Thọt, Khả Trung, Tân Thời…). Hai nhóm này cùng học trường Đống Đa nên gắn bó, đi đâu cũng có nhau. Nhưng những trận cần đông người thì học sinh các lớp khác trong khu Nam Đồng như Hà Tư, Bích Bọp, Thái Đen, Hưng Sẹo, Tuấn Mím… đều có mặt. “Quân khu Nam Đồng” không có người cầm đầu, tuy trong một chừng mực nhất định, khi cả đám đông cần ra một quyết định tức thời, mọi người đều nhìn vào Anh Sơn. Khu Nam Đồng rộng và đông nên bọn trẻ con chơi theo từng nhóm, nhưng mỗi khi cần, chúng liên kết với nhau rất nhanh. Một trong những nguyên nhân làm khu Nam Đồng ngày càng nổi tiếng vì chúng đoàn kết, luôn bảo vệ nhau và bảo vệ danh tiếng “Quân khu”.

Ngoài các băng nhóm nói trên, một lực lượng khác mà tất cả đều ngại, đó là “Hội thương binh”. Khi thấy một thương binh gặp chuyện thì bất cứ ai là thương binh đi ngang qua, đều xông vào bảo vệ. “Hội thương binh” thực chất không phải là một hội, mà chỉ là một số cựu chiến binh, trở về từ chiến trường, có chút tư tưởng công thần, trong khi cơ thể mang thương tật, nên khá nhạy cảm, hễ cảm thấy bị xúc phạm là nổi máu anh hùng. Và bởi các anh đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, việc đánh nhau với đám lau nhau ở hậu phương là chuyện nhỏ. Dù chỉ có một, hai người, các anh vẫn sẵn sàng xông vào đánh lại cả những nhóm năm, bảy tên. Bình thường thì mấy anh cũng lành, ít khi chủ động gây gổ với ai. Công an cũng ngại mấy anh này nên mỗi khi đến giải tán các đám đánh nhau, luôn chỉ đe nẹt hoặc bắt những kẻ không phải thương binh.

Nghe Anh Sơn nói, Tiến Thọt lùi lại, nhưng vẫn đứng chắn trước mặt đứa bé. Người kia sấn lên, đấm thốc vào mặt Tiến Thọt. Tiến Thọt bị bất ngờ, loạng choạng ngã xuống. Khi Tiến Thọt đứng dậy thì trong tay đã cầm lưỡi lê ba cạnh CKC. Anh này lùi lại, vớ nửa hòn gạch, hét: “A, mày mang lê hả… có giỏi thì xông vào đây!”. Anh đi cùng chạy ra chỗ bà bán bánh giò, giật cái đòn gánh, mồm hét “A, a…” và lao đến.

Nhóm Việt, Hoàng, Minh, Ngọc, Hòa vừa đi tới, thấy vậy đồng loạt rút lưỡi lê, và búa ra đứng chờ. Nhìn đống búa với lưỡi lê loang loáng dưới ánh mặt trời, anh chàng cầm đòn gánh xông gần tới nơi bỗng dưng chựng lại rồi… vứt đòn gánh bỏ chạy. Thấy anh cầm gạch mải tập trung vào Tiến Thọt, Anh Sơn nhanh tay dùng dây xanh-tuya-lông vụt chát chát mấy cái, đánh văng cục gạch ra. Tiến Thọt đang cơn giận lao tới, chân đá tay vụt bằng lưỡi lê CKC. Chắc nó cũng thấy không nên xỉa cái vật ba cạnh sắc nhọn đó giữa chỗ đông người. Anh này vừa bò, vừa chạy, tay vẫn kịp vơ chiếc đòn gánh bạn vứt lúc nãy để làm vũ khí. Tiến đang hăng máu, cùng Anh Sơn lấy xe đuổi theo. Tình cờ, ở quán bia đối diện nhà máy Y Cụ, có một ông công an đang ngồi uống bia hơi. Dân tình chỉ chỏ: “Hai thằng kia đang cầm dao đuổi đánh các anh thương binh”. Ông công an buông ngay cốc bia, rút còi ra thổi “toét, toét!”.

Thấy công an, Tiến Thọt chở Anh Sơn chạy về hướng Ngã Tư Sở. Ông công an vẫy một chiếc xe máy đi cùng chiều đuổi theo. Việt bảo Hoàng: “Phóng theo cản cái xe máy lại cho bọn Tiến Thọt chạy”. Hòa nói: “Mình chỉ có xe đạp, lại đi sau, sao đuổi kịp xe máy?”. Việt nói: “Cứ đuổi theo xem thế nào!”.

Xe Tiến Thọt chạy đến Ngã Tư Sở thì đâm phải một phụ nữ qua đường. Xe đổ và bị tuột xích. Chiếc xe máy đuổi tới gần, tiếng còi vẫn liên tục “toét toét”. Hai anh công an giao thông trực ở ngã tư chạy ra phối hợp. Anh Sơn giằng lấy xe từ tay Tiến Thọt, nói nhỏ: “Trong người Tiến có dao, chạy trước đi”. Tiến Thọt ngần ngừ rồi băng qua đường, chạy như bay về phía đường Tàu Bay, ngoặt vào một ngõ nhỏ. Chẳng ai biết tại sao lại gọi nó là Tiến “Thọt”, vì chân nó dài và thẳng tắp. Tiếng còi “toét, toét” vẫn đuổi theo. Tiến Thọt chạy vào một căn nhà lụp xụp. Cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm, thấy Tiến Thọt, ông bố hỏi: “Ơ, cái anh kia, xông vào nhà người ta ăn cướp hay sao thế này?”. Tiến Thọt rút lưỡi lê trong bụng ra: “Ai bảo tôi ăn cướp hả? Tôi đánh nhau bị người ta đuổi. Lê đây này”. Ông già dẫn Tiến Thọt vào gian nhà trong ngồi. Lát sau, một cô bé chừng 15 tuổi vào bảo Tiến: “Người ta đi hết rồi, anh về đi”. Tiến Thọt nhổm dậy, toan đi ra, nhưng cô bé giữ lại, ra hiệu cho Tiến Thọt đi cửa sau. Tiến Thọt lội ruộng, tắt đường Kim Liên về khu Nam Đồng.

Nhưng Anh Sơn bị bắt.

Buổi chiều hôm đó mua được mười ba vé xem phim thì Anh Sơn giữ tám, Tiến giữ hai, Việt, Hoàng và Ngọc mỗi đứa cầm một cái. Tiến nhường hai vé cho Hà Tư vì nó đã hẹn hò với Hoàng Yến. Biết Anh Sơn bị nhốt ở Đồn 41 phố Khâm Thiên, và bác nó là thiếu tá Công an khu Đống Đa sẽ xuống để can thiệp, Hòa nảy ra sáng kiến lên đồn xin lại số vé Anh Sơn đang cầm. Hòa gặp trực ban, vừa trình bày, lập tức bị giữ lại để điều tra. Trước sau Hòa vẫn một mực: “Nhà cháu cạnh nhà Anh Sơn. Chiều cháu bận học ở nhà nên gửi tiền nhờ nó mua vé hộ”. Hòa bị giữ tới 11 giờ đêm. Khi được thả, đã thấy Minh chờ sẵn, thông báo: “Việt, Hoàng và Ngọc bị bắt rồi. Mấy tay thương binh dẫn công an mật tới phục ở cổng khu, sau đó theo ba thằng tới tận rạp Đống Đa. Họ vào ngồi ngay sau bọn Việt, nghe hết những gì ba thằng nói về những chuyện xảy ra lúc chiều. Mấy ông công an chờ chiếu hết cuốn hai mới lấy khóa số 8 ra còng tay ba đứa. Tức nhất là có một bọn đứng bên ngoài, thấy ba thằng bị đưa ra khỏi rạp, nhảy vào đánh hôi. Quân mình bị còng nên đành chịu trận, bị đánh đau lắm”. Hòa nghĩ bụng: “May mà mình không đòi được vé. Nếu đòi được, chắc lúc này cũng bị nhốt trong nhà giam rồi. Chẳng biết bọn Việt tối nay có dắt dao theo không, nếu có lại thêm nặng tội”.

Minh bảo: “Thằng nhỏ hồi chiều bị hai ông thương binh đánh vì ăn cắp, thành ra bọn mình bị kết tội bao che cho bọn ăn cắp, dùng hung khí đâm các anh thương binh. Đúng là làm phúc phải tội!”.

2

Anh Sơn không biết nhờ bác nó làm ở Công an khu Đống Đa can thiệp, nên nó mới được xếp vào phòng “kinh tế”, nơi giam các phạm nhân tham ô, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Hầu hết phạm nhân phòng này là cán bộ nhà nước. Vì vậy, nó tránh được trận đòn dằn mặt. Anh Sơn chưa bao giờ trải qua thủ tục “nhập phòng” trong trại giam nên không cảm nhận được giá trị của việc này. Nếu nó bị nhốt cùng phòng với bọn đầu gấu như Bích và Quang Anh sau này, nó sẽ hiểu cuộc đời nó đêm nay sướng hơn tiên.

Ở trong phòng giam chưa đầy một ngày, Anh Sơn đã thấm thía câu nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Với bản chất hiếu động, ngang tàng, việc bị nhốt trong bốn bức tường, đối với nó quả là một cực hình. Vô cùng bức bối. Nó thấy như có hàng ngàn con kiến đang bơi trong máu, cắn xé tứ tung lục phủ ngũ tạng. Cả đêm nó không ngủ, vì mệt, vì rét và vì đói. Từ chiều tới giờ Anh Sơn đâu có ăn gì. Nó cũng không đủ can đảm để hỏi mấy người lớn tuổi trong phòng xem có cái gì ăn không. Một tối bị đói, chưa đủ khiến người ta thành kẻ ăn xin. Nó chưa đói đến mức sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả giật miếng ăn trên mồm người khác như những đứa từng ở tù ra kể. Và để dằn cơn đói, nó nhớ tới Lệ Dung. Kỷ niệm về Lệ Dung như một dòng nước mát, nhẹ nhàng lan tỏa trong tâm hồn, làm nó quên đi sự cồn cào trong bụng.

Má Trâm Anh của Anh Sơn và cô Tân – mẹ Lệ Dung – là bạn thân từ khi còn ở chiến khu Việt Bắc, thời kháng chiến chống Pháp. Cả hai gia đình cùng chuyển về khu tập thể Nam Đồng khi khu vừa mới xây xong. Sau này ai hỏi Anh Sơn lần đầu yêu khi nào, nó khăng khăng mình yêu từ năm bảy tuổi, ngay khi nó nhìn thấy Lệ Dung, với cái áo cánh màu nâu làm nổi bật làn da trắng mịn và mái tóc dài óng mượt như một dòng suối. Sự rung động mơ hồ, lưu luyến trong giây phút ấy theo nó suốt cuộc đời. Hàng chục năm sau, mỗi khi gặp Lệ Dung, nó vẫn còn nguyên cảm giác xao xuyến đó, cảm giác nó không bao giờ có với ai.

Tình-yêu-bảy-tuổi của Anh Sơn kéo dài suốt năm lớp Một, chuẩn bị chuyển sang tình yêu tám tuổi thì chiến tranh ập đến. Sau vụ Mỹ ném bom Thanh Hóa ngày 3 tháng Tư năm 1965, tất cả học sinh phải đi sơ tán. Anh Sơn và Lệ Dung mỗi người một ngả. Sự xa cách là một thử thách vô cùng khắc nghiệt đối với tình yêu, nhất là khi người ta còn bé. Anh Sơn nhanh chóng quên Lệ Dung. Đúng hơn, nó quên tình yêu của mình. Thời gian này, Anh Sơn vớ được cuốn “Bỉ Vỏ”, một cuốn truyện làm nó đặc biệt say mê. Nó mơ ước sau này sẽ trở thành một đại ca ngang trời dọc đất như “Năm Sài Gòn”. Trong bốn năm sơ tán, nó nổi danh khắp trại là một thằng hay nghịch ngợm, đánh nhau. Nó nhớ một lần đã đánh cho thằng Minh Dũng ở Nhà 8 một trận nên thân. Dù Minh Dũng gây sự với nó trước, nhưng cô giáo không quan tâm tới nguyên nhân. Thằng nào bị đau hơn, thằng đó vô tội. Kết quả khi má Trâm Anh lên thăm, cô giáo mách má và Anh Sơn bị vụt mấy roi.

Tác giả: