Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Khi Hòa và Giang Cận phát hiện xung quanh có đông người thì đã bị vây vào giữa. Hòa cũng hơi hoảng vì bọn kia quá đông. Nó gạt mấy đứa đứng gần, nói: “Bọn tao ở trong khu tập thể Nam Đồng, tránh cho bọn tao đi”. Nhưng bọn kia không tránh. Một thằng đứng phía sau dùng một thanh tre vụt vào chân Hòa, cũng khá đau. Hòa nổi khùng, cao giọng: “Nếu chúng mày đánh bọn tao thêm một cái nữa, ngày mai tao sẽ tìm và xử từng thằng một”. Bọn “giặc làng” nhìn nhau, rồi một thằng lại lấy gậy vụt vào chân Giang Cận. Giang Cận quay ngoắt lại, nhảy bổ vào giật cây gậy, nhưng hai thằng đứng cạnh vụt hai phát vào tay nó. Hòa nhảy vào đỡ, bị vụt luôn mấy gậy. Nó bảo nhỏ Giang Cận: “Bọn này đông lắm, tao với mày chạy đi, về gọi bọn thằng Việt. Tao chạy trước, về khu, để thu hút chúng nó. Khi chúng đuổi tao, mày chạy ngược sang khu Kim Liên chờ. Bọn tao xử bọn này xong qua đón”. Giang Cận gật đầu. Hòa cắm đầu chạy. Đất ném theo ào ào, có mấy viên trúng đầu và người.

Về tới nơi, Hòa thông báo ngay cho Việt, Hoàng, Ngọc và Quốc Tẩm. Vì sợ Giang Cận bị kẹt bên khu Kim Liên, cả bọn vội vàng lấy vũ khí, phóng ra bãi đất sau Nhà 7 thì gặp Giang Cận. Nó không chạy sang khu Kim Liên như thỏa thuận với Hòa mà cứ lẳng lặng đi về khu Nam Đồng. Xưa nay nó chưa bao giờ vì sợ bị đánh mà bỏ chạy. Tính Giang Cận khi đã tức lên là rất lỳ. Nó chấp nhận bị đánh chứ không chạy. Tất nhiên nó bị bọn “giặc làng” đánh khá đau, bị cướp đôi dép đúc, và tệ hơn cả là bị cướp mất chiếc bút máy Ngọc Bích tặng hồi sơ tán. Hòa bảo: “Tao đã nói chạy đi, sao mày ở lại để bọn nó đánh thế này?”. Giang Cận lầm lỳ không nói. Việt bảo: “Đi, tìm đập bỏ mẹ mấy thằng này đi”. Quốc Tẩm hỏi: “Có cần về gọi thêm người không? Có mấy thằng bọn mình mà đánh cả làng nó à?”. Việt rút lưỡi lê CKC ba cạnh ra: “Về gọi thêm được người thì chúng nó chạy mất. Tao nghĩ năm thằng mình là đủ”. Cả bọn lùng sục khắp nơi mà không thấy một ai. Hòa hỏi Giang Cận: “Mày có nhớ mặt thằng nào không?

Ngày mai đi học, để ý đoạn đường từ Bệnh viện Đống Đa tới Đình Nam Đồng, thể nào cũng gặp một vài thằng trong bọn này.”. Giang Cận nhìn Hòa, gật đầu.

Sáng hôm sau, trên đường đi học, ngang qua ngã ba, chỗ rẽ vào Bệnh viện Đống Đa, Giang Cận túm ngay ngực một thằng đang tập thể dục: “Có nhớ tao tối hôm qua không?”. Mồm nói, chân nó lên gối đánh “hự” một cái vào bụng, thằng kia ngã quay lơ ra. Giang co chân đá hai phát cực mạnh bằng đôi giày bộ đội “Cô-sơ-ghin” làm bằng da trâu to sụ, nghe rắc rắc, chả biết cái gì gãy hay vỡ. Đi một đoạn nữa, Giang Cận lại túm ngực một đứa nữa: “Ê, giặc làng, có nhớ tao không?”. Hòa còn nguyên cơn giận tối qua, thả chiếc búa đinh nhỏ giấu trong tay áo trượt ra, vụt luôn. Hòa lần đầu dùng búa đánh người nên không lường được nặng nhẹ. Nó thấy thằng kia ôm đầu, cũng không thèm nhìn lại. Giang Cận có trí nhớ cực tốt. Trong khi Hòa chưa nhận ra ai thì Giang Cận phát hiện thêm bốn đứa nữa. Giang Cận nhận mặt được thằng nào, Hòa xông vào đánh thằng đấy. Nó vẫn chưa nguôi cơn tức tối qua. Nhưng cái chính là nó áy náy chuyện vì nó mà Giang Cận bị đòn và mất chiếc bút máy Ngọc Bích tặng.

Tan học về, tới Đình Nam Đồng, một ông lão khoảng sáu mươi chặn cả bọn lại: “Các anh cho bác hỏi, con bác làm gì sai mà sáng nay các anh đánh nó vỡ cả đầu, phải khâu sáu mũi”. Việt trả lời: “Con ông hôm qua ra sau khu tập thể Nam Đồng đánh người, cướp dép và bút của bạn tôi. Ông về dạy nó đi. Nếu ông không dạy được thì để bọn tôi dạy. Bao giờ nó cắt chỉ xong bọn tôi lại đánh tiếp, đánh cho nó chừa thói ăn cướp”. Ông già chạy theo nài nỉ: “Thôi, các anh cho bác xin, để bác bảo ban em”. Giang Cận bảo: “Ông bảo nó muốn sống thì nói đồng bọn sáng mai mang bút và dép ra trả tôi. Chúng tôi biết nhà ông rồi. Chúng tôi sẽ đánh nó cho đến khi lòi dép và bút ra”.

Việt bảo: “Nhân tiện, báo cho ông và tất cả cái đám giặc làng nhà các ông biết, từ tối nay, nếu con cháu các ông còn tụ tập ra sau khu Nam Đồng, chúng tôi sẽ đánh cho mất xác”.

Cả bọn hỷ hả và tin rằng đã cho bọn giặc làng một bài học đích đáng, không để ý có hai người mặc thường phục đứng gần lặng lẽ quan sát và sau đó theo cả bọn về tận nhà. Chiều hôm đó, Công an khu Đống Đa đi cùng anh Thắng và Công an đồn Nam Đồng vào nhà Việt, nhà Giang Cận, triệu tập hai đứa lên đồn vì tội đánh người gây thương tích.

3

Việt khá nhiều kinh nghiệm vào đồn công an nên rất bình tĩnh. Nó một mực khai không biết gì hết ngoài chuyện nghe mọi người kể đêm qua các thanh niên hư hỏng trong làng trấn lột tài sản của các bạn khu tập thể Nam Đồng. Nó viết trong bản tường trình, mình là người vô tội, không đánh bất kỳ ai, chỉ khuyên bảo ông già về dạy con cháu, trả lại đồ ăn cướp. Khi được hỏi ai đánh hai người đến mức phải đi bệnh viện cấp cứu, một người khâu sáu mũi ở đầu, một người đến giờ vẫn phải nằm viện để theo dõi vì nôn ra máu, Việt một mực không biết, không nghe và không nhìn thấy ai đánh. Nó cam kết khi về, nếu có được tin tức gì sẽ báo cho công an ngay. Chắc chắn mấy anh công an không ai tin nó, nhưng vì không có chứng cứ nên phải chấp nhận ghi lời khai như vậy.

Trong khi hai thằng bị bắt, Hòa rủ gần hai chục đứa, chiều hôm đó mặc quần áo bộ đội xanh rì nhưng không mang theo vũ khí, đi đi lại lại dọc phố Nam Đồng. Nó bảo: “Mình đi thế này để thị uy, dằn mặt những thằng muốn đến đồn công an làm chứng”. Đi chán, mỏi chân, cả bọn kéo đến nhà thằng bị khâu sáu mũi, tụt dép kê vào đít, ngồi la liệt trước cửa. Hòa nói: “Bây giờ công an đang theo dõi, chưa đánh được, nhưng về sau kiểu gì cũng phải xử bố con thằng này. Nó lừa cho bọn mình lộ mặt để công an thu thập chứng cứ bắt giữ”. Sở dĩ Hòa tự tin ngồi đây vì hai điểm. Thứ nhất, nó đánh nhanh và gọn, ngoài Giang không ai biết nó đánh. Hơn nữa, sẽ chẳng ai ngờ cái thằng đang bị công an truy lùng lại dám đến ngồi lù lù trước cửa nhà nạn nhân. Nó bảo: “Mình không mang vũ khí, không gây rối, chỉ ngồi nghỉ do mỏi chân thì công an cũng chẳng làm gì được mình”. Cả bọn ngồi thị uy chán, đến khi chuẩn bị về thì ông già ban sáng ra, đưa một đôi dép đúc với cái bút máy và nói: “Chúng tôi đã tra hỏi các cháu, đúng là đêm qua chúng nó cướp của các anh thật, nên đã động viên các cháu trả lại đồ cho các anh. Nhưng chỉ tìm thấy đôi dép, còn cái bút không biết đứa nào lấy. Thôi thì nhà tôi có chiếc bút máy còn mới, xin đền cho các anh”. Hòa cầm cây bút, lễ phép nói với ông già: “Thưa bác, chuyện đã qua rồi. Anh em chúng tôi vì bức xúc nên cũng có điều không nên không phải. Nay xin bác làm cho một bản cam kết, trong đó nói bác trả lại đồ cho bọn tôi và đề nghị từ nay hai bên không đánh nhau để chúng tôi lấy làm căn cứ hòa giải lâu dài”.

Nhìn hai chục thằng mặt mũi hầm hầm đang ngồi trước cửa nhà, muốn tìm cách đuổi đi không được, nay lại có thằng nói năng lễ phép, xin giảng hòa lâu dài, ông chủ nhà đồng ý ngay. Hòa đưa luôn bút cho ông và đọc cho ông ta viết: “Tôi, Nguyễn Văn Ân, xin trả lại cho các anh ở khu tập thể Nam Đồng một đôi dép đúc và chiếc bút máy tối qua các cháu trong làng có cầm của các anh. Tôi cam kết sẽ nhắc nhở con và các bạn của cháu rút kinh nghiệm, không sang khu Nam Đồng làm những việc như vừa rồi nữa. Các anh ở khu tập thể Nam Đồng bằng lòng bỏ qua sự việc. Từ nay hai bên đoàn kết”.

Khi ông già ký xong, Hòa đút luôn tờ giấy vào túi. Nó không ký tên, cũng chẳng làm hai bản để mỗi bên giữ một theo đúng kiểu hiệp định đàm phán hòa bình. Quốc Tẩm hỏi: “Làm thế để làm gì?”. Hòa giảng giải: “Đây là bằng chứng bọn giặc làng đánh người, ăn cướp. Mình đem đến đồn công an cùng tang vật để đòi người”. Khanh nói: “Mình đừng lên đồn. Công an họ chả coi mình ra gì đâu, có khi còn bắt vào tra hỏi. Bảo bố thằng Giang Cận và bố thằng Việt mang những tang vật này lên đòi con. Công an không thể giữ người chỉ vì họ bị ăn cướp”. Hòa đồng ý nhưng bảo: “Đừng nói với bố thằng Giang Cận. Cứ để bố Việt xin cho cả hai thằng về. Bác ấy có nhiều kinh nghiệm trong việc xin con ra khỏi đồn công an”.

Cả bọn làm đúng theo kế hoạch. Hòa phân công Quốc Tẩm lên báo cho bác Trường. Nó giải thích: “Bác Trường luôn nghĩ tao không bao giờ đánh nhau, nên tao phải tránh xa các loại việc như thế này để giữ hình ảnh đẹp, phòng khi có việc còn đến xin cho thằng Việt đi chơi. Bác Trường nói gia đình chỉ yên tâm khi thằng Việt đi với tao”. Đính châm chọc: “Đúng là giao trứng cho ác!”

Khi bác Trường lên đồn cũng là lúc Việt chuẩn bị được công an cho về, nhưng Giang Cận thì bị giữ lại. Giang Cận khai rõ ràng chuyện xảy ra tối qua, và nhận sáng nay đã xử lý thằng hôm qua đánh nó chín cái (trong đó vụt năm gậy, đấm ba cái và ném một hòn đất). Vì thằng này đang hôn mê, nên công an quyết định giữ nó lại. Giả dụ nó cứ khai như Việt thì đã được về từ lâu. Nhưng tính Giang Cận rất đàng hoàng. Nó không thích nói dối. Chẳng biết có phải làm Bí thư Chi đoàn lâu, nói thật mãi thành quen không? Về chuyện này, bọn con trai Nam Đồng chẳng ai đồng tình với Giang Cận. Chúng bàn bạc với nhau thành bài thành bản phải trả lời ra sao khi bị công an bắt, mà nguyên tắc tối thượng là nếu công an không có bằng chứng thì phải chối ngay, còn công an có bằng chứng cũng vẫn phải chối đến cùng chứ không nhận tội. Việt theo nguyên tắc đấy nên được ra, còn Giang Cận khai thật nên bị nhốt trong đồn. Ông đồn trưởng cao giọng: “Nếu nạn nhân có vấn đề gì, cậu này còn phải đem truy tố”. Nhưng không phải Giang Cận trung thực trăm phần trăm. Nó không khai Hòa. Nó chỉ nói tối qua có một người bạn cũ tên Hoa, quen hồi sơ tán, chẳng biết nhà ở đâu, đến chơi với nó, và sau đó là nó kể hết sự thật… trừ cái đoạn Hòa bổ búa vào đầu con nhà người ta.

4

Cô Uy dạy môn Lịch sử. Cô có khuôn mặt đẹp nhưng người thì to béo, bệ vệ. Nhìn cô, Giang Cận nghĩ tới một con lật đật. Nó cặm cụi ngồi vẽ. Cả lớp có hai đứa vẽ đẹp là Minh và Giang Cận. Từ hồi học lớp bảy tới giờ, chúng nó luôn tham gia vẽ báo tường cho lớp. Con lật đật Giang Cận vẽ, có cái mặt rất xinh, trông giống cô Uy. Giang Cận chuyển cho Minh xem, Minh bổ sung thêm cái nốt ruồi đặc trưng bên mép cô giáo. Đúng là một nét chấm thiên tài. Chỉ với cái nốt ruồi đó, những người không gặp cô Uy sau nửa thế kỷ cũng nhận ra cô. Thằng Đỗ, Phó Bí thư Chi đoàn ngồi cạnh Minh, ngó sang và gật đầu lia lịa.

Tác giả: