Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Hồ Biền nói nhẹ nhàng, nhưng đầy quyền lực. Ba thằng bị đòn đau, đang muốn xông vào ăn thua đủ với Bích và Hoàng, lập tức dừng lại, lễ phép lùi ra xa. Hồ Biền, mặc một chiếc áo bạc màu của lính Mỹ (thời này các phạm nhân bị nhốt trong Hỏa Lò có gì mặc nấy chứ không mặc quần áo tù sọc xanh trắng như trong phim), bước tới chỗ hai đứa, ngồi xuống, hỏi Bích, giọng Nam Bộ đặc sệt:

– Chú mày vào đây vì tội gì?

Bích ngần ngừ, định không trả lời, nhưng trước giọng nói trầm khan đầy uy lực của Hồ Biền, nó đáp, cũng bằng giọng miền Nam:

– Đâm người.

– Sao đâm?

– Nó hỗn.

– Sống hay chết?

– Tôi đang mong nó sống.

– Nhà chú mày ở đâu?

– Quân khu Nam Đồng!

Cả phòng có mấy tiếng “ồ”. Nhìn hai cái áo bộ đội Bích và Hoàng mặc, Hồ Biền hất hàm hỏi Bích:

– Chú có dám một đánh một với anh không? Ai thua phải nằm cạnh hố xí.

– Tôi không muốn đánh ai cả. Nhưng nếu bắt tôi nằm cạnh hố xí thì một chứ mười ông tôi cũng đánh. Chỉ có điều thua tôi cũng chẳng nằm cạnh hố xí đâu.

Hồ Biền chăm chú nhìn Bích:

– Sao chú mày dám nói vậy?

– Bởi vì muốn bắt tôi nằm cạnh hố xí, ông phải đánh chết tôi. Lúc đó tôi sẽ ra nghĩa địa nằm.

Mắt Hồ Biền lấp lánh, nửa như giận dữ, nửa như cười cợt:

– Hừ, đúng giọng con nhà lính. Ông già chú mày là bộ đội hả?

– Ông có biết ở khu tập thể Nam Đồng có thằng con nào bố không là bộ đội không?

– Ông già đang ở đâu?

– Chiến trường Lào. Năm năm nay chưa về.

Hồ Biền lẩm bẩm: “Con nhà lính, thiếu bố, tự do và lếu láo tợn”, rồi chỉ vào một góc cao:

– Hai thằng mày lên đó nằm – Hắn nhìn một ông già nhỏ bé, cụt tay, ra lệnh: “Ông Sinh, sắp chỗ cho chúng nó!”.

Nhờ lệnh Hồ Biền, hai thằng thoát nạn. Chẳng biết có phải trong thời chiến, dù ở đâu, những người lính cũng được tôn trọng hơn? Và ngay cả trong tù, con em họ đôi khi cũng được bạn tù ưu ái? Chỉ biết hôm đó, nhờ Hồ Biền có thiện cảm với hai đứa mà Bích và Hoàng thoát nạn. Một tháng sau, Hồ Biền được đưa đi, không ai biết đi đâu? Ông Sinh – một tay buôn thuốc phiện, tiếng nói khá trọng lượng trong phòng giam, tiếp tục che chở cho bọn chúng.

Sau hai tháng, Hoàng được thả, nhờ chính sách “Hậu phương quân đội”. Quốc Tẩm không thuộc diện ưu tiên nên bị nhốt thêm một thời gian nữa. Lượng bị xử nặng nhất, vì nó là đầu vụ.

Ngày Hoàng được tha, đợt khám nghĩa vụ đầu tiên của năm 1975 chuẩn bị bắt đầu. Hoàng rủ Minh viết đơn xung phong nhập ngũ. Hai đứa không thuộc đối tượng khám nghĩa vụ quân sự, vì là con em cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, lại có bố đang ở chiến trường, nên phải viết đơn xung phong. Tuy cùng tuổi “Dậu”, nhưng Hoàng sinh tháng Mười hai năm 1957 nên được nhận, vì chỉ thiếu… tháng, còn Minh bị trả lại đơn, vì nó sinh tháng Một năm 1958, nghĩa là thiếu năm.

Quốc Tẩm được thả khi đợt tuyển quân sắp kết thúc. Nó làm đơn xung phong đi bộ đội luôn. Đính thấy Quốc Tẩm viết đơn, vỗ vai nó, nói quân đội không chứa chấp bọn mới ra tù. Quốc Tẩm gân cổ cãi. Làm gì có luật nào cấm người đã từng bị phạt giam đi bộ đội? Nếu quân đội không nhận nó, sao lại nhận Hoàng? Không cho nó đi, nó sẽ kiện. Quốc Tẩm chỉ im khi Hoàng phân tích: “Mày ló mặt vào phòng khám sẽ bị đuổi ra ngay, vì ghẻ đầy người. Không ai nhận vào quân đội một tổ ghẻ để lây lan ra toàn quân. Hôm trước, thằng cùng khám với tao cũng bị loại vì ghẻ”. Quốc Tẩm ngạc nhiên, không hiểu sao Hoàng biết nó ghẻ. Nó năn nỉ Minh đi khám hộ. Ai chứ Minh, chỉ cần nhìn đã biết thừa sức khỏe.

Minh vào phòng, cán bộ tuyển quân hỏi nó:

– Họ và tên?

– Tạ Minh Quốc… à, Đặng Minh Quốc.

Anh cán bộ nhìn nó:

– Họ tên cha?

– Đặng… Quân?

– Đặng gì Quân?

Minh toát mồ hôi. Nó nhớ hình như ngày xưa bố Quốc Tẩm tên là Dật Tu. Khi đi kháng chiến, các thủ trưởng nói tên đấy xấu, nên đổi thành Quân. Nhưng chắc chắn không phải “Dật Quân”, còn là cái gì Quân thì nó không nhớ? Hình như là Thanh Quân hay Hoàng Quân gì đó.

Nó trả lời liều:

– Hoàng Quân.

Anh cán bộ nhìn tờ giấy trên bàn, cau mặt:

– Anh nói cái gì?

– Tên ông bà đặt cho bố tôi là Hoàng Quân, nhưng đi bộ đội thì đổi thành Thanh Quân. “Hoàng Quân” nghĩa là… lính mặc áo vàng, trong khi bộ đội mình mặc áo xanh. “Thanh” nghĩa là “xanh”, như “thanh thiên” là trời xanh. Anh hiểu không?

Anh cán bộ gật gù, ra vẻ hiểu biết và hỏi tiếp:

– Họ tên mẹ?

– Mẹ Thủy.

– Họ gì?

Minh luống cuống. Nó nhìn thấy Quốc Tẩm ngoài cửa sổ đang tròn mồm ra hiệu, nhưng không dịch nổi khẩu hình. Nó hỏi lại:

– Mẹ anh tên gì?

Anh cán bộ khám tuyển hơi bất ngờ, nhưng cũng trả lời:

– Mẹ tôi tên Xuân.

– Mẹ anh họ gì?

– Anh đùa tôi đấy à?

– Tôi lại nghĩ anh đang đùa tôi. Hỏi con người ta họ của mẹ nó là gì…? Đúng là xúc phạm!

Quốc Tẩm ở ngoài lo lắng, hét toáng lên:

– Anh cán bộ gì ơi, cho tôi hỏi, trong này có chị Nguyễn Thị Quân không?.

Anh cán bộ tuyển quân cau mặt, rời bàn, ra bảo Quốc Tẩm: “Anh kia, trật tự!” và khép cánh cửa lại. Chờ anh quay về chỗ, Minh nhẹ nhàng:

– Tên mẹ tôi là Nguyễn Thị Thủy, anh còn hỏi gì nữa không?

– Đủ rồi, mời anh sang phòng bên khám.

Minh khám vèo một cái là xong, tất nhiên không có con ghẻ nào, sức khỏe đạt loại A1. Quốc Tẩm mời Minh với Hoàng đi uống nước chè và đãi mỗi đứa một điếu “Điện Biên” bao bạc. Hoàng bảo Quốc Tẩm: “Tao còn ít thuốc ghẻ. Lát về tao cho. Nhưng mày nên kiếm mấy nắm lá xoan, nấu nước tắm, và sát vào chỗ ghẻ. Bệnh này chữa khó phết đấy. Hồi mới ra, tao cũng bị ghẻ tứ tung”.

Việt – Hương

Vì Lượng, Quốc Tẩm, Hoàng bị bắt nên cũng có đứa bàn hoãn lại việc thăm Nam Diễm và Việt một tuần để chuẩn bị đồ tiếp tế, nhưng Hòa vẫn quyết đi. Nó bảo có cái gì mang theo cái đó, chủ yếu mang cho Nam Diễm thôi. Suy cho cùng, có thằng nào chủ động về kinh tế đâu, hoãn một tuần chứ hoãn mười tuần cũng vậy. Lượng quý Việt, muốn tiếp tế cho Việt thật đàng hoàng nên mới làm một vụ động trời như thế. Hòa rất áy náy, xưa nay nó vẫn được coi là có cái nhìn bao quát, có khả năng linh cảm được các việc, thế mà lần này nó chả biết gì. Nếu nó biết, chắc chắn nó sẽ cản Lượng, hoặc chí ít cũng cản Hoàng và Quốc Tẩm vác đồ ăn cắp ra bán ở chợ trời. Quân khu Nam Đồng xưa nay chưa bao giờ dính vào vụ nào kiểu này. Tuy không đảm bảo một trăm phần trăm cả khu không có đứa nào tắt mắt, nhưng trèo tường phá khóa nhà người khác lấy đồ đem bán thì không bao giờ. Sống ở khu Nam Đồng, chúng nó vẫn mang trong người dòng máu kiêu hãnh của con nhà lính. Chúng có thể đánh nhau với cả thiên hạ, nhưng không phải là những thằng ăn cắp.

Sáng Chủ nhật, mấy thằng bắt xe khách lên Nhổn thăm Nam Diễm. Chờ ở trạm đón tiếp mãi, trực ban mới gọi Nam Diễm ra. Tán phét một hồi, cả bọn gửi quà lại rồi lên Trung Hà thăm Việt. Thực ra Hòa rất muốn ở lại chén một bữa cơm để xem độ tả thực của Nam Diễm tới đâu, có điều “lính tráng có suất” nên Nam Diễm cũng chả có cơm để mời. Nhưng đến đơn vị Việt thì khác. Việt biết tin bọn nó lên thăm nên đã báo cáo đại đội trưởng trước và xin nghỉ tiếp khách. Không biết Việt tán thế nào mà anh nuôi bố trí cho cả bọn một bữa cơm khá ngon, có thịt lợn rang, cá diếc kho và canh cua. Hòa phán: “Ở đây ăn còn ngon hơn nhà tao”. Việt nói: “Chúng mày là khách nên thế thôi. Hàng ngày bọn tao không được ăn ngon như thế này, nhưng cũng no bụng. Tao báo cáo với đại đội trưởng, chúng mày ở khu Nam Đồng lên, toàn con cái tướng lĩnh nên đồng chí ấy cũng muốn thết đãi chu đáo”. Ði bộ đội có mấy tháng mà nhìn Việt rắn rỏi hẳn lên. Chỗ ở của nó cực kỳ ngăn nắp, gọn gàng. Chăn màn gấp vuông chằn chặn. Ăn xong, Việt dẫn cả bọn ra nhà khách của đơn vị tán phét. Tới 4 giờ chiều, mọi người phải ra bến xe để bắt kịp chuyến cuối cùng về Hà Nội. Việt hỏi Hòa: “Mày ở lại với tao đêm nay được không? Tao có chuyện muốn hỏi ý kiến”. Hòa ngần ngừ một lát rồi nhận lời. Nó nhờ Đính về báo với bố mẹ và xin giấy viết một cái thư xin phép nghỉ học sáng hôm sau vì… ốm.

Tối đó, Hòa vào doanh trại ăn cơm cùng với Việt. Sáu người một mâm. Nó thấy Nam Diễm hơi cường điệu khi tả mâm cơm bộ đội. Thực ra so với cơm nhà Hòa cũng một chín một mười, nhưng nhiều cơm hơn. Ăn xong, hai đứa ra nhà khách Trung đoàn. Gọi là nhà khách, nhưng chỉ có hai gian nhà lán ở lưng đồi, dưới một gốc cây trám to. Quân ở Nhà 8 khu Nam Đồng, đi bộ đội cùng đợt với Việt cũng ra ngủ cùng. Ba thằng nằm tán phét được một lúc thì trời đổ mưa. Mưa mỗi lúc một to. Mưa phủ lên ánh trăng rằm, biến không gian thành một màn ghi tối. Gió thổi ào ào. Lần đầu tiên Hòa được thưởng thức cảnh mưa rừng. Mưa mới một lát nhà đã dột tứ tung. Việt và Quân lấy ni lông che, nhưng căng kiểu gì cũng vẫn bị ướt giường. Ba thằng bó gối ngồi dồn một chỗ. Hòa nói: “Thích thật. Tao chưa bao giờ được ngủ rừng thế này”. Quân cười: “Rồi sẽ đến lượt. Chẳng ai biết chiến tranh sẽ kéo dài đến bao giờ”. Tới nửa đêm thì mưa ngớt. Quân lăn ra ngủ. Việt ngồi kể với Hòa chuyện của Hương.

– Tháng trước, Hương lên thăm tao. Bọn tao nói rất nhiều chuyện. Thú thật, khi yêu mình chỉ nghĩ làm thế nào để được yêu thôi, không nghĩ đến tương lai. Nếu không có chiến tranh, mọi chuyện sẽ bình thường. Nhưng chiến tranh buộc mọi người phải suy tính. Tao nói với Hương: “Chắc một hai tháng tới bọn Việt phải vào Nam. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng. Đi lính chẳng ai biết đến bao giờ mới về. Có thể dăm năm, cũng có thể chục năm, cũng có thể chẳng bao giờ. Việt không sợ, không bi quan, nhưng Việt không muốn Hương phải khổ. Con gái có thì… Rồi nữa, nếu sau này giải phóng miền Nam, Việt sẽ phải theo ba má vào Nam, trong khi cả nhà Hương ở ngoài này… Hay là hai đứa mình chia tay?”. Hương tròn mắt nhìn tao. Tao giải thích rõ với Hương: Bắc – Nam tuy cùng một nước, nhưng lại ngăn cách bởi chiến trường, có phải Hà Nội với Trung Hà đâu mà thích thì lên thăm nhau. Chưa kể xinh như Hương, lúc nào cũng có bao người theo đuổi. Tao không muốn cả tuổi xuân của Hương phải sống trong đợi chờ. Tao nói với Hương điều đó, vì yêu Hương, yêu hơn yêu bản thân mình. Tao biết sẽ rất đau khổ. Nhưng tao chấp nhận, vì điều đó tốt cho Hương.

Tác giả: