Quân khu Nam Đồng – Bình Ca

Có vẻ như trong lớp có nội gián?

Buổi tối, Minh không nói với Giang Cận, lẳng lặng tới nhà cô Vân. Nó nhận với cô bức tranh do nó vẽ, không liên quan đến hai đứa kia. Nó xin lỗi cô về hành vi không đúng của mình, hứa sẽ không tái phạm và chấp nhận nhận kỷ luật. Cô Vân nói hai vấn đề: Thứ nhất, việc này toàn bộ Ban giám hiệu và các thầy cô đã biết, nên không còn là việc riêng của lớp 9D. Nếu không xử lý nghiêm thì học sinh các lớp khác sẽ học theo, gây nên phong trào đả kích, chống đối các thầy cô giáo. Đây là ý kiến chỉ đạo của thầy hiệu trưởng, không thay đổi được. Cô đã phải nhận lỗi trước Ban giám hiệu về việc ngày trước không làm nghiêm vụ học sinh chống đối thầy Toàn dạy văn, nên mới tiếp tục xảy ra các việc như hôm nay. Thứ hai, cô nghiêm mặt phê phán Minh đến giờ này vẫn còn không trung thực. Cô đã biết bức tranh đó là sáng tác của cả tập thể, trong đó Giang Cận vẽ con lật đật giống hình dáng cô Uy, Minh vẽ nốt ruồi đặc trưng của cô trên mặt, còn Ngọc vẽ thêm quyển Lịch sử. Khi nói đến bức tranh, mặt cô đang nghiêm bỗng phì cười. Cô bảo: “Sao các cậu vẽ giống thế. Tôi cứ nghĩ không hiểu khi vẽ tôi, các cậu sẽ vẽ thế nào?”. Minh phải cố kiềm chế để không nói: “Nếu cô muốn, hôm nào chúng em sẽ vẽ cho vài cái”.

Ngày hôm sau ba đứa làm xong bản kiểm điểm, thống nhất khai hết, nhưng trình bày rõ không có ý bôi xấu cô giáo, mà chỉ là nghịch ngợm trong giờ học. Bản kiểm điểm nộp hôm trước thì chiều hôm sau, Đỗ vào thông báo: cô Vân yêu cầu ba đứa làm lại, vì cô cho rằng chúng chưa thành khẩn khi phân tích khuyết điểm của mình, chưa có phương hướng sửa chữa cụ thể. Cô cũng cử Đỗ đến thông báo với bố mẹ ba bạn toàn bộ sự việc với tư cách Bí thư Chi đoàn.

Đỗ tỏ vẻ rất chia sẻ, đặc biệt với Giang Cận và nói: “Nếu các bạn không thích, mình sẽ không gặp bố mẹ các bạn, mà nói dối cô mình đã gặp rồi”. Minh bảo: “Ông là Bí thư, không nên vì chúng tôi mà thành người thiếu trung thực với cô chủ nhiệm. Tội bọn tôi làm, bọn tôi chịu. Ông cứ làm như cô yêu cầu. Đây là nhiệm vụ cô giáo giao cho ông nên chúng tôi không trách”. Quốc Tẩm đứng bên cạnh chêm vào: “Nếu do ông tự ý đến mách thì dù có bị đuổi học tôi cũng cho ông một búa vào đầu”. Minh đề nghị: “Riêng má thằng Ngọc đang ốm, ông có thể báo cáo cô có đến nhà nhưng bác ấy ốm, chưa nói được”. Ngọc không đồng ý: “Các ông bị gia đình biết thì tôi cũng phải bị. Mình cùng nhau làm thì cùng nhau chịu. Bà già tôi lúc nào chẳng ốm. Thôi, cứ cho bà chửi mấy câu”. Minh lẩm bẩm: “Bà già nhà ông mà lại chịu chửi có mấy câu. Phải chửi hàng tháng!”

Ngọc với Minh vốn không xa lạ với chuyện nghỉ ở nhà viết bản kiểm điểm, nên coi chuyện này cũng bình thường. Riêng Giang Cận có vẻ hơi sốc. Nó thông minh, ngoan và học giỏi nhất bọn, lại nhiều năm làm cán bộ lớp, vẫn đấu tranh nhắc nhở bọn trong khu phải cố gắng học tập, không đánh nhau, cố gắng phấn đấu vào Đoàn, nay bỗng dưng đùng một cái đằng sau quay, mất trắng tất cả. Ở đời làm gì có ai mất chức mà không buồn. Trông nó uể oải thấy rõ. Nhưng chỉ ba hôm, nó đã lấy lại phong độ. Giang Cận ngoan thật, nhưng trong người nó vẫn mang dòng máu con nhà lính. Nó lớn lên, cùng ăn, cùng chơi, cùng đi sơ tán với bọn khu Nam Đồng. Bố nó cũng là bộ đội, là bạn bè thân quen với bố bọn cùng lớp, làm sao nó khác biệt hoàn toàn bọn này. Tính Giang Cận cương cường và khẳng khái. Cách chức thì cách chức, nó bất cần. Đã chết đuối thì phải chết chỗ sâu. Những ngày sau, khi cả bọn đi đánh nhau ở đâu, nó đều có mặt. Nó dùng một cây búa, cán bằng gỗ lim, dài và nặng so với đầu búa nhỏ xíu, giấu trong ống tay áo bộ đội rộng lùng thùng. Khi đánh nhau, nếu không gay cấn thì nó cầm đầu búa và vụt bằng cán búa như dùng một cây gậy sắt. Nó giải thích lúc nào gay cấn mới phải cầm ngược lại.

Khi nhà trường thông báo quyết định kỷ luật Ngọc, Minh và cách chức Bí thư Chi đoàn của Giang Cận, cho Đỗ lên thay, có một người phản đối kịch liệt, đó là cô Uy. Cô nói, đây là chuyện nhỏ, chỉ cần nhắc nhở các em thôi, không nên nâng quan điểm, quy kết cho các em tội “coi thường thầy cô”. Theo cô, bức tranh rất đẹp, người vẽ thực sự có tài. Cô hoàn toàn không thấy mình bị xúc phạm trong chuyện này và xin bức tranh để mang về treo. Vì chuyện này, cô bị phê bình trong cuộc họp chi bộ.

Trận đánh cổng trường

1

Năm học 1973-1974 là thời điểm danh tiếng Quân khu Nam Đồng nổi như cồn. Nhưng không phải tất cả bọn con trai khu này đều tham gia đánh nhau. Có thể phân bọn chúng làm ba loại. Loại đông nhất, tất nhiên là những đứa “học sinh cá biệt”. Khối 9 tiêu biểu là 9D, với Việt, Hoàng, Hòa, Ngọc, Giang Cận, Minh, Đính, Khanh, Quốc Tẩm…, những lớp khác, từ 9A đến 9K, mỗi lớp góp vài thằng, nhưng về độ gai góc không hề kém cạnh, điển hình là Bích Bọp, Hà Tư, Thái Đen, Đôn Sẹo, Tuấn Mím…, khối 10 thì có Anh Sơn làm thủ lĩnh, với Tiến Thọt, Dũng “Bủn”, Dũng “Chột”, Minh Dũng, Khả Trung, Tân Thời… Bọn này hay đánh nhau, được coi là “đầu gấu”. Loại thứ hai, ngược lại, ngoan, học giỏi, gọi là bọn “Bôn sệt”, như Ngọc Sơn, Cao Sơn, Hồng Sơn, Hưng Sứt, Văn Hùng, Trọng Hiền… Bọn này phần do gia đình quản lý chặt, phần thì nhát, lại là cán bộ lớp, không bao giờ tham gia đánh nhau. Loại thứ ba, do còn quá lành như Quang Anh, Mặt Dày (gọi mãi quen mồm, ít người nhớ tên thật nó là gì nữa), hoặc đang phân vân chưa biết nên ngả về bọn Bôn sệt hay bọn “đầu gấu” vì vừa thích đánh nhau vừa tu chí vào đại học theo nguyện vọng của bản thân và dòng họ như Tùng Tán… Bọn này thường đi theo trong các cuộc đánh nhau và làm nhiệm vụ cầm hộ vũ khí, dần dà đa phần chúng nhập vào loại thứ nhất. Tóm lại, bọn Nam Đồng nghịch nhiều hơn ngoan, “đầu gấu” nhiều hơn Bôn sệt.

Việc Giang Cận gia nhập vào bọn “đầu gấu” kể ra cũng không có gì đáng nói. Với lực lượng dồi dào, chưa bao giờ bọn Nam Đồng kéo quân đi đánh nhau phải quan tâm đến chuyện thêm bớt một người. Nhưng Giang Cận xuất hiện làm tinh thần cả bọn phấn chấn. Thứ nhất, chúng thấy việc đánh nhau không phải là xấu nên cả nguyên Bí thư Chi đoàn cũng tham gia, (Khanh gọi là bỏ tà theo chính). Thứ hai, dù mới nhập bọn, nhưng khi đánh nhau Giang Cận luôn xông lên trước, và những cú ra tay nhanh gọn, quyết đoán của nó giúp cho các trận đánh kết thúc chóng vánh. Cuộc đời là vậy, những thằng hay đánh nhau chưa chắc đã học giỏi, nhưng những thằng đã học giỏi mà tham gia đánh nhau thì luôn mạnh mẽ và thông minh.

Nói theo kiểu Khanh: “Đến khó như học nó còn giỏi được, huống hồ dễ như đánh nhau!”.

Ngày đó Hà Nội có khá nhiều băng nhóm, nhưng đều nể mặt “Quân khu Nam Đồng”. Chúng quá đông, quá mạnh và đoàn kết. Không ai nghĩ thời gian này có bọn nào dám đến cổng trường Đống Đa hay cổng khu tập thể Nam Đồng gây chuyện.

Nhưng đúng lúc này lại xảy ra việc đánh nhau với bọn Hảo Bẹt. Nhiều năm về sau, mọi người vẫn gọi đây là “Trận đánh cổng trường”. Xét về các trận đánh lớn, nếu “Trận đánh trường Xã Đàn” được coi là trận đánh cuối cùng của thế hệ học sinh khóa 1972-1975 khu Nam Đồng, thì “Trận đánh cổng trường” có thể coi là trận đánh lớn đầu tiên.

Về lực lượng mà nói, Hảo Bẹt và hơn chục thằng đệ tử của nó ở khu Kim Liên không là gì so với bọn Quân khu Nam Đồng. Khi cần đánh nhau, lúc nào bọn khu Nam Đồng cũng có thể huy động vài chục thằng. Nhưng bọn Hảo Bẹt có lực lượng đáng ngại khác. Đầu tiên là một số học sinh miền Nam, con em cán bộ tập kết được gửi ra Bắc. Những học sinh này ở tập trung, được ưu ái vì là con em của những người đang chiến đấu nơi tuyến đầu, sống xa bố mẹ và gia đình. Bọn này khá ngang tàng, khi cần sẵn sàng chơi liều. Tiếp đến là các anh đồng hương. Các anh này hoặc ở trong các trại điều dưỡng, hoặc làm việc tại các cơ quan ở Hà Nội, tuổi còn trẻ, khi nghe tin em út của quê hương bị bắt nạt là sẵn sàng can thiệp. Một lý do khiến các băng nhóm miền Bắc ngại đánh nhau với các học sinh hoặc thương binh miền Nam là do họ xa nhà, xa quê nên tính cộng đồng rất cao, khi thấy có bạn bè hoặc đàn em cầu cứu, họ sẵn sàng nhảy vào bảo vệ, rất liều lĩnh. Mười thằng tham gia đánh nhau mà không quyết chiến, chẳng bằng một thằng liều lĩnh ra đòn.

Việt đã điều tra và biết rõ gốc gác của Hảo Bẹt nên nó rất thận trọng với bọn này. Một lý do nữa làm Việt không muốn đánh nhau với Hảo Bẹt, đó là Việt cũng như Hoàng, Minh, Ngọc… và rất nhiều đứa trong khu Nam Đồng, cũng là con cán bộ tập kết. Thâm tâm nó không muốn đánh nhau với con em cán bộ miền Nam.

2

Nhưng rồi trận đánh vẫn nổ ra vì một lý do lãng xẹt.

Hôm đó cả bọn mặc áo nâu đi học. Ban đầu do Việt có một cái sơ mi trắng đã ngả màu cháo lòng, mặc không được, bỏ thì tiếc vì chưa rách nên nó quyết định nhuộm nâu, giống màu áo Mai Hương. Không ngờ Việt mặc áo nâu với quần bộ đội nhuộm đen trông khá hợp mắt. Thế là cả bọn đua nhau lên cửa hàng nhuộm “Tô Châu” trên Ô Chợ Dừa nhuộm áo nâu quần đen, gọi là “thời trang anh Pha – chị Dậu”, hai nhân vật nông dân nghèo khổ trong văn học trước Cách mạng tháng Tám. Khanh đưa ra sáng kiến mỗi thằng kiếm thêm một đôi guốc mộc. Ngọc khéo tay, xuống xưởng cơ khí của trường, cắt một loạt tôn và sắt một ly, đóng vào gót các đôi guốc. Sáng hôm đó, gần hai chục thằng mặc áo nâu, quần đen, đi guốc mộc quèn quẹt vang đường theo nhịp hành quân một – hai – một – hai…, ai nhìn cũng thấy tức cười. Quang Anh thích chí, chạy theo nhập bọn. Thực ra Quang Anh cũng tầm tuổi bọn Việt, nhưng học lớp dưới.. Quang Anh nhút nhát, hiền lành, giọng nói ấm áp dễ thương, ai bảo gì cũng làm. Để cho nó cảm thấy mình cũng trong đội ngũ khi hành quân cùng chúng bạn, Việt lấy lê đang giắt trong người giao cho nó giữ. Thấy thế, Hòa, Hoàng, Minh… cũng tiện tay, dúi thêm vào cặp nó mấy cái búa. Vì cặp nặng nên Quang Anh khệ nệ đi sau. Đến gần cổng trường, chả biết trời xui đất khiến thế nào, nó đâm sầm vào xe đạp của Tu Sìn. Tu Sìn đang phóng nhanh nên ngã lộn xuống đường, khá đau. Quang Anh loạng choạng, cái cặp văng ra, dao búa loảng xoảng rơi xuống. Với bọn Việt và Hoàng thì Tu Sìn còn nể mặt, chứ Quang Anh nó đâu coi ra gì. Tu Sìn lồm cồm bò dậy, không thèm dựng xe, nhảy bổ vào Quang Anh, tay đấm chân đá. Quang Anh không dám chống lại, chỉ cố chịu đau, gom đủ số dao búa văng ra, chạy lên lớp báo Việt.

Tác giả: